QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:30 (GMT+7)
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở tỉnh Tây Ninh

Kết hợp chặt chẽ giữa thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) với thế trận an ninh nhân dân (ANND) và thế trận biên phòng toàn dân (BPTD) là một trong những quan điểm cơ bản của Đảng ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc  và xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hội nghị Trung ương 8 (khoá IX) đã xác định rõ các mục tiêu: bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phải củng cố và hoàn thiện nền QPTD, ANND và thế trận QPTD gắn với thế trận ANND trên từng địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là trên các địa bàn chiến lược. Quán triệt sâu sắc quan điểm trên của Đảng, đồng thời nhận thức rõ vị trí quan trọng về quốc phòng- an ninh của một tỉnh biên giới tây nam Tổ quốc (có 240 km đường biên giới với Vương quốc Cam-pu-chia), những năm qua Tây Ninh luôn chú trọng đẩy mạnh công tác quốc phòng- an ninh, gắn xây dựng thế trận QPTD với thế trận ANND và thế trận BPTD.

Xuất phát từ tính chất đặc thù trên, Tây Ninh được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng “điểm” về khu vực phòng thủ (KVPT), nhằm tạo mô hình để các địa phương cả nước nghiên cứu, rút kinh nghiệm thực hiện xây dựng tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc đạt hiệu quả, chất lượng. Có thể khẳng định rằng, quá trình xây dựng KVPT tỉnh trong gần 20 năm qua luôn gắn chặt với việc từng bước xây dựng thế trận QPTD kết hợp với thế trận ANND trên địa bàn tỉnh. Đối với địa bàn biên giới, sự kết hợp đó còn có cả thế trận BPTD.
Hiện nay, Tây Ninh đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN, các cụm, khu công nghiệp tập trung phát triển, mở rộng ngày càng nhiều đã và đang tác động trực tiếp đối với xây dựng thế trận. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, cũng có những mặt không thuận đòi hỏi các ngành chức năng nghiên cứu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết trong quá trình triển khai xây dựng thế trận QPTD, thế trận ANND nhằm đạt được cả lợi ích kinh tế- xã hội và quốc phòng- an ninh. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tây Ninh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc và xây dựng kinh tế- xã hội, mà cốt lõi là kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh; quốc phòng- an ninh với kinh tế- xã hội trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; đồng thời, qua đó không ngừng tăng cường thế trận QPTD gắn với thế trận ANND trên toàn địa bàn tỉnh. Mỗi hoạt động thế trận có yêu cầu riêng, nhưng có một điểm chung cơ bản có thể khái quát, thế trận là thế bố trí lực lượng, phương tiện theo kế hoạch thống nhất. Lực lượng hoạt động trong hai loại hình thế trận nêu trên là toàn dân, trong đó lực lượng chuyên trách của thế trận QPTD là quân sự, của thế trận ANND là an ninh và của BPTD là biên phòng. Trong quá trình triển khai xây dựng thế trận, Tây Ninh đã gắn chặt với triển khai các dự án, nhất là các dự án phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực trọng điểm, vùng biên giới. Tỉnh đã xây dựng và thực hiện kế hoạch bố trí lại dân cư ở các xã, ấp biên giới và xây dựng một số nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm trên biên giới nhằm tăng mật độ dân cư ở các khu vực thưa dân hoặc không có dân theo kế hoạch xây dựng KVPT trên hướng trọng điểm của Quân khu và của cả nước. Từ năm 1990 trở lại đây, Tỉnh đã điều chỉnh, quy hoạch, hình thành các cụm dân cư biên giới, với kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm,... nhằm phát triển kinh tế- xã hội kết hợp với củng cố, xây dựng thế trận QPTD, thế trận ANND và thế trận BPTD trên tuyến biên giới.
Tây Ninh đã đầu tư trên 400 tỉ đồng ngân sách để làm mới, nâng cấp các tuyến lộ giao thông từ trung tâm tỉnh đến trung tâm huyện và xã biên giới; làm đường liên xã, liên ấp nối thông với các đồn biên phòng, cụm dân cư, chốt dân quân, nối liền huyện, xã biên giới với huyện, xã phía sau. Đã xây dựng các tuyến kênh, các trạm bơm đưa nước về vùng biên giới phía bắc, tây bắc và phía tây, tây nam, cùng với mạng lưới kênh mương nội đồng hàng trăm ki-lô-mét dọc, ngang trên tuyến biên giới vừa đưa phần lớn đất đai vào sản xuất thâm canh tăng vụ, góp phần làm tăng thêm sức sống của bộ mặt nông thôn vùng biên giới, vừa hình thành hệ thống hào, lũy tự nhiên cho thế trận phòng thủ. Bởi vì, không có một lực lượng nào bảo vệ biên cương Tổ quốc có đủ sức mạnh và hiệu quả bằng chính lực lượng tại chỗ, thế trận quốc phòng- an ninh tại chỗ.
Với quan điểm có lực lượng mới có thế trận, đồng thời có bố trí hợp lý lực lượng mới tăng cường được sức mạnh của thế trận, nên sau khi tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, Tỉnh thực hiện chủ trương đưa dân lên biên giới định cư. Đến cuối năm 2005 đã hình thành 28 cụm, với 2,5 vạn dân đã định cư ổn định, khép kín những khoảng trống thưa dân hoặc không có dân. Để bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới, tạo điều kiện cho dân yên tâm sản xuất, Tỉnh đã bố trí 28 chốt dân quân trong các cụm dân cư. Lực lượng này thường xuyên phối hợp với các lực lượng an ninh, biên phòng, các đơn vị chủ lực bảo vệ địa bàn. Tây Ninh cũng là một trong những tỉnh biên giới đầu tiên của cả nước áp dụng thành công mô hình chốt dân quân trong cụm tuyến dân cư biên giới. Tuy còn một số vấn đề cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, nhưng về cơ bản biên giới đã có dân, có lực lượng dân quân, tự vệ, biên phòng- lực lượng tại chỗ thường trực bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Điều đáng mừng là hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang được xây dựng theo hướng phát triển kinh tế- xã hội kết hợp với quốc phòng- an ninh. Đến nay, điện đã về đến 20/20 xã biên giới, với 95% hộ dân sử dụng điện (tăng 25% so với năm 2004); 20/20 xã biên giới có trạm y tế (15/20 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế), có bác sĩ thường trực, 100% các xã biên giới có trường tiểu học (10/20 trường đạt chuẩn quốc gia, có 18/20 xã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học), 14/20 xã có trường trung học cơ sở.
Sự gắn kết giữa thế trận QPTD với thế trận ANND và thế trận BPTD được thể hiện thông qua việc phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa lực lượng quân sự, công an và biên phòng theo Quyết định 107/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan quân sự, công an các cấp và các đồn biên phòng đã chủ động trao đổi, thống nhất, báo cáo với cấp uỷ cùng cấp những nội dung, phương pháp cụ thể về việc kết hợp quốc phòng với an ninh trong từng thời gian, kể cả nhiệm vụ đột xuất. Khi có nghị quyết của cấp uỷ, chỉ thị của chính quyền, lực lượng quân sự, công an và bộ đội biên phòng dưới sự điều hành thống nhất của chính quyền các cấp, trực tiếp tổ chức thực hiện nghiêm túc theo phương án, kế hoạch. Không những thế, Tỉnh còn tổ chức tốt các cuộc diễn tập quốc phòng- an ninh ở các cấp, nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng, nâng cao khả năng vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự, công an làm tham mưu” về công tác quốc phòng- an ninh.
Đến nay, 100% các huyện, thị và các xã, phường, thị trấn của tỉnh đã xây dựng và ký qui chế phối hợp hoạt động giữa cơ quan quân sự, công an, biên phòng (nơi có biên phòng đứng chân). Hằng năm, BCHQS Tỉnh đã huy động hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thường trực, dân quân, tự vệ phối hợp với công an và các lực lượng trên địa bàn tuần tra, truy quét, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, nhất là các ngày cao điểm, lễ, tết Nguyên đán, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2006 đã thông báo, trao đổi với các lực lượng được 716 tin, trong đó có 4 tin về an ninh chính trị, 30 tin về an ninh quốc phòng, 193 tin về an ninh kinh tế, 479 tin về trật tự, an toàn xã hội; giải quyết 527 vụ việc, tạm giữ 956 đối tượng các loại, thu nhiều loại hàng hoá trái phép trị giá hàng trăm triệu đồng, chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý. Hiện tại, các đơn vị, cơ quan quân sự các cấp của Tỉnh đang tích cực cùng với các lực lượng tại chỗ trên địa bàn đứng chân bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự ổn định chung của Tỉnh trong tiến trình hội nhập, phát triển.
Lực lượng vũ trang địa phương là nòng cốt của nền QPTD, thế trận QPTD. Với sự tham mưu của BCHQS Tỉnh, những năm qua, Tây Ninh chú trọng xây dựng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị động viên và dân quân, tự vệ (DQTV), trong đó tập trung ưu tiên xây dựng lực lượng DQTV ở địa bàn trọng điểm biên giới, góp phần hình thành thế trận QPTD gắn với thế trận ANND và thế trận BPTD tại chỗ. Có thể nói, ở khu vực biên giới, các chốt dân quân và hệ thống đồn biên phòng là những “mắt xích” quan trọng của thế trận QPTD và BPTD. Do được cấp trên chọn làm điểm về xây dựng KVPT, xây dựng lực lượng DQTV địa bàn trọng điểm biên giới, BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh triển khai nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của trên. Đến nay, tại các xã tuyến biên giới của Tỉnh, các đơn vị, cơ quan doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn của huyện đều đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Chỉ thị 56/CT của Chính phủ và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh về xây dựng KVPT vững chắc; tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng DQTV, nhất là các đơn vị DQTV thuộc các xã tuyến biên giới. Trong các đơn vị DQTV được xây dựng, tỉ lệ đảng viên đạt từ 10- 15%, đoàn viên 15%, bộ đội phục viên, xuất ngũ, công nhân... gần 10%. Công tác huấn luyện được triển khai đồng bộ, thích hợp cho từng loại hình tổ chức, với trình độ các đối tượng, bố trí thuận lợi, hợp lý, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2005, nội dung huấn luyện được bổ sung một số vấn đề thiết yếu như bảo mật, phòng gian, bảo vệ an ninh trên các lĩnh vực hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, kí tín hiệu, thông báo, báo động phòng không; phương thức tham gia tuần tra, canh gác, phối hợp tác chiến giữa các lực lượng vũ trang địa phương, DQTV với tác chiến của các đơn vị chủ lực của Bộ đứng chân trên địa bàn biên giới; phòng chống "diễn biến hoà bình”, ngăn chặn các “điểm nóng”... Năm 2006, tuy mới huấn luyện giai đoạn I, song qua kiểm tra đánh giá các khoa mục, các nội dung, các đơn vị DQTV đều đạt yêu cầu 100%, trong đó có trên 60% khá giỏi.
Lực lượng DQTV ở các xã biên giới trong quá trình hoạt động đã chú trọng thông tin kịp thời tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn cho các cơ quan và lực lượng biên phòng, công an kết hợp nắm chắc các đối tượng xâm nhập vào khu vực địa bàn của huyện, tỉnh; đoàn kết, chủ động phối hợp, hiệp đồng trong hoạt động kinh tế cũng như trong công tác phòng chống cháy, nổ, cứu nạn... Xử lý nhanh, kiên quyết, kịp thời, có hiệu quả một số vụ tranh chấp, trộm cắp, buôn lậu trên địa bàn biên giới, đặc biệt là các cửa khẩu, góp phần quan trọng vào công tác quản lý biên giới ngày càng có hiệu quả. Nhận thức và ý thức bảo vệ Tổ quốc gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo vệ hoạt động kinh tế, giữ vững trật tự, an toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới không ngừng được nâng lên. Việc phối hợp, hiệp đồng tác chiến của DQTV với các lực lượng trong cụm, tuyến “An toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu” các xã, phường tuyến biên giới cũng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ đất đai, tài nguyên, cơ sở vật chất kĩ thuật gắn với với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
 
Đại tá Trần Đơn
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy,
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)