Thứ Sáu, 25/04/2025, 11:21 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tư tưởng nổi bật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Tư tưởng đó, vừa đáp ứng được khát vọng độc lập của dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; vừa là nguồn sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã xác định mục tiêu của sự phát triển đất nước là chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là CNXH. Cụ thể hóa mục tiêu đó, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta nêu lên nhiệm vụ phấn đấu xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”1; con đường để đi đến mục tiêu đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, và đó cũng chính là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự thành công mục tiêu đã xác định. Tại sao vậy?
Độc lập dân tộc là điều kiện đầu tiên bảo đảm cho sự phát triển của đất nước. Có thể nói rằng, hơn ai hết, nhân dân ta thấu hiểu giá trị thiêng liêng của độc lập dân tộc. Bởi, dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 năm sống dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc (từ năm 179 Tr.CN đến năm 938); hơn 80 năm bị thực dân Pháp xâm lược (từ năm 1858 đến năm 1945) và 30 năm bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm chiếm (từ năm 1945 đến năm 1975). Mất độc lập dân tộc là mất tất cả. Đó là điều không cần bàn cãi. Chiến tranh đã kéo lùi sự phát triển của cả một dân tộc có khi đến hàng chục, hàng trăm năm. Bao lớp người Việt Nam đã không tiếc máu xương đấu tranh cho nền độc lập dân tộc và từ đó đã hình thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - một giá trị văn hóa chủ đạo, trở thành truyền thống tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Có độc lập mới có điều kiện để dựng xây đất nước, mới có vị thế để cùng cộng đồng quốc tế chung sức đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội. Cuộc đấu tranh trường kỳ cho độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận vai trò cực kỳ to lớn của các lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, “quyết chiến, quyết thắng” mọi kẻ thù xâm lược, quân đội ta là lực lượng đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thấu hiểu giá trị sâu sắc của độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Lịch sử nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, trong những lúc cam go, thử thách khắc nghiệt của nền độc lập dân tộc, đã từng hiện diện khẩu hiệu chiến đấu: “Độc lập hay là chết!”. Độc lập đã trở thành yếu tố đầu tiên cấu thành quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia (Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ). Có thể nói rằng, giá trị của độc lập dân tộc không chỉ là giá trị quý báu của dân tộc Việt Nam mà còn là giá trị phổ biến trong đời sống của nhân loại.
Độc lập dân tộc chỉ được bảo đảm vững chắc và có ý nghĩa tiến bộ khi gắn với con đường đi lên CNXH. Độc lập dân tộc là điều kiện quan trọng để dân tộc phát triển, nhưng không phải là điều kiện duy nhất. Đối với Việt Nam, con đường phát triển duy nhất đúng đắn là độc lập dân tộc gắn liền với XHCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: nếu nước đã được độc lập mà dân cứ chết đói, chết rét, không được tự do, thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Mà tự do, ấm no, hạnh phúc phải cho tất cả mọi người; con người phải được giải phóng để vươn tới cái tất yếu của tự do là cái đích của CNXH, chủ nghĩa cộng sản. Hay nói cách khác, “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở Việt Nam chính là mục tiêu của CNXH, mà sự đấu tranh cho độc lập dân tộc hướng tới. Điều gì sẽ xảy ra khi Việt Nam giành được độc lập dân tộc rồi không đi lên CNXH? Một số người cho rằng, không nhất thiết cứ phải đi lên CNXH; nhiều nước giống như Việt Nam, sau khi giành được độc lập không đi theo con đường CNXH mà vẫn trở thành “rồng”, thành “hổ”,... Mỗi nước, có thể căn cứ vào đặc điểm cụ thể để có sự lựa chọn con đường phát triển cho riêng mình, không nhất thiết chỉ có một. Nhưng đối với Việt Nam, cả về mặt lý luận và thực tiễn lịch sử, cả thời cận đại và hiện đại, đều chỉ rõ, con đường duy nhất đúng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Đúng như vậy, trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Việt Nam đã đứng lên ngay từ buổi đầu khi chúng đến nước ta. Rồi sau đó là phong trào Cần Vương. Triều đình nhà Nguyễn đã có ba ông vua (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân) đứng ra lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngọn lửa chống xâm lược của Phong trào Cần Vương bị thực dân Pháp dập tắt vào năm 1896 sau hơn 10 năm nhen nhóm (riêng cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo thì đến năm 1913 mới bị dập tắt), nhưng tinh thần yêu nước của toàn dân tộc Việt Nam không bao giờ bị tàn lụi. Đầu thế kỷ XX, xuất hiện các phong trào yêu nước mới; mới cả về người lãnh đạo, tính chất, hệ tư tưởng và cả cách thức tổ chức lực lượng cách mạng. Chống thực dân Pháp để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cởi bỏ ách áp bức ngoại bang thì tất cả các phong trào kháng Pháp đều giống nhau. Nhưng chống Pháp rồi để thiết lập chế độ chính trị gì, xây dựng nhà nước Việt Nam như thế nào, tập hợp lực lượng nào, theo sự chỉ dẫn của tư tưởng nào thì hoàn toàn khác nhau. Mượn danh nghĩa của nhà vua để dấy lên các làn sóng đấu tranh lật nhào sự thống trị của thực dân Pháp rồi trở lại củng cố chế độ phong kiến đã hết thời (Cần Vương) thì không hợp xu thế. Thay thế cho phong trào Cần Vương là những phong trào theo hệ tư tưởng tư sản, do những trí thức yêu nước mẫn cảm với thời cuộc đứng ra khởi xướng và lãnh đạo; tiêu biểu là hai Cụ: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Phong trào do Cụ Phan Bội Châu lãnh đạo với mục đích giành độc lập dân tộc theo cộng hòa đại nghị tư sản, với phương pháp bạo động vũ trang. Còn Cụ Phan Châu Trinh thì cũng muốn lập ra một chế độ đại nghị tư sản, nhưng phương pháp đấu tranh bằng bất bạo động. Tuy nhiên, tất cả đều thất bại.
Ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến bị thất bại; ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản mới giương lên cũng bị thực dân Pháp bẻ gẫy. Một ngọn cờ mới được giương lên, ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng vô sản, theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin - ngọn cờ đúng đắn, phù hợp nhất với con đường tiến hoá của dân tộc Việt Nam. Như vậy, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn của chính lịch sử Việt Nam chứ không phải là sự áp đặt chủ quan của cá nhân hay một tổ chức chính trị nào. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được cái tất yếu lịch sử đó để dẫn dân tộc ta phát triển. Độc lập dân tộc có hướng đích CNXH, cho nên Đảng ta đã tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện được sự đoàn kết quốc tế rộng rãi để chiến thắng các thế lực đế quốc, thực dân xâm lược.
Chỉ có CNXH mới bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. CNXH của Việt Nam với những đặc trưng mà trên đó đặt cơ sở vững chắc cho một nền độc lập dân tộc chân chính, vững chắc là một xã hội: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới"2.
Độc lập dân tộc và CNXH là hai mặt không thể tách rời của con đường phát triển đất nước, tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xét cả về mặt lý luận và thực tiễn của Việt Nam, hai mặt đó có quan hệ biện chứng với nhau và là điều kiện của nhau. Con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, qua tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong gần 25 năm đổi mới đất nước, đã được Đảng ta làm rõ hơn. Điều đó càng chứng tỏ sự lựa chọn con đường đi lên CNXH ở nước ta là đúng đắn. Tin tưởng và vững bước đi theo con đường đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, đưa đất nước đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, tiến bộ xã hội. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu của CNXH ở nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Tất cả những điều đó càng làm cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững bước trên con đường đã chọn.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đứng trước cả thời cơ và thách thức mới trên con đường phát triển. Những thời cơ, thách thức đó đang tác động mạnh mẽ đến con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Những yếu tố bên trong và bên ngoài đan xen nhau, tác động lẫn nhau, thậm chí chuyển hoá cho nhau và có những thách thức làm cho nước ta có nguy cơ chệch hướng XHCN. Thời cơ, thách thức, nguy cơ đi liền với nhau, chuyển hoá lẫn nhau trong một thời kỳ, một giai đoạn, thậm chí trong cùng một thời điểm, đã làm cho bức tranh toàn cảnh của một nước Việt Nam đang trên đà phát triển rất phong phú về sắc màu, và do đó cũng có thể gây nên sự nhìn nhận về các sự vật và hiện tượng có khác nhau. Tất cả những cái đó đang đặt Việt Nam đứng trước một thử thách nghiệt ngã trong những năm tới: vừa phải bứt lên mạnh mẽ để theo kịp bước tiến chung của nhân loại, để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vừa phải giữ vững được con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sự phát triển của nước ta sẽ bị chệch hướng XHCN nếu không khắc phục được những lệch lạc trong việc đề ra chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện. Thực ra, nguyên nhân của chệch hướng XHCN là sự tổng hợp tất cả các nguyên nhân; của nguy cơ bên trong và bên ngoài; cả nguyên nhân sâu xa lẫn nguyên nhân trực tiếp.
Để bảo đảm cho độc lập dân tộc gắn liền CNXH và thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong giai đoạn mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: Một là, đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; sáu là, xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất;bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trở thành điều kiện tiên quyết, là nhiệm vụ then chốt của cách mạng Việt Nam. Do đó, trong công tác xây dựng Đảng, phải coi trọng xây dựng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; đổi mới phương thức lãnh đạo,...; trong đó, hai mặt cơ bản nhất là: bảo đảm sự đúng đắn của đường lối chính trị và tránh quan liêu xa rời quần chúng. Trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, cần đặc biệt quan tâm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm cho lực lượng vũ trang ba thứ quân luôn có giác ngộ chính trị cao, có tinh thần yêu nước nồng nàn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Làm tốt những vấn đề nêu trên sẽ góp phần giữ vững độc lập dân tộc, bảo đảm điều kiện xây dựng đất nước hùng cường, phát triển theo đúng con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
GS,TS. MẠCH QUANG THẮNG
Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh
________
1- Thông báo Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) - Báo Quân đội nhân dân, ngày 29.3.2010.
2- Sđd.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011