QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:09 (GMT+7)
Xây dựng quốc phòng, quân đội ở một số nước - nhìn từ góc độ chi tiêu ngân sách
Ngân sách quốc gia hằng năm dành cho quốc phòng, quân sự cũng phản ánh một phần xu thế và tình hình xây dựng quốc phòng, quân đội của các nước. Những năm gần đây, cùng với đà tăng trưởng của kinh tế cũng như sự gia tăng  những nguy cơ, thách thức đối với an ninh, ngân sách quốc phòng (NSQP) của đa số các nước trên thế giới đều gia tăng hằng năm. Qua các tài liệu đã được công bố trên báo chí nước ngoài, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về xây dựng quốc phòng, quân đội của một số nước, qua góc nhìn từ chi tiêu ngân sách dành cho quốc phòng, quân sự để bạn đọc tham khảo.

NSQP của Trung Quốc.

Căn cứ vào Luật Quốc phòng và Luật Ngân sách, tuân thủ phương châm phát triển hài hoà giữa xây dựng quốc phòng và xây dựng kinh tế, Chính phủ Trung Quốc xác định một cách hợp lý mức NSQP hằng năm.
Từ những năm 90 thế kỷ XX đến nay, Trung Quốc đã tăng dần NSQP. Một số thế lực ở phương Tây đã lấy đó làm căn cứ để tung ra thuyết “mối đe doạ của Trung Quốc”.
Trong “Báo cáo sức mạnh quân sự của Trung Quốc” do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hằng năm đều cho rằng, con số thực tế về NSQP thường gấp 2-3 lần so với con số mà Chính phủ Trung Quốc công bố. Theo phân tích của Mỹ, chi phí quân sự của Trung Quốc đã vượt Nga, Nhật Bản, vươn lên đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ. Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ sự thổi phồng này cùng thuyết về “mối đe dọa của Trung Quốc” do Mỹ tung ra. Trung Quốc cho rằng, sự gia tăng NSQP của Trung Quốc chỉ mang tính bổ trợ những yếu kém của cơ sở quốc phòng, là sự gia tăng vừa phải, hài hoà với sự phát triển kinh tế của đất nước. Từ năm 1990 đến năm 2005, NSQP bình quân tăng hằng năm 15,36%, khấu trừ chỉ số tăng giá thì thực tế chỉ tăng 9,64%. Trên cơ sở tăng GDP năm 2004, 2005 của Trung Quốc là 10,1 % và 10,2% so với năm trước; các khoản chi tài chính quốc gia cũng lần lượt tăng 15,57% và 19,11%; NSQP  tăng 15,31% và 12,50% so với năm trước. NSQP năm 2007 là 350,92 tỷ nhân dân tệ (khoảng 45,33 tỷ USD), tăng 17,8 % so với năm 2006. Tuy vậy, NSQP của Trung Quốc năm 2005 chỉ bằng 6,19 % của Mỹ, 52,95 % của Anh, 71,45 % của Pháp, 67,52 % của Nhật Bản; tỷ lệ NSQP tính theo đầu người mỗi quân nhân của Trung Quốc vẫn ở mức tương đối thấp so với một số nước khác, nhất là các nước lớn,  chỉ bằng 3,74 % của Mỹ và 7,07 % của Nhật Bản.
Theo các tài liệu của Trung Quốc, NSQP của nước này tăng hằng năm, chủ yếu dùng vào:
1- Cải thiện đời sống cho bộ đội và đãi ngộ tiền lương cho quân nhân. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân liên tục được cải thiện, tiền lương và các loại phụ cấp cho quân nhân tại ngũ cần phải được nâng cao một cách tương ứng.
2- Tăng đầu tư cho trang thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng, như thúc đẩy tin học hoá quân đội, tăng mua sắm và bảo dưỡng vũ khí, trang bị (VKTB), hoàn thiện cơ sở hạ tầng quân sự, đẩy mạnh xây dựng công trình của lực lượng phòng thủ ven biển.
3- Hỗ trợ đào tạo nhân tài quân sự, như đầu tư vào các học viện, nhà trường quân đội và gửi quân nhân  vào đào tạo, huấn luyện ở các trường dân sự, nâng cao mức trợ cấp khen thưởng cho các nhân tài ưu tú trong quân đội, tăng kinh phí cho nhân viên hợp đồng tuyển dụng.
4- Bù đắp tăng giá các mặt hàng hoá, như xăng dầu, nguyên vật liệu, thực phẩm, nâng tiêu chuẩn ăn cho bộ đội.
5- Tăng chi phí cho lĩnh vực hợp tác quốc tế an ninh phi truyền thống.
    NSQP của Mỹ.    
NSQP của Mỹ năm 2007 được Quốc hội Mỹ phê duyệt tháng 9-2006 là 447,6 tỷ USD (có nguồn tin là 460 - 600 tỷ USD), chiếm tới gần một nửa NSQP của toàn thế giới (khoảng trên 1000 tỷ USD). NSQP của Mỹ chia làm hai bộ phận lớn: bộ phận thứ nhất là 377,6 tỷ USD dành cho những khoản nghiệp vụ chủ yếu của Bộ Quốc phòng; bộ phận thứ hai là 70 tỷ USD chi cho các hoạt động chống khủng bố, chủ yếu tập trung vào I-rắc và áp-ga-ni-xtan.
 Bộ phận thứ nhất được chia thành ba khoản chính:
Một là, chi cho nghiên cứu chế tạo, mua sắm VKTB công nghệ cao phục vụ việc chuyển đổi loại hình quân đội, từ cơ giới hoá sang thông tin hoá để ứng phó với các thách thức phi đối xứng, làm cho quân đội Mỹ luôn chiếm ưu thế tuyệt đối về VKTB công nghệ cao so với bất kỳ quân đội nào. Khoản này dự chi 80,9 tỷ USD, tăng 6,8% so với tài khoá 2006; trọng điểm là mua sắm “hệ thống tác chiến tương lai” (FCS), các loại máy bay chiến đấu công kích liên hợp kiểu mới, như  F-22, F-35, máy bay vận tải C-17 và C-130J, máy bay trinh sát không người lái, trực thăng UH-60 “Chim ưng đen” và các loại tàu chiến, xe tăng, súng đạn, tên lửa, v.v., được thông tin hoá cao độ.
Hai là, chi cho xây dựng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, gọi là “tác chiến và duy trì phí “, bảo đảm duy trì trình độ sẵn sàng chiến đấu cao của quân đội. Khoản này dự chi 119,8 tỷ USD.
Ba là, nâng cao đãi ngộ phúc lợi cho quân nhân, giữ gìn nhân tài quân sự. Quân đội Mỹ cho rằng, hiệu suất cao (trong việc sử dụng ngân sách, trong chiến đấu, v.v.) là do thu hút và giữ gìn được số lượng lớn nhân viên quân sự tố chất cao (mấy cuộc chiến tranh gần đây chứng minh điều đó). Do vậy, giữ gìn nhân tài quân sự trong tương lai là một trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của Mỹ. Biện pháp cơ bản để Mỹ thu hút và giữ gìn được đông đảo nhân tài quân sự  chính là không ngừng nâng cao trình độ phúc lợi của quân nhân, làm cho quân nhân cảm thấy rõ ràng tính ưu việt hơn so với người có cùng “chất” ở bên dân sự. Trong NSQP năm 2007, Mỹ dành 86,4 tỷ USD để chi trả lương cho  tổng quân số 2.210.000 người, trong đó số quân tại ngũ là 1.367.300 người. Tiền lương quân nhân, viên chức, công nhân viên quốc phòng đều tăng 2,2%. Ngoài ra, còn 90,5 tỷ USD dành chi cho phúc lợi về nhà ở, y tế cho quân nhân và các khoản phúc lợi khác, như phụ cấp chiến đấu, xuất ngũ, thương tật, v.v.
NSQP của Nhật Bản.
NSQP tài khoá năm 2006 do Cục Phòng vệ (nay là Bộ Quốc phòng) Nhật Bản công bố là 4885,7 tỷ Yên (khoảng 44 tỷ USD); năm 2007 tăng lên khoảng 45 tỷ USD. Do từ năm 2003 đến 2005, Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách siết chặt tài chính, NSQP cũng bị cắt giảm, nên sự tăng nhanh NSQP từ 2006 của Nhật Bản khiến các nước chú ý.
Các nhà phân tích cho rằng, mục đích của sự gia tăng NSQP của Nhật Bản là để “tái vũ trang quân đội Nhật Bản”, bảo đảm cho việc chuyển lực lượng này từ loại hình “phòng thủ lãnh thổ mình” sang “tiến công hải ngoại”. Để thực hiện mục đích này, NSQP được ưu tiên cho xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (TMD), nâng cao khả năng tác chiến chống tàu ngầm, thay thế máy bay F-4 hiện có bằng loại máy bay F-5 có khả năng không chiến tầm xa hơn, mạnh hơn; xây dựng “Đội tình báo trung ương” có quy mô hơn 600 người với những trang, thiết bị hiện đại nhất, chuyên để thu thập thông tin tình báo ở hải ngoại. Ngoài ra, Nhật Bản còn xây dựng các căn cứ, các trung tâm phóng tên lửa ra hải ngoại.
Sự chuyển biến chiến lược của lực lượng vũ trang Nhật Bản được thực hiện thông qua ba phương diện sau đây:
- Đột phá "vùng cấm" về chính trị, chuẩn bị căn cứ pháp lý để chuyển "Đội Phòng vệ Nhật Bản" thành lực lượng "tiến công hải ngoại".
Theo “Hiến pháp hoà bình” từ năm 1947, Nhật Bản chỉ được thành lập “Đội Phòng vệ” làm lực lượng phòng thủ lãnh thổ của mình. Để chuyển “Đội Phòng vệ” thành lực lượng “tiến công hải ngoại”, Nhật Bản đã từng bước đột phá “vùng cấm” về chính trị, luật pháp hoá dần dần cho sự chuyển đổi này, bằng cách chế định hoặc sửa đổi các luật, như  “Luật hợp tác với hành động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc”, “Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ”, “Luật về các biện pháp đặc biệt chống khủng bố”, v.v. Ngày 28-8-2005, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã thông qua “Dự thảo Hiến pháp mới”, trong đó có việc nâng cấp “Đội phòng vệ” thành “Quân tự vệ” và quy định “Quân tự vệ” có thể tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế để giữ gìn hoà bình. Trong khoản 2 , điều thứ  9 của “Dự thảo Hiến pháp mới” quy định “Thủ tướng Nội các là chỉ huy cao nhất của Quân tự vệ để bảo vệ hoà bình, độc lập của đất nước, an ninh của nhân dân”, thay thế cho các điều khoản của “Hiến pháp hoà bình” quy định Nhật Bản “không có quân đội, không có lực lượng tác chiến” , v.v.
- Tăng cường VKTB công nghệ cao, không ngừng gia tăng tỷ lệ vũ khí tiến công tầm xa.
Nhật Bản không chỉ chuẩn bị các căn cứ pháp lý cho việc chuyển Đội Phòng vệ thành lực lượng “tiến công hải ngoại” mà còn nghiên cứu chế tạo, mua sắm khối lượng lớn VKTB công nghệ cao, vũ khí tiến công tầm xa cho lực lượng vũ trang này. Theo con số thống kê trong tài liệu công bố tháng 11-2005, xem xét  số lượng, tính năng và năng lực tác chiến tổng hợp của VKTB cả ba quân chủng: lục quân, hải quân, không quân Nhật Bản cho thấy: tính năng của VKTB chủ yếu có cùng trình độ thế giới; còn các loại vũ khí thông thường như tàu ngầm, xe tăng chủ chiến, tên lửa, v.v., thì đã vượt các nước lớn phương Tây.
- Tham gia một cách rộng rãi các "sự vụ quốc tế" để tích luỹ kinh nghiệm thực chiến cho việc chuyển đổi chức năng của Đội Phòng vệ.
Năm 1991, lợi dụng cơ hội chiến tranh vùng Vịnh, Nhật Bản đã cử đội quét mìn đến Vịnh Péc-xích. Đây là lần đầu tiên, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản phái binh lực ra nước ngoài, đột phá vào sự ràng buộc của “Hiến pháp hoà bình”. Từ đó đến nay, “Đội Phòng vệ” Nhật Bản nhiều lần tham gia vào các “sự vụ quốc tế”, như ở Căm-pu-chia, ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, v.v, với các quy mô, mức độ khác nhau.
Thực tế cho tới nay có thể thấy rằng, về mặt chiến lược quân sự, Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành việc chuyển Đội Phòng vệ từ “phòng vệ lãnh thổ mình” thành Quân đội có sức mạnh “tiến công hải ngoại”, Cục Phòng vệ Nhật Bản cũng đã chuyển đổi thành Bộ Quốc phòng. Người Nhật Bản cho rằng, những việc đó  chỉ là quá trình “bình thường hoá” của nước Nhật; còn một số nước thì không khỏi lưu tâm, cảnh giác.
Kim Phượng
 

Ý kiến bạn đọc (0)