QPTD -Thứ Hai, 12/12/2011, 00:28 (GMT+7)
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc

Vào đêm  19-12, rạng sáng ngày 20-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, quân và dân ta trên cả nước, các thành phố, thị xã đã đồng loạt nổ súng tiến công quân địch, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Vấn đề mấu chốt đặt ra là, ta tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự bao gồm Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu, Tự vệ Thành, Công an xung phong, Dân quân, du kích... thế nào để phát huy được sức mạnh, hiệu quả chiến đấu ngay từ những đợt chiến đấu đầu tiên nhằm hoàn thành mục tiêu chiến lược: tiêu hao, tiêu diệt một phần lực lượng địch, giam chân quân địch càng lâu càng tốt trong các thành phố, thị xã, không cho chúng đánh rộng ra trong những ngày đầu; đồng thời  bảo toàn và phát triển lực lượng của ta cho cuộc kháng chiến lâu dài, trong khi so sánh lực lượng quân sự giữa ta và địch rất chênh lệch.

Tính đến 19-12-1946, sau nhiều lần tăng viện, quân số của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương lên đến 90.000 tên, gồm 36 tiểu đoàn bộ binh; 4 tiểu đoàn pháo binh; 3 trung đoàn thiết giáp và cơ giới, hơn 100 máy bay và nhiều tàu chiến. Tính riêng ở miền Bắc (từ vĩ tuyến 16 trở ra), địch có sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9e DIC), gồm 3 trung đoàn (6e RiC, 2e RiC, 23e RiC) và trung đoàn pháo binh thuộc địa Ma Rốc số 4 (4e RACM), trung đoàn bộ binh Lê dương số 3, một tiểu đoàn bán lữ đoàn Lê dương số 13, một trung đoàn thiết giáp, một trung đoàn chiến xa cơ động, một bộ phận quân dù, thủy quân, không quân, các đơn vị thông tin, vận tải, hậu cần..., tổng quân số khoảng 30.000 tên. Về ta, sau khi tăng cường xây dựng, mở rộng biên chế, phát triển lực lượng, tổng số Vệ quốc quân trong cả nước là 85.000 người, gồm 27 trung đoàn ở miền Bắc và 25 chi đội ở miền Nam, tăng 70% so với cuối  năm 1945. Tình trạng thiếu cán bộ đã bước đầu được khắc phục. Lớp cán bộ quân sự khóa 2 ở Tông và khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn ra trường, một số được giữ lại làm giáo viên, còn hầu hết tỏa xuống các đơn vị. Trang bị vũ khí có bước phát triển đáng kể, nếu cuối năm 1945, trong một đại đội số người mang súng chỉ chiếm tỷ lệ 1/3 quân số , thì nay đã tăng lên 2/3. Như vậy có thể thấy trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, so sánh thuần túy về lực lượng quân sự giữa ta và địch thì sự chênh lệch nghiêng hẳn về địch, nhất là về chất lượng quân sự, trang bị vũ khí.
ý định, kế hoạch chiến lược của Pháp là tận dụng lợi thế đó để tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ của ta, diệt gọn cơ quan đầu não, nhanh chóng làm chủ tình hình. Về ta, xuất phát từ nhận định một nước nhỏ, yếu muốn đánh thắng nước đế quốc lớn, mạnh hơn phải có thời gian chuyển hóa lực lượng từ yếu lên mạnh, phải động viên được toàn dân tham gia đánh giặc với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, nên ngay từ đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra nhiệm vụ quân sự trước mắt là phát triển chiến tranh du kích rộng khắp để ngăn chặn bước tiến của địch; tổ chức cả nước thành một mặt trận, thực hiện khẩu hiệu “mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm, đường phố là một pháo đài”. Nhằm nắm quyền chủ động trong tác chiến, trước đó Bộ Tổng Chỉ huy đã chia cả nước thành 12 chiến khu và giao nhiệm vụ cho từng khu vực. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “Bất cứ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc", hàng triệu người dân đã gia nhập các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ và du kích. Hàng trăm đội du kích thoát ly ra đời ở các bản làng, xã phường, huyện, quận. Hàng nghìn làng bản chiến đấu, khu vực chiến đấu được xây dựng trên ba miền Bắc, Trung, Nam, cả ở vùng địch tạm chiếm và vùng tự do. Trên cơ sở động viên mọi lực lượng trong toàn dân tham gia kháng chiến, chúng ta đã tổ chức và sử dụng lực lượng một cách khoa học, hợp lý, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân thể hiện trong từng trận chiến đấu, từng đợt tác chiến và trên các hướng chiến trường ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại.
Tại Liên khu I và Mặt trận Hà Nội, trên cơ sở đánh giá lực lượng địch, ta sử dụng 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân và Tự vệ Thành tiến công và bao vây địch. Tiểu đoàn 145 và Công an xung phong phá hoại cầu Long Biên, nhà máy điện, nhà máy nước, kho xăng; diệt quân Pháp ở trường Bưởi, tiếp đó tiến công địch ở Phủ Toàn Quyền. Tiểu đoàn 523 chốt giữ ngã tư Khâm Thiên, ga Hàng Cỏ, đầu phố Hàng Bột, Cửa Nam, nhà Tiền, tiêu diệt các vị trí lẻ của địch ở Tây Nam Thành phố; chặn đánh các đoàn xe tiếp viện. Tiểu đoàn 77 tác chiến một thời gian bảo vệ trại Vệ quốc đoàn Trung ương, Ty Liêm phóng, nhà Hỏa Lò; tiến công tiêu diệt các ổ chiến đấu bí mật và vị trí lẻ, chặn đánh địch từ Đồn Thủy qua Tràng Tiền, Cửa Nam và phố Hàng Lọng. Tiểu đoàn 101, tác chiến một thời gian bảo vệ Bắc Bộ Phủ, nhà Thị Chính, nhà Bưu Điện Trung ương: tiến công khách sạn Mê-tơ-rô-phôn, nhà Moóc-li-e. Tiểu đoàn 212 làm lực lượng dự bị, đánh địch ở khu vực Đồn Thủy, nhà Đèn, xưởng Pho, hãng Boa Lô. Qua mỗi đợt chiến đấu, bộ đội và tự vệ ngày một trưởng thành. Từ phòng ngự đơn giản, rải quân mành mành trong các công sự chiến đấu riêng lẻ, đã tiến tới dựng chiến lũy, làm hào giao thông liên kết với nhau để cơ động đánh địch. Từ chỗ chỉ biết phòng ngự phía trước mặt, các chiến sĩ đã biết đề phòng bên sườn, phía sau, đã biết tổ chức và sử dụng nhiều cách nhử địch, nghi binh đánh lừa địch và tìm ra cách đánh thích hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn, bao vây quân địch, phù hợp với trình độ tác chiến của bộ đội và dân quân, tự vệ ta. Khi địch tiến đánh ta, anh em  đã kiên quyết đánh chặn từng bước, đánh chính diện, đánh bên sườn và đánh sau lưng làm cho chúng mệt mỏi, bị tiêu hao, tiêu diệt ngày một nhiều. Phát huy trí tuệ tập thể, quân và dân Hà Nội đã bàn cách lập thêm thế trận mới, nhiều trận địa chiến đấu mới nhằm thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Chỉ huy tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giam chân chúng càng lâu càng tốt mà vẫn bảo toàn và phát triển được lực lượng để kháng chiến lâu dài.
Tại thị xã Hải Dương, về địch, có một tiểu đoàn Lê dương Pháp đóng ở nhà máy Chai; một trung đội đóng ở Trường Nữ học. ở cầu Phú Lương, Lai Vu, mỗi nơi có một trung đội Pháp cùng gác với bộ đội ta (theo Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3). Ta sử dụng Trung đoàn 44 đóng ở Hải Dương kết hợp với Tự vệ Thành đánh địch ở thị xã  Hải Dương, cầu Phú Lương, cầu Lai Vu; phá hoại đường số 5, đánh quân tiếp viện, cắt đứt giao thông địch từ Hải Phòng lên Hà Nội. Trong đêm nổ súng, Trung đoàn 44 tiến công tiêu diệt địch và chiếm được Trường Nữ học và cầu Phú Lương. Nhưng sau địch đã phản kích chiếm lại cầu, kiểm soát việc đi lại trên đường Hải Phòng – Hải Dương. Ngày 20-12-1946, địch ở Hải Phòng tiến công chiếm đường số 5 để khai thông việc vận chuyển, tiếp tế lên Hà Nội. Bộ đội và nhân dân ta dọc đường số 5 và Hải Dương phá cầu, dựng chướng ngại vật, đặt mìn và bám đánh địch khiến mãi đến ngày 24-12-1946, địch mới tiến đến Hải Dương. Nhưng sau đó, Trung đoàn 44 tiếp tục phối hợp với tự vệ, du kích dựa vào làng mạc ven đường thường xuyên hoạt động quấy rối, phục kích, đánh địch trên toàn tuyến, buộc chúng phải rải quân đóng chốt kết hợp với càn quét để bảo vệ đường.
Tại Bắc Giang, Bắc Ninh,  quân Pháp có một tiểu đoàn đóng ở Câu lạc bộ thị xã Bắc Giang, sân bay Hạ Vĩ, và Trại Bảo an binh (thành Bắc Ninh). Trung đoàn Bắc Bắc (Chiến khu 12) nhận lệnh tiến công các vị trí này. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 20-12-1946, Trung đoàn nổ súng. Trước sức uy hiếp mạnh mẽ của của ta, địch phải bỏ Bắc Ninh, Bắc Giang, rút về Hà Nội.
Tại Nam Định, lực lượng quân Pháp có 650 tên thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn thuộc địa số 6 (2- 6e RIC), đóng thành 4 khu vực (trại Ca-rô, khu nhà sĩ quan, khu nhà máy sợi, khu nhà máy dệt) và 3 vị trí lẻ. Lực lượng đánh địch của ta ở đây gồm Trung đoàn 33 và gần 1.000 tự vệ chiến đấu. 6 giờ 30 phút này 20-12-1946, ta nổ súng đánh địch. Sau 10 ngày đêm chiến đấu quyết liệt với địch trong 4 khu vực nói trên, ta chuyển sang bao vây khi có thêm lực lượng của Ninh Bình, Hà Nam tham gia. Ta dùng lối đánh quấy rối, bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch, đồng thời chuẩn bị để khi có điều kiện thì tổ chức tiến công vào toàn bộ quân địch trong thành phố. Bị vây chặt trong thành phố, quân Pháp phải cho máy bay thả quân dù và lương thực xuống, đồng thời cho một đơn vị Thủy đội xung kích đi trên hai tàu chiến nhỏ và 4 ca-nô từ cửa Ba Lạt về Nam Định. Quân và dân Nam Định vừa đánh quân dù, vừa đánh quân thủy, đập tan cuộc hành quân giải tỏa của cả 3 lực lượng hải-lục-không quân địch.
Tại thành phố Vinh (Nghệ An), một đại đội Vệ quốc quân thuộc Trung đoàn 57 (Chiến khu 4) và một đại đội Tự vệ thành Vinh bao vây, nổ súng tiến công trung đội Pháp đóng ở sở Canh nông. Trước sức mạnh áp đảo của ta, đến 1 giờ sáng ngày 20-12-1946, cả trung đội địch phải đầu hàng. Tại sân bay Cửa Lò (Nghi Lộc), ta bắt tổ lái và thu chiếc máy bay Mo-ran.
Tại thành phố Huế, địch có 750 tên thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 21 (21e RIC), Trung đoàn Thiết giáp số 6 của địch đóng trên 20 điểm trên bờ nam sông Hương, ngoài ra có 250 kiều dân Pháp được trang bị vũ khí. Lực lượng ta ở Thừa Thiên – Huế có Trung đoàn Trần Cao Vân (tức Trung đoàn 101), Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa, Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Vinh, bốn đại đội thuộc các Trung đoàn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và 1.000 Tự vệ thành (tự vệ toàn tỉnh có khoảng1 vạn). Phương án tác chiến của Trung đoàn 101 là sử dụng Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa và Tiểu đoàn 16 đóng sát địch ở nam sông Hương, tiến công các vị trí lẻ của Pháp; sau đó tăng cường Tiểu đoàn 17 bao vây tiêu diệt các vị trí còn lại. Vào 2 giờ 30 phút ngày 20-12-1946, công nhân dùng bom phá nhà máy điện. Điện thành phố vụt tắt, cuộc tiến công Huế muộn hơn so với Hà Nội nên địch đã chuẩn bị đối phó. Cuộc chiến đấu ở Huế do đó diễn ra vô cùng căng thẳng, quyết liệt. Từ 22 đến  30-12-1946, quân Pháp ở Huế bị ta vây hãm, rơi vào tình trạng thiếu lương thực đạn dược, thuốc men. Nhân dân có sáng kiến dùng rơm và ớt cay đốt lên lấy khói hun địch, nhưng không kết qủa. Địch tổ chức các cuộc tiến công giải vây nhưng đều bị đánh bật trở lại, sau phải dùng máy bay thả hàng tiếp tế ... Mãi  cho đến các ngày 5,6 và 7 tháng 2-1947, địch huy động lực lượng lớn kết hợp với quân chiếm đóng ở Huế, tiến công ta từ nhiều phía mới phá vỡ được vòng vây. Ngày 8-2-1947, để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, bộ đội ta rút ra khỏi thành Huế.
Tại Đà Nẵng, đến tháng 12-1946, quân Pháp ở đây lên đến 6.500 tên, đóng thành hai cụm: ở khu vực xung quanh cảng và sân bay. Về ta, có Trung đoàn 93, Trung đoàn 96 cùng hàng ngàn tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, công an xung phong, biệt động. So sánh lực lượng ta và địch ở đây rất chênh lệch về số quân và trang bị, vũ khí. Đúng 2 giờ ngày 20-12-1946, các đơn vị ta đồng loạt tiến công vào các vị trí địch. Do hiệu lệnh tiến công chung là tiếng súng đánh địch ở sân bay không thực hiện được nên yếu tố bí mật không còn nữa. Rạng sáng ngày 20-12-1946, Pháp báo động, tổ chức tiến công ta bằng nhiều mũi. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trên  từng đường phố, trong mỗi công sở. Mỗi bước tiến của giặc Pháp đều bị quân và dân Thành phố chặn đánh. Sau một tháng chiến đấu trong điều kiện so sánh lực lượng về quân sự chênh lệch, quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng bằng tinh thần dũng cảm và cách đánh mưu trí, sáng tạo đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp. Nhằm tạo điều kiện cho toàn Tỉnh chuyển sang kháng chiến lâu dài, bộ đội ta đã rút ra khỏi Thành phố.
ở Nam Bộ, quân và dân Khu 8 mở rộng hoạt động chiến tranh du kích ở Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long... Đợt hoạt động đã thu được một số kết quả về tiêu hao, tiêu diệt địch, phá hệ thống tháp canh, phá hoại giao thông địch. Chiến tranh du kích ở các vùng địch chiếm đã phối hợp chặt chẽ với những cuộc đình công, bãi khóa, bãi thị của công nhân, học sinh và các tầng lớp nhân dân ở các thành phố, thị xã, thị trấn, góp phần làm cho thực dân Pháp lúng túng trong việc điều quân tăng viện cho chiến trường miền Bắc.
Những đợt tác chiến  đầu tiên trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc cho thấy, các địa phương đã tập trung vào yêu cầu chủ yếu là đánh và bao vây địch trong thành phố đi đôi với phá đường, phá cầu, đánh giao thông, cô lập địch giữa các  thành phố , không cho chúng tăng viện, tiếp ứng lẫn nhau. Sự chỉ đạo, chỉ huy ở từng mặt trận đã tạo được sự thống nhất giữa các hoạt động và thực hành chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến đấu trên từng thành phố, bao gồm cả bộ đội chủ lực (Vệ quốc đoàn) và lực lượng tại chỗ (Tự vệ chiến đấu, Dân quân, Du kích, Công an xung phong), được sự hỗ trợ của nhân dân trong các thành phố và các huyện ngoại thành, ngoại thị dưới các hình thức tiếp tế, tải thương, cứu chữa thương binh, dẫn đường... ở một mức độ nhất định, nhân dân tham gia chiến tranh đã xuất hiện ngay từ những đợt tác chiến đầu tiên trong từng thành phố, thị xã.
Nhìn lại nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc, chúng ta thấy toát lên tư tưởng cơ bản xuyên suốt của Bác Hồ “Kháng chiến của ta là nhân dân chiến tranh”. Đây là một cuộc chiến tranh chính nghĩa do nhân dân tiến hành, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, đó cũng quan điểm cơ bản nhất trong đường lối quân sự của Đảng ta. Quan điểm chiến tranh nhân dân xác định lực lượng quần chúng nhân dân và yếu tố chính trị tinh thần là sức mạnh vĩ đại có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến tranh. Nó cũng thể hiện tinh thần chính nghĩa, tính chất  triệt để cách mạng của một cuộc chiến tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, chúng ta có tổ chức quốc phòng, quân sự toàn dân đánh giặc  được hình thành và phát triển trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đang được hoàn thiện cho phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bao gồm nhiều lực lượng. Lực lượng vũ trang 3 thứ quân có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ. Lực lượng quốc phòng toàn dân có Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Lực lượng an ninh, Lực lượng Chính trị, Lực lượng Đối ngoại, Lực lượng Truyền thông đại chúng, Lực lượng Giao thông vận tải chiến lược, Lực lượng khoa học-kỹ thuật, Lực lượng Y tế, v.v. Những kinh nghiệm về tổ chức, sử dụng lực lượng trong những đợt tác chiến đầu tiên những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp rất thiết thực và bổ ích cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN, nếu kẻ địch dám liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược. Đấy là, làm sao phát huy được đầy đủ sức mạnh mới của tổ chức quân sự toàn dân đánh giặc về trình độ giác ngộ độc lập dân tộc và CNXH; về cơ sở vật chất- kỹ thuật hiện đại của đất nước; về khoa học - công nghệ tiên tiến của một nền sản xuất lớn... Tóm lại, phát huy được đầy đủ sức mạnh của mọi lực lượng, của toàn dân trong cuộc chiến đấu chống kẻ địch xâm lược cả trên không, trên biển, trên đất liền; chống được kẻ địch xâm lược từ xa: đấu tranh điện tử, đấu tranh sinh học, đấu tranh vật lý và các loại hình đấu tranh khác.
 
Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Minh Đức
Đại tá Nguyễn Thế Vỵ

 

Ý kiến bạn đọc (0)