QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:38 (GMT+7)
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân trên khu vực biên giới Quân khu 2

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực bằng chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, do đó nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN có sự phát triển. Chính vì vậy, đòi hỏi việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) phải được tăng cường hơn nữa về mọi mặt theo hướng: vững chắc, ngày càng hiện đại. Trong quá trình thực hiện hết sức chú trọng kết hợp chặt chẽ lực lượng, thế trận QPTD với lực lượng, thế trận an ninh nhân dân (ANND) ở từng địa phương, đặc biệt là các địa bàn chiến lược.

Quân khu 2 là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội và quốc phòng- an ninh (QP-AN); với diện tích gần 65.000 km2; dân số trên 6,8 triệu người gồm 53 dân tộc anh em. Trong đó có 5/9 tỉnh biên giới, với tổng chiều dài đường biên giới trên bộ gần 1.400km (chiếm 30% đường biên giới trên bộ toàn quốc), riêng tuyến biên giới Việt - Trung dài 784,5km; biên giới Việt - Lào dài 610km. Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 luôn xác định: xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác phát triển, vừa bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia, vừa tạo thế phát triển toàn diện là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của lực lượng vũ trang Quân khu, trong đó lấy xây dựng thế trận QPTD kết hợp với thế trận ANND là nền tảng.
Theo Luật Biên giới quốc gia, khu vực biên giới trên đất liền gồm các xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia. Như vậy, trên địa bàn Quân khu 2 có 117 xã (thị trấn) thuộc khu vực biên giới, với dân số trên 40 vạn người, thành phần chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (người Mông chiếm gần 40%; còn lại là các dân tộc thiểu số khác và người Kinh). Công tác xây dựng, quản lý khu vực biên giới là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước thống nhất quản lý với chính sách cơ bản là xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng; ưu tiên xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận QPTD và thế trận ANND ngày càng vững mạnh; xây dựng Bộ đội Biên phòng làm lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Hiện nay cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội của khu vực biên giới tuy đã được Nhà nước ưu tiên đầu tư, song vẫn là vùng yếu kém nhất, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ đói nghèo cao. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta. Đặc biệt là tuyến biên giới Việt - Lào, tình hình vượt biên trái phép, truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma tuý và vũ khí, trang bị trái phép diễn biến ngày càng phức tạp. Trong khi các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, âm mưu thành lập nhà nước ly khai, chống phá cách mạng nước ta.
Nhận rõ đặc điểm tình hình trên và quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về xây dựng khu vực biên giới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các tỉnh biên giới và Bộ Tư lệnh Biên phòng có những chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả xây dựng nền QPTD gắn với nền ANND ngày càng vững mạnh, đi vào chiều sâu. Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận QPTD với thế trận ANND và biên phòng toàn dân trên khu vực biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đã được tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Một là, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững mạnh, đặc biệt là các xã (bản) vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới. Được thể hiện trước hết là tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, bao gồm tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể quần chúng, tăng cường công tác phát triển đảng viên mới, việc này trong thời gian qua địa phương, cơ sở đã thực hiện tốt, nếu so với 5 năm trước, số bản "trắng" đảng viên, không có các tổ chức đoàn thể đã giảm xuống đáng kể, số tổ chức cơ sở Đảng trung bình và yếu đã được chỉ rõ những mặt yếu kém và nguyên nhân của nó, từ đó đặt ra phương hướng củng cố xây dựng, còn tuyệt đại đa số đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền cấp xã cơ bản đã được củng cố và đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các đối tượng già làng, trưởng bản được quan tâm bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Công tác giáo dục quốc phòng cho các đối tượng được triển khai ngày càng có hiệu quả thiết thực, đặc biệt là đối tượng cán bộ, đảng viên và già làng, trưởng bản, các tầng lớp thanh niên, học sinh. Sự kết hợp giữa công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng với giáo dục pháp luật và giáo dục quốc phòng được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Đảng và Nhà nước có chính sách ưu đãi, tập trung đầu tư các nguồn lực cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng cao biên giới để phát triển kinh tế- xã hội. Như vậy, đã từng bước mang lại cho đồng bào các dân tộc cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng bào càng yêu mến quê hương, bản, làng và một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó với chế độ, với Đảng và chính quyền ở cơ sở. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố ngày càng vững chắc. Những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu ngày càng bị vô hiệu hóa và không có chỗ đứng chân trên các bản, làng vùng cao biên giới.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, xây dựng đời sống văn hóa trên khu vực biên giới. Trong đó phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, được tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội. Các đơn vị kinh tế- quốc phòng của Quân khu trên tuyến biên giới phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo, chính quyền địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình, kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm đã tạo ra sức mạnh tổng hợp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, từng bước cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể, từ 70 - 80% năm 2001 xuống còn 30 - 40% năm 2005 (so tiêu chí cũ). Phong trào xây dựng bản văn hóa, xã văn hóa được triển khai tích cực và đạt kết quả rất đáng phấn khởi, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, như: nhà văn hóa kiêm lớp học của bản, phương tiện nghe nhìn của các bản, cụm bản đã nâng dân số được xem truyền hình, được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam ngày càng tăng; hệ thống y tế thôn, bản, trạm xá xã (trong đó có các trạm xá quân- dân y kết hợp) được củng cố và đi vào hoạt động có hiệu quả, đã chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ngay tại cơ sở. Chương trình phổ cập tiểu học được đẩy mạnh, hiện nay nhiều xã đã phổ cập tiểu học và phổ cập trung học phổ thông cơ sở. Kinh tế- xã hội phát triển, từng bước tạo thế và lực mới cho quốc phòng, an ninh và động viên lực lượng trên khu vực biên giới.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng- an ninh và tăng cường công tác đối ngoại, tạo dựng thế trận trong nước và xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị để phát triển. Sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng- an ninh đã trở thành nguyên tắc trong công tác xây dựng và quản lý khu vực biên giới của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan quân sự, biên phòng, công an. Đặc biệt là xây dựng lực lượng biên phòng vững mạnh toàn diện làm lực lượng chuyên trách trong công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Lực lượng biên phòng, quân sự, công an đã thực hiện các hoạt động phối hợp bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới, phòng chống tội phạm và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào trên tuyến biên giới hướng Tây tiếp tục được giữ gìn và phát triển trong điều kiện mới. Mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung theo tinh thần 16 chữ: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" ngày càng có hiệu quả và tin cậy lẫn nhau hơn, tạo điều kiện cho yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm an ninh- quốc phòng trên khu vực biên giới của mỗi nước. Có được những kết quả trên là do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu luôn có chủ trương, nghị quyết sát đúng với tình hình thực tế trên địa bàn Quân khu, đồng thời cán bộ sâu sát kiểm tra chỉ đạo các lực lượng đứng chân trên địa bàn quán triệt tốt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nắm vững đặc điểm tình hình mọi mặt của địa bàn để có chủ trương lãnh đạo đồng bộ, kịp thời, cùng với những giải pháp hiệu quả, thiết thực trong từng thời điểm, ở từng giai đoạn của kế hoạch hằng năm và 5 năm. Có cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu với cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ Tư lệnh Biên phòng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo kế hoạch đã định, song biết tập trung vào các khu vực trọng điểm, địa bàn xung yếu, nhiệm vụ then chốt, trong đó lấy xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh làm nòng cốt. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh; kết hợp xây dựng khu vực biên giới vững mạnh với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời thực hiện tốt sự kết hợp giữa đối ngoại nhà nước với đối ngoại nhân dân và đối ngoại quân sự, biên phòng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, bảo đảm luôn luôn ổn định và phát triển. Chủ động giải quyết tốt các vấn đề thuộc chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và công tác tôn giáo theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chủ động tiến công địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa.
Trong những năm tới, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ xây dựng khu vực biên giới có những yêu cầu mới cao hơn, toàn diện hơn, trong khi đó tình hình an ninh chính trị trên khu vực biên giới Quân khu còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Đặc biệt là biên giới phía Tây, kinh tế- xã hội tuy có những đổi mới, song nhìn chung vẫn là khu vực nghèo và khó khăn nhất, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội yếu kém, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp chưa được đẩy lùi một cách cơ bản. Điều đó đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với củng cố quốc phòng- an ninh, trong đó xây dựng thế trận QPTD, ANND kết hợp với thế trận biên phòng toàn dân là một yêu cầu vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước mắt, cần tập trung vào mấy vấn đề trọng điểm sau.
- Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng kết hợp chặt chẽ với giáo dục quốc phòng và giáo dục pháp luật cho các đối tượng. Làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị trên khu vực biên giới vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong tình hình hiện nay.
- Tăng cường xây dựng mô hình khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng địa phương; trong đó lấy xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện làm nền tảng, xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt, bảo đảm an ninh trật tự và chủ quyền biên giới quốc gia; sẵn sàng xử lý tốt các tình huống xảy ra trên khu vực biên giới.
- Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa quân sự, biên phòng và công an cùng các cấp, các ngành của địa phương trên khu vực biên giới, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, quản lý khu vực biên giới quốc gia gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của mỗi địa phương, thực hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh và kinh tế.
- Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác với các nước láng giềng trong phát triển kinh tế- xã hội phù hợp lợi ích của mỗi nước, đồng thời phối hợp trong các hoạt động về biên phòng, quân sự và an ninh bảo đảm khu vực hai bên biên giới có kinh tế, văn hóa- xã hội phát triển; có an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tình đoàn kết hữu nghị gắn bó hơn, hợp tác mọi mặt ngày càng có hiệu quả; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Xây dựng thế trận QPTD, ANND và biên phòng toàn dân cùng với sự kết hợp chặt chẽ các hoạt động quân sự, biên phòng và an ninh trên khu vực biên giới vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp rất cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng, quản lý khu vực biên giới của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đồng thời đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng vũ trang Quân khu trong nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD kết hợp với thế trận ANND, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa
Phó Tư lệnh Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)