QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:16 (GMT+7)
Xây dựng tỉnh Điện Biên thành khu vực phòng thủ vững chắc, xứng đáng với địa danh lịch sử anh hùng

Điện Biên là một tỉnh miền núi vùng cao, có diện tích tự nhiên 9.554,107 km2, gồm 8 huyện, thị, thành phố; 98 xã, phường, thị trấn; số dân gần 46 vạn  người của 21 dân tộc anh em cùng sinh sống. Phía Bắc giáp Trung Quốc với đường biên giới 38,5 km; phía Tây giáp nước Lào, có chung 360 km đường biên giới. Với điều kiện địa lý tự nhiên có tính đặc thù, Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế- xã hội (KT-XH), quốc phòng- an ninh (QP-AN) của đất nước và của vùng Tây Bắc trong những năm chiến tranh, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) ngày nay. Trên địa bàn Tỉnh, các thế lực thù địch ngày càng gia tăng thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Các hoạt động xâm nhập, móc nối, buôn bán ma túy qua tuyến biên giới vẫn không giảm. Tình  trạng di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật chưa được đẩy lùi. Tình hình KT-XH của Tỉnh còn nhiều khó khăn; thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trình độ nhận thức và dân trí của đồng bào còn hạn chế; địa bàn rộng, hiểm trở, dân cư phân bố không đều, dễ bị kẻ địch lợi dụng tuyên truyền, kích động, lôi kéo hoạt động chống phá cách mạng. Những đặc điểm đó, cùng với những mặt hạn chế khác cả về khách quan và chủ quan đang là những thách thức lớn đối với Điện Biên trong thực hiện chiến lược kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực và thế trận QP-AN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc.

Chấp hành Nghị quyết 02/BCT của Bộ Chính trị; Chỉ thị 245/CT ngày 02/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Chỉ thị 1171/QP của Bộ Quốc phòng; Chỉ thị 251/BTL của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 về xây dựng tỉnh thành KVPT vững chắc, tháng 8 năm 1992, Tỉnh ủy Lai Châu (nay tách thành tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) ra Nghị quyết số 08 lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, củng cố nền QPTD, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng tỉnh thành KVPT vững chắc, tạo cơ sở, nền tảng cho thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), nhằm ngăn chặn và làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xẩy ra, bảo vệ vững chắc địa bàn. Phương hướng, mục tiêu xây dựng Tỉnh thành KVPT vững chắc, được xác định: kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, tập trung xây dựng xã, phường vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng chính trị làm cốt lõi, xây dựng kinh tế  làm trọng tâm, QP-AN làm trọng yếu. Để thực hiện được điều đó, Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng KVPT, giao cho BCHQS Tỉnh làm tham mưu nòng cốt, trọng tâm là xây dựng kế hoạch, chương trình hành động hằng năm và từng giai đoạn; chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt chủ trương, triển khai thực hiện các nội dung về xây dựng KVPT. 
Hơn 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân các dân tộc Điện Biên từng bước xây dựng KVPT Tỉnh vững chắc, đạt  kết quả đáng khích lệ trên các mặt. Trong đó, xây dựng tiềm lực chính trị được coi là vấn đề cốt lõi, đạt kết quả toàn diện. Hệ thống chính trị được kiện toàn; các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đảng và đảng viên được củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; hệ thống chính quyền các cấp được kiện toàn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Nhận thức về nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới của các cấp, các ngành và nhân dân được nâng cao; "thế trận lòng dân" được củng cố vững chắc, nhân dân các dân tộc đoàn kết, phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Quá trình phát triển KT-XH được kết hợp chặt chẽ với tăng cường tiềm lực QP-AN, từ trong định hướng chiến lược, đến qui hoạch và kế hoạch phát triển từng lĩnh vực trong từng thời kỳ, bảo đảm cho mỗi bước tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH); các lĩnh vực sản xuất chủ yếu phát triển nhanh và toàn diện; kết cấu cơ sở hạ tầng KT-XH được tăng cường, nhất là các lĩnh vực  giao thông, thủy lợi, bưu chính- viễn thông, điện, nước. Sự nghiệp phát triển văn hóa-xã hội  có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo cơ sở, nền tảng cho tăng cường tiềm lực QP-AN.   
Kết quả về xây dựng về QS- AN đã làm tăng cường tiềm lực và thế trận QPTD, gắn với thế trận an ninh nhân dân. LLVT đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, cùng các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, quan hệ đối ngoại từng bước được mở rộng, trước hết là các tỉnh nước bạn có chung đường biên giới với Điện Biên ; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bảo vệ và tạo môi trường thuận lợi thực hiện thắng lợi các mục tiêu, hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của Tỉnh. Đã có nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng, công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự, đặc biệt là nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT cả lực lượng thường trực, dân quân, tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV). Đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, tăng cường diễn tập các phương án tác chiến trong KVPT...
Cùng với lực lượng quân sự, lực lượng Công an nhân dân được tổ chức, xây dựng theo hướng tinh, gọn ở các cấp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ khá. Lực lượng Biên phòng được xây dựng với số lượng và chất lượng phù hợp theo qui định; hệ thống đồn, trạm biên phòng được củng cố, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý biên giới, đấu tranh ngăn chặn các vụ xâm nhập, buôn bán trái phép qua biên giới... Các lực lượng: quân sự, công an, biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, tích cực tham gia hoạt động tác chiến trị an, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở giải quyết tốt tình hình an ninh chính trị và trật tự  an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng KVPT Tỉnh vẫn có những mặt hạn chế. Đó là, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng KVPT chưa thật đầy đủ; việc tổ chức thực hiện chưa gắn kết thật chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với xây dựng thế trận QP-AN. Vận dụng cơ chế Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị còn lúng túng, nhất là ở một số cơ sở xã, phường; sự phối hợp hoạt động của LLVT trong  hoạt động bảo vệ trị an, tham gia giải quyết tình hình an ninh chính trị ở một số cơ sở còn chưa kịp thời và đồng bộ...
Thời gian tới, trước yêu cầu mới về kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trong thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, trực tiếp là thực hiện chủ trương của Đảng ta về mở rộng hợp tác phát triển khu vực Tây Bắc Việt Nam, Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc với quan hệ láng giềng hữu nghị, đang tạo ra cho Tỉnh thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn,  thách thức mới.
Kế thừa, phát huy những kết quả, kinh nghiệm về xây dựng KVPT Tỉnh thời gian qua và để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, mà phương hướng, mục tiêu chủ yếu là: nâng cao tiềm lực chính trị; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng CNH, HĐH, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH đạt tốc độ phát triển cao và bền vững; ưu tiên đầu tư phát triển  giáo dục- đào tạo, văn hóa- xã hội; nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trong Tỉnh.
Trên nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo cơ sở cho tăng cường tiềm lực QP-AN, đẩy mạnh xây dựng KVPT đi vào chiều sâu, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS, QP trong thời bình,  sẵn sàng cho thời chiến. 
Tiếp tục củng cố, nâng cao tiềm lực chính trị ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, tập trung xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2010, 100% thôn, bản có đảng viên, 100% xã, phường, thị trấn có Đảng bộ; hằng năm có trên 60% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, giảm số tổ chức cơ sở Đảng yếu kém dưới 5%. Nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về QP-AN ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở. Tăng cường công tác GDQP toàn dân theo Chỉ thị 62/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa IX), phấn đấu từ 80% cán bộ chủ trì, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản trở lên được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo chương trình quy định; nâng cao chất lượng GDQP cho học sinh, sinh viên trong nhà trường và tuyên truyền giáo dục cho toàn dân về nhiệm vụ BVTQ, phòng chống có hiệu quả chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo cơ sở nâng cao tiềm lực chính trị trong KVPT Tỉnh.
Đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN, đặc biệt là trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển các vùng kinh tế gắn với mục tiêu QP-AN trên địa bàn.  Tiếp tục đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, trọng tâm về nông- lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai khoáng và du lịch, dịch vụ. Phát triển những ngành, cây, con, sản phẩm đã có một cách hiệu quả; xây dựng các vùng sản xuất tập trung như: cánh đồng Mường Thanh, Tuần Giáo, Tủa Chùa, khu kinh tế thuộc Dự án khu kinh tế - quốc phòng Mường Chà (gồm cả Mường Lay, Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông). Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp- nông thôn trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; đưa sản lượng lương thực đạt trên 200 ngàn tấn/ năm, bảo đảm an ninh lương thực, tăng dự trữ ở các cấp, bảo đảm SSCĐ trong mọi tình huống. Xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch bảo đảm cho phát triển KT-XH và phục vụ cho cơ động của LLVT trong KVPT, đặc biệt là nâng cấp cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn, đầu tư các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra biên giới phía Tây của Điện Biên, Mường Nhé, Mường Lay. Tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình 5 triệu ha rừng, gắn với công tác định canh, định cư. Nâng cao hiệu quả của các cơ sở công nghiệp hiện có và tăng cường phát triển công nghiệp chế biến gắn với phục vụ nhiệm vụ QP-AN; mở rộng lưới điện quốc gia, xây dựng một số thủy điện vừa và nhỏ, kiên cố hóa hệ thống kênh mương ở các vùng trọng điểm. Điều chỉnh bố trí lại dân cư thuộc huyện Điện Biên, Mường Nhé, Mường Lay và các huyện khác, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, hỗ trợ đầu tư về thủy lợi, khai hoang, thâm canh, để ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào trong các cụm dân cư mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La, gắn việc di dân tái định cư với sắp xếp lại dân cư, lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp- nông thôn.
Tăng cường phát triển văn hóa- xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 10 (khóa IX), Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VII). Tập trung xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng các hương ước làng, xã, thôn bản văn minh, tiến bộ. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Ưu tiên đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH, phù hợp với tiến trình CNH, HĐH của Tỉnh. Tiếp tục củng cố quy hoạch và phát triển hệ thống y tế từ tỉnh đến xã, phường, thôn bản, tăng cường công tác giáo dục sức khoẻ, y học dự phòng, thực hiện tốt các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng. Thực hiện có hiệu quả Chương trình quân- dân y kết hợp, sẵn sàng huy động bệnh viện dã chiến, đội ngũ y, bác sĩ chuyển sang phục vụ trong LLVT khi có yêu cầu.
Tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cao tiềm lực QS-AN. Tiếp tục đổi  mới, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT, trước hết là chất lượng chính trị, trình độ kỹ thuật, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, DBĐV và DQTV. Thường xuyên kiện toàn biên chế và xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “Cách mạng, chính qui, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, 100% cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ học vấn, độ tuổi phù hợp, theo tiêu chuẩn qui định, trong đó có từ 30 đến 40% cán bộ dân tộc thiểu số. Xây dựng lực lượng DQTV, lực lượng DBĐV có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; trong đó, lực lượng DQTV đạt tỷ lệ đảng viên từ 20% trở lên, lực lượng DBĐV đạt từ 18% trở lên; có trên 85% đúng chuyên nghiệp quân sự. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn, chú trọng tạo nguồn cán bộ từ quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số; đến năm 2010, 100% cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn được đào tạo theo Chỉ thị 34 của Bộ Quốc phòng.            
Đẩy mạnh xây dựng thế trận QPTD trong KVPT của 8 huyện, thị, thành phố và 98 xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện, làm nền tảng cho xây dựng Tỉnh thành KVPT vững chắc. Hằng năm, đầu tư một phần ngân sách của Tỉnh để xây dựng các công trình quốc phòng trên các hướng, KVPT trọng yếu, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, KVPT then chốt, hệ thống kho tàng, sở chỉ huy, xây dựng mô hình thế trận làng, xã chiến đấu, thế trận hậu cần, kỹ thuật và phương án bảo vệ các mục tiêu, địa bàn  trọng yếu..., hình thành thế trận QP-AN liên hoàn, vững chắc, đáp ứng yêu cầu bám trụ, tác chiến của LLVT địa phương. Đổi mới hình thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả diễn tập, luyện tập, từng bước hoàn thiện phương án và khả năng phối hợp hoạt động của các lực lượng trong KVPT. Đi đôi với xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các hoạt động đấu tranh QP-AN.  Hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng quân sự, công an, biên phòng thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động trên địa bàn, cùng các lực lượng bám sát dân, nắm chắc tình hình, không để bị bất ngờ xẩy ra, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có kế sách phù hợp để giải quyết kịp thời các vụ việc xẩy ra. Giữ vững nguyên tắc đối ngoại, những vấn đề nhạy cảm trên tuyến biên giới cần được xử lí linh hoạt, mềm dẻo, không để địch lợi dụng tạo cớ can thiệp, chống phá ta.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc và của hệ thống chính trị, xây dựng Điện Biên thành KVPT vững chắc, tạo thế trận liên hoàn của nền QPTD trên địa đầu Tây Bắc Tổ quốc, cùng cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Đại tá Lưu Trọng Lư
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy,
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)