QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 01:18 (GMT+7)
Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng ở Binh đoàn Quyết Thắng

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của phong trào thi đua quyết thắng (TĐQT) đối với việc xây dựng tổ chức và con người vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị, những năm qua, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Quyết thắng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa phong trào thi đua đi vào nền nếp, có chiều sâu, tạo động lực tinh thần to lớn, bảo đảm cho Binh đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ quan trọng khác.

Trong tổ chức phong trào thi đua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã chỉ đạo: phải hết sức quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; coi đây là biện pháp quan trọng tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào TĐQT; đồng thời, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Binh đoàn. Để làm được điều đó, trước mỗi đợt thi đua, Binh đoàn đã định hướng lựa chọn, xây dựng đơn vị điểm, phát hiện và bồi dưỡng các điển hình tiên tiến; tập trung vào những đơn vị và cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác ở những nơi khó khăn, phức tạp. Việc xây dựng, bồi dưỡng điển hình tiên tiến được các đơn vị tiến hành khá toàn diện, bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú; gắn xây dựng điển hình tiên tiến với phát hiện và biểu dương những tấm gương tiêu biểu, có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và chủ trương “Một tập trung, hai khâu đột phá” của Bộ Quốc phòng. Ngoài việc động viên các cá nhân, đơn vị tham gia tích cực vào các phong trào thi đua chung, Binh đoàn còn chú ý tạo điều kiện để họ tham gia vào các hội thi, hội thao; thử thách trong các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt... Sau mỗi đợt thi đua, công tác sơ kết, tổng kết, bình xét khen thưởng được các đơn vị tiến hành nghiêm túc, khách quan, đúng người, đúng thành tích; qua đó, lựa chọn được những đơn vị, cá nhân thực sự là những tấm gương tiêu biểu được tập thể suy tôn. Tiêu biểu cho phong trào TĐQT của Binh đoàn là: Các đơn vị M.65, M.41, H.09 (Đoàn B.12); Đơn vị M.02 (Đoàn B.08); Đoàn B.90; Đơn vị Xe tăng H.02; Đơn vị Công binh H.99; Trường Quân sự; Cục Chính trị; Cục Hậu cần... Từ trong phong trào TĐQT của Binh đoàn đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, mang đậm dấu ấn của Binh đoàn, như: mô hình "Huấn luyện chiến sĩ giỏi" của Đơn vị H.09 (Đoàn B.12); "Cảnh quan môi trường đơn vị", "Chăn nuôi gà Ai Cập, cá sấu, lợn lửng" của Đơn vị M.02 (Đoàn B.08); "Chăn nuôi gà đẻ trứng" của Phòng Hậu cần (Đoàn B.12); "Chăn nuôi Đà Điểu" của Lữ đoàn B.68; “Cây dưa hấu trên đất trồng ngô” của Đơn vị H.99... Trong số các điển hình tiên tiến, phải kể đến tấm gương của đồng chí Nguyễn Quốc Việt (lái xe ô tô, thuộc Đơn vị H.02) đã dũng cảm, không sợ hy sinh để cứu dân, cứu tài sản trong vùng bão, lụt; được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”; là một trong 7 gương mặt thanh niên tiên tiến trong Quân đội tham gia giao lưu thanh niên tiên tiến toàn quốc; được Bộ Tư lệnh Binh đoàn đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương “Dũng cảm” và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen. Trong 5 năm qua, toàn Binh đoàn đã có 3 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; 19 cơ quan, đơn vị có 3 năm liền đạt Đơn vị Quyết thắng; 2 tập thể được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 8 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng; 9 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân; 22 cá nhân được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Những điển hình tiên tiến đó đã góp phần quan trọng vào phong trào chung, bảo đảm cho Binh đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.  

Từ thực tiễn xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào TĐQT ở Binh đoàn Quyết thắng, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:  

Thứ nhất, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là cán bộ chủ trì cần nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và sự cần thiết phải xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào TĐQT. Mục đích của việc tổ chức phong trào TĐQT là để động viên cao độ tính tự giác của mọi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua là nội dung hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, mà còn là biện pháp tổ chức thực tiễn khoa học, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào tiếp tục đổi mới và phát triển. Bởi vậy, cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp cần có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể; quan tâm đầu tư về mọi mặt để việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Thực tiễn chỉ ra rằng, nơi nào cấp ủy và cán bộ chủ trì có nhận thức đúng, quan tâm đến phong trào, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, sâu sát cơ sở, thì ở đó, phong trào diễn ra sôi nổi, xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, đơn vị đoàn kết, phát triển.

Thứ hai, cần lựa chọn đúng những đơn vị, cá nhân để xây dựng điển hình tiên tiến. Thực tiễn chỉ đạo phong trào TĐQT của Binh đoàn vừa qua cho thấy, trong quá trình xây dựng điểm, ngoài yêu cầu củng cố, giữ vững các điển hình tiên tiến đã được khẳng định, cần lựa chọn từ 1-2 đơn vị điểm trên từng mặt công tác, từng phong trào; hướng đầu tư xây dựng điểm vào những đơn vị còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp để đánh giá đúng thực chất hiệu quả của phong trào, tránh làm tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm. Kế hoạch xây dựng điểm phải cụ thể, có lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, công phu, nghiêm túc; quá trình xây dựng phải kiên trì, tạo được điển hình, làm cơ sở đúc rút, phổ biến kinh nghiệm và nhân ra diện rộng, không cầu toàn, chờ đợi. Việc đầu tư xây dựng điển hình tiên tiến rất quan trọng đối với phong trào TĐQT; bởi vậy, các đơn vị cần xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ để nhận xét, đánh giá, bình xét, phân loại, bảo đảm tính khách quan, trung thực; không vì làm điểm mà có sự châm chước, tô hồng thành tích. Để bảo đảm cho các điển hình tiên tiến bộc lộ và khẳng định mình trong thực tiễn, cần hướng xây dựng và nhân rộng điển hình vào nhiệm vụ trọng tâm, việc khó, việc mới, khâu yếu, mặt yếu; thử thách trong môi trường khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nỗ lực, quyết tâm cao. Khi đã phát hiện, xây dựng được những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cấp uỷ, cán bộ chủ trì đơn vị cần thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các điển hình tiên tiến phát huy thành tích; đồng thời, nắm bắt những biểu hiện lệch lạc để có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời.

Thứ ba, phát huy vai trò của Hội đồng (ban, tổ) thi đua trong xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Đây là kinh nghiệm đã được khẳng định trong thực tiễn tổ chức phong trào TĐQT của Binh đoàn thời gian qua. Nếu Hội đồng (ban, tổ) thi đua hoạt động tích cực, thường xuyên bám sát phong trào, tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy, cán bộ chủ trì đơn vị, chấm điểm thi đua đúng thực chất, thì việc đánh giá, phân loại thành tích sẽ bảo đảm chính xác, phát hiện và nhân rộng được nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, thúc đẩy phong trào đi lên; còn ngược lại, sẽ làm giảm sự nhiệt tình, trách nhiệm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ và thui chột các điển hình tiên tiến. Bởi vậy, trong tổ chức phong trào TĐQT, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các đơn vị cần tập trung củng cố, kiện toàn và tạo điều kiện cho Hội đồng (ban, tổ) thi đua hoạt động có nền nếp và mang lại hiệu quả thiết thực. 

Thứ tư, làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến. Việc tuyên truyền, cổ động nêu gương các điển hình tiên tiến được Binh đoàn tiến hành kịp thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và của quân đội; đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống báo cáo viên, các thiết chế văn hoá (bảng tin, báo tường, phòng Hồ Chí Minh, truyền thanh nội bộ...) của đơn vị. Ngoài ra, sau mỗi đợt thi đua, Binh đoàn còn làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, bình, báo công, tổ chức hội trại, trưng bày và thưởng thức những sản phẩm làm ra từ phong trào thi đua; tổ chức tham quan, học tập các điển hình tiên tiến... Đặc biệt, Binh đoàn đã lấy ngày 24-10 hằng năm là ngày tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào TĐQT; coi đây là biện pháp quan trọng nhằm cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến để mọi người học tập và làm theo.

Thứ năm, thường xuyên quan tâm đến quyền lợi và tạo điều kiện cho những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được khẳng định mình trong thực tiễn. Ngoài việc khen thưởng theo quy định, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Binh đoàn còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải có biện pháp động viên, khích lệ kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến. Theo đó, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên là Chiến sĩ thi đua 2 năm liền được đề nghị lên lương trước thời hạn; cán bộ, sĩ quan có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua được cấp uỷ đưa vào diện quy hoạch, đề bạt; hạ sĩ quan, chiến sĩ tiêu biểu được xét cho đi học để phục vụ lâu dài trong quân đội, hoặc viết thư thông báo thành tích về địa phương, gia đình, trao tặng phẩm, vật kỷ niệm...

 Vận dụng và thực hiện tốt những kinh nghiệm trên là biện pháp quan trọng để Binh đoàn tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, không ngừng đưa phong trào TĐQT ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng MAI VĂN LÝ

Chính ủy Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)