QPTD -Thứ Tư, 10/08/2011, 23:14 (GMT+7)
Xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay

Mâu thuẫn giữa Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và Mỹ xung quanh việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân đang làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên và  khu vực Đông Bắc Á "nóng" lên. Mới đây, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã phản đối mạnh mẽ việc CHDCND Triều Tiên nổ thử hạt nhân, coi đây là hành động "khiêu khích trắng trợn", "không thể chấp nhận được". Ông cũng khẳng định, Mỹ đã chuẩn bị đối phó với mọi diễn biến bất ngờ liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Về phần mình, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã cảnh báo, Bình Nhưỡng sẽ có hành động đáp trả quân sự mạnh "gấp hàng nghìn lần" nhằm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ nếu bị tiến công. Dư luận thế giới bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, bởi, căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên có nguy cơ đẩy bán đảo Triều Tiên vào một cuộc khủng hoảng quân sự, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới. 

Mọi người đều nhớ, vào tháng 2-2008, đàm phán 6 bên (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên) đã đạt được thỏa thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, trên nguyên tắc "hành động đổi lấy hành động": CHDCND Triều Tiên tiến hành giải trừ hạt nhân của mình; các nước liên quan thực hiện viện trợ kinh tế và đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều Tiên. Theo thỏa thuận, CHDCND Triều Tiên đã dỡ bỏ tháp làm lạnh trong tổ hợp hạt nhân Đông Piêng (tổ hợp hạt nhân lớn nhất của nước này); tiếp đến, Bình Nhưỡng đã công khai các tài liệu liên quan đến chương trình hạt nhân của mình. Đổi lại, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ kinh tế cho CHDCND Triều Tiên theo cam kết. Ngày 12-10-2008, Mỹ đã đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách "các nước tài trợ khủng bố". Đây được coi là bước khởi đầu tiến tới việc bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đàm phán 6 bên ngày 12-12-2008 đã không đạt được thỏa thuận về kế hoạch tiếp theo trong việc kiểm chứng Bắc Triều Tiên giải trừ hạt nhân; do đó, tiến trình phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bị gián đoạn. Ngày 6- 4-2009, CHDCND Triều Tiên tiến hành phóng vệ tinh, mà nước này tuyên bố là trong chương trình nghiên cứu không gian vì mục đích hòa bình. Mỹ và một số nước phương Tây lại coi đây là vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa và đe dọa tiến hành các biện pháp trừng phạt nước này, đẩy quan hệ Mỹ và CHDCND Triều Tiên vào tình thế căng thẳng. Ngày 25-5-2009, bất chấp sức ép từ phương Tây, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất lần thứ hai (lần thứ nhất vào năm 2006).  Hành động này đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận thế giới và làm cho thỏa thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc.

Thực ra, đây không phải lần đầu, vì trước đó đã có nhiều thỏa thuận giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bị đổ vỡ (gần đây nhất là vào năm 2007); mà nguyên nhân chủ yếu là do các bên đều có những lợi ích riêng, toan tính riêng, "có lợi thì làm, không có lợi là tự ý từ bỏ cam kết", phá vỡ thỏa thuận đã đạt được. Nguyên nhân làm cho thỏa thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lần này bị đổ vỡ cũng không nằm ngoài "vòng xoáy" đó. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích quốc tế, những hành động "cứng rắn" mà CHDCND Triều Tiên tiến hành vừa qua là những hành động đã được tính toán kỹ lưỡng và là một phần của chiến lược "ngoại giao quân sự" mà nước này đã và đang sử dụng trong quan hệ với Mỹ, để đạt mục tiêu xuyên suốt là phát triển vũ khí hạt nhân (VKHN), vốn được coi là công cụ phòng thủ quốc gia quan trọng nhất, nhất là để răn đe, ngăn chặn mối đe dọa quân sự từ phía Mỹ. Theo chuyên gia quân sự của Nga, Nhật Bản, vụ nổ hạt nhân lần hai của Bắc Triều Tiên có cường độ 5,3 độ rích-te, sức công phá khoảng 20 ki-lô-tôn (vụ nổ năm 2006 chưa tới 1 ki-lô-tôn). Điều đó cho thấy, Bắc Triều Tiên đã đạt được bước tiến vượt bậc trong việc làm chủ kỹ thuật VKHN. Thứ nữa, trong bối cảnh Chính quyền Mỹ đang phải lo chống đỡ với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính trong nước, thông qua việc phô trương sức mạnh hạt nhân, Bắc Triều Tiên muốn tạo một "lợi thế" trong quan hệ với Mỹ trên bàn đàm phán 6 bên, buộc Mỹ phải tiếp tục thực hiện cam kết viện trợ kinh tế cho nước này theo như  thỏa thuận. Việc CHDCND Triều Tiên cho nổ hạt nhân, liên tục thử nghiệm tên lửa đã "gây sốc" cho Mỹ và phương Tây, đẩy mâu thuẫn giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ càng thêm căng thẳng. Hai nước đang có những động thái "ăn miếng trả miếng" rất phức tạp. Phản ứng trước việc Mỹ cáo buộc mình vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), ngày 9-6 vừa qua, CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố, nước này sẽ sử dụng VKHN để tự vệ và trả đũa các cuộc tiến công của kẻ thù, bằng cuộc "tiến công phủ đầu sớm hơn". Tiếp đó, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố, rút khỏi Hiệp định đình chiến đã ký với Mỹ; sử dụng toàn bộ số plu-tô-ni cho mục đích quân sự và tiếp tục tiến hành các hoạt động làm giầu u-ra-ni. Quân đội nước này cũng tập trung lực lượng, phương tiện chiến đấu tại khu vực bờ biển phía Tây, nhằm chuẩn bị đối phó với khả năng xung đột trên biển, v.v. Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố, xem xét việc đưa CHDCND Triều Tiên trở lại "danh sách các nước tài trợ khủng bố". Nhà Trắng cũng tăng cường bổ sung nhiều máy bay chiến đấu hiện đại, tên lửa đánh chặn tới khu vực Đông Bắc Á. Quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Hải quân Mỹ cũng điều động tầu sân bay "Reagan" chạy bằng năng lượng hạt nhân, cùng nhiều tầu chiến đấu hiện đại, để phối hợp với hải quân Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên vùng biển giáp với Bắc Triều Tiên. Quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng hết sức căng thẳng. Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc đã tuyên bố, nước ông sẽ không nhượng bộ Bắc Triều Tiên trong tình hình hiện nay. Hàn Quốc cũng chính thức tham gia Sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) của Mỹ. Đáp lại, CHDCND Triều Tiên cảnh cáo, coi việc Hàn Quốc tham gia PSI của Mỹ là "vi phạm chủ quyền", là "lời tuyên chiến" với nước này. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng quyết định bổ sung các biện pháp trừng phạt về tài chính đối với CHDCND Triều Tiên; triển khai nhiều tên lửa đánh chặn hướng về phía CHDCND Triều Tiên ...

Việc CHDCND Triều Tiên cho nổ hạt nhân vừa qua đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận quốc tế. Ngày 12-6-2009, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 1874 lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, coi đó là hành động gây ra mối nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Nghị quyết cũng bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên, kêu gọi các nước ngăn chặn cung cấp dịch vụ tài chính, chuyển tiền có thể giúp Bắc Triều Tiên phát triển VKHN; tăng cường kiểm tra hàng hóa bị cấm được chở đến hoặc xuất phát từ Bắc Triều Tiên tại các sân bay, cảng biển... Dư luận bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, đe dọa đến an ninh, ổn định khu vực và thế giới; đồng thời nêu rõ, vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên lần này cũng cho thấy, cơ chế cấm phổ biến VKHN hiện nay đang bộc lộ ngày càng rõ những khiếm khuyết, bất cập, nhất là việc nhiều cường quốc phương Tây trong khi hô hào “ngăn chặn phổ biến VKHN”, lại tự cho mình quyền được tàng trữ và nghiên cứu phát triển các VKHN loại mới. Thậm chí, một số nước còn sử dụng VKHN làm phương tiện răn đe chiến lược, nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ khu vực và thế giới. Cơ chế đó cần phải được thay đổi cho phù hợp với xu thế thời đại hiện nay là hòa bình, hợp tác và phát triển; nhất là, phát huy vai trò và uy lực của cơ chế quốc tế trong việc giám sát, kiểm soát, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn VKHN trên thế giới. Dư luận cũng vạch rõ, việc thỏa thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đi vào bế tắc, một phần rất lớn cũng là do thái độ và cách thức ứng xử của các nước trong đàm phán 6 bên đối với CHDCND Triều Tiên; trong đó, chính sách thù địch của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên là nguyên nhân chủ yếu nhất. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuy tuyên bố thực hiện chính sách "đối ngoại khôn ngoan", sẵn sàng đối thoại trực tiếp với các nước đối nghịch, kể cả với Bắc Triều Tiên và I-ran để giải quyết vấn đề hạt nhân...; nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn thực hiện chính sách "kẻ cả, nước lớn" trong quan hệ với những nước này. Hơn nữa, việc Mỹ và một số nước, trong khuôn khổ đàm phán 6 bên, mà như Bình Nhưỡng tuyên bố, luôn gắn viện trợ kinh tế với tăng cường sức ép với CHDCND Triều Tiên về vấn đề hạt nhân và tìm cách can thiệp công việc nội bộ, mưu đồ thay đổi chế độ chính trị của Bắc Triều Tiên, khiến cho Bình Nhưỡng rất bất bình. Các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã nêu rõ, Chính quyền mới của Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách thù địch chống Triều Tiên, với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn; điều đó buộc CHDCND Triều Tiên phải tăng cường khả năng quân sự để tự bảo vệ mình. Bình Nhưỡng cũng tố cáo, Mỹ và Hàn Quốc đang mưu toan "kích động cuộc chiến tranh hạt nhân" để chống CHDCND Triều Tiên và trang bị cho Hàn Quốc VKHN; mưu đồ đó gây nguy hại cho hòa bình, ổn định ở khu vực này và trên thế giới.

Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên là vấn đề rất phức tạp và đã kéo dài nhiều năm, không chỉ là vấn đề giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, mà còn liên quan tới lợi ích của nhiều nước trong "bàn cờ" chiến lược ở Đông Bắc Á và thế giới, nên việc giải quyết nó không thể thực hiện trong "một sớm một chiều". Hiện không ai có thể đưa ra dự báo chính xác điều gì sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên; nhưng tình hình thực tế đang ngày càng diễn biến phức tạp, đẩy mâu thuẫn giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., lên những tầng mức cao hơn, nguy hiểm hơn. Với lý do thực hiện Nghị quyết 1874 của HĐBA LHQ, Mỹ đã điều động tầu khu trục tên lửa USS Giôn Mắc-kên thực hiện việc thanh sát hoạt động của các tầu thuyền ra vào các cảng biển của Bắc Triều Tiên. Tầu này hiện đang bám theo tầu Kang Nam của CHDCND Triều Tiên (bị tình nghi vận chuyển vũ khí bị cấm). Đây phải chăng là "liều thuốc thử" thái độ cũng như cách ứng xử của Mỹ và CHDCND Triều Tiên trong "cuộc chơi nghiệt ngã" này?  

Là Uỷ viên không thường trực  HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009), Việt Nam bày tỏ quan điểm nhất quán, kiên quyết phản đối phổ biến VKHN; ủng hộ việc cấm thử toàn diện, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn VKHN. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không được có những hành động làm cho tình hình thêm phức tạp; thực hiện đàm phán hòa bình, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, tìm ra giải pháp thích hợp nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng. Việt Nam cũng yêu cầu các nước thực thi Nghị quyết 1874 của HĐBA LHQ phải tôn trọng các quy định của Hiến chương LHQ, luật quốc tế; nhất là, không được làm tổn hại đến nhân dân nước CHDCND Triều Tiên. Việt Nam cũng kiên quyết phản đối các hành động lợi dụng tình hình để thực hiện những toan tính lợi ích riêng; bởi điều đó chỉ làm phức tạp thêm tình hình, gây nguy hại cho an ninh, ổn định của khu vực và thế giới.

MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)