QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:27 (GMT+7)
Xây dựng Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đổi mới của đất nước, xây dựng quân đội và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội được thành lập ngày 24/4/1996 nhằm góp phần nghiên cứu ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hạt nhân vào việc phòng chống phóng xạ, bảo đảm an toàn cho bộ đội; điều trị bệnh nhân bị nhiễm chất phóng xạ và những chất liên quan đến phóng xạ,...

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, 10 năm qua, Viện đã vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định tổ chức, lực lượng, triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở, mua sắm trang thiết bị hiện đại, triển khai thực hiện nhiều dự án và đề tài nghiên cứu đạt hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điểm nổi bật là Viện đã triển khai xây dựng và tổ chức một lực lượng cấp cứu nhiễm xạ, sẵn sàng cơ động tham gia phòng chống, cấp cứu nhiễm xạ trong quyền hạn và chức năng được phân công khi có tình huống xảy ra. Nghiên cứu các tình huống, các biện pháp phòng chống sự cố, cấp cứu nhiễm xạ sát với điều kiện thực tế bảo đảm cho hoạt động kinh tế, quốc phòng, an ninh.
Trong công tác điều trị, Viện đã được trang bị một số thiết bị, máy móc chẩn đoán, điều trị hiện đại ngang tầm khu vực và một số thiết bị thuộc loại tiên tiến trong nước. Gắn kết chặt chẽ giữa công tác nghiên cứu với công tác điều trị nên hiệu quả và chất lượng chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý ác tính (mà các phương pháp chẩn đoán, điều trị khác còn gặp khó khăn) của Viện ngày một nâng lên. Tỷ lệ thu dung đã tăng lên không ngừng. Năm 2002, Viện khám bệnh được cho gần 2000 lượt bệnh nhân, thu dung điều trị được 450 bệnh nhân thì đến năm 2005, Viện đã khám cho gần 3000 lượt bệnh nhân, làm được hơn 7000 xét nghiệm các loại, thu dung hơn 800 lượt bệnh nhân, trị xạ cho gần 800 lượt người. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh đạt trên 150%. Nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp, ung thư di căn xương đã được điều trị có kết quả tốt. Viện bước đầu đã nghiên cứu thành công một số loại thuốc dược liệu phục vụ điều trị bệnh lý nhiễm xạ và tẩy xạ tiêu độc; tham gia khảo sát môi trường liên quan đến phóng xạ, xây dựng bản đồ địa lý y học quân sự về vùng phóng xạ, đề xuất các biện pháp bảo đảm an toàn phóng xạ cho bộ đội và nhân dân.
Mười năm qua, Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội cũng đã tổ chức nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, Bộ, ngành và cơ sở có giá trị, ý nghĩa thực tiễn và hàm lượng khoa học cao. Nhiều đề tài có giá trị thực tiễn đã và đang được ứng dụng vào khám, điều trị cho bệnh nhân như ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân; nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật miễn dịch hiện đại, xét nghiệm dấu ấn ung thư tuyến tiền liệt, gan và đại trực tràng,... Gắn liền với công tác nghiên cứu, điều trị, Viện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên khoa y học hạt nhân; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành y học hạt nhân như chuyên khoa sơ bộ, cao học, chuyên khoa cấp 1, hướng dẫn nghiên cứu sinh; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức y học hạt nhân và an toàn phóng xạ của nhiều nước tiên tiến và cũng là thành viên của một số tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế.
Lịch sử phát triển kinh tế thế giới hiện đại, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho thấy, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia. Trong y học, cuộc sống hiện đại đã làm cho mô hình bệnh có nhiều thay đổi, ví dụ bệnh ung thư đã xếp lên hàng thứ 6 trong các loại bệnh. Mặt khác, việc sử dụng các hóa chất, thiết bị, nguyên vật liệu có bức xạ ion hóa trong các ngành kỹ thuật đòi hỏi nhu cầu chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh liên quan càng trở nên cấp thiết. Chúng ta cũng phải sẵn sàng đối phó với các tình huống khủng bố sinh học, hóa học, hạt nhân trong tình hình quốc tế khá phức tạp và nóng bỏng hiện nay. Cho nên, việc ứng dụng hạt nhân vào cuộc sống và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp các sự cố bức xạ, hạt nhân đã trở nên cần thiết và không thể thiếu. Đây là điều kiện, động lực để tiếp tục xây dựng và phát triển Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội vươn lên ngang tầm thời đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới.
Thời gian tới, Viện xác định, trong khi triển khai toàn diện các mặt công tác, Viện sẽ tập trung vào những nội dung quan trọng, làm chuyển biến mạnh mẽ, tạo những bước đột phá mới trong lĩnh vực y học hạt nhân. Mục tiêu đề ra là phải tiếp tục hoàn thiện các phương án tác chiến, củng cố lực lượng cấp cứu nhiễm xạ đủ khả năng xử lý tại chỗ và cơ động khi có tình huống xảy ra. Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công tác chẩn đoán, điều trị, bảo đảm an toàn phóng xạ; xây dựng Viện vừa là cơ sở điều trị, vừa là nơi đào tạo nhân lực chuyên ngành y học hạt nhân và bảo vệ phóng xạ.  
Muốn vậy, Viện cần tiếp tục củng cố xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị tiếp cận kịp với sự phát triển của khoa học- công nghệ, với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Lĩnh vực hạt nhân là mới và chưa phát triển đối với nước ta, quân đội ta, nên điều kiện nghiên cứu, lực lượng cán bộ chuyên môn còn thiếu; trang thiết bị còn hạn hẹp, cơ bản vẫn phải nhập ngoại và khai thác những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Để phát triển Viện, góp phần phát triển ngành, vấn đề quan trọng là phải dự tính được sự phát triển, hoạch định tốt chủ trương, xác định rõ bước đi thích hợp để từ đó lựa chọn đầu tư phát triển trang bị cho thích hợp với trình độ công nghệ, khả năng ngân sách của quân đội. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, sắp tới, trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, Viện sẽ nghiên cứu đề xuất phương án mua sắm, nhập thiết bị và biện pháp chuyển giao công nghệ hiện đại. Đồng thời, tiếp tục duy trì hệ số kỹ thuật trang bị, vận hành và phát huy công năng của trang thiết bị mới, thiết bị hiện có. Đây là những thiết bị đắt, quí, hiện đại nên cần sử dụng hết công suất và hiệu quả để vừa góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, điều trị, đào tạo, vừa nâng cao uy tín cho Viện.
Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội cũng cần tiếp tục củng cố về tổ chức, lực lượng phù hợp với qui định của quân đội, của ngành, với chức năng, nhiệm vụ của mình. Viện chủ động nghiên cứu, đề xuất với cấp trên về biên chế, tổ chức, xây dựng chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành, của quân đội thời kỳ mới. Tập trung xây dựng các khoa, phòng chức năng theo hướng mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp cao, tương xứng với yêu cầu, xu hướng phát triển trước mắt lẫn lâu dài.
Bên cạnh việc đề nghị cấp trên bổ sung lực lượng cán bộ khoa học chuyên ngành, ưu tiên tăng cường cho số cán bộ trẻ, Viện sẽ quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hiện có bằng cách bố trí công việc hợp lý, vừa đảm nhiệm được công tác thường xuyên, vừa tạo điều kiện cho một số cán bộ được đi đào tạo lâu dài ở trình độ cao hơn; tăng cường công tác tự học và tự đào tạo tại chỗ; lấy việc nghiên cứu khoa học và tiếp thu công nghệ mới là một khâu quan trọng để tự nâng cao trình độ chuyên môn... Xác định đây là một nghề khó, nguy hiểm, Viện cũng tiếp tục đề cao công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng rèn luyện nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, xứng đáng là người cán bộ khoa học “vừa hồng, vừa chuyên”, yên tâm gắn bó với nghề, chịu đựng khó khăn, nguy hiểm, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện gắn kết có hiệu quả giữa công tác nghiên cứu khoa học với điều trị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Là một viện nghiên cứu, điều trị, chữa bệnh nên hai mặt công tác này phải là một thể thống nhất, đồng bộ; lý luận khoa học phải gắn liền với thực tiễn. Các đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cần tập trung vào mục tiêu phục vụ nhiệm vụ y học quân sự, sẵn sàng chiến đấu, cấp cứu, phòng chống phóng xạ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Các đề tài nghiên cứu phải bám sát vào thực tế đơn vị, hoạt động của bộ đội và tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra. Từ công tác nghiên cứu, Viện tăng cường hợp tác với các cơ sở quân, dân y để gia tăng số lượng và mặt bệnh, tiếp tục ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân - phóng xạ hiện có, từng bước tiếp thu các kỹ thuật hiện đại để duy trì và phát huy hiệu quả công tác khám bệnh, thu dung điều trị bệnh nhân. Viện sẽ tập trung cho hướng đi quan trọng là xây dựng và hoàn thiện qui trình trị xạ, nghiên cứu các nguồn dược liệu trong nước để sản xuất thuốc điều trị bệnh lý nhiễm xạ, tăng số lượng và đa dạng hóa cơ cấu bệnh, tiếp tục đưa Viện trở thành cơ sở ứng dụng hạt nhân điều trị một số bệnh mà các phương pháp điều trị khác còn khó khăn. Phấn đấu nghiên cứu điều trị thành công một số bệnh hiểm nghèo, vượt tỷ lệ thu dung hằng năm từ 100%-115%.
Là đơn vị đầu ngành y học hạt nhân, Viện sẽ tiếp tục bố trí lực lượng tham gia nghiên cứu và đào tạo chuyên gia, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành y học hạt nhân cùng các học viện, các trường đại học trong và ngoài quân đội. Đề xuất với cấp trên các dự án mở rộng hợp tác quốc tế, cử cán bộ học tập, đi tập huấn nước ngoài để học hỏi, tiếp cận và nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đưa khả năng và trình độ chuyên môn kỹ thuật của Viện theo kịp với xu thế và trình độ chung của khu vực và thế giới.
Tuy mới thành lập và hoạt động được 10 năm (24/4/1996 – 24/4/2006), nhưng những kết quả đạt được đã là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của Viện. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, không ngừng xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ chuyên môn, bám đơn vị, kết hợp có hiệu quả giữa quốc phòng với kinh tế, tin tưởng rằng Viện sẽ tiếp tục phát triển và thu được những thành tựu to lớn hơn nữa trong lĩnh vực y học hạt nhân và bảo vệ phóng xạ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng ngành, xây dựng quân đội thời kỳ mới.
 
Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Nghĩa
Viện trưởng       
 

Ý kiến bạn đọc (0)