QPTD -Thứ Hai, 12/12/2011, 00:20 (GMT+7)
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5

Quân khu (QK) 5 bao gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí, điều kiện học tập để nâng cao nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân, nhất là tại những địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn nhiều hạn chế; tình hình vi phạm, tội phạm, các tệ nạn xã hội trên địa bàn có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch dùng thủ đoạn tung tin xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chống phá ta. Đứng chân trên địa bàn, lực lượng vũ trang (LLVT) QK có nhiều đầu mối đơn vị, vị trí đóng quân, hoạt động phân tán, nhiều bộ phận nhỏ lẻ ở trong dân, gần dân. Chất lượng thanh niên nhập ngũ trong những năm qua mặc dù đã được nâng lên đáng kể, song hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nhất là số thanh niên ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), quản lý, rèn luyện kỷ luật tại một số đơn vị chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả hạn chế… Những vấn đề trên đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội.

Trước yêu cầu xây dựng LLVT QK vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK 5 đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, kế hoạch và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về  triển khai công tác PBGDPL trong quân đội. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL, làm cơ sở để đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống vi phạm, tội phạm; tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về tình hình chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP) trong LLVT QK.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL QK đã từng bước xây dựng, hoàn chỉnh, thống nhất quy chế hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PBGDPL trước mắt và lâu dài. Thường vụ Đảng ủy QK có Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác bảo đảm an toàn trong huấn luyện, quản lý, xây dựng đơn vị và an toàn giao thông (đã có trên 91% đầu mối trực thuộc QK có nghị quyết và kế hoạch thực hiện); Tư lệnh QK ra Chỉ thị về "Thực hiện các biện pháp kiềm chế gia tăng tiến tới giảm thiểu tai nạn giao thông trong LLVT QK"; Ban Chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm QK triển khai Chương trình 138 về phòng, chống tội phạm trong LLVT QK. Hằng năm, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, Cục Chính trị QK đều xây dựng kế hoạch, tổ chức biên soạn đề cương học tập, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện công tác PBGDPL sát với đặc điểm, nhiệm vụ ở từng nơi...
Nội dung, chương trình tuyên truyền, PBGDPL pháp luật của LLVT QK tập trung trang bị cho cán bộ, chiến sĩ, CNVCQP kiến thức, nhận thức về những vấn đề cơ bản của các Luật, Bộ luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, các quyết định, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, nhất là các văn bản pháp quy mới ban hành; chú trọng các điều luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh hoặc liên quan đến quốc phòng, an ninh mới được sửa đổi, bổ sung. Ngoài những nội dung theo quy định, các cơ quan, đơn vị tự biên soạn chuyên đề sát với nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động của mình, trong đó hướng vào tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng để bộ đội nâng cao cảnh giác trước những tác động tiêu cực, vấn đề nổi cộm ở đơn vị và địa bàn đóng quân, từ đó chủ động ngăn ngừa không để xảy ra vi phạm.
Đề cao tính thiết thực, cố gắng đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức, tìm ra cách làm phù hợp để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL là vấn đề luôn được cấp ủy, chỉ huy, Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL, cơ quan chính trị các cấp, các đơn vị chú trọng. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã kết hợp nội dung PBGDPL với chương trình giáo dục cơ bản và ngoại khóa, bằng nhiều hình thức sinh động, linh hoạt như: lồng ghép vào nội dung thông báo chính trị, nói chuyện thời sự, sinh hoạt, đọc báo hằng ngày, tổ chức diễn đàn thanh niên, giao lưu, tọa đàm, thi tìm hiểu, sân khấu hóa Hội thi "Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và PBGDPL"; xây dựng và phát huy tác dụng của Tủ sách pháp luật. Đồng thời, cụ thể hóa yêu cầu chấp hành kỷ luật, pháp luật, bảo đảm an toàn đơn vị thành các chỉ tiêu phấn đấu trong phong trào Thi đua quyết thắng, gắn với các đợt thi đua đột kích như: phong trào "Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy"; Cuộc vận động 50 của ngành Kỹ thuật; phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú kết hợp với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”;... Đoàn Thanh niên phát động xây dựng các mô hình chi đoàn không có đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật, không có quân nhân đào bỏ ngũ, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, dân vận tốt; chú trọng tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự cho chiến sĩ mới nhập ngũ; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong hai ngày nghỉ cuối tuần; quán triệt, xây dựng tính tự quản, tự giác chấp hành kỷ luật, pháp luật đối với những bộ phận đơn vị hoạt động độc lập, cá nhân đi công tác lẻ; có biện pháp quản lý quân nhân ra ngoài doanh trại… Cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ chuyên môn, công tác quản lý được phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật thuộc chuyên ngành đảm nhiệm. Cơ quan chính trị các đơn vị chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát Quân sự QK, Tòa án Quân sự QK và các Viện Kiểm sát Quân sự, Tòa án Quân sự khu vực tổ chức tuyên truyền, giáo dục các chuyên đề về pháp luật, bình quân mỗi năm hàng trăm giờ lên lớp với hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia học tập. Viện Kiểm sát Quân sự QK, Phòng Điều tra hình sự QK thường xuyên tổng hợp thống kê tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật thông báo đến các đơn vị để rút kinh nghiệm. Cơ quan quân sự các cấp tích cực làm tham mưu và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương truyên truyền, phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự cho thanh niên trong các đợt tuyển quân; tổ chức học tập Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Dự bị động viên cho lực lượng dân quân, tự vệ và dự bị động viên toàn QK trong thời gian tập trung huấn luyện. Phòng Thi hành án QK biên soạn đề cương Pháp lệnh Thi hành án để các đơn vị tổ chức học tập; phối hợp với Ban quản lý các trại giam tuyên truyền cảm hóa số đương sự phải thi hành án, giáo dục phạm nhân ý thức chấp hành pháp luật, tự giác thi hành án dân sự. Các phương tiện thông tin đại chúng như Báo QK 5 mở chuyên mục "Phòng chống vi phạm, tội phạm", "Tìm hiểu pháp luật", Chuyên mục truyền hình LLVT QK trên sóng Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, Chuyên mục Quốc phòng toàn dân trên báo, đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố; mạng lưới truyền thanh nội bộ tại các đơn vị tích cực đăng tải thông tin về pháp luật, nêu gương tốt về chấp hành kỷ luật, pháp luật. Các Đội công tác 123 và các đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã lồng ghép nội dung PBGDPL trong các chương trình song ngữ (tiếng Kinh và tiếng địa phương) tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ LLVT và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan tư pháp, ủy ban Kiểm tra Đảng, Thanh tra Quốc phòng các cấp tích cực kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những vi phạm pháp luật và tội phạm; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng quy định. Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL, cơ quan chính trị các cấp nắm bắt tình hình tư tưởng bộ đội, dự lường diễn biến, kịp thời tham mưu, đề xuất nội dung tuyên truyền, động viên, giải quyết những vướng mắc về tư tưởng. Nhiều nơi đã đề ra quy chế, quy định về cấm quân nhân uống rượu, bia, không đi xe máy trong doanh trại, tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội, thực hiện mục tiêu "đoàn kết, dân chủ, kỷ luật". Các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung xử lý những vụ việc trọng điểm; thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử để tuyên truyền, giáo dục, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là đối với những loại tội phạm nổi cộm như đào ngũ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, an toàn, trật tự công cộng; xâm phạm sở hữu tài sản Nhà nước và công dân trên địa bàn Tây Nguyên;… Tòa án Quân sự tổ chức xét xử một số vụ án điển hình tại đơn vị nhằm tăng tính giáo dục, răn đe,v.v.   
Với những cố gắng đó, công tác PBGDPL ở QK 5 trong những năm qua là kênh thông tin quan trọng để trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước của cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, CNVCQP; góp phần đáng kể cùng với các giải pháp đồng bộ khác hạn chế tình hình vi phạm, phạm tội trong LLVT QK. Số lượng vụ việc vi phạm, tội phạm năm sau giảm hơn so với năm trước (năm 2004 xảy ra 138 vụ - giảm 21 vụ so với năm 2003, năm 2006 xảy ra 154 vụ - giảm 3 vụ so với năm 2005). Riêng năm 2006 tình hình vi phạm, tội phạm ở một số lĩnh vực giảm mạnh hoặc không xảy ra như: cố ý gây thương tích, trộm cắp, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, vi phạm các quy định về an toàn trong huấn luyện, trong sử dụng vũ khí, bắt người trái pháp luật. Nhiều cơ quan, đơn vị  không xảy ra vi phạm phải xử lý, tỉ lệ vi phạm kỷ luật thông thường giảm. Những chuyển biến mới về tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nền nếp chính quy, cải thiện đời sống văn hóa-tinh thần, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.   
Tuy nhiên, công tác PBGDPL tại một số đơn vị ở QK 5 chưa thực sự đi vào nền nếp, còn thiếu chiều sâu. Chương trình, nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn dàn trải hoặc bị cắt xén, hình thức đơn điệu, khô cứng, thiếu hấp dẫn. Quá trình triển khai chưa phối hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền PBGDPL và công tác quản lý, nhất là chưa kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của bộ đội. Khi phát hiện vướng mắc, sai phạm, cách giải quyết có nơi chưa thấu đáo, dứt điểm, còn nặng về biện pháp hành chính, máy móc, ít sức thuyết phục. Một bộ phận quân nhân, CNVCQP ý thức tự giác học tập, nghiên cứu, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, lối sống, rèn luyện kỷ luật, chấp hành pháp luật còn yếu kém, nhất là khi ở xa sự quản lý, chỉ huy của đơn vị. Tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật nhìn chung chuyển biến chậm, số lượng vụ việc vi phạm, phạm tội tuy giảm nhưng tỉ lệ vẫn còn cao, tính chất nghiêm trọng, phức tạp vẫn không giảm, nhất là những vụ việc về tai nạn giao thông, xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, gây những tổn thất to lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL của QK 5 trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu để từ đó tìm ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
1. Công tác PBGDPL trước hết là công tác của cấp ủy và người chỉ huy, nên chỉ có thể đạt kết quả tốt khi cấp ủy và người chỉ huy các cấp, các đơn vị có nhận thức đúng, trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
2. Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL các cấp từ QK đến đơn vị là cơ quan trực tiếp đảm trách công tác PBGDPL, do đó cần được củng cố, kiện toàn về tổ chức, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu đúng thành phần, thống nhất nhận thức, hoàn thiện quy chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của từng thành viên; không ngừng nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai hoạt động; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật; tranh thủ sự hỗ trợ và phát huy vai trò tích cực của các tổ chức Đảng, cơ quan, ban ngành, đoàn thể quần chúng trong đơn vị; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan pháp luật địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện từng bước xã hội hóa công tác PBGDPL trong đơn vị và trên địa bàn đóng quân.
3. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và báo cáo viên pháp luật kiêm chức; đầu tư thời gian, cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện phục vụ công tác; duy trì có nền nếp công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ; tổ chức khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích tốt.
4. Tích cực đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức và phương pháp tiến hành công tác PBGDPL phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ, tính chất hoạt động của từng đơn vị; triển khai có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.
5. Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với các biện pháp quản lý, giáo dục khác, nhất là xây dựng ý thức tự giác học tập nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật, duy trì nền nếp, chế độ quy định, thực hiện nếp sống chính quy; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt "đoàn kết, dân chủ, kỷ luật", làm cho nhận thức, ý thức về chấp hành kỷ luật, pháp luật, Điều lệnh, Điều lệ quân đội thấm sâu, định hướng suy nghĩ, hướng dẫn hành vi đối với từng cán bộ, chiến sĩ, CNVCQP, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; góp phần hoàn thiện phẩm chất chính trị, nhân cách, tác phong quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
 
Thiếu tướng Nguyễn Thành Đức
Ủy viên Thường vụ Đảng ủy,
Chủ nhiệm Chính trị Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)