QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 23:32 (GMT+7)
Sức mạnh của nhân dân trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi có ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn, để lại nhiều bài học quý báu; trong đó, bài học về phát huy sức mạnh của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã lật đổ chế độ thực dân phong kiến trên đất nước ta; dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc -  kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân bao trùm và quyết định nhất là “sức mạnh của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Sức mạnh đó đã được Đảng ta phát huy cao độ, trở thành sức mạnh vô địch, nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và kẻ xâm lược, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Trong lịch sử giữ nước, tổ tiên ta đã biết khơi dậy lòng yêu nước, tập hợp nhân dân tạo thành lực lượng có sức mạnh vô cùng lớn để chống thiên tai, địch họa, giữ vững sự trường tồn của dân tộc. Để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, phát xít và phong kiến, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo truyền thống đó của dân tộc và thấm nhuần sâu sắc quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử mà dân tộc giao phó: lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Thực hiện sứ mệnh cao cả đó, Đảng ta đã chú trọng công tác tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa trên nền tảng liên minh công-nông vững chắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc đã được phát huy cao độ đặc biệt trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đập tan chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, tại Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta đã chủ động chuyển hướng chỉ đạo chiến lược phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Theo đó, khẩu hiệu tập hợp lực lượng đã chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chống kẻ thù chính của dân tộc là thực dân xâm lược. Để thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh giải phóng, Đảng đã chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh. Cho tới năm 1943-1944, các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc đã được thành lập và phát triển nhanh chóng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến ngày 9-3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Đảng ta đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định rõ: phát xít Nhật là kẻ thù chính; đồng thời đưa ra khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật”, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước. Chủ trương đó được nhân dân đồng tình ủng hộ, vì phát xít Nhật chính là kẻ đang thực hiện chính sách đàn áp, bóc lột hết sức tàn bạo, dã man, gây hận thù lớn với nhân dân ta. Trong lúc cao trào kháng Nhật đang sục sôi khí thế cách mạng, nạn đói đang diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Đảng lại kịp thời đưa ra khẩu hiệu: “Phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói”. Khẩu hiệu hợp lòng dân đó đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng, đưa hàng triệu quần chúng vào cao trào khởi nghĩa, đánh đổ chính quyền phát xít và tay sai. Ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến. Đảng ta đã phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đáp lại lời kêu gọi đó, đồng bào cả nước đã đồng loạt đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở khắp các địa phương; trong đó, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội là một điển hình về phát huy sức mạnh của nhân dân.

Để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, Hà Nội đã tổ chức hoạt động quyên góp, ủng hộ quỹ mua vũ khí, thuốc chữa bệnh... được đông đảo công nhân hưởng ứng; thậm chí, một số cai, ký (chức danh dưới chính quyền cũ) cũng tìm đến Việt Minh. Trong tháng 5-1945, công nhân nhiều cửa hiệu lớn bào chế dược phẩm trong thành phố đấu tranh đòi tăng lương. Đặc biệt, ở Hiệu thuốc Sát-xa-nhơ (nay là Hiệu thuốc số 2, Hàng Bài), nhân viên đã tranh thủ sự đồng tình của những người Pháp tiến bộ làm công ở đây, bí mật lấy được nhiều thuốc gửi cho Giải phóng quân ở Chiến khu Việt Bắc. Cùng thời gian đó, tại các nhà máy điện, nước, sửa chữa cơ khí và súng đạn, công nhân tìm mọi cách lãn công, lấy nguyên vật liệu của nhà máy để chế tạo, sửa chữa vũ khí cho Việt Minh; công nhân một số nhà in tham gia in tài liệu, truyền đơn, báo chí của Mặt trận Việt Minh; ...

Đến sát ngày khởi nghĩa, tổ chức Công nhân cứu quốc đã có hàng trăm hội viên chính thức và hàng vạn quần chúng cảm tình sẵn sàng hành động theo lời kêu gọi của Việt Minh. Cuối tháng 7, đầu tháng 8-1945, cao trào chống Nhật, cứu nước do Đảng lãnh đạo dâng lên mạnh mẽ; ở nhiều nơi như Dịch Vọng, Cầu Giấy, Lương Yên..., Tự vệ Cứu quốc đã nắm lấy tổ chức Thanh niên bảo an do Nhật lập ra, để hoạt động... Sôi nổi nhất là phong trào không nộp thuế, nộp thóc cho phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn; phong trào phá kho thóc của Nhật; cảnh cáo bọn Việt gian, thuyết phục nhà giàu, kỳ hào, hương lý lấy thóc cứu đói. Ở Xuân Trạch, Ngọc Giang (Đông Anh) có phong trào đòi khất, hoãn, tiến tới không nộp thuế. Còn ở Phú Gia, Thượng Cát (Từ Liêm), Việt Minh lấy số thóc không nộp cho Nhật, thuyết phục vận động bọn hào, lý lấy tiền, quỹ của làng để cứu đói cho dân; nhất là ở phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân), ở Lò Lợn, Phà Đen, dân nghèo thành thị được huy động đã vùng lên đoạt lại các kho gạo của Nhật...

Để trừng trị một số tên Việt gian phản động làm mật thám cho Nhật, cảnh cáo bọn chạy theo Nhật, Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo thành lập Đội trừ gian (tháng 4-1945). Đội có những hoạt động tích cực, phối hợp với tự vệ chiến đấu, trừng trị những phần tử tay sai đắc lực của Nhật, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong khí thế cách mạng của quần chúng lên cao chưa từng thấy, công tác binh, địch vận đã lôi cuốn cả một bộ phận cảnh sát và bảo an ngả theo cách mạng.

Cuộc “phản mít tinh” ngày 17-8 biến thành cuộc tuần hành thị uy trên đường phố của hàng vạn quần chúng Hà Nội với khí thế cách mạng chưa từng thấy đã làm cho phát xít Nhật bối rối không dám can thiệp, quân đội của chúng án binh bất động. Ngay tối hôm đó, Khâm sai Bắc Kỳ vội vàng bỏ trốn; một số đội viên Tuyên truyền xung phong và hội viên Văn hoá cứu quốc, như: Học Phi, Như Phong đã đột nhập Nhà in báo Tin Mới (tại nhà số 6 phố Hàng Đào), buộc chủ báo phải đăng tin tường thuật về cuộc biểu tình (đã viết sẵn) trên số báo ngày hôm sau. Do đó, tin về cuộc biểu tình lớn ở Hà Nội đã lan nhanh đến các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá..., càng góp phần thúc đẩy phong trào chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa ở các địa phương trên cả nước một cách mạnh mẽ.

Chiều ngày 18-8, do nhận được tin một số cán bộ trong tổ chức Cứu quốc của ta bị Nhật bắt đưa về Bộ Tổng tham mưu Nhật ở 33 phố Phạm Ngũ Lão, Uỷ ban Quân sự cách mạng đã cử một phái đoàn đến đàm phán với Bộ Tổng tham mưu Nhật; đồng thời, chỉ đạo hàng nghìn công nhân hãng A-vi-a, S.T.A.I, điện, nước, cùng với sinh viên, học sinh và đồng bào các khu phố kéo đến Quảng trường Nhà hát lớn, dọc phố Tràng Tiền đòi trả người và vũ khí. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng và phái đoàn đấu tranh trực diện của ta, Bộ Tổng tham mưu Nhật phải chấp nhận giải quyết các yêu sách đề ra. Cuộc đấu tranh trực diện với bọn Nhật thắng lợi càng động viên mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quần chúng. Đây là thắng lợi đầu tiên của phương thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao của ta.

Sáng ngày 19-8, cả Hà Nội đỏ rực cờ cách mạng. Theo kế hoạch đã định, hàng vạn nông dân và dân nghèo được tập hợp thành đội ngũ ở Láng, Mọc, kéo ra Ngã Tư Sở, tiến lên chiếm Đại lý Hoàn Long trước khi vào nội thành. Sau đó, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người chuyển thành biểu tình thị uy của quần chúng, có các đơn vị tự vệ, Tuyên truyền xung phong dẫn đầu, chia thành hai khối lớn chiếm các vị trí theo kế hoạch đã định. Một khối quần chúng chiếm phủ Khâm sai, đã giành được thắng lợi mau lẹ; một khối chiếm trại bảo an, lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm các vị trí quan trọng trong trại. Chúng ta thực hiện đấu tranh vừa kiên quyết vừa mềm dẻo và trước áp lực của quần chúng, đến 5 giờ chiều ngày 19-8, quân Nhật buộc phải rút lui khỏi Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá của cả nước đã giành thắng lợi, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa. Qua đó chứng minh chân lý: “quần chúng là người làm nên lịch sử”, “Cách mạng là ngày hội của quần chúng lao động”.

Cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trong điều kiện thời cơ đã chín muồi, nhưng chính khí thế của quần chúng, biểu hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, đã làm cho các thế lực phản động khiếp sợ. Sức mạnh của nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được Đảng, Bác Hồ giáo dục, tổ chức thành một đội quân chính trị và vũ trang, có quyết tâm đấu tranh giành chính quyền trong cả nước. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã đánh giá: Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, một phần nửa sức mạnh ở chỗ toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy. Tuy nhiên có sức mạnh to lớn đó là có sự lãnh đạo của Đảng.

 Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi để lại nhiều bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu; trong đó, bài học lớn nhất, giá trị nhất là sức mạnh vô địch của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng thành công trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975) và trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Ngày nay, bài học đó còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được vận dụng phù hợp vào điều kiện mới, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thiếu tướng, TS. PHẠM VĂN THẠCH

Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc (0)