QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:14 (GMT+7)
Những nội dung cơ bản của Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được hai nước ký ngày 25-12-2000 và phê chuẩn ngày 30-6-2004; gồm 11 Điều, với các nội dung cơ bản sau:

1- Phạm vi phân định: Vịnh Bắc Bộ nằm ở phía Tây Bắc của Biển Đông, là vịnh nửa kín, có diện tích khoảng 126.250 km2, được bao bọc ở phía Bắc bởi bờ biển lãnh thổ đất liền của Việt Nam và Trung Quốc; phía Đông bởi bờ biển bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam của Trung Quốc; phía Tây bởi bờ biển đất liền Việt Nam và giới hạn phía Nam bởi đoạn thẳng nối liền từ điểm nhô ra nhất của mép ngoài cùng của mũi Oanh Ca, đảo Hải Nam của Trung Quốc, có tọa độ địa lý là vĩ tuyến 18 độ 30 phút 19 giây Bắc, kinh tuyến 108 độ 41 phút 17 giây Đông, qua đảo Cồn Cỏ của Việt Nam đến một điểm trên bờ biển của Việt Nam có tọa độ địa lý là vĩ tuyến 16 độ 57 phút 40 giây Bắc và kinh tuyến 107 độ 08 phút 42 giây Đông. Đường đóng cửa sông Bắc Luân là đường nối hai điểm nhô ra nhất có ngấn thủy triều thấp nhất của cửa sông giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.

2- Đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ được xác định bằng 21 điểm có tọa độ địa lý, nối tuần tự với nhau bằng các đoạn thẳng (xem sơ đồ). Theo đó, đường phân định từ điểm số 1 đến điểm số 9 (quy định tại Điều II) là biên giới lãnh hải của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. Mặt thẳng đứng đi theo đường biên giới lãnh hải của hai nước (quy định tại khoản 1, Điều III) phân định vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải hai nước. Riêng từ điểm số 1 đến điểm số 7 được quy định: mọi sự thay đổi địa hình đều không làm thay đổi đường biên giới lãnh hải hai nước, trừ khi hai bên ký thỏa thuận khác (Đường phân định từ điểm 1 đến điểm 7, được xác định theo trung tuyến của luồng cửa sông Bắc Luân). Đường phân định từ điểm số 9 đến điểm 21 là ranh giới giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.

3- Về mặt pháp lý: Hai bên cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ được xác định theo Hiệp định này.

4- Về mặt tài nguyên: Hiệp định quy định rõ, trường hợp có các cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc mỏ khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định (quy định tại Điều II), hai bên cần thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt thỏa thuận về khai thác cũng như phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác. Hai bên thống nhất đồng ý tiến hành hiệp thương về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật ở Vịnh Bắc Bộ.

5- Về cơ chế giải quyết tranh chấp: Hiệp định quy định, mọi tranh chấp giữa hai bên liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị. Hai bên nhất trí cho rằng, việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định này không gây bất kỳ ảnh hưởng hoặc phương hại nào đến lập trường của mỗi bên đối với các quy phạm luật pháp quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Việc ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là một bước quan trọng trong tiến trình phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước và xây dựng biên giới Việt- Trung thành biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trung Anh thực hiện

                                                                              

 

Ý kiến bạn đọc (0)