QPTD -Thứ Hai, 12/12/2011, 00:24 (GMT+7)
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

"Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt của dân tộc Việt Nam cách đây 60 năm, khi "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!".

Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc đứng lên kháng chiến cứu nước được viết rất ngắn gọn, đúng với tính chất của một bản hiệu triệu, nhưng chứa đựng một ý chí mãnh liệt, một quyết tâm cháy bỏng không chỉ của vị Chủ tịch nước dân chủ cộng hoà đầu tiên ở Đông Nam á mà còn của cả một dân tộc "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Sau khi chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước thực hiện đường lối đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Dân tộc Việt Nam đã được sống trong hoà bình, độc lập, tự do và đang ra sức xây dựng đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước hiện nay, giá trị lịch sử của "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ở giữa thế kỷ trước vẫn gợi mở những ý nghĩa sâu xa đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Xây dựng nền QPTD vững mạnh vì mục đích hoà bình là chiến lược cơ bản, lâu dài của quốc gia - dân tộc Việt Nam.
Quan điểm chiến tranh nhân dân, QPTD là quan điểm cơ bản nhất trong đường lối quân sự của Đảng, vì nó thể hiện tập trung, sâu sắc quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng, quan điểm thực tiễn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm này xác định lực lượng quần chúng nhân dân và yếu tố chính trị-tinh thần là sức mạnh to lớn quyết định thắng lợi của chiến tranh. Từ 60 năm trước, trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược là cuộc chiến tranh nhân dân: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".
Tính chất toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng Việt Nam được xây dựng từ việc đúc kết những bài học kinh nghiệm của quá khứ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn phòng thủ đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Điều đó cũng phù hợp với quan niệm hiện đại về quốc phòng, coi quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia, bao gồm tổng thể các mặt hoạt động đối nội và đối ngoại, diễn ra trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học - công nghệ, quân sự… nhằm giữ vững hoà bình, ngăn chặn mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập dân tộc, đẩy lùi âm mưu gây chiến và nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù khi chúng phát động chiến tranh xâm lược.
Tính chất toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng Việt Nam đòi hỏi phải biết xây dựng, sử dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể quốc gia - dân tộc vào công cuộc phòng thủ đất nước. Lực lượng quốc phòng có nòng cốt là lực lượng vũ trang, nhưng không thuần túy chỉ dựa vào lực lượng vũ trang mà kết hợp với mọi lực lượng khác để tạo thành lực lượng QPTD. Tiềm lực quốc phòng dựa trên “cốt vật chất” là tiềm lực kinh tế, mũi nhọn là tiềm lực quân sự, nhưng không thuần túy chỉ dựa vào tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự mà kết hợp với mọi tiềm lực khác, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần, để tạo thành tiềm lực QPTD, toàn diện. Sức mạnh quốc phòng có “quả đấm sắt” là sức mạnh quân sự, nhưng không thuần tuý chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà kết hợp với mọi sức mạnh khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp của nền QPTD, toàn diện. Thế trận quốc phòng không chỉ là thế trận được xây dựng trên các khu vực phòng thủ, các địa bàn chiến lược trọng yếu, những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển, đảo… mà còn là thế trận được xây dựng từ cơ sở chính trị - xã hội, hình thành “thế trận lòng dân” ngay trong thời bình làm nền tảng vững chắc, “phên giậu” lâu bền của thế trận  QPTD, toàn diện, để phòng khi chiến tranh xâm lược xảy ra có thể từ đó nhanh chóng chuyển hoá thành thế trận chiến tranh nhân dân chống xâm lược - nguồn gốc và bí quyết sức mạnh thần kỳ của dân tộc Việt Nam.
Chiến lược quốc phòng của Việt Nam được xây dựng vì mục đích hoà bình, coi việc giữ vững hoà bình, ổn định để phát triển đất nước theo định hướng XHCN là mục đích tối cao, đồng thời góp phần tích cực vào việc bảo vệ nền hoà bình trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng là chiến lược tự vệ chủ động, kết hợp xây dựng với bảo vệ đất nước, thực hiện giữ nước ngay từ khi chưa có chiến tranh, tìm cách ngăn ngừa chiến tranh và phương án tốt nhất là không phải tiến hành chiến tranh, thực hiện ước vọng của cha ông ta từ ngàn xưa “tắt muôn đời chiến tranh”.
Xây dựng nền QPTD vững mạnh vì mục đích hoà bình được đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quí báu trong kho tàng lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc Việt Nam, đặc biệt đã được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Quan điểm "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng" đặt trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay như một “luật chơi” của thời đại tiếp tục gợi mở hướng vận dụng mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược, đòi hỏi những biện pháp ứng xử bang giao khôn khéo, mềm dẻo trong quan hệ đối ngoại, vừa biết "nhân nhượng" về sách lược để “thêm bạn, bớt thù”, tránh được các cuộc xung đột và chiến tranh, vừa giữ vững những nguyên tắc chiến lược cơ bản trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập mà không hoà tan vào dòng chảy của thế giới đương đại.
Tiếp tục chú trọng xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần, phát huy vai trò nhân tố con người, đồng thời từng bước đẩy mạnh hiện đại hoá lực lượng quốc phòng để tăng cường sức mạnh quốc phòng.
60 năm trước, từ bản hiệu triệu "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra trong bối cảnh tương quan so sánh lực lượng vật chất quân sự ban đầu rất chênh lệch giữa một bên là lực lượng cách mạng non trẻ của một nước nông nghiệp - tuyệt đại đa số là nông dân, trang bị chỉ có một ít súng thô sơ, còn lại chủ yếu là gươm, giáo, mác, cuốc, thuổng, gậy gộc… (giai đoạn cuối được nước bạn viện trợ thêm về vũ khí bộ binh, pháo binh, xe vận tải) với một bên là quân đội thực dân nhà nghề của một nước công nghiệp được trang bị vũ khí và phương tiện chiến đấu hùng hậu như máy bay, tàu chiến, xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải, đại bác, vũ khí đủ các loại.
Cuộc đối đầu giữa hai lực lượng đó, nếu theo cách nhìn phân loại “các làn sóng văn minh” của nhà tương lai học nổi tiếng người Mỹ A.Tốp-lơ, là đặc trưng điển hình cho cuộc đối đầu giữa một “quân đội nông nghiệp” thuộc “làn sóng văn minh thứ nhất” với một “quân đội công nghiệp” thuộc “làn sóng văn minh thứ hai”. Kết quả lịch sử đã chứng minh rằng: cuối cùng, người chiến thắng không phải là những kẻ thuộc “làn sóng văn minh thứ hai” vốn chiếm ưu thế về sức mạnh vật chất quân sự của trang bị vũ khí, phương tiện chiến đấu nhưng lại tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa, mà chính là những người “nông dân mặc áo lính” của một quân đội cách mạng và chính nghĩa, tuy thuộc “làn sóng văn minh thứ nhất”, với vũ khí thô sơ, trang bị lạc hậu, thiếu thốn nhưng lại chiếm ưu thế tuyệt đối về sức mạnh chính trị - tinh thần "nóp với giáo, chân đi không, mà lòng người giầu lòng vì nước", biết phát huy vai trò nhân tố con người và sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc.
Kết quả đó lại được lịch sử lặp lại một lần nữa trong cuộc đối đầu tiếp theo giữa dân tộc Việt Nam với đội quân xâm lược nhà nghề của đế quốc Mỹ - một đế quốc công nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới. Mặc dù trang bị vũ khí, phương tiện chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không còn thô sơ, thiếu thốn như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng so với trang bị vũ khí, kỹ thuật, phương tiện chiến đấu của quân đội Mỹ những năm sáu mươi, bảy mươi thì đó vẫn là một tương quan so sánh lực lượng vật chất quân sự có khoảng cách không nhỏ.
Hiện nay, trước tốc độ phát triển rất nhanh của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhờ việc ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ nanô… vào lĩnh vực quân sự, quân đội của một số nước đế quốc - theo cách phân loại của nhà tương lai học A. Tốp-lơ - đã tiến đến trình độ của những quân đội thuộc “làn sóng văn minh thứ ba”, hay còn gọi là “quân đội tin học”, “quân đội high-tech” (công nghệ cao). Nhiều nội dung rất mới thuộc lĩnh vực chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật và nghệ thuật quân sự thuộc phạm trù “quân đội làn sóng văn minh thứ ba”,  “quân đội tin học”,  “quân đội high-tech” không chỉ được đưa vào nội dung lý luận của những học thuyết quân sự mới mà còn được ứng dụng, triển khai từng bước trong thực tiễn hoạt động quốc phòng và quân sự, được thể nghiệm trong các cuộc chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, khởi đầu từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh Pécxích, qua cuộc chiến tranh Nam Tư,  áp-ga-ni-xtan đến cuộc chiến tranh ở  I-rắc gần đây. Thậm chí giới nghiên cứu chiến lược quốc phòng và quân sự  ở một số nước còn nhận định rằng hiện nay đã có đầy đủ những dấu hiệu về sự xuất hiện “một cuộc cách mạng quân sự mới” trên phạm vi toàn thế giới, trong đó những thành tựu mới nhất của khoa học-công nghệ hiện đại đã đóng vai trò là nền tảng vật chất cho sự phát triển của các học thuyết quân sự mới.
Câu hỏi có tính thời sự đặt ra ở đây là: trong điều kiện một nước nông nghiệp, với trình độ phát triển kinh tế-xã hội được xếp vào loại "kém phát triển" của thế giới, đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sau một thập kỷ rưỡi sẽ trở thành một nước công nghiệp (theo mục tiêu thời hạn được đề ra từ Nghị quyết Đại hội VIII là đến năm 2020), liệu chúng ta có thể chiến đấu và chiến thắng trong một cuộc chiến tranh chống xâm lược mà kẻ thù sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao?
Ngọn lửa của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được thắp sáng trước họa xâm lăng 60 năm trước từ "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" vẫn truyền lại cho hậu thế hôm nay một niềm tin vững chắc vào truyền thống yêu nước, ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Đó là những nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh chính trị-tinh thần, ngọn nguồn sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong tình huống xấu nhất, buộc phải cầm súng chống kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, sức mạnh chính trị-tinh thần của nhân dân ta, dân tộc ta được đặt trên nền tảng vật chất của công cuộc đổi mới, dựa trên thế và lực của đất nước được tạo lập trong hai thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ là những yếu tố bảo đảm vững chắc cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Công cuộc xây dựng nền QPTD vững mạnh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay đòi hỏi phải tiếp tục chú trọng xây dựng sức mạnh chính trị-tinh thần, phát huy vai trò nhân tố con người, đồng thời từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân và sức mạnh của nền QPTD, toàn diện.
 
Đại tá, TS. Nguyễn Xuân Thành
Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị
Học viện Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)