QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 01:33 (GMT+7)
Xây dựng và bảo vệ Thăng Long-Hà Nội - quan điểm xuyên suốt nghìn năm lịch sử (Phần II)

PHẦN II: Xây dựng và bảo vệ Thủ đô ngang tầm nhiệm vụ chiến lược

 

Quá khứ hào hùng hun đúc nên truyền thống văn hiến ngàn năm Thăng Long-Hà Nội là truyền thống vô giá của dân tộc, là nền móng vững chắc cho Thủ đô Hà Nội trong hiện tại, vững bước tới tương lai. Song, để “Hà Nội giữ vững là trung tâm đầu não về chính trị, về văn hóa và khoa học, kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”1, hơn bao giờ hết, quân và dân Hà Nội cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm xuyên suốt nghìn năm: xây dựng đi đôi với bảo vệ.

Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc, thắng lợi vĩ đại thuộc về dân tộc Việt Nam, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối, Bắc-Nam xum họp một nhà. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (25-4-1976) đã hoàn thành việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Hà Nội được chọn làm Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đây vừa là vinh dự, cũng vừa là trách nhiệm đối với cả nước. Một lần nữa, quan điểm xây dựng và bảo vệ Thăng Long-Hà Nội được quân và dân Thủ đô kế thừa, phát triển và nâng lên tầm cao mới: luôn chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng, nguồn lực, đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội toàn diện, bền vững; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền tảng vật chất-kỹ thuật và văn hóa của Thủ đô XHCN giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt vai trò là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, chính quyền Thành phố, qua 35 năm phấn đấu (1975-2010), quân và dân Hà Nội, đã lập nên những kỳ tích đáng tự hào, xứng danh Thủ đô nghìn năm văn hiến.  

Trước hết, hoàn thành việc mở rộng địa giới Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội ngày 29-5-2008. Hiện nay, Hà Nội có diện tích: 3.324,92 km², dân số: 6.232.940 người, phân bố trên 28 quận, huyện và 1 thị xã, là một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần chủ động, tích cực của Thành phố, việc hoàn thành các thủ tục hành chính để mở rộng Thủ đô đã được hoàn tất; hoạt động của bộ máy hành chính, các giao dịch của tổ chức, công dân được tiến hành bình thường; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân ổn định.

Thủ đô Hà Nội được mở rộng là bước phát triển mới của quan điểm xây dựng và bảo vệ Thăng Long-Hà Nội mà 1000 năm trước, Lý Thái Tổ đã khởi xướng… do có địa thế thuận lợi hơn trước. Phía Bắc là vùng đất bán sơn địa với thảm thực vật phong phú cùng các danh lam thắng cảnh; lại có núi Tam Đảo, sông Đuống chở che, cho nên rất thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như xây dựng tuyến phòng thủ trực tiếp bảo vệ Hà Nội; có thể “Tiến khả dĩ công/ Thoái khả dĩ thủ”. Phía Đông là đồng bằng trù phú, tiếp giáp với Hưng Yên giàu của, lắm người, có văn hóa bản địa phong phú, có truyền thống đánh giặc kiên cường (Bãi Sậy, Du kích đường 5)…; là đất “phên dậu” của Thủ đô. Đặc biệt, Quốc lộ số 5 là cầu nối để phát triển kinh tế giữa các miền, vùng với kinh tế biển, kinh tế trong nước với quốc tế được trung chuyển qua Hà Nội; mặt khác, rất thuận lợi cho việc cơ động, triển khai lực lượng trong thời chiến. Phía Nam là một miền đất phì nhiêu, rộng lớn kéo dài đến Cầu Giẽ, lại có sông Hồng chạy dọc, thuận tiện cho việc phát triển nông nghiệp và giao thông vận tải giữa Thủ đô với cả nước. Dọc theo Quốc lộ số 1 có các địa danh nổi tiếng như Cầu Giẽ, Quán Gánh, Ngọc Hồi… - là những địa danh đã được ông cha ta chọn làm điểm chốt chặn đánh địch ở phía Nam. Phía Tây là địa hình rừng núi, có nhiều sông, suối và có những con đường lớn, khiến cho vùng đất này trở thành địa điểm lý tưởng, thế dựa vững chắc cho việc xây dựng căn cứ, khu vực phòng thủ chiến lược của Thủ đô và của quốc gia. 

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội. Thành ủy, chính quyền Thành phố luôn xác định, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình đổi mới Thủ đô là phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức kinh doanh. Vì vậy, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường; các ngành công nghiệp trọng điểm đang được hình thành, phát triển; các khu công nghiệp tập trung được triển khai; nhịp độ tăng trưởng của các lĩnh vực công nghiệp tương đối ổn định (trên 10% và thu hút khoảng 28-30% lao động của thành phố).

Nhờ chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế, các ngành, nghề chủ yếu của Hà Nội đã từng bước phát triển sản xuất với quy mô nhỏ, vừa và từng bước mở rộng đầu tư ra nước ngoài; chú trọng sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu; đồng thời, tổ chức hợp lý sản xuất công nghiệp, sắp xếp lại mạng lưới phân phối phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế của Thủ đô, đất nước và khu vực; cải tạo, xây dựng và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng… tương xứng một đô thị phát triển.

Tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thành phố đang chủ trương nhanh chóng phát triển các hoạt động du lịch; chú trọng xây dựng các tuyến du lịch nối liền Thủ đô với các tỉnh (thành phố) khác và với các tuyến du lịch quốc tế. Hoạt động du lịch được gắn với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thông tin, quảng cáo...; hình thành các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… mang đậm nét văn hóa Việt Nam, cùng với phương tiện phục vụ ngày càng văn minh, lịch sự, thuận tiện.

Hà Nội được mở rộng, vấn đề phát triển nông nghiệp vẫn được coi trọng, nhưng lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu hàng đầu để lựa chọn cơ cấu sản xuất hợp lý, nhằm tăng giá trị trên từng đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp không tách rời quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn; gắn việc tạo cảnh quan với bảo vệ môi trường và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Thực hiện theo phương hướng đó, những tháng đầu năm 2010, tình hình kinh tế-xã hội của Hà Nội cùng cả nước đã có những biến chuyển tích cực, hạn chế được những tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhằm thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thành phố chủ trương tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Cụ thể là: tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa Thủ đô; tiếp tục triển khai sâu, rộng chương trình “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…” và phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thành các dự án, trong đó có dự án Tủ sách “Thăng Long nghìn năm văn hiến”, với 96 đầu sách, hàng chục vạn trang; tập trung thực hiện tốt mọi công tác chuẩn bị và tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; duy trì, nâng cao chất lượng phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa”; thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi (Ba Vì), vùng sâu, vùng xa (Sóc Sơn); tích cực xây dựng đội ngũ trí thức của Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục ưu tiên phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đẩy mạnh việc thực hiện chương trình “Kiên cố hóa, hiện đại hóa trường, lớp”; lựa chọn chương trình, mục tiêu về nâng cao điều kiện vật chất các trường, lớp phục vụ giảng dạy và học tập. Cùng với đó, quan tâm phát triển thể dục, thể thao quần chúng, chú trọng thể thao thành tích cao đạt trình độ đẳng cấp quốc gia và quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế; chú trọng các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các loại dịch, bệnh; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Thứ ba, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống, xứng đáng là chỗ dựa chính trị tin cậy của cả nước. Là trung tâm đầu não của cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn là mục tiêu trọng điểm chống phá về nhiều mặt, bằng nhiều hình thức thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Những năm gần đây, trên địa bàn Thủ đô, lợi dụng những vấn đề về đất đai, tôn giáo, chúng tìm mọi cách xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về các vấn đề này; đẩy mạnh móc nối xây dựng tổ chức phản động, kích động biểu tình,... hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN...

 Với bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần cảnh giác cách mạng cao, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã và đang từng bước xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên toàn địa bàn nhằm bảo vệ vững chắc Thủ đô trong mọi tình huống; trước mắt, đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Công tác quốc phòng và an ninh luôn được Thành ủy và các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo thường xuyên và chặt chẽ; phương án bảo vệ Thủ đô được bổ sung và hoàn chỉnh, an ninh chính trị được giữ vững. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia; điển hình là, đã bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, phục vụ hiệu quả các hoạt động đối ngoại của quốc gia.

Trước đặc điểm nổi bật giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với các chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc, hơn bao giờ hết, quân và dân Thủ đô cần quán triệt sâu sắc Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước. Theo đó, cần nắm vững quan điểm: kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; đồng thời, quán triệt quan điểm: sức mạnh bảo vệ Tổ quốc phải là sức mạnh tổng hợp về chính trị-tư tưởng, kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng, đối ngoại; sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành thống nhất của Nhà nước với lực lượng vũ trang làm nòng cốt; tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, không ngừng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; ra sức phát huy nội lực, kết hợp tranh thủ ngoại lực, lấy sức mạnh bên trong làm nhân tố quyết định.

Xây dựng đi đôi với bảo vệ, trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển để tạo lập sức mạnh bảo vệ Thủ đô và cả nước - quan điểm xuyên suốt 1000 năm lịch sử ấy được quán triệt và thực hiện tốt - sẽ mãi là yếu tố bảo đảm để Hà Nội xứng tầm là trung tâm đầu não về chính trị, về văn hóa và khoa học-kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Đại tá NGUYỄN THẾ VỴ

và Thượng tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU

__________

1- Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 21-1-1983 của Bộ Chính trị (khóa V) về công tác xây dựng Thủ đô.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)