Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:31 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tuy hoà bình và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thời đại, nhưng thế giới năm 2006 cũng đầy biến động, an ninh của các quốc gia, dân tộc vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Bởi vậy, các nước trên thế giới tiếp tục điều chỉnh, phát triển chiến lược quốc phòng - an ninh cho phù hợp.
Xu hướng điều chỉnh chung và cơ bản là tăng cường phát triển kinh tế, ổn định xã hội, xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, ổn định môi trường xung quanh, thêm bạn bớt thù, giảm thiểu đối thủ, tăng cường đối tác. Các khái niệm bạn, thù, đối tượng, đối tác đan xen và có thể thay đổi trong từng thời điểm, từng lĩnh vực. Quan niệm “không có bạn, thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn” được vận dụng theo sách lược ở nhiều nước, nhất là trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Trên cơ sở phát triển kinh tế, tăng chi phí quân sự, tăng cường xây dựng tiềm lực, thực lực, sức mạnh quốc phòng để có thể đối phó hiệu quả với nhiều thách thức, đe doạ khác nhau, không chỉ để thực hiện mục tiêu bảo vệ đất nước mà còn phục vụ nhiều mục tiêu chiến lược khác của quốc gia.
Xu hướng xây dựng tiềm lực, thực lực và sức mạnh quốc phòng nói chung, sức mạnh lực lượng vũ trang nói riêng của đa số các nước trên thế giới đều mang tính tổng hợp, bao gồm xây dựng sức mạnh “cứng”: nhân lực, vật lực, tiền của, vũ khí, trang bị công nghệ cao… và sức mạnh “mềm”: tinh thần, tâm lý quân, dân và các sức mạnh vô hình khác như học thuyết, lý luận quân sự tiên tiến, quốc phòng hiện đại,v.v; kết hợp sức mạnh “cứng” với sức mạnh “mềm”; kết hợp sức mạnh quân sự với chính trị, kinh tế, đối ngoại; sức mạnh trong nước với ngoài nước, sức mạnh của thời đại; kết hợp sức mạnh của truyền thống, lịch sử với thực tại, v.v. Trong xây dựng quân đội, tiếp tục điêù chỉnh cơ cấu, tổ chức, biên chế, trang bị theo hướng tinh, gọn, nâng cao chất lượng tổng hợp.
Trong xu thế điều chỉnh chung đó, mỗi nước có những ưu tiên, trọng điểm và cách thức điều chỉnh khác nhau, tuỳ theo tình hình cụ thể và mục tiêu chiến lược của mình, trên cơ sở phân tích, nhìn nhận nguy cơ, thách thức, mối đe doạ nào là chủ yếu, thứ yếu, là trước mắt hay cơ bản, lâu dài.
Nước Mỹ trong “Chiến lược an ninh quốc gia năm 2006” (CLANQG 2006) được công bố tháng 3-2006 và “Phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang thế kỷ 21” xác định các mối đe doạ hàng đầu và chủ yếu đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ là: chủ nghĩa khủng bố; nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân; các quốc gia “bất trị” muốn phát triển vũ khí hạt nhân và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố; các nước có tiềm lực mạnh muốn tranh giành ảnh hưởng, vị thế của Mỹ. Để đối phó với các mối đe doạ ngày càng đa dạng, phức tạp, nội dung cơ bản trong CLANQG 2006 của Mỹ được xây dựng dựa trên hai trụ cột chính. Một là thúc đẩy tự do, dân chủ, tiến tới xoá bỏ các chế độ mà Mỹ cho là độc tài, không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Hai là lãnh đạo các nước dân chủ đối phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ, xây dựng “thế giới tự do” theo tiêu chuẩn của Mỹ và phương Tây. Về biện pháp chiến lược, Mỹ vẫn tiếp tục bảo lưu học thuyết quân sự “đánh đòn phủ đầu” đồng thời đề ra một số biện pháp ưu tiên khác. Trong đó, nổi lên là biện pháp “thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới”, “hỗ trợ các phong trào, các chế độ dân chủ phù hợp với lợi ích của Mỹ ở các khu vực”. Mỹ tiếp tục thực hiện sự chuyển biến tư duy chiến lược mới, chuyển đổi hình thái quân sự, kế hoạch xây dựng quân đội thế kỷ 21 với nội dung cơ bản là thông tin hoá, số hoá. Năm 2006, Mỹ đưa ra “yêu cầu chiến lược 1-4-2-1” đối với quân đội, trong đó, số 1 đầu tiên là bảo vệ an ninh của nước Mỹ; số 4 là khả năng răn đe, ngăn chặn các mối đe doạ ở 4 khu vực trên toàn cầu; số 2 là khả năng đồng thời đánh thắng cả 2 kẻ thù; số 1 cuối cùng là đánh bại một trong hai kẻ thù trên và đánh thắng nước này nếu cần thiết.
Mục tiêu trong CLANQG và quốc phòng của Mỹ không chỉ là bảo vệ an ninh cho nước Mỹ mà còn nhằm bảo vệ lợi ích toàn cầu, vai trò “lãnh đạo” thế giới của Mỹ. Do vậy, cần phải ngăn chặn, loại bỏ những mối đe doạ đối với Mỹ và với việc thực hiện mục tiêu chiến lược của Mỹ, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố. Sau một thời gian “thai nghén”, ngày 10-1-2007, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã công bố những điều chỉnh chiến lược mới về vấn đề I-rắc. Nội dung cơ bản sự điều chỉnh này là tăng quân, tăng chi phí (thêm 21.500 quân, nâng tổng số lên hơn 160 ngàn tại I-rắc) cùng một số biện pháp chính trị, ngoại giao để thể hiện quyết tâm của Mỹ trong một cuộc chiến được xác định là “sẽ quyết định xu hướng của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”. Sự điều chỉnh về chiến lược của Mỹ ở I-rắc đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong ngoài nước, đặc biệt của Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát.
Trung Quốc thực thi chiến lược “trỗi dậy hoà bình” một cách mạnh mẽ1, từng bước khẳng định vị thế một cường quốc “có trách nhiệm” của mình trên thế giới. Với ban lãnh đạo thế hệ thứ tư do Hồ Cẩm Đào làm hạt nhân, Trung Quốc thực hiện chính sách đối nội xây dựng “xã hội hài hoà” trong “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” và chính sách đối ngoại hoà bình, xây dựng “thế giới hài hoà” theo trật tự thế giới đa cực, chống đơn cực, chống bá quyền. Trung Quốc cũng chủ trương tập trung sức phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng nền quốc phòng hiện đại, quân đội hiện đại theo “tư duy mới” về xây dựng quốc phòng - an ninh, xây dựng quân đội của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là: Kiên trì phát triển hài hoà giữa xây dựng quốc phòng và xây dựng kinh tế, làm cho xây dựng kinh tế và xây dựng quốc phòng thúc đẩy lẫn nhau, phát triển hài hoà giữa “nước giàu” và “binh mạnh” là con đường tất yếu để thực hiện “Trung Hoa trỗi dậy”.
“Tư duy mới” về quốc phòng - an ninh của lãnh đạo Trung Quốc được tập trung thể hiện, cụ thể hoá, công khai hoá trong “Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2006” (gọi tắt là Sách trắng) được Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 29-12-2006. Trong đó phân tích toàn diện vấn đề an ninh và môi trường an ninh của Trung Quốc làm căn cứ để đưa ra chiến lược an ninh- quốc phòng. Sách trắng chỉ rõ, an ninh Trung Quốc vẫn đang đứng trước những thách thức không thể coi nhẹ. Mức độ khó khăn trong bảo vệ an ninh quốc gia càng lớn. Một số nước thổi phồng “Thuyết về mối đe doạ từ Trung Quốc”, tăng cường phòng thủ và kiềm chế chiến lược đối với Trung Quốc. Những vấn đề lịch sử và hiện thực phức tạp, nhạy cảm về biên giới lãnh thổ xung quanh tác động, ảnh hưởng đến môi trường an ninh của Trung Quốc. Việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân và việc Mỹ, Nhật không ngừng tăng cường liên minh quân sự làm tăng thêm nhân tố khó lường đối với môi trường anh ninh xung quanh Trung Quốc.
Trên cơ sở nhận định về môi trường an ninh của Trung Quốc, Sách trắng nêu ra tư tưởng chiến lược thống nhất giữa phát triển và an ninh của Trung Quốc: về đối nội là nỗ lực xây dựng xã hội hài hoà xã hội chủ nghĩa; về đối ngoại là tích cực thúc đẩy xây dựng một thế giới hài hoà, mưu cầu an ninh tổng hợp quốc gia và duy trì hoà bình thế giới lâu dài; kết hợp an ninh bên trong và an ninh bên ngoài, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; bảo vệ chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia; bảo vệ thời cơ chiến lược quan trọng phát triển đất nước; nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác cùng có lợi, cùng thắng, thúc đẩy an ninh chung với các nước khác.
Sách trắng nêu công khai, minh bạch về các vấn đề nhạy cảm mà dư luận thế giới quan tâm, như phương hướng chiến lược, tư tưởng xây dựng, cơ cấu, biên chế, tổ chức quân đội, quân số các quân, binh chủng, bao gồm Lục quân, Hải quân, Không quân, Pháo binh II (tên lửa chiến lược), Cảnh sát vũ trang. Sách trắng nhấn mạnh, Quân đội Trung Quốc không những không phải là nhân tố bất ổn định mà ngược lại, là lực lượng tích cực giữ gìn hoà bình, ổn định khu vực và thế giới. Sách trắng công khai chi phí quốc phòng năm 2006 của Trung Quốc là 283, 829 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 36 tỷ USD). Sách trắng cũng công khai về chiến lược hạt nhân Trung Quốc là phòng ngự tự vệ, mục tiêu cơ bản là ngăn chặn các nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống Trung Quốc và đe doạ hạt nhân đối với Trung Quốc. Trung Quốc trước sau như một luôn chấp hành chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong bất kỳ lúc nào và bất kỳ tình huống nào, thừa nhận vô điều kiện đối với các nước không sử dụng vũ khí hạt nhân và đe doạ hạt nhân, chủ trương cấm toàn diện và huỷ bỏ triệt để vũ khí hạt nhân. Sách trắng chỉ rõ, Trung Quốc kiên trì nguyên tắc phản kích tự vệ và phát triển có hạn, chú trọng xây dựng lực lượng hạt nhân có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia, đảm bảo vai trò răn đe chiến lược, tính an toàn, độ tin cậy của vũ khí hạt nhân, và lực lượng này do Quân uỷ Trung ương Trung Quốc trực tiếp chỉ huy.
Ngoài “Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2006” do Chính phủ Trung Quốc công bố, Đảng uỷ Quân sự Trung ương Trung Quốc còn đề ra “Phương hướng chiến lược xây dựng quân đội giai đoạn 2006-2011”. Trong đó kiên trì tư tưởng chiến lược quân sự là “phòng ngự tích cực”; kết hợp quân sự với chính trị, kinh tế, đối ngoại để tạo môi trường hoà bình, ổn định cho Trung Quốc phát triển kinh tế xây dựng nền quốc phòng hiện đại. Tiếp tục xây dựng quân đội cách mạng hoá, chính quy hoá, hiện đại hoá theo “con đường tinh binh mang đặc sắc Trung Quốc”...
Nước Nga dưới thời chính quyền của Tổng thống V. Pu-tin đang dần dần khôi phục vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế. Trong “Thông điệp Liên bang” đọc ngày 10-5-2006, Tổng thống Pu-tin đã nêu lên chiến lược quốc phòng, quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang Nga trong những thập kỷ đầu thế kỷ 21. Trong khi tập trung vào nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh, nước Nga cũng tăng cường xây dựng quốc phòng. Bởi vì nước Nga vẫn đang đứng trước những thách thức, đe doạ đến an ninh và sự phát triển của mình: nổi lên là hoạt động khủng bố của các tổ chức ly khai; chủ nghĩa can thiệp từ bên ngoài; những mưu toan chèn ép không gian địa - chính trị, địa - chiến lược của Nga để phục vụ cho tham vọng của chủ nghĩ bá quyền khu vực và thế giới. Tổng thống V.Pu-tin chỉ rõ, trong bối cảnh tình hình quốc tế còn nhiều phức tạp như hiện nay, nước Nga phải xây dựng một nền quốc phòng vững chắc, một quân đội hùng mạnh, đủ sức đối phó có hiệu quả với các mối đe doạ. Quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Nga mang tính phòng thủ, bảo vệ an ninh và lợi ích của đất nước, góp phần bảo vệ hoà bình, ổn định và sự phát triển của thế giới.
Cụ thể hoá những quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Tổng thống V.Pu-tin, Bộ Quốc phòng Nga đề ra “Kế hoạch quân sự đến năm 2020” với ba điểm chính. Một là, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển, nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng, nhất là lực lượng hạt nhân chiến lược. Hai là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện biên chế tổ chức quân đội theo mô hình chuyên nghiệp hoá. Ba là, cải cách nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo, huấn luyện trong quân đội, công tác giáo dục quốc phòng cho nhân dân, xây dựng đội ngũ quân nhân có trình độ và tố chất cao.
Ngoài ra, một “Học thuyết quân sự mới” của Nga dự định được công bố vào năm 2007 sẽ thay thế cho các học thuyết quân sự cũ của Nga ra đời vào các năm 1993 và 2002 chỉ bảo đảm an ninh quân sự trong thời kỳ chuyển đổi chế độ chính trị ở Nga, nay không còn phù hợp với hoàn cảnh mới.
Nhật Bản cũng ra “Sách trắng phòng vệ năm 2006”, trong đó đã chú trọng giải thích xung quanh vấn đề nâng cấp Cục phòng vệ Nhật Bản lên cấp Bộ Quốc phòng. Đây là một trọng điểm trong cải cách quân sự của Nhật Bản, là sự điều chỉnh, phát triển chiến lược quốc phòng - an ninh quan trọng của Nhật Bản, được dư luận quan tâm. Theo sự giải thích của “Sách trắng phòng vệ 2006”, sở dĩ có sự nâng cấp này là vì tình hình quốc tế có nhiều thay đổi, nhiều nguy cơ, thách thức, mối đe dọa nổi lên, như chủ nghĩa khủng bố, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, mối lo ngại đối với hoạt động quân sự đang ngày càng trở nên sôi động của Trung Quốc, v.v. Nhật Bản cho rằng việc nâng cấp Cục phòng vệ có lợi đối với việc nâng cấp khả năng ứng phó của nước này đối với các “sự cố đặc biệt” nảy sinh từ các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ tiềm ẩn. Hơn nữa, ngoài nhiệm vụ phòng vệ lãnh thổ, lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) còn có nhiệm vụ duy trì hoà bình và ổn định quốc tế. Việc nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng còn nhằm nâng cao vị thế của cơ quan này trong Chính phủ, đồng thời cho phép lực lượng vũ trang đóng vai trò lớn hơn trong trường hợp xuất hiện những mối đe doạ từ bên ngoài. Các hoạt động ở bên ngoài Nhật Bản của SDF như trợ giúp thiên tai, tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ, hỗ trợ hậu cần trong trường hợp xảy ra các biến động trong khu vực, như Nhật Bản đã tham dự ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc sẽ được xác định là những nhiệm vụ chính chứ không phải nhiệm vụ phụ như trước đây. Trước sự kiện Nhật Bản thành lập Bộ Quốc phòng, Có những người đặt câu hỏi: Liệu sự việc này có gây ra một cuộc chạy đua quân sự trong khu vực hay không ? Liệu hành động này của Nhật Bản có làm cho quân đội Mỹ từng bước rút khỏi khu vực châu Á- Thái Bình Dương hay không ? v.v.
Năm 2007, chắc chắn những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đối với hoà bình, ổn định của thế giới, an ninh của các quốc gia, dân tộc vẫn tồn tại và phát triển. Các nước sẽ lại tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho phù hợp với tình hình mới.
Nguyễn Trung
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011