Thứ Tư, 27/11/2024, 10:57 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Xuất phát từ yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương ở cơ sở, từ năm 1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng) và Bình Định đã chỉ đạo xây dựng điểm chi bộ trong lực lượng dân quân ở một số xã, phường, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn tỉnh.
Từ kinh nghiệm của các địa phương trên, nhiều tỉnh, thành phố (nhất là ở phía Nam) đã chỉ đạo thành lập loại hình chi bộ này ở các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Tính đến tháng 6-2008, cả nước có 4.578 cấp xã đã thành lập chi bộ quân sự (42,17%), trong đó, có 3.823 chi bộ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) cấp xã (83,5%), 429 chi bộ được thành lập trong lực lượng dân quân cơ động, thường trực (9,4%), 311 chi bộ quốc phòng-an ninh (QP-AN) chiếm 6,8%, 15 chi bộ lực lượng vũ trang (LLVT), chi bộ nội chính (0,3%). Trong các chi bộ đó, đa số Bí thư đảng ủy xã trực tiếp làm Bí thư chi bộ. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 5-10-2002 của Ban Bí thư (Khóa IX) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới, chỉ trong 5 năm (2002-2007) số chi bộ quân sự đã tăng hơn 50% (trước năm 2002 chỉ có 2.218 chi bộ). Đáng chú ý là, các Quân khu 5, 7, 9 có 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập chi bộ quân sự, trong đó, Quân khu 5 có 96,52% cấp xã thành lập chi bộ quân sự, Quân khu 7 có 96% và Quân khu 9 là 99,4%. Hiện nay, chỉ còn một quân khu chưa thành lập chi bộ quân sự.
Để đảm bảo có đủ đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng, các địa phương, cơ sở đã thành lập chi bộ quân sự trên cơ sở đảng viên là cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự, công an, xã đoàn (55,4%); đảng viên là cán bộ, chiến sĩ trung đội dân quân cơ động, lực lượng dân quân thường trực (35,8%). Ngoài ra, ở một số chi bộ quân sự còn có đảng viên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Phụ nữ và một số cán bộ thôn, ấp...Về mô hình tổ chức, trước năm 2000, có chi bộ QP-AN (ghép quân sự với công an), hoặc ghép nhiều bộ phận, như: quân sự, công an, cựu chiến binh, xã đoàn. Đến nay, hầu hết các địa phương đã tổ chức chi bộ quân sự riêng, gồm đảng viên của Ban CHQS cấp xã, trung đội dân quân cơ động, lực lượng dân quân thường trực (nếu có). Thời gian đầu, chi bộ quân sự còn có nhiều cách gọi khác nhau (phụ thuộc vào thành phần đảng viên trong các chi bộ), như chi bộ quân sự, chi bộ QP-AN, chi bộ LLVT... nhưng về chức năng, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động thì tương đối thống nhất. Đa số các địa phương xác định chi bộ quân sự có hai chức năng chủ yếu: làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ QP,QS địa phương và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoạt động của Ban CHQS cấp xã, lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) và dự bị động viên (DBĐV). Chi bộ quân sự có 5 nhiệm vụ chủ yếu: tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS ở cấp xã; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân cơ động, thường trực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ do cấp ủy, chính quyền giao; lãnh đạo xây dựng Đoàn Thanh niên vững mạnh trong đơn vị DQTV, lực lượng DBĐV; lãnh đạo xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh và xây dựng Ban CHQS cấp xã vững mạnh. Đối tượng lãnh đạo của chi bộ quân sự là Ban CHQS cấp xã, lực lượng DQTV và DBĐV. Nhiều chi bộ đã xây dựng được quy chế làm việc, hoạt động ngày càng nền nếp. Mối quan hệ của chi bộ quân sự với đảng ủy cấp xã là quan hệ giữa phục tùng sự lãnh đạo và lãnh đạo; với các chi bộ trong đảng bộ cấp xã là quan hệ phối hợp để cùng thực hiện nghị quyết của đảng ủy về nhiệm vụ QP,QS địa phương; với chỉ huy trưởng quân sự cấp xã là quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng (chỉ huy trưởng phải phục tùng sự lãnh đạo của chi bộ về mọi mặt, đồng thời có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ theo chức trách, nhiệm vụ được giao). Có nơi còn xác định mối quan hệ với đảng ủy quân sự cấp huyện là quan hệ giữa tổ chức đảng cấp trên và cấp dưới. Trong từng mối quan hệ đó đã xác định rõ bản chất, nội dung và trách nhiệm của các bên trong tổ chức thực hiện.
Qua thực tế hoạt động của loại hình chi bộ này, nhìn chung cấp ủy, chính quyền các địa phương đều đánh giá: hầu hết các chi bộ quân sự sau khi thành lập đã lãnh đạo, triển khai thực hiện công tác QP,QS địa phương ở cơ sở có nhiều chuyển biến, tiến bộ; năng lực, trách nhiệm, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ quân sự cấp xã có sự đổi mới, sâu sát với địa bàn, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao; lực lượng DQTV và DBĐV ở nhiều địa phương đã thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác QP,QS địa phương, xung kích trong khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động phối hợp, hiệp đồng với công an và các lực lượng có liên quan giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về QP-AN. Bên cạnh đó, chi bộ quân sự còn làm tốt công tác phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV và DBĐV, đưa tỷ lệ đảng viên trong DQTV lên 14,7% (tăng 3% so với năm 2002 - tính đến tháng 12-2007), góp phần nâng cao chất lượng chính trị, độ tin cậy của lực lượng DQTV và DBĐV, đóng góp thiết thực vào việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 năm đã phát triển được 6.721 đảng viên trong DQTV, đưa tỷ lệ đảng viên trong dân quân từ 1,18% (năm 2001) lên 8,47% (tính đến tháng 8-2007); Thành phố thành lập chi bộ quân sự ở 100% cơ sở (322/322), trong đó có 87/322 chi bộ có chi uỷ (27%). Đây là sự cố gắng rất lớn, xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Mặc dù hiện nay chưa có quy định bắt buộc, song các địa phương đã vận dụng quy định trong Điều lệ Đảng và những chỉ thị, nghị quyết của Đảng để thành lập và duy trì hoạt động của chi bộ quân sự. Ban CHQS cấp xã là một thành phần trong hệ thống chính trị ở cơ sở, vừa có chức năng làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, vừa có chức năng tổ chức, chỉ huy triển khai và thực hiện công tác quản lý nhà nước về QP,QS ở cơ sở, được biên chế 3 người, có mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới, với cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị cùng cấp được Bộ Quốc phòng quy định. Vì vậy, có thể vận dụng thành lập chi bộ quân sự ở Ban CHQS cấp xã. Có ý kiến cho rằng, đảng bộ (chi bộ) cấp xã nằm trong hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở, được quy định trong Điều lệ Đảng, nhưng Đảng uỷ Quân sự lại chỉ được tổ chức từ Trung ương cho tới cấp huyện. Vì vậy, thành lập chi bộ quân sự cấp xã cũng là hợp lý, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống tổ chức của Đảng, lãnh đạo thực hiện hiệu quả hơn công tác QP,QS ở từng cơ sở. Tại Khoản 1, Điều 24, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở được tổ chức theo nơi làm việc hoặc nơi ở của đảng viên; mỗi chi bộ ít nhất có 3 đảng viên chính thức”. Cấp xã có đảng uỷ cơ sở (chi bộ cơ sở), Ban CHQS là tổ chức quân sự, có lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV thuộc quyền đông đảo nên có điều kiện thuận lợi để thành lập chi bộ quân sự. Mặt khác, kinh nghiệm xây dựng cơ sở trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, những nơi có chi bộ lãnh đạo thực hiện công tác quân sự địa phương, xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, thì ở đó lực lượng cách mạng và phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một số địa phương ở phía Bắc sau khi tổ chức làm điểm, rút kinh nghiệm, có nơi cho rằng hiệu quả lãnh đạo của loại hình chi bộ này không thật cao nên đã quyết định giải thể, như Yên Bái, Nghệ An; một số địa phương còn lúng túng về tổ chức và hoạt động, thậm chí có nơi chi bộ quân sự còn mang tính hình thức... Những ý kiến khác nhau đó có thể phân thành ba loại: một là, thành lập chi bộ quân sự là cần thiết, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để chi bộ quân sự hoạt động có hiệu quả hơn; hai là, chỉ nên tổ chức ở những địa bàn trọng điểm, nơi có đơn vị dân quân thường trực theo quy định của Bộ và có đủ điều kiện để thành lập chi bộ; loại ý kiến thứ ba, không nên thành lập chi bộ quân sự.
Trước một vấn đề lớn liên quan tới sự lãnh đạo của Đảng trong LLVT, chưa được quy định cụ thể trong Điều lệ Đảng thì việc có ý kiến khác nhau về loại hình chi bộ này là không thể tránh khỏi. Điều này không khó lý giải, bởi thực tiễn luôn phát triển và cần có thời gian tổng kết, rút kinh nghiệm.
Theo chúng tôi, chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của chi bộ quân sự đã rõ. Vì vậy, thành lập chi bộ quân sự cấp xã là thực sự cần thiết, là yêu cầu khách quan; qua đó, vừa hoàn thiện hệ thống tổ chức đảng trong LLVT, vừa đảm bảo có tổ chức đảng (chi bộ quân sự) trực tiếp, chuyên sâu lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ QP,QS địa phương, đối với công tác DQTV và DBĐV ở cơ sở. Vì vậy, trước hết, cần thống nhất về nhận thức, đề cao trách nhiệm cho các đối tượng trong việc thành lập chi bộ quân sự cấp xã. Chi bộ quân sự cũng là hạt nhân lãnh đạo, là tế bào của tổ chức đảng, là nhịp cầu nối liền giữa Đảng với quần chúng trong việc thực hiện nhiệm vụ QP,QS địa phương ở cơ sở, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, hiện nay, công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước của Đảng và nhân dân ta có những thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức không thể xem thường. Trong đó, đáng chú ý là các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, nhằm xoá bỏ chế độ XHCN ở nước ta bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn nham hiểm và chiến lược này đang diễn ra ở từng địa phương, cơ sở. Do đó, củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ QP,QS địa phương, công tác DQTV và DBĐV ở cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Điều cần làm hiện nay là, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm về mô hình chi bộ quân sự làm cơ sở để Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm có chủ trương chỉ đạo kịp thời, phù hợp với thực tế. Những địa phương đã thành lập chi bộ quân sự cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình chi bộ này; trong đó, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên trong các chi bộ quân sự. Đặc biệt, tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ quân sự sát với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng DQTV và DBĐV trong việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống hiệu quả chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Triển khai thực hiện tốt các phương án tác chiến trị an, sẵn sàng chiến đấu và làm công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên từng địa bàn, cơ sở. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV và DBĐV, nhất là ở các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa số lượng đảng viên còn ít. Xây dựng Ban CHQS cấp xã vững mạnh, xây dựng chi bộ quân sự trong sạch, vững mạnh.
Đại tá Hồ Xuân Thức
Phó Cục trưởng Cục DQTV
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011