QPTD -Thứ Hai, 12/12/2011, 00:22 (GMT+7)
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay nếu chúng ta buộc phải tiến hành, sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân phát triển ở trình độ cao chống chiến tranh xâm lược sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử mạnh của địch. Trong cuộc chiến tranh đó, hoạt động tác chiến chiến dịch của ta sẽ gồm nhiều loại hình tác chiến chiến dịch kế tiếp nhau, trong đó sẽ có chiến dịch phòng ngự (CDPN). Dưới đây chúng tôi xin tập trung làm rõ một số vấn đề về nghệ thuật CDPN trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1- Nhận thức về CDPN. CDPN là một loại hình chiến dịch cơ bản của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong chiến tranh giải phóng trước đây cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay (nếu xảy ra). Trong chiến tranh giải phóng, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, CDPN diễn ra không nhiều nhưng đã góp phần quyết định giữ vững trận địa, đất đai và bảo vệ nhân dân vùng mới giải phóng; tạo thế, tạo thời cơ để ta chuyển sang phản công, tiến công tiêu diệt địch. Đặc biệt, trong CDPN Quảng Trị (năm 1972), mặc dù lúc đầu ta chưa có chủ trương phòng ngự, nhưng do yêu cầu thực tế chiến trường và sự chỉ đạo của chiến lược, ta đã tổ chức phòng ngự quy mô chiến dịch ở bắc sông Thạch Hãn, chặn đứng và đánh bại cuộc phản kích quy mô lớn của lực lượng tổng dự bị chiến lược quân ngụy Sài Gòn, bảo vệ vững chắc khu vực Đông Hà, ái Tử, Cửa Việt, nhất là đã giữ vững thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm, phục vụ cho yêu cầu chính trị và đấu tranh ngoại giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, CDPN có thể diễn ra nhiều hơn, thường do ta chủ động tổ chức trên các hướng (chiến trường), địa bàn chiến lược, trọng điểm để đánh bại quân địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, vu hồi, vượt điểm kết hợp với lực lượng bạo loạn lật đổ ở bên trong. Mục đích chủ yếu của CDPN là giữ vững khu vực, mục tiêu trọng yếu, bảo vệ dân, bảo vệ cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội; sát thương lớn, tiêu hao tiêu diệt bộ phận quan trọng, tiến tới đánh bại tiến công quy mô chiến dịch của địch; tạo điều kiện thuận lợi cho tác chiến chiến lược phát triển. Trong điều kiện của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, các mục đích trên có liên quan chặt chẽ với nhau, trong đó sát thương lớn, tiêu hao, tiêu diệt bộ phận quan trọng, kìm giữ chân địch là mục đích cao nhất để thực hiện giữ vững khu vực, mục tiêu chiến lược trọng yếu, hoàn thành mục đích CDPN. Đặc biệt, đối với những CDPN được tổ chức trên các địa bàn, hướng (chiến trường) chiến lược trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu tiêu hao, sát thương lớn, đánh bại cuộc tiến công quy mô chiến dịch của địch, giữ vững được khu vực, mục tiêu trọng yếu sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động tiến công, phản công kế tiếp và chiến tranh nhân dân địa phương phát triển. Với mục đích đó, CDPN có thể được vận dụng nhiều hơn ở thời kỳ đầu và trong quá trình chiến tranh, nhưng không phải khi địch tiến công vào địa bàn nào ta cũng tổ chức CDPN, mà CDPN thường chỉ diễn ra trên hướng tiến công chiến lược của địch; nơi tác chiến phòng thủ không đủ sức ngăn chặn; khu vực, mục tiêu trọng yếu bị uy hiếp nghiêm trọng, hoặc có thể CDPN được tổ chức để giữ vững khu vực, mục tiêu trọng yếu mới khôi phục, sau khi ta tiến công, phản công giành thắng lợi.

2- Đặc điểm của CDPN. Xuất phát từ đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nên thế phòng thủ chung ở từng địa phương và trên phạm vi cả nước được xây dựng, củng cố từ thời bình; các khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) được xây dựng ngày càng vững chắc về mọi mặt, tạo ra thế và lực mạnh tổng hợp tại chỗ để bảo vệ địa phương. Vì vậy, CDPN dù ở quy mô nào, trên địa bàn nào, đều phải được tiến hành trong thế phòng thủ chung của tác chiến chiến lược và thế trận KVPT địa phương được chuẩn bị trước từ thời bình, chủ yếu do lực lượng vũ trang tiến hành (bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực của quân khu, một bộ phận bộ đội chủ lực của Bộ...), diễn ra trong một không gian, thời gian nhất định, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch. Đây là đặc điểm mới so với chiến tranh giải phóng trước đây, cũng là những thuận lợi cơ bản, chỗ dựa vững chắc cho CDPN lập thế, tạo lực chuẩn bị và thực hành chiến dịch thắng lợi. Trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, CDPN có thể diễn ra trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp (cả rừng núi, trung du, đồng bằng và đô thị); sử dụng lực lượng tổng hợp (cả lực lượng của KVPT địa phương và lực lượng chủ lực của quân khu và Bộ); đối phó với nhiều thủ đoạn tiến công của địch vào địa bàn chiến dịch (tiến công chính diện, vu hồi bên sườn, phía sau, đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm kết hợp với bạo loạn lật đổ từ bên trong). Vì vậy, kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu phòng ngự với chiến đấu tiến công và các hình thức đấu tranh khác, tiến hành bằng lực lượng tổng hợp, lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt, cũng là một đặc điểm mới của CDPN, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh địch, bảo vệ, giữ vững khu vực, mục tiêu trọng yếu. Trong đó vấn đề cốt lõi là kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu phòng ngự với chiến đấu tiến công, lấy phòng ngự kiên cường giữ vững trận địa để tạo điều kiện cho tiến công tiêu diệt hiệu quả từng bộ phận quân địch, đồng thời lấy tiến công tiêu diệt địch tạo điều kiện cho phòng ngự ngày càng vững chắc; lấy tác chiến là hoạt động chủ yếu nhưng phải kết hợp với các hoạt động đấu tranh khác: đấu tranh chính trị, binh địch vận, chống bạo loạn lật đổ từ bên trong. CDPN diễn ra với tính biến động cao, tình huống diễn biến khẩn trương, phức tạp và ác liệt; tiêu thụ vật chất lớn, công tác chỉ huy bảo đảm phức tạp, khó khăn cũng là những đặc điểm mới, đòi hỏi công tác tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng của tư lệnh và cơ quan chiến dịch phải đầy đủ, chặt chẽ; đồng thời phải kết hợp nhiều nguồn, nhiều lực lượng và nhiều hình thức bảo đảm cho tác chiến.
3- Cách đánh CDPN. Theo chúng tôi, CDPN ở từng quy mô, trên từng địa bàn khác nhau có những cách thức và biện pháp sử dụng lực lượng đánh địch cụ thể được quy định bởi mục đích, nhiệm vụ chiến dịch, quy mô sử dụng lực lượng của ta, địch và địa hình... Nhưng việc xác định cách đánh chiến dịch phải bảo đảm những yêu cầu của CDPN. Vấn đề nổi bật nhất ở đây là sự kết hợp chặt chẽ thế trận của bộ đội chủ lực với thế trận phòng thủ địa phương; kết hợp phòng ngự với tiến công, phòng ngự giữ vững các trọng điểm, chốt chặn, cài xen, đánh địch rộng khắp với tiến công tiêu diệt địch, trong đó, phòng ngự giữ vững khu vực, mục tiêu là yêu cầu cao nhất; tiến công là biện pháp rất quan trọng để thực hiện mục đích CDPN. Đây là nét đặc trưng của hình thức phòng ngự khu vực, thể hiện bản chất của tư tưởng phòng ngự tích cực, chủ động và là nội dung cốt lõi của phương pháp tác chiến CDPN trong điều kiện mới. Để thực hiện hiệu quả cách đánh CDPN nêu trên, đòi hỏi tư lệnh, cơ quan chiến dịch và các đơn vị cần chủ động tạo lập thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn có chiều sâu. Trên cơ sở đánh giá tình hình về địch, về ta và địa hình mà xác định chính xác hướng phòng ngự chủ yếu, khu vực phòng ngự chủ yếu và các trọng điểm phòng ngự. Kết hợp chặt chẽ và tận dụng triệt để thế trận của KVPT địa phương; tích cực tận dụng, cải tạo địa hình, xây dựng hệ thống công sự, trận địa, bố trí hỏa lực, vật cản và đường cơ động hình thành thế trận phòng ngự hoàn chỉnh, bảo đảm vừa tạo được thế đánh địch rộng khắp trên toàn địa bàn, vừa có thể tập trung nỗ lực giữ vững khu vực phòng ngự chủ yếu, các trọng điểm phòng ngự; phát huy được chỗ mạnh của ta, khoét sâu chỗ yếu và phá thế tiến công của địch, làm cho chúng luôn bất ngờ, bị động. Cùng với tạo lập thế trận, trong tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng chiến dịch phải hợp lý, phù hợp với khả năng, sở trường của từng lực lượng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để đánh địch. Ưu tiên tập trung lực lượng trên hướng, khu vực phòng ngự chủ yếu, bảo đảm có lực lượng đủ sức giữ vững các khu vực phòng ngự, các trọng điểm phòng ngự, có lực lượng cơ động tiến công mạnh của các cấp để kịp thời ứng phó với các tình huống. Mặt khác, quá trình tổ chức, thực hành CDPN cần vận dụng linh hoạt các biện pháp chiến dịch, các hình thức chiến thuật, tạo và nắm thời cơ để đánh thắng các trận then chốt. Trong đó chuyển hóa thế trận, tạo và nắm thời cơ có lợi, đánh địch kịp thời, thực hiện thành công các trận then chốt và then chốt quyết định là vấn đề rất quan trọng, quyết định tới thành bại của chiến dịch. Để làm được điều đó, chiến dịch cần dự kiến nhiều phương án, tập trung nỗ lực cho phương án chủ yếu, đồng thời phải đề phòng và không được coi nhẹ các phương án khác; phải luôn nắm chắc tình hình, dự kiến sớm và chính xác sự phát triển của các tình huống, kịp thời điều chỉnh phương án, phát hiện thời cơ, nhanh chóng hạ quyết tâm chính xác, bộ đội luôn sẵn sàng chiến đấu cao và cơ động triển khai lực lượng nhanh, đúng ý định và quyết tâm đánh địch của tư lệnh.
4- Một số biện pháp chính để tiến hành CDPN có hiệu quả. Trong chiến tranh công nghệ cao, với ưu thế rõ rệt về vũ khí, trang bị, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, phương tiện thông tin, trinh sát hiện đại nên sức tiến công của địch vào địa bàn CDPN rất lớn, chúng có thể cùng một lúc tiến công trên nhiều hướng, khả năng cơ động lực lượng thay đổi hướng tiến công nhanh, kết hợp cả sức mạnh hỏa lực và xung lực. Vì vậy, để tiến hành CDPN có hiệu quả, đòi hỏi tư lệnh và cơ quan chiến dịch trước hết, phải nắm chắc địch để làm cơ sở hạ quyết tâm chính xác. Nội dung nắm địch phải toàn diện, cả phiên hiệu, lực lượng, thành phần đội hình tiến công, các khu vực bố trí hỏa lực, nơi tập trung lực lượng, căn cứ hậu cần- kỹ thuật...; dự kiến đường cơ động, hướng tiến công, tuyến triển khai, mục tiêu tiến công chủ yếu, nơi xe tăng , bộ binh địch có thể đột phá, vu hồi, thọc sâu, vượt điểm, đổ bộ đường không. Trên cơ sở đó nghiên cứu, phân tích, so sánh, sàng lọc kỹ lưỡng, rút ra những điểm mấu chốt sát đúng về địch, không bị địch nghi binh đánh lừa.
Hai là, tổ chức phòng chống vũ khí công nghệ cao của địch, coi trọng cả phòng tránh và đánh trả, hạn chế thương vong, bảo toàn lực lượng, bảo đảm tác chiến được liên tục, dài ngày. Trong phòng tránh cần triệt để lợi dụng địa hình để che giấu lực lượng; tích cực cải tạo địa hình làm công trình, công sự, trận địa cho các lực lượng chiến dịch. Tăng cường các biện pháp ngụy trang, nghi binh, hạn chế khả năng quan sát, trinh sát bằng các phương tiện hiện đại từ trên không và mặt đất của địch. Tổ chức chỉ huy thông báo, báo động chặt chẽ, kịp thời cho các lực lượng trong địa bàn chiến dịch. Bố trí binh hỏa lực phân tán, thực hiện đánh gần, cài xen kẽ, không cho địch phân tuyến. Trong đánh trả phải có trọng điểm, ngoài lực lượng phòng không chiến dịch, có thể sử dụng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, lực lượng chuyên trách chiến dịch đánh vào các sở chỉ huy, trung tâm điều khiển vũ khí, sân bay, bến cảng, căn cứ hỏa lực, nơi tập kết lực lượng, phương tiện của địch.           
Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng vũ trang, cả bộ đội chủ lực và lực lượng trong KVPT địa phương ngay từ thời bình. Chú trọng huấn luyện cho bộ đội có trình độ, kỹ năng cả về kỹ thuật và chiến thuật, giỏi chiến thuật tiến công và phòng ngự, thành thạo tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng và tác chiến độc lập, đánh nhỏ lẻ trong mọi tình huống; nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương. Đồng thời nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ, nhất là người chỉ huy và cơ quan chiến dịch một cách toàn diện, bảo đảm tổ chức, thực hành thắng lợi chiến dịch.
 
Đại tá, PGS, TS. Trần Hữu Cúc
Học viện Quốc phòng
 

 

Ý kiến bạn đọc (0)