QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:33 (GMT+7)
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình
Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển, diện tích tự nhiên 1.545 km2, dân số trên 1,8 triệu người, mật độ gần 1.200 người/km2. Địa bàn Tỉnh có 54 km bờ biển, 5 cửa sông lớn, địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, hệ thống giao thông thủy bộ liên hoàn, nối liền với các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng; là vùng đất có thế mạnh về kinh tế, nhất là nông nghiệp và kinh tế biển, có tiềm năng về công nghiệp với trữ lượng khí đốt khá cao... Vì vậy, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, đặc biệt là trên các địa bàn trọng điểm sản xuất lương thực, ven biển, đô thị, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề chắc chắn không chỉ làm biến đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế-xã hội của Tỉnh, mà còn tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc ở địa phương, Quân khu 3 và cả nước trước mắt cũng như lâu dài.
Nhận thức rõ điều đó và quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, những năm qua, nhất là từ năm 2000 đến nay, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu, tạo bước chuyển biến quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Rõ nét nhất là trong phát triển nông nghiệp, mặc dù gặp thiên tai dịch bệnh, năm 2005 năng xuất lúa đạt xấp xỉ 130 tạ/ha, diện tích cấy lúa giảm 2.500 ha nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt trên 1 triệu tấn; hằng năm Tỉnh có kế hoạch dự trữ khoảng 300 ngàn tấn lương thực, 50 ngàn tấn thực phẩm, rau quả, có thể bảo đảm cho LLVT địa phương và của cấp trên hoạt động tác chiến trên địa bàn từ 3-4 tháng. Tỉnh, huyện và các cơ sở đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để kiên cố hóa gần 500 km kênh mương cấp 1+2, trồng được trên 7.000 ha rừng ngập mặn ven biển, kiên cố hóa trên 200 km đê sông, đê biển và được trồng tre chắn sóng, vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, bảo đảm môi trường, ngăn sóng trong bão lũ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tác chiến của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện cơ động lực lượng, phòng tránh và đánh địch khi có tình huống chiến tranh xảy ra. Tích cực triển khai dự án kinh tế-quốc phòng Cồn Vành, góp phần đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản, mở mang du lịch và tăng cường khả năng phòng thủ trên tuyến ven biển.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển nhanh, trong đó sản xuất công nghiệp đạt 3.320 tỷ đồng (gấp 2,27 lần so với năm 2000), tốc độ tăng bình quân 17,8%/năm. Hiện tại, Tỉnh đã quy hoạch, xây dựng 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.300 ha và 9 cụm công nghiệp với diện tích 235 ha, tạo việc làm cho gần 2,5 vạn lao động. Một số công ty, xí nghiệp đã phát triển theo hướng lưỡng dụng, vừa sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu dân sinh, vừa sẵn sàng chuyển sang sản xuất một số mặt hàng bảo đảm nhu cầu quốc phòng. Nghề và làng nghề được mở rộng, sản xuất có bước phát triển; đến nay, 100% số xã của Tỉnh có nghề, trong đó có 188 làng nghề đạt tiêu chuẩn, 23 làng nghề quy mô toàn xã, đã giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho khoảng 15 vạn lao động; đã hình thành nhiều tổ hợp, hợp tác xã có thể vừa sản xuất, kinh doanh, vừa sẵn sàng chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ cho quốc phòng khi có nhu cầu.
Thương mại, dịch vụ có bước phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng. Giá trị sản xuất của các ngành dịch vụ tăng bình quân 8,35%/năm. Năm 2005, đạt 2.723 tỷ đồng (tăng 49,3% so với năm 2000), kim ngạch xuất khẩu đạt 90 triệu USD, sang 35 nước và vùng lãnh thổ. Thương mại, dịch vụ phát triển cùng với hệ thống hậu cần quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện sẵn sàng bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và LLVT, cả trong điều kiện bình thường và khi địa phương, đất nước có tình huống phức tạp xảy ra.
Giao thông vận tải phát triển mạnh mẽ cả kết cấu hạ tầng và số lượng phương tiện. Việc hoàn thành xây dựng cầu Tân Đệ, Trà Lý, Vô Hối, nâng cấp quốc lộ 10, một số tuyến đường tỉnh, huyện và 1.671 km đường giao thông nông thôn, đã tạo sự liên hoàn trong thế trận phòng thủ của Tỉnh và giữa Tỉnh với các địa phương khác trên địa bàn Quân khu 3. Hiện tại, Tỉnh có 2.600 xe vận tải và xe téc, trên 800 xe ca, gần 700 phương tiện thủy, có thể vận chuyển gần 10 vạn tấn/chuyến. Đây là nguồn vật chất quan trọng, là cơ sở để Tỉnh sẵn sàng huy động đủ chỉ tiêu trên giao và vận chuyển bảo đảm kịp thời nhu cầu tác chiến của khu vực phòng thủ.
Bưu chính-Viễn thông đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, đầu tư có chiều sâu, với hệ thống hữu tuyến, vô tuyến, cáp quang hòa mạng trên diện rộng. Đến nay, Tỉnh có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, gần 40 trạm điện thoại cố định, trên 70 trạm điện thoại di động và hàng trăm nghìn máy điện thoại cố định, di động... có khả năng bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành địa phương, phục vụ dân sinh; cùng với hệ thống thông tin quân sự phục vụ đắc lực cho các hoạt động của LLVT trong cả thời bình và thời chiến.
Hệ thống y tế của Tỉnh với 3.700 cán bộ, nhân viên, trong đó có gần 1.000 bác sĩ, trên 2.700 giường bệnh tuyến tỉnh, huyện và 1.200 giường bệnh tuyến xã, phường, gần 50% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, cùng với trang bị y tế ngày càng hiện đại đang thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân và LLVT. Tỉnh có kế hoạch mở rộng lực lượng này khi xảy ra tình huống tác chiến khu vực phòng thủ, số giường bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở có thể tăng thêm 30%, cùng với việc tổ chức thêm bệnh viện dã chiến 150 giường, 120 nhân viên, tổ chức tiểu đoàn Quân y Dự bị động viên... có khả năng bảo đảm cứu chữa kịp thời cho nhân dân và LLVT địa phương.
Trên cơ sở nền móng được tạo lập ngày càng vững chắc bởi nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, Tỉnh có điều kiện để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; tổ chức các cuộc diễn tập quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở cấp tỉnh theo chỉ đạo của cấp trên, mỗi năm diễn tập 1-2 huyện (thành phố), 1-2 sở, ngành, 20-25% xã, phường, thị trấn; đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các kho trạm, công trình phòng thủ, phục vụ cho LLVT huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và phòng chống bão lụt, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội...
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, Thái Bình đã đề ra các mục tiêu, biện pháp, bước đi và có chính sách cụ thể, trước hết là xác định lợi thế, tiềm năng của các vùng, ngành kinh tế, tập trung chỉ đạo đầu tư đúng hướng, tạo sự gắn kết, hỗ trợ thúc đẩy các vùng, ngành kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đi đôi với tăng cường QP-AN, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên từng địa bàn và toàn Tỉnh.
Trước hết, Tỉnh coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi với tốc độ nhanh, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh lương thực và lượng dự trữ cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho nhiệm vụ QP-AN trong mọi tình huống. Tiếp tục chuyển 8.000-10.000 ha cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất các cây, con có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh thâm canh, tăng năng xuất, giữ vững sản lượng 1 triệu tấn lương thực/năm, đồng thời đưa nhanh các giống lúa có chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Nhân rộng “cánh đồng 50 triệu đồng” và thôn, xã đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng trở lên/ha/năm trên toàn bộ diện tích canh tác.
Hai là, phát triển mạnh mẽ và toàn diện kinh tế biển, bao gồm nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến, dịch vụ, du lịch và vận tải. Tập trung nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, theo phương thức thâm canh, bán thâm canh. Quy hoạch mở rộng diện tích, tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả nuôi hải sản cả trong và ngoài đê biển; chuyển vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hình thức trang trại, trên cơ sở quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tăng năng lực khai thác tầm trung và xa bờ; gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an ninh trên biển. Đẩy nhanh tốc độ triển khai thực hiện Dự án phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với QP-AN Cồn Vành, nhằm khai thác hợp lý tiềm năng đất bãi bồi phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, gồm nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, phân bố lại dân cư trong vùng. Trong quá trình phát triển, gắn chặt với tổ chức lực lượng dân quân, tự vệ, đồng thời diều chỉnh, bố trí LLVT trên địa bàn phù hợp, bảo đảm ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động của địch xâm nhập vào nội địa bằng đường sông, đường biển, góp phần xây dựng và củng cố vững chắc tuyến phòng thủ ven biển.
Ba là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vừa phát triển công nghiệp tập trung, vừa phát triển nghề, làng nghề. Tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp hiện có. Tiếp tục quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới. Phát triển các ngành công nghiệp sành, sứ, thủy tinh, vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt may và phụ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp điện tử, đóng tàu, cơ khí, sản xuất phần mềm tin học, chế biến nông, thủy sản. Mở rộng và phát triển các nghề, làng nghề mới và tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Quá trình xây dựng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề luôn gắn chặt với việc cải tạo thế trận, tổ chức và điều chỉnh bố trí lực lượng, quyết tâm chiến đấu, kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện (thành phố); đồng thời có phương án bảo vệ các khu, cụm công nghiệp này trong thời bình và thời chiến.
Bốn là, huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm QP-AN. ưu tiên đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất, đặc biệt là các khu, cụm, điểm công nghiệp của địa phương. Xây dựng tuyến đường phòng tránh như quốc lộ 10, quốc lộ 39, các cầu Diêm Điền, Hiệp, Hồng Quỳnh, Tịnh Xuyên; hoàn thành nâng cấp đường 217, đường từ Vô Hối đi Diêm Điền, đường 39B, đường 222, đường 223, đường đi chùa Keo và một số tuyến đường trục quan trọng của huyện. Xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội, nhất là hệ thống bệnh viện, các trung tâm y tế, một số trường phổ thông và cơ sở đào tạo, dạy nghề của Tỉnh... Việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế trên địa bàn Tỉnh được kết hợp chặt chẽ với yêu cầu bảo đảm QP-AN từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch và trong tổ chức thực hiện.
Năm là, nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của các ban, ngành chức năng, đặc biệt là tham mưu của cơ quan quân sự Tỉnh đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng ở địa phương. Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng bộ, nhân dân và LLVT về nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Có phương án, kế hoạch xử lý phù hợp các tình huống phức tạp xảy ra ở nội địa cũng như trên hướng biển. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; củng cố, xây dựng tuyến phòng thủ ven biển, xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc trong thế phòng thủ liên hoàn của Quân khu 3 và cả nước. Xây dựng các LLVT địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện, đủ sức làm làm nòng cốt thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương trong tình hình mới.
 
Đại tá Trịnh Duy Huỳnh
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 
Ý kiến bạn đọc (1)

nghiên cứu
23/04/2021 07:37
THÔNG TIN HỮU ÍCH
ĐẶNG NGỌC THỊNH