QPTD -Thứ Năm, 01/09/2011, 23:26 (GMT+7)
Xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của nền quốc phòng toàn dân hiện đại

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cho công cuộc xây dựng đất nước, để đến 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nguồn năng lượng đa dạng; khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất nước có hiệu quả; phát triển khoa học và công nghệ hiện đại; xây dựng cơ sở của nền kinh tế tri thức; đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục -đào tạo; nâng cao năng lực và trình độ của hệ thống bưu chính-viễn thông; xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật; phát triển hệ thống dịch vụ vĩ mô... Nghĩa là, xây dựng, phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật của công cuộc đổi mới CNXH toàn diện, ngày càng sâu sắc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Tất cả nhằm xây dựng, phát triển nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất đúng định hướng XHCN, “tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn”. Có thể nói, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại của đất nước ta là đáp ứng tính cấp thiết của công cuộc CNH, HĐH với tầm nhìn 2020, khi nước ta hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, chủ động tham gia vào xu thế toàn cầu hóa kinh tế và đòi hỏi nghiêm túc sự kết hợp chặt chẽ, cụ thể, sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược “xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Đây là cơ hội “nghìn năm có một” để “xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại” nói chung, xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của công cuộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN nói riêng. Vì xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của nền quốc phòng toàn dân (QPTD) hiện đại tất phải gắn chặt và dựa chắc vào quá trình xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại của đất nước, tận dụng được thành quả và góp phần vào đạt hiệu quả cao của quá trình ấy. Đây cũng là một biểu hiện tập trung, cụ thể sự kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng là xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại của nền QPTD, trước hết là nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “xây dựng nền QPTD và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ...; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh tư tưởng văn hóa và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ”.

Căn cứ vào nhiệm vụ trên đây, có thể nêu ra một số yếu tố chủ yếu trong hệ thống cơ sở hạ tầng của nền QPTD cần được xây dựng, phát triển và hoàn thiện:

Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; có năng lực quán triệt đường lối cách mạng, quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, chính sách quốc phòng của Nhà nước. Chú trọng trang bị tri thức mới về quốc phòng, quân sự nói chung, về nền QPTD và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Đào tạo và phát triển  nhân tài quân sự trong công cuộc hòa bình xây dựng đất nước.... Xây dựng yếu tố này cần dựa chắc và kết hợp với chiến lược phát triển toàn diện con người, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của Đảng và Nhà nước; bổ sung và hoàn thiện nội dung xây dựng nguồn nhân lực về quốc phòng và quân sự.

Hoàn thiện hệ thống các trung tâm giáo dục quốc phòng; đổi mới chương trình, nội dung giáo dục quốc phòngan ninh trong hệ thống giáo dục - đào tạo của Nhà nước và của Bộ Quốc phòng. Nâng cao giác ngộ XHCN và cảnh giác chính trị của người học lên một trình độ mới, cao hơn. Làm cho họ nhận thức đúng đối tác, đối tượng trong sự đan xen phức tạp; cảnh giác với thù trong, giặc ngoài, với mất an ninh quân sự, an ninh chính trị; mất an ninh kinh tế, văn hóa, môi trường sinh thái, thiên tai, dịch bệnh... Giáo dục, huấn luyện những phát triển mới về khoa học và nghệ thuật bảo vệ Tổ quốc trong thời bình; khoa học và nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện đại; phương pháp đấu tranh quốc phòng và phương pháp xây dựng, củng cố nền QPTD, phương thức bảo vệ an ninh quốc gia.

Xây dựng, hoàn thiện từng bước thế trận QPTD kết hợp với thế trận an ninh nhân dân. Không ngừng hoàn thiện các khu vực phòng thủ phù hợp với khả năng thực tế của từng địa phương và của đất nước, phù hợp với sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN và bảo vệ an ninh quốc gia trong từng thời kỳ. Đó là, xây dựng, phát triển hệ thống làng, xã, bản, buôn, phường chiến đấu theo những nội dung mới. Xây dựng, phát triển hệ thống công trình phòng thủ, công trình chiến đấu trên các hướng chiến lược chủ yếu. Xây dựng các căn cứ của các quân chủng, binh chủng, các thứ quân; xây dựng  hệ thống căn cứ địa, hệ thống hậu phương chiến lược, hậu phương tại chỗ theo yêu cầu mới... Bố trí lực lượng cơ động chiến lược, lực lượng tại chỗ phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong từng thời kỳ. Kết hợp chặt chẽ hoạt động vũ trang, hoạt động phi vũ trang và hoạt động bảo vệ an ninh trong thế trận. Luôn luôn nắm vững khâu trọng yếu là xây dựng cơ sở toàn diện, vững mạnh (xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng kinh tế, xây dựng lực lượng, xây dựng văn hóa...).

Phát triển, hoàn thiện tổ chức quốc phòng, tổ chức quân sự thời bình làm nòng cốt cho toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là, tạo nên cơ cấu mới phù hợp giữa các loại hình lực lượng quân sự, lực lượng quốc phòng, lực lượng quốc phòng trong bộ máy Nhà nước, trong hệ thống chính trị; nhất là cơ cấu mới của lực lượng ba thứ quân, lực lượng các quân chủng, binh chủng, lực lượng cơ động chiến lược và lực lượng tại chỗ, lực lượng thường trực và lực lượng dự bị. Hình thành các hệ thống lực lượng: hệ thống lực lượng lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; hệ thống lực lượng chiến đấu gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ và lực lượng chuyên dùng như: phản ứng nhanh, lực lượng chống khủng bố, lực lượng chống bạo loạn, lật đổ, lực lượng bảo vệ môi trường sinh thái, lực lượng cứu hộ; hệ thống giáo dục- đào tạo gồm các trung tâm huấn luyện, các học viện của Bộ Quốc phòng, của Nhà nước; hệ thống cung cấp hậu cần, cung cấp vũ khí-kỹ thuật, hệ thống dịch vụ quốc phòng... Tất cả có đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, đẩy lùi, ngăn chặn chiến tranh, không để xảy ra chiến tranh và sẵn sàng cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin-viễn thông chính xác, kịp thời, an toàn, vững chắc trong mọi tình huống. Đó là, hệ thống thông tin lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, thông báo, báo động từ trung tâm đến các quân khu, các bộ chỉ huy quân sự, các quân chủng, binh chủng, các binh đoàn... từng bước được số hóa, nối mạng với lực lượng an ninh, kinh tế, đối ngoại. Phát triển hệ thống các trung tâm thông tin viễn thông, các trung tâm đấu tranh điện tử trên các hướng chiến lược... Thiết lập các đường dây nóng về quốc phòng-an ninh xuyên Việt, xuyên Đông Dương, xuyên Đông Nam Á, xuyên các quốc gia có sự hợp tác về quốc phòng-an ninh, đường dây nóng với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từng bước trang bị, hiện đại hóa các phương tiện thông tin-liên lạc (điện thoại cố định, điện thoại di động, bộ đàm, vô tuyến truyền hình, ca-mê-ra ...) chuyên dùng cho quốc phòng- quân sự kết hợp với các phương tiện thông tin-liên lạc truyền thống.

Xây dựng, phát triển cơ sở khoa học và công nghệ quân sự hiện đại, phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc XHCN trong những điều kiện lịch sử mới. Phát triển khoa học- công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, điều khiển học, tự động hóa, na-nô... Nghiên cứu, vận dụng có chọn lọc những phát triển mới về quân sự, quốc phòng, quân đội, chiến tranh và những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới. Nghiên cứu, sản xuất từng bước hệ vũ khí-kỹ thuật hiện đại. Từng bước tin học hóa, tự động hóa các phương tiện chỉ huy, trinh sát, điều khiển hỏa lực các loại, cơ động, bảo đảm... của các lực lượng vũ trang.

Bám chắc vào sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, tranh thủ sự hợp tác quốc tế để thực hiện các mục tiêu trên đây.

Xây dựng, phát triển hệ thống giao thông-vận tải chiến lược của nền QPTD. Đó là hệ thống giao thông-vận tải quân sự trên bộ, trên biển, trên không, trên các sông lớn cùng các phương tiện giao thông-vận tải, phương tiện cơ động ngày càng hiện đại. Hệ thống đó bảo đảm giao thông-vận tải, cơ động lực lượng thông suốt, an toàn trong mọi điều kiện thời tiết, khí hậu, thủy văn (kể cả khi bị đánh phá ác liệt) với lưu lượng lớn các phương tiện giao thông, phương tiện cơ động của lực lượng vũ trang có tốc độ cao, siêu trọng, siêu trường.

Đất nước ta dài, hẹp, địa hình trắc trở, thời tiết khắc nghiệt. Vì thế, xây dựng, phát triển hệ thống giao thông-vận tải quân sự phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp với đặc thù địa hình của từng địa bàn chiến lược. Đó là, xây dựng mạng đường sá chiến lược trên bộ (chú trọng xây dựng hệ thống giao thông ngầm), trên biển, trên không; các trung tâm chỉ huy, điều chỉnh giao thông; hệ thống thông tin-tín hiệu; lực lượng bảo vệ các nút giao thông; lực lượng vận tải chiến lược; các vị trí tạm dừng, ẩn nấp... Coi trọng phát triển giao thông đường không, giao thông đường biển. Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực của phương thức giao thông- vận tải thô sơ để hỗ trợ cho hệ thống giao thông-vận tải chiến lược nói trên, áp dụng cho những cung, đoạn giao thông không thể sử dụng được những phương tiện giao thông cơ giới, hiện đại.

Việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông-vận tải chiến lược được hoàn tất ngay trong thời bình để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh do Đảng và Nhà nước đặt ra, và góp phần vào phát triển hệ thống giao thông - vận tải của đất nước. Xây dựng, phát triển hệ thống giao thông-vận tải chiến lược phải dựa vào hệ thống giao thông - vận tải của đất nước; tận dụng tối đa thành tựu của hệ thống này để bổ sung, phát triển hệ thống giao thông - vận tải của nền QPTD.

“Xây dựng công nghiệp quốc phòng trong hệ thống công nghiệp quốc gia dưới sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Chính phủ1. Dựa chắc vào năng lực, công suất, trình độ hiện đại của hệ thống công nghiệp quốc gia, đầu tư lựa chọn, xây dựng, phát triển những ngành Công nghiệp quốc phòng hiện đại. Tranh thủ năng lực công nghiệp quân sự hiện đại của các quốc gia là đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Nâng cao năng lực công suất và trình độ hiện đại của ngành Công nghiệp quốc phòng sản xuất ra những vũ khí- kỹ thuật, phương tiện chiến đấu hiện đại, nhất là vũ khí-kỹ thuật chống bạo loạn lật đổ, chống khủng bố, chống tiến công đường không, chống tiến công đường biển, đánh địch từ xa... Sản xuất một phần những máy công cụ hiện đại, những phương tiện dân sinh thiết yếu, góp phần vào quá trình CNH, HĐH đất nước.

Xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ quốc phòng. Phát triển các ngành, nghề dịch vụ như y tế, xây dựng, ngân hàng quân đội; mua - bán các loại kỹ thuật, công nghệ quốc phòng, dịch vụ may mặc các loại quân trang, tiện nghi sinh hoạt của đời sống các quân nhân, các viên chức quốc phòng; phát triển các câu lạc bộ quốc phòng, các trường dạy nghề cho quân nhân. Nên xây dựng, phát triển nền kinh tế quân sự, tăng cường thành phần kinh tế Nhà nước giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế thị trường, góp phần giảm bớt ngân sách Nhà nước chi cho quốc phòng và giữ vững định hướng XHCN của nền kinh tế mở.

TS. LÊ BẰNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)