QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:25 (GMT+7)
Xây dựng y học quân sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và đất nước trong giai đoạn mới của cách mạng

Y học quân sự là khoa học về tổ chức bảo đảm quân y cho lực lượng vũ trang trong thời bình và thời chiến. Y học quân sự Việt Nam gắn liền với sự hình thành và phát triển của y học và khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong kháng chiến chống Pháp, Quân y đã được xây dựng từng bước về hệ thống tổ chức từ trung ương đến các đơn vị cơ sở (quân y cục, quân y các chiến trường, quân y các đơn vị); đồng thời hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn của y học quân sự Việt Nam, đó là “Tổ chức cứu chữa thương binh, bệnh binh theo tuyến" (bậc thang điều trị), xây dựng "Điều lệ vết thương chiến tranh", "Tổ chức ngoại khoa chấn thương"… Vì thế, mặc dù lực lượng còn nhỏ, trang thiết bị hạn chế, lạc hậu, song do biết kết hợp kinh nghiệm qua phục vụ chiến đấu trên các chiến trường với tiếp thu kinh nghiệm y học quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, Ngành đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, góp phần bảo đảm sức khỏe bộ đội, duy trì sức mạnh chiến đấu của quân đội đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội ta đã cử nhiều cán bộ quân y có kinh nghiệm sang nghiên cứu, học tập tại nước bạn về các chuyên ngành thuộc lĩnh vực y học quân sự. Đây là lực lượng quân y quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền y học quân sự Việt Nam. Thời kì này, các chuyên ngành y học quân sự từng bước được hình thành như tổ chức và chỉ huy quân y (lúc đầu có tên là quân y cần vụ), Ngoại khoa dã chiến, Nội khoa dã chiến, Phòng hoá-Phòng nguyên, Vệ sinh quân sự, Dịch tễ quân sự, Truyền nhiễm, Tiếp tế quân y…Sự phát triển của y học quân sự đã tạo điều kiện cho ngành Quân y bước vào phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc trong tư thế vững mạnh hơn nhiều so với thời kì chống Pháp. Vừa phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng, nghiên cứu khoa học và phát triển, ngành Quân y đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, xây dựng được hệ thống lý luận về công tác tổ chức bảo đảm quân y nói chung, cũng như lý luận và thực tiễn của các mặt công tác: cứu chữa thương bệnh binh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ bộ đội, sản xuất tiếp tế quân y… Các vết thương chiến tranh phức tạp đã được cứu chữa tốt, như những tổn thương do bỏng, do bom bi…Tỷ lệ tử vong hoả tuyến so với tổng số thương vong giảm gần 5% so với kháng chiến chống Pháp. Nhiều bệnh truyền nhiễm đã được phát hiện và khống chế kịp thời, không để lây lan thành dịch như sốt xoắn khuẩn, sốt mò; hạn chế bị lỏng, lỵ, phòng chống hiệu quả căn bệnh sốt rét, giảm tỷ lệ sốt rét, tỷ lệ chết do sốt rét ác tính. Ngành Quân y đã thu dung, cứu chữa khoảng nửa triệu thương binh và 1,3 triệu bệnh binh ở cả hai miền Nam, Bắc. Tỷ lệ quân số trở lại đơn vị chiến đấu ở các chiến trường đạt gần 60% tổng số thương binh và 82-86% tổng số bệnh binh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của quân đội, góp phần vào thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Những năm qua, nhất là trong thời kì đổi mới, y học quân sự Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, khá toàn diện, đạt nhiều thành tựu quan trọng cả trong nghiên cứu khoa học, khám và điều trị bệnh. Ngành thành công trong việc cứu chữa các vết thương chiến tranh do mìn, trong việc phòng chống, điều trị sốt rét, sốt rét ác tính và sốt rét đái huyết cầu tố. Ngành Quân y cũng là đơn vị đầu tiên ở nước ta thành công trong việc chiết xuất Artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng và áp dụng vào chữa sốt rét. Công trình này đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (có sự tham gia nghiên cứu của một số tập thể khác). Về tổ chức, đã có nhiều sáng tạo mới như xây dựng "Cụm phẫu thuật dã chiến kết hợp quân- dân y".
Nhằm đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, những năm qua ngành Quân y tiếp tục có sự phát triển đáng mừng. Tổ chức quân y được hình thành theo phương hướng chung xây dựng quân đội. Nhiều trung tâm khoa học, kỹ thuật được củng cố hoặc xây dựng; trang bị được tăng cường theo hướng hiện đại, điển hình như Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 175, Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia, Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội, Viện Y học cổ truyền, Trung tâm Kiểm nghiệm Nghiên cứu Dược quân đội, Viện Pháp y quân đội…Những trung tâm khoa học - kỹ thuật lớn của Ngành đang phấn đấu tiếp cận những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của y học quân sự. Học viện Quân y đã đi tiên phong trong lĩnh vực ghép thận, ghép gan. Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (trực thuộc Học viện Quân y) đã làm tốt chức năng tuyến cuối của ngành Y tế về bỏng. Các bệnh viện loại A đã đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tim mạch, chấn thương chỉnh hình, cấp cứu nội khoa...Các bệnh viện loại B ở từng khu vực ngày một trưởng thành với các chuyên khoa sâu, làm tốt nhiệm vụ theo phân cấp và bước đầu mở rộng được một số kỹ thuật ở tuyến bệnh viện loại A. Các bệnh viện Không quân, Hải quân đã được xây dựng thành Viện Y học Hàng không, Viện Y học Hải quân. Viện Y học Cổ truyền quân đội được xây dựng từ Bệnh viện Y học Dân tộc quân đội, vừa làm nhiệm vụ chữa bệnh, vừa làm nhiệm vụ kế thừa, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực y học cổ truyền. Hệ thống vệ sinh phòng dịch được củng cố, đặc biệt là Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội với chức năng đầu ngành tuyến cuối đã có những bước phát triển khá toàn diện về công tác chẩn đoán mầm bệnh của các bệnh dịch nguy hiểm. Các tuyến quân y từ cấp quân đoàn tới đại đội đều được củng cố về tổ chức, trang bị được cải tiến và tăng cường, tạo điều kiện cho quân y các tuyến này luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về tổ chức và chỉ huy quân y cũng đã đạt nhiều thành tựu, như đẩy mạnh sự nghiệp kết hợp quân - dân y và triển khai công tác y tế quân sự địa phương. Kết hợp quân - dân y được phát triển toàn diện, ở các địa phương, các đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ bộ đội và nhân dân, phòng, chống thảm hoạ cũng như sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Công tác y tế quân sự địa phương được triển khai tốt, góp phần xây dựng thế trận kết hợp quân - dân y ở từng khu vực phòng thủ.
Hệ thống lý luận về công tác tổ chức bảo đảm quân y đã từng bước được hoàn thiện. Nhiều đề tài về lĩnh vực y học quân sự đã được nghiên cứu thành công, hàng trăm tài liệu chuyên môn kỹ thuật và các hướng dẫn nghiệp vụ được biên soạn và xuất bản đã góp phần đưa hoạt động của Ngành từng bước đi vào nền nếp chính quy, đủ khả năng đáp ứng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bộ đội và cứu chữa người bệnh trong mọi tình huống.
Cùng với, sự phát triển y học quân sự trong nước hợp tác quốc tế về y học quân sự cũng được mở rộng. Quân y Việt Nam đã hợp tác với quân y các nước Nga, Trung Quốc, Cu Ba, Pháp, úc, Đức, Mỹ, Lào, Campuchia, Hàn Quốc… Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần, tháng 5 năm 2005 Ngành đã tổ chức thành công Hội nghị Quân y châu á - Thái Bình Dương lần thứ 15 tại Hà Nội, gồm 29 đoàn quân y các nước và 3 tổ chức quốc tế với 650 đại biểu (trong đó có hơn 300 đại biểu quốc tế). Thành công của Hội nghị đã góp phần nâng cao vị thế của quân đội nói chung và ngành Quân y nói riêng đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và trình độ y học quân sự trên thế giới thì y học quân sự Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập. Sức cơ động của các phân đội và cơ sở quân y còn hạn chế; trang bị kỹ thuật, nhất là trang bị dã chiến chậm được đầu tư và đổi mới đã ảnh hưởng đến việc đưa trang bị kỹ thuật y học ra tuyến trước phục vụ thương binh, bệnh binh và bộ đội.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác tổ chức, bảo đảm quân y. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang vẫn tiềm ẩn, đặc biệt là các hoạt động khủng bố xảy ra liên tục với quy mô nhỏ nhưng đa dạng về thủ đoạn và phương tiện, có xu hướng lan rộng ra nhiều quốc gia. Mặt khác, thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, sốt xuất huyết, sốt rét, dịch cúm gia cầm H5N1, ngộ độc thực phẩm, tình hình nhiễm HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng. Trong khi đó lực lượng vũ trang vẫn phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đối phó với các thảm hoạ cũng như các tình huống bất ngờ khác có thể xảy ra.
Do đó, phương hướng, nhiệm vụ của ngành Quân y giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo là: Xây dựng nền y học quân sự Việt Nam chính quy và từng bước hiện đại, có đủ khả năng đáp ứng một cách kịp thời và có hiệu quả nhất những yêu cầu của quân đội và đất nước trong mọi tình huống.
Để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ trên, y học quân sự Việt Nam cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục xây dựng hệ thống lý luận y học quân sự. Tập trung nghiên cứu, chỉnh lý và biên soạn các tài liệu lý luận y học quân sự và hướng dẫn nghiệp vụ cho các tuyến quân y, làm cơ sở xây dựng chính quy trong toàn Ngành. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng lý luận về tổ chức bảo đảm quân y trong chiến tranh công nghệ cao và xây dựng tiềm lực y tế phục vụ quốc phòng, an ninh của khu vực phòng thủ; tiếp tục tổng kết những vấn đề chưa được nghiên cứu đầy đủ về công tác bảo đảm quân y trong những năm trước đây.
Hai là, cải tổ, kiện toàn hệ thống tổ chức quân y. Xây dựng các tổ chức quân y thường trực và dự bị động viên theo quy định, sẵn sàng triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng hình thành và xây dựng các tuyến cứu chữa, vận chuyển người bị thương, bị bệnh của từng khu vực phòng thủ trên cơ sở kết hợp quân - dân y; xây dựng các phân đội quân y, các tổ cấp cứu sẵn sàng phục vụ các nhiệm vụ đột xuất; xây dựng các tổ chức vệ sinh phòng dịch và điều trị sẵn sàng phối hợp cùng y tế nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh (như H5N1, SARS…), phòng chống thảm hoạ và các tình huống khẩn cấp khác.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu về ứng dụng và phát triển khoa học - kỹ thuật. Xây dựng tiềm lực kỹ thuật mũi nhọn về y học quân sự, nhất là các chuyên ngành: Ngoại khoa dã chiến, Nội khoa dã chiến, Y học quân binh chủng. Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu y học hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị, chú trọng đưa các kỹ thuật ra tuyến trước để phục vụ việc bảo vệ sức khoẻ bộ đội và cứu chữa thương bệnh binh; nghiên cứu phòng chống hậu quả của chiến tranh do vũ khí công nghệ cao gây ra. Nghiên cứu đề xuất bảo đảm một số loại thuốc và trang bị mang tính đặc thù phục vụ nhiệm vụ quân sự. Đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin ứng dụng vào lĩnh vực y học quân sự và quản lý Ngành.
Bốn là, bảo đảm trang bị kỹ thuật. Coi trọng đầu tư cho các tuyến quân y trung ương, nâng cao năng lực các khoa lâm sàng, các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ cho công tác chẩn đoán, điều trị và phòng chống dịch bệnh. Cải tiến một bước cơ bản trang bị cho các tuyến quân y chiến thuật và chiến dịch nhằm nâng cao sức cơ động, nâng cao chất lượng cứu chữa và phòng chống dịch bệnh trong điều kiện dã ngoại. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực y học quân sự với quân y các nước ASEAN, các nước trong tổ chức hợp tác Quân y châu á - Thái Bình Dương. Duy trì hợp tác và tranh thủ giúp đỡ của quân y các nước đã có quan hệ với Quân y Việt Nam; tiếp tục hợp tác và giúp đỡ quân y nước bạn Lào và Cam-pu-chia.
 
Thiếu tướng, TS.  Chu Tiến Cường
Cục trưởng Cục Quân y
 

Ý kiến bạn đọc (0)