QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:02 (GMT+7)
Quan hệ sở hữu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với việc nhận thức và giải quyết vấn đề sở hữu ở nước ta hiện nay

Ngày 24-2-1848, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã hoàn thành tác phẩm bất hủ: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (TNCĐCS). Đây là cống hiến vô giá của các ông đối với kho tàng lịch sử tư tưởng nhân loại. Suốt 160 năm qua, Tuyên ngôn được truyền bá rộng rãi, soi sáng niềm tin và hành động của công nhân và nhân dân lao động ở khắp nơi trên thế giới. Tuyên ngôn chứa đựng nhiều luận điểm khoa học và cách mạng. Bài viết này, xin chỉ đề cập đến “quan hệ sở hữu”, cơ sở cho việc luận giải vấn đề sở hữu ở nước ta hiện nay.

Trong học thuyết khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sở hữu là một trong những vấn đề cơ bản nhất của quan hệ sản xuất (QHSX), của chế độ kinh tế - xã hội và là một điều kiện của sản xuất xã hội, mà hoạt động lao động, sản xuất vật chất là sức mạnh căn bản nhất, quyết định sự phát triển lịch sử loài người.

TNCĐCS đã khẳng định quan hệ sở hữu làm nảy sinh các giai cấp khác nhau trong xã hội. Nhưng “Thiên nhiên không sinh ra một bên là những người chủ tiền và chủ hàng hoá, còn bên kia là những người chỉ làm chủ độc có sức lao động của mình. Quan hệ ấy không phải là một quan hệ lịch sử - tự nhiên mà cũng không phải là một quan hệ xã hội chung cho tất cả các thời kỳ lịch sử. Rõ ràng bản thân nó là kết quả của sự phát triển lịch sử trước đó, là sản vật của nhiều cuộc cách mạng kinh tế, là sản vật của sự diệt vong của hàng loạt những hình thái sản xuất xã hội cũ hơn”1. Bản thân giai cấp tư sản hiện đại cũng là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài, của một loạt những cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất và trao đổi và “Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những QHSX, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ xã hội”2. Điều này hàm ý rằng: cơ sở khách quan của quan hệ sở hữu TBCN là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (LLSX).

Quan hệ sở hữu là quan hệ kinh tế, là cơ sở của những quan hệ xã hội, chứ không phải là quan hệ ý chí của những con người trong xã hội. Do đó, sở hữu là một phạm trù lịch sử, nó biến đổi cùng với sự biến đổi của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Tuyên ngôn khẳng định: “Quan hệ sở hữu" cổ đại đã bị quan hệ sở hữu phong kiến tiêu diệt, và quan hệ sở hữu phong kiến thì bị quan hệ sở hữu “tư sản" tiêu diệt. Như vậy, chính lịch sử đã phê phán những quan hệ sở hữu đã qua”3. Từ đây, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã phê phán và bác bỏ quan điểm tư sản cho rằng quan hệ sở hữu, nhất là quan hệ sở hữu TBCN là bất biến, vĩnh cửu và giai cấp tư sản không dám “nhận thức” và thừa nhận sở hữu TBCN.

Trong quá trình thống trị, giai cấp tư sản đã tạo ra những LLSX nhiều hơn và đồ sộ hơn LLSX của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại; nó đã làm cho nền sản xuất xã hội hoá cao, trong khi đó, chế độ sở hữu tư bản trở nên quá chật hẹp, không chứa đựng nổi những của cải đã tạo ra trong lòng nó. “Xã hội tư sản hiện đại, với những QHSX và trao đổi tư sản của nó, với những quan hệ sở hữu tư sản, đã tạo ra những tư liệu sản xuất và trao đổi hết sức mạnh mẽ như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thủy không còn đủ sức trị những âm binh mà y đã triệu lên. Từ hàng chục năm nay, lịch sử công nghiệp và thương nghiệp không phải là cái gì khác hơn là lịch sử cuộc nổi dậy của LLSX hiện đại chống lại những QHSX hiện đại, chống lại những quan hệ sở hữu đang quyết định sự tồn tại và sự thống trị của giai cấp tư sản”4, và “Những LLSX mà xã hội sẵn có, không thúc đẩy quan hệ sở hữu tư sản phát triển nữa;… cái quan hệ sở hữu lúc đó đang cản trở sự phát triển của chúng”5.

Như vậy, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư sản - sự phát triển của mâu thuẫn giữa LLSX xã hội hoá với các QHSX TBCN, dẫn đến việc chế độ công hữu XHCN thay thế chế độ sở hữu tư sản. Chế độ công hữu XHCN là điều kiện quyết định để xoá bỏ bóc lột và xoá bỏ sự phân hoá hai cực giàu - nghèo. Tuyên ngôn viết: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”6.

C.Mác và Ph.Ăng-ghen cho rằng, giai cấp nào nắm quyền sở hữu tư liệu sản xuất chủ yếu thì giai cấp đó nắm quyền thống trị xã hội, nắm quyền chi phối tổng sản phẩm xã hội. Bởi vậy, xét đến cùng, sở hữu tư liệu sản xuất vẫn là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Trong khi nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản là xoá bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất không phải là “mục đích tự thân”, mà là nhằm phát triển LLSX, trên cơ sở đó tiến tới xóa bỏ sự phân chia các giai cấp trong xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đồng thời cũng chỉ ra rằng, không thể thủ tiêu ngay chế độ tư hữu, cũng như không thể làm cho LLSX hiện có tăng thêm ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Do đó, phải cải tạo xã hội cũ dần dần (tấn công từng bước, dần dần vào chế độ tư hữu) và chỉ khi nào đã tạo ra được một LLSX cần thiết cho sự cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu. Hơn nữa, sở hữu của những người sản xuất nhỏ đã bị sự tiến bộ của công nghiệp trong CNTB xoá bỏ hằng ngày, hằng giờ để hình thành sở hữu tư nhân TBCN. Nên “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”7...

Tư tưởng về sở hữu trong TNCĐCS là một cơ sở cho việc giải quyết vấn đề  sở hữu trong quá trình xây dựng xã hội mới. Việc giải quyết nó như thế nào còn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi Đảng Cộng sản và điều kiện cụ thể của từng nước. Đối với Việt Nam thời kỳ trước đổi mới, do chưa nắm vững và vận dụng chưa đúng quy luật QHSX phù hợp với tính chất và trình độ của LLSX, nên “vấn đề sở hữu” được giải quyết theo cách xoá bỏ các thành phần kinh tế “phi XHCN” và các cơ sở sản sinh ra nó là chế độ sở hữu tư nhân, sở hữu TBCN, để nhanh chóng đạt được mục tiêu xây dựng thành công CNXH “thuần nhất” về sở hữu - một chế độ sở hữu XHCN với hai hình thức sở hữu: toàn dân và tập thể. Vì vậy, nền kinh tế thời kỳ này gặp nhiều khó khăn.

Đại hội VI (1986) của Đảng cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã có sự đổi mới tư duy trên tất cả các lĩnh vực (trong đó có vấn đề sở hữu), đặt nền tảng và thúc đẩy sự hình thành phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; nhận thức về vấn đề sở hữu và các thành phần kinh tế đã có sự đổi mới.

Một là, nhận thức lại quy luật về sự phù hợp giữa QHSX với tính chất và trình độ của LLSX. Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất luôn là cơ sở, nội dung then chốt của QHSX, nó quy định bản chất của QHSX, cơ cấu giai cấp xã hội, mục đích của việc phát triển kinh tế - xã hội, hình thức tổ chức kinh doanh và phương thức quản lý; đồng thời, chi phối việc phân phối kết quả sản xuất. Đại hội VIII khẳng định: “chế độ sở hữu, cơ chế quản lý và chế độ phân phối gắn kết với nhau, giải phóng sức sản xuất, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội”8.

Quan hệ sở hữu vừa là kết quả, vừa là điều kiện cho sự phát triển của LLSX, là hình thức xã hội có tác dụng thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển LLSX. Chính vì thế, mỗi loại hình, hình thức sở hữu chưa thể mất đi khi nó còn phù hợp với trình độ phát triển của LLSX và cũng không thể tùy tiện dựng lên hay thủ tiêu chúng khi LLSX chưa đòi hỏi. Bởi vậy, trong điều kiện nước ta hiện nay, khi trình độ LLSX không đều giữa các ngành, các vùng, các lĩnh vực của nền kinh tế thì việc xây dựng QHSX mới phải làm từng bước, từ thấp đến cao với nhiều loại hình, hình thức sở hữu và có bước đi thích hợp làm cho QHSX phù hợp với trình độ phát triển của LLSX.

Hai là, về đối tượng sở hữu. Sở hữu là một quan hệ kinh tế, luôn ở trạng thái vận động, phát triển và tái tạo trong tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội. Trong quá trình đó, đối tượng của sở hữu cũng biến đổi cho thích hợp. Lịch sử cho thấy, đối tượng chủ yếu của sở hữu đã từng chuyển dịch qua nhiều loại hình: vật tự nhiên quý hiếm, đất đai, tiền vốn, tư liệu sản xuất hiện đại… Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức bắt đầu hình thành và phát triển ở nhiều nước, nên đối tượng sở hữu đã xuất hiện thêm yếu tố mới là tri thức. Những tri thức đó có chủ sở hữu, chủ quản lý kinh doanh, được nhà nước bảo hộ.

Do chuyển sang phát triển kinh tế thị trường, nên đối tượng sở hữu phải được “tiền tệ hoá”, các yếu tố của sản xuất phải được đánh giá bằng quan hệ giá trị. Đây là một đòi hỏi tất yếu và là bước tiến bộ. Có như vậy, khi sử dụng đối tượng sở hữu phải tính toán, tiết kiệm, không lãng phí.

Ba là, nhận thức và thực hiện sự tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu và quyền kinh doanh. C.Mác đã đề cập đến quyền sở hữu và quyền sử dụng (quyền kinh doanh), hay “tư bản sở hữu” và “tư bản chức năng” khi nói về tư bản sinh lợi tức. Cho vay tư bản, chính là tư bản ấy đã tạm thời rời khỏi tay người sở hữu trong một thời gian sang tay nhà tư bản hoạt động. Như vậy, quyền sở hữu tư bản đã tách rời với quyền sử dụng tư bản trong quá trình tái sản xuất thực tế. Từ đó, chúng ta nhận thức rằng quan hệ sở hữu được thể hiện bằng một hệ thống pháp luật tạo nên chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu bao gồm nhiều nhóm quyền khác nhau, trong đó hai nhóm quyền quan trọng: quyền sở hữu và quyền kinh doanh. Hai nhóm quyền này có thể thống nhất ở một chủ thể, cũng có thể tách biệt tương đối, phân chia ở các chủ thể khác nhau.

Nhận thức được vấn đề tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu và quyền kinh doanh có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn: mở ra hướng mới để cải cách cơ chế quản lý kinh tế doanh nghiệp nhà nước, nhằm tăng cường vai trò tự chủ của các doanh nghiệp; mở ra cơ sở lý luận mới về phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Đây là hướng cơ bản, lâu dài để xử lý quan hệ ruộng đất ở nước ta, phát triển nền nông nghiệp hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN.

Bốn là, thừa nhận trên thực tế, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. TNCĐCS cho rằng sự thay thế các hình thức sở hữu là một quá trình lịch sử - tự nhiên và việc xoá bỏ chế độ tư hữu (tư hữu nhỏ và tư hữu TBCN) là một quá trình lâu dài, vì xoá bỏ chế độ tư hữu không phải là “mục đích tự thân”, mà là tạo điều kiện để phát triển LLSX xã hội, trên cơ sở ấy mà xoá bỏ sự phân chia giai cấp trong xã hội.

Theo tư tưởng của C.Mác, trong một giai đoạn nào đó của sự phát triển xã hội, bên cạnh QHSX chủ đạo còn có QHSX có tính chất tàn dư, khiến cho chỉ trong cùng một thời gian, trong một nước tồn tại nhiều loại hình sở hữu. Chính C.Mác và Ph.Ăng-ghen cũng đã đề cập đến: sở hữu công hữu (nhà nước, tập thể), chế độ sở hữu cổ phần, sở hữu tư nhân và sở hữu cá nhân.

Thực tế đổi mới ở nước ta đang diễn ra quá trình khắc phục chế độ công hữu hình thức, áp đặt trước đây, đến nay đang xuất hiện nhiều loại hình sở hữu, hình thức sở hữu phong phú, đa dạng… Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”9.

Ở nước ta, sự đa dạng các hình thức sở hữu được xác lập bằng Hiến pháp, pháp luật và đang phát triển rất phong phú trong thực tiễn cuộc sống.

Đối với sở hữu công hữu XHCN và kinh tế nhà nước, chúng ta đã dần xác định rõ tính pháp lý của sở hữu để có chủ sở hữu cụ thể; khắc phục tình trạng vô chủ, nhằm phát huy các nguồn lực cho phát triển (nhất là đất đai, tài sản của doanh nghiệp nhà nước, bất động sản gắn liền với đất đai). Xác định kinh tế nhà nước (theo nghĩa rộng, gồm nhiều nguồn lực của Nhà nước) giữ vai trò chủ đạo, trong đó doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt, mở đường, dẫn dắt, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển (chủ trương doanh nghiệp nhà nước không phải chiếm tỷ trọng lớn trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế). Doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp, cơ cấu lại theo hướng tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, phù hợp với quá trình cạnh tranh và hội nhập. Chủ trương hạn chế, kiểm soát và xoá bỏ độc quyền kinh doanh; xoá bỏ mọi hình thức bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, chuyển mạnh sang thực hiện chế độ công ty dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công tư trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Nhà nước. Củng cố các tổng công ty lớn, chuyển sang thực hiện theo mô hình “công ty mẹ - công ty con”, xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh do các tổng công ty nhà nước làm nòng cốt, có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Đối với sở hữu hỗn hợp, thực tiễn khẳng định vai trò ngày càng tăng của hình thức sở hữu này. Đặc biệt đối với sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước ta thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân đối với các nhân tố sản xuất (vốn, tư liệu sản xuất, sức lao động, quyền sử dụng đất đai…); thừa nhận các quyền về giao dịch, chuyển giao và quyền tự do kinh doanh. Kinh tế tư nhân từ chỗ bị kỳ thị, hạn chế, cấm đoán; nay, phát triển kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ, không hạn chế trong những ngành, nghề, lĩnh vực quan trọng mà Nhà nước không cấm.

Thấm nhuần vấn đề sở hữu trong TNCĐCS, ở nước ta hiện nay đang thực hiện tinh thần “tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu để nô dịch lao động của người khác”. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi có những bước đi phù hợp, nhằm tạo ra những nhân tố bên trong, sự phát triển nội tại của LLSX để xây dựng QHSX mới, tiến bộ, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

GS, TS. CHU VĂN CẤP

Học viện Chính trị-Hành chính

Quốc gia Hồ Chí Minh

                        

1 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 23, Nxb CTQG, H.1993, tr.254.

2 - Sđd, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 600 - 601.

3 - Sđd, Tập 16, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 41.

4, 5, 6, 7 - Sđd, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995,  tr. 604; tr. 604; tr. 628; tr. 618.

8- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H. 1996, tr.19.

9- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr.83.


 

Ý kiến bạn đọc (0)