Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:55 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
PHẦN I : Định đô ở Thăng Long "cốt để mưu nghiệp lớn"
Sau khi dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là Thăng Long, cùng với việc đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, công việc đầu tiên của triều Lý là xây dựng cung điện và thành, lũy bảo vệ. Tiếp đến, tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đất nước, tôn tạo, củng cố quốc phòng, coi đó là “việc không thể thiếu”.
Trong sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, các vương triều Đại Việt từng đóng đô ở nhiều nơi và dời đô nhiều lần vì những lý do và mục đích khác nhau. Trong đó, trường hợp Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra định đô ở Đại La (đổi tên là Thăng Long) được coi là đặc biệt, bởi tầm nhìn sâu rộng nhất: “cốt để mưu nghiệp lớn”.
Khác với các bậc tiền vương, lấy địa hình hiểm yếu làm điểm tựa tạo lập sức mạnh quân sự bảo vệ kinh đô, đất nước, Lý Thái Tổ lấy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội làm nền tảng để tạo dựng sức mạnh quân sự. Đây có thể coi là một nhận thức mới, tư duy mới của ông: muốn có sức mạnh để thắng địch, phải dựa vào sức dân. Sức mạnh của dân phải được bồi dưỡng trong thời bình, cũng như trong thời chiến. Việc bồi dưỡng đó phải được thực hiện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quân sự. Lực lượng của dân phải được tổ chức và chuẩn bị trong thời bình một cách hợp lý mới có thể phát huy sức mạnh lớn nhất trong thời chiến. Do đó, phải xây dựng kinh đô làm trung tâm, tạo ra một thị trường dân tộc thống nhất để phát triển. Xét thấy, kinh đô cũ là Hoa Lư, tuy có địa - quân sự tốt, thích hợp với việc phòng thủ, nhưng để phát triển kinh tế thì lại hạn hẹp, cho nên nhất thiết phải dời đô về Đại La - nơi được xem là “thắng địa”, như “Chiếu dời đô” đã nói rõ: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, có thế rồng cuộn, hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc, Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỉ nơi này là thắng địa. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”1. Từ đây, hình thành quan điểm chiến lược: xây dựng đi đôi với bảo vệ; lấy việc kết hợp xây dựng kinh đô về mọi mặt trong thời bình để chuẩn bị cho việc bảo vệ kinh đô lúc chiến tranh xảy ra; đồng thời, kết hợp xây dựng với bảo vệ kinh đô ngay trong chiến tranh… Quan điểm chiến lược này đã trở thành quan điểm chủ đạo xuyên suốt nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Sau khi dời đô về Đại La (Thăng Long), cùng với việc triển khai xây dựng kinh thành, vương triều Lý đã tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng.
Về kinh tế, nhà Lý coi trọng phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm nền tảng để thực hiện “quốc kế dân sinh”. Đây cũng là thời kỳ nhà nước phong kiến Việt Nam đề ra nhiều chính sách, giải pháp tích cực, sáng tạo để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước gắn với tăng cường thực lực quốc phòng, bảo vệ đất nước. Vua Lý cày ruộng “tịch điền”, ban chiếu khuyến nông để biểu thị thái độ “Dĩ nông vi bản”. Hệ thống đê sông, trong đó có đê Cơ Xá ở Thăng Long và nhiều công trình thủy lợi được xây dựng và bảo vệ. Nhiều công trình khai hoang của Nhà nước và nhân dân được thực hiện thành công, mở rộng thêm hương ấp và diện tích đồng ruộng. Cùng với nông nghiệp, các nghề thủ công phát triển. Quan hệ lưu thông hàng hóa, tiền tệ được mở rộng với sự ra đời của các chợ nông thôn, một số đô thị và thương cảng. Quan hệ buôn bán với nhà Tống thực hiện qua các chợ biên giới (gọi là các dịch trường). Thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) là nơi buôn bán với nhiều nước Đông Á và Nam Á...
Đến các vương triều Trần, Lê,… sau này, cũng kế tiếp truyền thống các đời vua Lý, đều chú trọng mở mang nông nghiệp. Việc khai khẩn đất hoang, nhất là những vùng đất ven biển được chú trọng. Việc đắp đê phòng lụt, bảo vệ dân cư, mùa màng thời bình và trở thành tuyến phòng ngự chống giặc ngoại xâm thời chiến, được đặc biệt quan tâm. Triều đại nào cũng đặt chức quan “Hà đê sứ” phụ trách công việc tối quan trọng này. Các ngành thủ công nghiệp được các triều đại khuyến khích, sản phẩm ngày càng nhiều và tinh xảo; thương nghiệp cũng ngày một phát triển, làm cho phố phường Thăng Long cũng như các thị, thành khác ngày càng phồn vinh, sầm uất. Việc mở mang đường sá từ Kinh đô Thăng Long đi về các địa phương; việc nạo vét sông Tô Lịch nơi kinh thành được nhiều đời vua thực hiện. Nó không những phục vụ cho việc giao thương thời bình, mà còn tiện cho việc cơ động quân đội thời chiến.
Về xã hội, nhiều đời vua (từ triều Lý đến Trần, Lê…) đã ban hành những chính sách và biện pháp quan trọng nhằm hạn chế sự bóc lột phong kiến quá mức, sự chênh lệch quá đáng trong đời sống giữa các tầng lớp giàu-nghèo; tăng cường sự gắn bó giữa triều đình và dân chúng. Sau mỗi cuộc chiến tranh chống xâm lược, để khắc phục hậu quả, giúp nhân dân nhanh chóng vượt qua khó khăn của đời sống trước mắt, hăng hái bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, triều đình thường có những quyết định xóa thuế và giảm tô, thuế cho dân; ngoài ra, còn lấy gạo, vải trong kho nhà nước cấp cho những người bị thương tật trong thời chiến, bị nạn trong thời bình. Hội nghị Diên Hồng thời Trần là một điển hình của việc phát huy trí tuệ của toàn dân tộc tăng cường đoàn kết toàn dân trong công cuộc giữ nước, hướng tới một xã hội: vua tôi đồng lòng, dân chúng đồng thuận, … của các vương triều Đại Việt.
Về văn hóa, từ triều Lý, nhiều biện pháp nhằm mở mang và nâng cao dân trí đã được thực hiện. Năm 1070, triều Lý dựng Văn Miếu và mở Quốc Tử Giám ở Thăng Long đào tạo tài năng văn học cho con em tầng lớp quý tộc và quan lại. Cùng với đó là việc dựng Võ Miếu, mở Giảng Võ đường để đào tạo các võ quan, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước. Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư. Đó là bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chứng tỏ một thành tựu lập pháp quan trọng và một bước tiến lớn trên con đường xây dựng nhà nước. Năm 1075, triều Lý mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài. Nó trở thành truyền thống tốt đẹp, được các triều đại sau tiếp tục thực hiện. Các triều đại đều coi hiền tài là “nguyên khí của quốc gia”, có rất nhiều hình thức để tuyển chọn người tài, từ thi cử đến “tự cử”, không phân biệt giàu nghèo, xuất thân... Vì thế, nhiều trí thức uyên bác, phong thái cương trực được đưa vào bộ máy cầm quyền. Trường hợp, Phạm Ngũ Lão “tự cử” được triều đình trọng dụng là một điển hình. Công lao của nhiều đời chăm lo, mở mang dân trí, tu tạo, hun đúc trí tuệ Việt Nam đã góp phần quyết định tạo nên niềm tự hào lớn của một dân tộc nghìn năm văn hiến.
Về quân sự, trên nền tảng phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, các triều đại hết sức chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, coi đó là “việc không thể thiếu” với “muôn vạn việc”. Điển hình nhất là các triều đại kế tiếp nhau thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”, được khởi đầu từ triều Lý. Đây là một hình thức tổ chức quân đội trong thời bình hết sức độc đáo, sáng tạo, bắt nguồn từ quan điểm cơ bản, xuyên suốt: dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc ta. Thực hiện “Ngụ binh ư nông”, các nhà quân sự của các triều đại phong kiến Việt Nam có thể huy động được phần lớn dân chúng tham gia vào lực lượng vũ trang. Làm như vậy, vừa đảm bảo phát triển sản xuất, lại vừa có thể đảm bảo được việc luyện tập chiến đấu và độc đáo nhất là không phải duy trì lực lượng quân thường trực nhiều trong thời bình mà vẫn có điều kiện phát triển được một lực lượng quân đội lớn mạnh khi đất nước có chiến tranh. Hơn thế, trong tác chiến, vừa có thể tổ chức lực lượng tập trung cơ động, lại vừa có lực lượng tại chỗ đánh địch ở bất cứ nơi nào chúng đến. Chính sách “Ngụ binh ư nông” liên quan chặt chẽ đến cách thức tổ chức quân đội thành các lực lượng bao gồm quân của triều đình, quân của các lộ, hương binh, thổ binh. Thực hiện “Ngụ binh ư nông” thì “binh vẫn được đủ mà không phải tiêu phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù”; đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện “tận dân vi binh” (trăm họ ai cũng là binh). Ngoài chính sách kể trên, các thời Lý, Trần, Lê ... hằng năm đều có duyệt lại “đinh tráng”, “đăng ký sổ quân, thanh thải già yếu, bổ sung người khỏe”, giao cho các đô, các lộ huấn luyện võ nghệ và thường xuyên tổ chức duyệt quân. Thời Lý, việc chế tạo vũ khí, trang thiết bị cho quân đội được giao cho các tướng có nhiều kinh nghiệm trận mạc chăm lo. Thời Trần, trước nguy cơ quân Nguyên - Mông xâm lược, vua giao cho Trần Hưng Đạo đích thân lo việc chuẩn bị vũ khí, thuyền bè. Đặc biệt, việc nâng cao học vấn, tri thức, bản lĩnh quân sự, quốc phòng cho các tướng lĩnh được giao cho “Giảng Võ đường”; còn chăm lo giáo dục quân sự, quốc phòng cho toàn dân thì cả nhà nước, các địa phương và nhân dân cùng lo. Những chiến công đánh bại quân xâm lược ở Như Nguyệt, Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Hàm Tử, Đống Đa ... của các triều Lý, Trần, Lê, Tây Sơn là kết quả của việc thực hiện quan điểm chiến lược mà vua Lý Thái Tổ đã định hình ngay từ những ngày đầu trên đất Thăng Long.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp vào ngày 19-8-1945 ở thủ đô Hà Nội và những tỉnh (thành phố) khác trên cả nước trong những ngày trước và sau đó; bắt tay vào xây dựng một nước Việt Nam mới (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Kế thừa và phát triển quan điểm xây dựng và bảo vệ Thủ đô của tổ tiên, quân và dân Hà Nội hăng hái làm theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm… Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Bác Hồ, quân và dân Thủ đô đã cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện” với phương châm “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Thăng Long cổ kính trở thành chiến địa, mỗi người dân Hà Nội tự nguyện trở thành một người lính chiến đấu bảo vệ Thủ đô thân yêu của mình. Công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh Hà Nội đều trở thành tự vệ chiến đấu, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chiến lũy, vật chướng ngại, các trận địa chiến đấu xuất hiện khắp nơi, “mỗi nhà thành một pháo đài”, “mỗi phố trở thành một trận địa chiến đấu”. Khi Thủ đô bị giặc Pháp chiếm đóng, một bộ phận của lực lượng tự vệ nội thành, dân quân, du kích ngoại thành vẫn bám trụ lại thành phố chiến đấu, quyết tâm thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Hà Nội là quả tim quân sự, chính trị và kinh tế của địch. Du kích Thủ đô và Vệ quốc quân cần phải thường khuấy rối quả tim của địch cho đến ngày tổng phản công”2 còn lực lượng ra đi lên Việt Bắc lập chiến khu, xây dựng “Thủ đô kháng chiến”, hẹn ngày trở về giải phóng Thủ đô. Quan điểm vừa xây dựng vừa bảo vệ Thủ đô một lần nữa được quân và dân ta kế thừa và vận dụng sáng tạo... Việt Bắc không những trở thành đầu não của cuộc kháng chiến, các cơ quan Đảng, Chính phủ được bảo vệ an toàn, mà còn trở thành trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của chế độ mới, nơi gửi gắm niềm tin chiến thắng của quân và dân cả nước: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc Cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông lên Việt Bắc mà nuôi chí bền”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: quyết tâm xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, vui tươi, phồn thịnh..., quân và dân Hà Nội vừa xây dựng CNXH, vừa chiến đấu chống trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Thực hiện quan điểm chiến lược: kết hợp xây dựng với bảo vệ Thủ đô, không vì chiến tranh mà buông lỏng sản xuất và xây dựng thành phố về mọi mặt; với phong thái bình tĩnh, tự tin của người Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tích trong xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục… đồng thời, giành thắng lợi liên tiếp trong những cuộc chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Thắng lợi to lớn của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm trên đất Thăng Long - Hà Nội là minh chứng hùng hồn của quan điểm vừa xây dựng, vừa bảo vệ kinh đô của Lý Thái Tổ, đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh lịch sử mới.
Đại tá NGUYỄN THẾ VỴ
và Thượng tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU
1- Đại Việt sử ký toàn thư - Chiếu dời đô, Nxb KHXH, Tập 1, H.1995, tr.241.
2 Hồ Chí Minh-Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 527.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011