Thứ Bảy, 26/04/2025, 07:59 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Năm 1991 - năm đánh dấu sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khủng hoảng trầm trọng, nhiều Đảng Cộng sản mất vị thế lãnh đạo. Các thế lực thù địch nhân cơ hội đó đã ra sức tuyên truyền, xuyên tạc; họ cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã “lỗi thời” và đã diễn ra “sự kết thúc lịch sử” của CNXH(!). Diễn biến phức tạp của đời sống chính trị-xã hội thế giới đã tác động rất lớn đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, định hướng XHCN ở Việt Nam.
Chính trong thời điểm khó khăn đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Bản Cương lĩnh đã đề cập đến 4 nội dung lớn về: quá trình cách mạng và những bài học kinh nghiệm; quá độ lên CNXH ở nước ta; những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng–an ninh, đối ngoại; hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Việc xác định nội dung “quá độ lên CNXH ở nước ta” liên quan đến vấn đề thời đại ngày nay. Cương lĩnh chỉ rõ:
“Nước ta quá độ lên CNXH trong hoàn cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ, cuốn hút tất cả các nước ở mức độ khác nhau. Nền sản xuất vật chất và đời sống xã hội đang trong quá trình quốc tế hoá sâu sắc, ảnh hưởng lớn tới nhịp độ phát triển lịch sử và cuộc sống các dân tộc. Những xu thế đó vừa tạo thời cơ phát triển nhanh cho các nước, vừa đặt ra những thách thức gay gắt, nhất là đối với những nước lạc hậu về kinh tế”1.
Đánh giá về tương quan giữa CNXH và chủ nghĩa tư bản (CNTB), Cương lĩnh đề cập:
“Mâu thuẫn giữa CNXH và CNTB đang diễn ra gay gắt. Trước mắt, CNTB còn có tiềm năng phát triển kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý, thay đổi cơ cấu sản xuất, điều chỉnh các hình thức sở hữu và chính sách xã hội. Tuy vậy, CNTB vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Mâu thuẫn cơ bản vốn có của CNTB giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng sâu sắc. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân rộng rãi với giai cấp tư sản, giữa các tập đoàn tư bản độc quyền, các công ty xuyên quốc gia, các trung tâm tư bản lớn tiếp tục phát triển. Mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng tăng lên. Chính sự vận động của tất cả những mâu thuẫn đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định số phận của CNTB... CNXH hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử”2.
Những luận điểm đó vừa khẳng định bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của đời sống chính trị-xã hội thế giới, vừa thể hiện thái độ khách quan, khoa học, quan điểm biện chứng, lịch sử và phát triển của Đảng ta trong nhận thức về bản chất, nội dung của thời đại ngày nay.
Gần 20 năm đã qua kể từ khi Cương lĩnh 1991 được công bố, những biến động lớn, đa chiều, không ít phức tạp trên thế giới và trong nước đã tác động mạnh mẽ đến công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta. Bản thân nhận thức, lý luận về thời đại ngày nay cũng đòi hỏi phải bổ sung, phát triển trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Trên bình diện lý luận, tư tưởng, đang xuất hiện những câu hỏi lớn: nội dung của thời đại ngày nay có còn là “thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới” nữa hay không? Sự sụp đổ của mô hình CNXH kiểu Xô-viết và sự tồn tại của CNTB hiện đại sẽ tác động như thế nào đến xu hướng của thời đại?
Phải khẳng định rằng, sau hơn 20 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những thành tựu mà nhân dân ta giành được là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trong thành tựu chung đó có thành tựu rất quan trọng là sự đổi mới nhận thức, lý luận về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Namđặt trong tương quan với những xu hướng phát triển của thời đại. Hàng loạt câu hỏi đặt ra xung quanh nội dung, bản chất của thời đại ngày nay và việc nhìn nhận, đánh giá về CNTB hiện đại và phong trào cách mạng thế giới,... dần dần được hé mở và được giải đáp có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Có thể khái quát điều đó trên một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, quan niệm về thời đại ngày nay đã được nhận thức đầy đủ, sâu sắc, khoa học hơn. Thời đại ngày nay có nội hàm rộng lớn, với thời gian dài, bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau. Giai đoạn hiện nay chỉ là một chặng đường của thời đại ngày nay.
Nhiều học giả, nhiều nhà lý luận trong và ngoài nước đã cơ bản đi đến thống nhất rằng: có thể phân chia thời đại lớn quá độ từ CNTB lên CNXH thành 3 thời kỳ, kể từ sau Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga (năm 1917):
- Thời kỳ thứ nhất (từ năm 1917 đến năm 1945): là thời kỳ mà cách mạng XHCN thắng lợi ở một nước, rồi phát huy ảnh hưởng tích cực, chế độ XHCN được xây dựng; phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ; tính ưu việt của CNXH thể hiện rõ nhất trong việc góp phần to lớn, quyết định cho nhân loại tiến bộ chiến thắng chủ nghĩa phát-xít.
- Thời kỳ thứ hai (từ năm 1945 đến năm 1991): thời kỳ CNXH trở thành hệ thống thế giới; phong trào giải phóng dân tộc dâng cao; 3 dòng thác cách mạng tác động lớn đến sự phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, do những sai lầm, khuyết điểm tích tụ quá lâu, không được kịp thời sửa chữa trong hệ thống các nước XHCN, trong những Đảng Cộng sản,... đã đưa CNXH hiện thực đến khủng hoảng trầm trọng, chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ.
- Thời kỳ thứ ba (từ sau năm 1991): thời kỳ mà những mâu thuẫn thời đại có những hình thức biểu hiện mới; CNTB hiện đại còn có môi trường để tồn tại, những nước tư bản phát triển giữ vai trò, tác động lớn đến xu thế toàn cầu hoá kinh tế. Song, đây cũng chính là thời kỳ mà phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khắc phục tình trạng khủng hoảng, thoái trào, từng bước cải cách, đổi mới và phát triển để khẳng định vị thế của mình.
Thứ hai, trên cơ sở tập hợp các cơ sở dữ liệu, dự báo về các xu thế phát triển của thế giới đương đại, có thể nhận thấy những xu thế tác động lớn, làm cho nội dung của thời đại ngày nay có những phát triển mới. Đó là: hoà bình, hợp tác và phát triển là một xu thế lớn, bên cạnh các xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố và chống khủng bố; toàn cầu hoá là một xu thế khách quan lôi cuốn nhiều nước tham gia; xu thế dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội; xu thế phát triển nền kinh tế tri thức; xu thế hình thành trật tự thế giới đa cực.
Thứ ba, các mâu thuẫn của thời đại ngày nay có những biểu hiện mới: mâu thuẫn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển; giữa nước giàu và nước nghèo; giữa các nước theo định hướng XHCN với các thế lực thù địch chống CNXH diễn ra ở các mức độ, sắc thái khác nhau; giữa nhu cầu gìn giữ hoà bình, phát triển bền vững với âm mưu của các thế lực phản tiến bộ, hòng can thiệp sâu vào công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền;…
Thứ tư, phát triển lý luận được gắn bó mật thiết hơn với tổng kết thực tiễn (trong nước và trên thế giới). Quan điểm lịch sử và quan điểm phát triển về vấn đề thời đại ngày nay đã và đang được vận dụng cụ thể, thiết thực trong xem xét, đánh giá, dự báo.
Đối với nước ta, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đặt trong tương quan với việc đánh giá về thời đại ngày nay. Cần khẳng định rằng, dù có nhiều biểu hiện mới, nhiều xu hướng phát triển mới, nhưng bản chất của thời đại ngày nay không thay đổi! Vì vậy, độc lập dân tộc phải luôn luôn gắn liền với CNXH là mục tiêu, lý tưởng duy nhất đúng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải kiên định phấn đấu thực hiện trên con đường phát triển vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Dự báo đúng về xu thế phát triển của thế giới đương đại, nhận thức đầy đủ, đúng hơn về thời đại ngày nay chính là tiền đề quan trọng để chúng ta chủ động khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức; đồng thời, đi tắt, đón đầu, tranh thủ tối đa cơ hội, thuận lợi, đưa đất nước phát triển trên con đường đã lựa chọn.
Thái độ đúng đắn của những người cộng sản Việt Nam, của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân Việt Nam là phải ý thức đúng về trách nhiệm của mình trước những khó khăn, thách thức đang đặt ra trên con đường phát triển của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một mặt, chúng ta tin tưởng ở năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng được tôi rèn qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh và đã vượt qua những khó khăn, thách thức có tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển của dân tộc, dẫn dắt đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội vào những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ XX, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 20 năm đổi mới. Một đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, kể cả những sai lầm, khuyết điểm của mình để sửa chữa. Mặt khác, chúng ta kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống đối hay những tư tưởng cơ hội, những biểu hiện thoái lui, xa rời mục tiêu của CNXH, đề cao, tuyệt đối hoá một cách thiếu căn cứ những giá trị, những “cống hiến” của CNTB đối với quá trình phát triển của lịch sử loài người.
Quan điểm biện chứng, lịch sử và phát triển cho chúng ta nhận thức đúng đắn, khách quan về những giá trị mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển của CNTB, nhiều giá trị mà chúng ta phải kế thừa. Song, không vì thế mà chúng ta mơ hồ về bản chất của CNTB (dù là CNTB tự do cạnh tranh hay CNTB đương đại). Những mâu thuẫn lớn của thời đại vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều biểu hiện mới, đòi hỏi cả nhân loại tiến bộ phải chung sức giải quyết. Phong trào cách mạng thế giới dù đang ở thời kỳ khủng hoảng, thoái trào, nhưng đó chỉ là tạm thời. CNTB hiện đại dù đang nắm ưu thế về vốn, khoa học và công nghệ, thị trường, song không thể khắc phục nổi những mâu thuẫn vốn có, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Tương lai không thuộc về CNTB!
CNXH trên thế giới, từ những bài học thành công và cả những bài học thất bại, cùng với khát vọng, sự thức tỉnh của các dân tộc, đã và đang có khả năng phục hồi và tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH.
PGS, TS. NGUYỄN QUỐC PHẨM
Viện trưởng Viện CNXH khoa học
Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh
___________
1- ĐCSVN - Văn kiện Đảng - Toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 131.
1- ĐCSVN - Văn kiện Đảng - Sđd, tr. 122 - 133.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011