QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:27 (GMT+7)
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động

Ra đời trước yêu cầu nghiên cứu khoa học và giải quyết những vấn đề thực tiễn của hai nước Việt Nam và Liên Xô, nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt-Nga (Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga) (TT) đã tiến hành nhiều chương trình hợp tác có hiệu quả trên cả 3 hướng nghiên cứu khoa học.

Hướng độ bền nhiệt đới, TT đã tập trung vào mục tiêu đánh giá độ bền, tuổi thọ của vật liệu, vũ khí, trang bị, đề xuất những giải pháp công nghệ bảo vệ vũ khí, thiết bị quân sự chống lại những tác động bất lợi của các yếu tố vùng khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để sản xuất một số loại vật liệu bảo quản vũ khí, trang bị bằng nguyên liệu và khả năng công nghệ trong nước, mỗi năm cung ứng cho quân đội hàng trăm tấn vật liệu bảo quản có chất lượng tương đương các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Một số công nghệ, vật liệu bảo quản vũ khí, trang bị đã được tiêu chuẩn hóa, cho phép ứng dụng trong toàn quân.
Hướng sinh thái nhiệt đới, TT đã tiến hành nghiên cứu đa dạng sinh học các hệ sinh thái cạn và sinh thái nước một số vùng đặc trưng của đất nước phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kinh tế, trong đó đã trực tiếp tham gia nghiên cứu hệ sinh thái nhiệt đới tiêu biểu tại 10 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên 13 tỉnh. Bước đầu nghiên cứu sinh thái quân sự, đặc biệt là nghiên cứu hang động phục vụ quân sự, quốc phòng khi có yêu cầu. TT còn triển khai xây dựng phương pháp luận và các biện pháp công nghệ tiêu độc, xử lý một số loại chất độc.
Hướng y sinh nhiệt đới, TT nghiên cứu khả năng thích nghi của bộ đội trong điều kiện nhiệt đới. Nghiên cứu một số bệnh truyền nhiễm nhiệt đới nguy hiểm và đề xuất các biện pháp dự phòng, chẩn đoán, điều trị. TT còn áp dụng các tiến bộ khoa học y dược để sản xuất một số chế phẩm cần thiết, góp phần chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho bộ đội và nhân dân...
Không chỉ triển khai nghiên cứu những vấn đề mang tính cơ bản, TT còn chú trọng nghiên cứu các giải pháp công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và phát triển dịch vụ kỹ thuật. Một số thiết bị và sản phẩm bảo vệ môi trường như thiết bị lọc nước, thiết bị xử lý rác thải bệnh viện... của TT đã đạt giải thưởng cao tại nhiều hội chợ và triển lãm, “có thương hiệu”, tiêu thụ tốt trên thị trường.
Có thể nói, với sự phát triển không ngừng trong các hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN), tổ chức lực lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học; đầu tư củng cố, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất; mở rộng sự hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các quân chủng, binh chủng kỹ thuật trong và ngoài nước, nhất là đối với Liên bang Nga,... đến nay, TT là một mô hình hợp tác KHCN đặc biệt có hiệu quả giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, đáp ứng nhu cầu và lợi ích hai bên. Các hướng hoạt động KHCN của TT là phù hợp với nhu cầu thực tế. Các kết quả nghiên cứu của TT đã góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái, sức khoẻ con người, khắc phục hậu quả chất độc da cam-điôxin, các yêu cầu quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thời gian tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng KHCN, yêu cầu mới của công cuộc xây dựng kinh tế-xã hội và phát triển KHCN của đất nước, của sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ Tổ quốc và trước những biến động về hình thái chiến tranh, sự phát triển ngày càng hiện đại, tiên tiến của vũ khí, trang bị,... công tác nghiên cứu KHCN của TT có nhiều yêu cầu mới. Mặt khác, nhu cầu hợp tác nghiên cứu khoa học giữa nước ta với Liên bang Nga ngày một tăng, vì thế tiếp tục xây dựng và phát triển TT là cần thiết, vừa mang tính quốc gia, vừa có ý nghĩa quốc tế rất lớn.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, mục tiêu phát triển đề ra đối với TT là phải xây dựng TT trở thành một cơ sở KHCN quốc tế đa ngành, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế; đồng thời, TT cũng là một trong những cầu nối phối hợp hoạt động KHCN và hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga, phục vụ thiết thực, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội. Bên cạnh những vấn đề nghiên cứu có tính cơ bản, TT cần tiếp tục phát triển mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học; kết hợp chặt chẽ giữa công tác nghiên cứu với công tác đào tạo cán bộ KHCN, làm nòng cốt thu hút đông đảo cộng tác viên của nhiều tổ chức khoa học của hai nước, của nước ngoài tham gia vào các hoạt động nghiên cứu KHCN; ưu tiên giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề KHCN phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, TT xác định phải tiếp tục phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, chung sức, đồng lòng, vươn lên làm chủ xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Vấn đề cần quan tâm trước tiên là phải khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hiện có, đẩy mạnh xây dựng, tăng cường tiềm lực, khả năng nghiên cứu KHCN của TT. Đây là một trong những nội dung quan trọng, vừa khẳng định tiềm năng, sức mạnh nội lực của TT, vừa là lực hấp dẫn để thu hút các đối tác, mở rộng khả năng liên kết, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu KHCN trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư nghiên cứu KHCN đối với các đối tác, nhất là đối với các đối tác nước ngoài chỉ có hiệu quả khi tiềm lực của TT đủ mạnh.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng nền nếp chính qui, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường đoàn kết nội bộ, tạo sự nhất trí và ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ,... TT cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế phù hợp với mô hình tổ chức lực lượng quân đội thời bình, với hoạt động đặc thù của TT. Quản lý, triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất theo đúng đề án đã đề ra. Cân đối các hướng nghiên cứu cho phù hợp với khả năng đầu tư, hiệu quả hợp tác và phát triển thêm lĩnh vực công nghệ sinh học.
Đặc biệt, TT phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo kịp với yêu cầu mới. Đây là tiềm lực, sức mạnh cơ bản nhất để TT có thể nhanh chóng tiếp cận được với cuộc cách mạng KHCN của khu vực và thế giới, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thời gian qua, TT đã có nhiều cố gắng, chủ động gắn công tác nghiên cứu với đào tạo, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cán bộ khoa học nâng cao trình độ mọi mặt. Đến nay, TT đã có một số cán bộ khoa học có học hàm, học vị cao, nhiều cán bộ đã được đào tạo có trình độ trên đại học, hoàn thành các khóa bổ túc theo qui định. Tuy nhiên, hiện tại cán bộ khoa học của TT vẫn đang thiếu nhiều về số lượng; một số chưa đáp ứng được yêu cầu cả về trình độ chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Chưa kể, thời gian tới, TT phát triển nhanh về nhiệm vụ, qui mô và phạm vi hoạt động thì nhu cầu về cán bộ khoa học, cả về số lượng lẫn chất lượng càng cao hơn.
Như vậy, TT cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, nhất là khâu qui hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Thực hiện đúng nguyên tắc, hợp lý việc tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo tiêu chuẩn, chức danh. Phân bổ hợp lý cán bộ đồng đều ở các hướng, các đơn vị nghiên cứu, ở cả 3 miền. ưu tiên đào tạo và bổ sung cán bộ cho các đơn vị thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đề cao việc phát triển cán bộ tại chỗ; khuyến khích đưa cán bộ đi học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình đào tạo sau đại học và đào tạo tiếng Nga; tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, phấn đấu đến năm 2010, TT có 60% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học, trong đó trên 30% là tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác chuyển giao công nghệ, dịch vụ KHCN. Chú trọng phát huy thế mạnh, khả năng, trình độ của đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học Nga trong các hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Tiếp tục chuẩn hoá các chức danh trên cơ sở đa dạng hoá hình thức đào tạo và tự học tập của cán bộ, đảng viên. Đối với đội ngũ cán bộ trẻ, quan tâm xây dựng lòng yêu ngành, yêu nghề, ý thức trách nhiệm cao, trung thực, mạnh dạn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời, nhanh chóng đào tạo, khuyến khích và tạo điều kiện, cơ hội để đội ngũ cán bộ trẻ phát huy hết tiềm năng của mình, có khả năng kế thừa và tham gia có hiệu quả vào các nhịêm vụ khoa học thực tiễn phức tạp. Quan tâm ổn định đời sống, hậu phương cho cán bộ. Có cơ chế, chính sách “khai thác chất xám” để một số cán bộ nghỉ hưu, nghỉ chế độ có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tế có thể tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khác của TT.
Vấn đề khác, TT cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và phương thức hợp tác trong công tác nghiên cứu KHCN. Là một trong những TT nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế nên việc hợp tác, liên kết nghiên cứu giữa TT với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước là qui luật tất yếu và hết sức cần thiết, nhất là đối với Liên bang Nga. TT sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi sự đầu tư và đóng góp trách nhiệm của phía Nga tăng.
Năm 2007 sẽ là năm kết thúc 20 năm Hiệp định hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đó sẽ là một bước chuyển biến mới đối với TT. Phía Liên bang Nga đã khẳng định quyết tâm cùng với phía Việt Nam tiếp tục đầu tư để xây dựng, phát triển TT lâu dài hơn thông qua “Chiến lược phát triển TT đến năm 2020”. Sự hợp tác chiến lược giữa hai nước là điều kiện cơ bản để phát triển TT nên TT đã không ngừng duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác đó từ cấp cao cho đến trực tiếp với các phòng thí nghiệm, các nhà khoa học Nga; thu hút phía Nga tham gia thị trường công nghệ tại Việt Nam ngày một nhiều hơn, thiết thực, hiệu quả hơn.
 Tuy nhiên, đây là một trong những mô hình hợp tác mới, chưa có tiền lệ, chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, nên cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập, nhất là hoạt động chuyển giao công nghệ. Trước cơ chế mới và sự hợp tác mới, TT cần có những biện pháp và bước đi thích hợp nhằm thúc đẩy sự đầu tư, hợp tác từ phía Nga, vì lợi ích của cả hai bên. Chú trọng phát triển hình thức hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước từ đề tài nghiên cứu. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp về sự tham gia của các tổ chức, các bộ, ngành của hai phía để giải quyết các nhiệm vụ KHCN tại TT.
Khó khăn còn rất nhiều, nhưng với sự cố gắng không ngừng, có quan điểm, đường lối, chủ trương, biện pháp đúng, cùng chung sức, đồng lòng, tin tưởng TT sẽ phát huy những thành quả đã đạt được, vươn lên xây dựng TT thành một tổ chức nghiên cứu KHCN mạnh của hai chính phủ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội, củng cố tình hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
 
Đại tá, TS. Trần Đăng Bộ
Chính ủy Trung tâm
 

Ý kiến bạn đọc (0)