QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 23:00 (GMT+7)
Xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong một đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng

Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng (KT-QP) gần 25 năm qua ở Binh đoàn 15, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã hết sức chú trọng xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, đảng viên, quần chúng; coi đó là một nhân tố quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ và sự trưởng thành của mọi cá nhân và tổ chức trong đơn vị.

Xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là một yêu cầu cơ bản để xây dựng tổ chức và con người trong lực lượng vũ trang. Bởi vậy, nhiệm vụ này cần được tiến hành thường xuyên, với sự kết hợp đồng bộ giữa các yếu tố: chính trị, tư tưởng, tổ chức; trong đó, việc phát huy ý thức, động cơ phấn đấu, học tập, tu dưỡng, rèn luyện tự giác của cá nhân là hết sức quan trọng. Từ nhận thức đó, Binh đoàn đã quan tâm thường xuyên tới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng đối với mọi thành viên trong Binh đoàn.

Từ những yêu cầu chung đặt ra với lực lượng vũ trang trong xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; cấp ủy, cán bộ chủ trì và cơ quan chính trị các cấp trong Binh đoàn đã vận dụng, cụ thể hóa thành các tiêu chí cụ thể, sát hợp với đặc điểm của một đơn vị làm nhiệm vụ KT-QP trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Những yêu cầu chính trong tiêu chí về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đặt ra đối với mọi thành viên của Binh đoàn là: sự yên tâm, gắn bó với địa bàn, đơn vị và nhiệm vụ KT-QP; ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo; tận tụy, cần cù, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, lao động đạt năng xuất, hiệu quả cao; tiết kiệm, giữ gìn tài sản của Nhà nước, quân đội; đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm; đồng cam cộng khổ, gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc trên địa bàn... Đó cũng là cơ sở tạo ra sự thống nhất về nhận thức để mọi thành viên của Binh đoàn tự giác phấn đấu, tu dưỡng theo cương vị, chức trách được giao. Mặc dù điều kiện lao động vất vả, địa bàn sản xuất phân tán, song các đơn vị trong Binh đoàn đã duy trì chặt chẽ các chế độ sinh hoạt, giáo dục chính trị đối với mọi đối tượng theo quy định. Nội dung sinh hoạt, giáo dục chính trị đã chú trọng tập trung vào việc giáo dục, bồi dưỡng về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bản chất, truyền thống quân đội; truyền thống Binh đoàn. Đồng thời, các đơn vị cũng chú trọng việc kiểm điểm, liên hệ, xác định trách nhiệm cá nhân đối với việc phấn đấu gìn giữ, phát huy bản chất, truyền thống của quân đội và đơn vị... Việc giáo dục phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không dừng ở việc lên lớp tập trung mà đã được chú trọng gắn kết với các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; nhất là với các sinh hoạt và hoạt động của các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong Binh đoàn. Yêu cầu xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức sinh động, như: giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống trong các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị, giữa các đơn vị với các tổ chức, đoàn thể địa phương trên địa bàn công tác. Đặc biệt, trong gần 3 năm qua, gắn liền với việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hiệu quả việc xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong Binh đoàn đã được nâng lên một tầm cao mới. Với việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, CVĐ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực về tư tưởng và tổ chức để mở rộng, nâng cao hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, phẩm chất, lối sống, tác phong công tác Hồ Chí Minh nói riêng và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nói chung. Trên cơ sở tổ chức tốt việc quán triệt, học tập các chỉ thị, nội dung về CVĐ đối với mọi đối tượng, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể có những nội dung và giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả CVĐ. Căn cứ vào những tiêu chí về phẩm chất đạo đức của người quân nhân cách mạng và của người cán bộ, đảng viên quân đội, Đảng ủy Binh đoàn, cấp ủy cơ sở, từng chi bộ đã cụ thể hóa thành những chỉ tiêu phấn đấu, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên sát với đặc điểm, nhiệm vụ, yêu cầu của từng ngành và đơn vị cụ thể. 183 chi bộ trong toàn Đảng bộ Binh đoàn đã xây dựng được tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống; từng cán bộ, đảng viên định kỳ báo cáo thu hoạch về nhận thức, tự liên hệ kiểm điểm và đề ra phương hướng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trước tập thể chi bộ. Cấp ủy, Ban Chỉ đạo CVĐ các cấp của Binh đoàn đã xây dựng kế hoạch, nội dung hướng dẫn, kiểm tra cán bộ, đảng viên thực hiện CVĐ bằng những việc làm cụ thể; trong đó, tập trung làm chuyển biến về tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đổi mới lề lối, tác phong công tác, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát vật tư, sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, toàn Binh đoàn đã có sự tiến bộ tương đối toàn diện cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong rèn luyện đạo đức, lối sống, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là các cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp, Binh đoàn đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực từ học tập tới làm theo tấm gương đạo đức của Bác; trong đó, chú trọng gắn kết việc tổ chức thực hiện CVĐ với phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng trong các tổ chức, đoàn thể. Công đoàn các cấp đã coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động; đẩy mạnh CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tổ chức gặp mặt tôn vinh lao động giỏi các cấp, tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết 32 của Chính phủ về kiềm chế tai nạn giao thông và tổ chức hội thi an toàn giao thông đạt kết quả tốt. Các tổ chức công đoàn cơ sở đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, vận động và thu hút các lực lượng trong đơn vị tham gia sinh hoạt và hoạt động công đoàn; làm tốt công tác tham gia quản lý nhà nước; tuyên truyền, giáo dục chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên công đoàn, giáo dục nâng cao ý thức trong quản lý sản phẩm... Đoàn Thanh niên của Binh đoàn đã tích cực triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú; triển khai nhiều CVĐ, đặc biệt là CVĐ “Thanh niên Quân đội học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đoàn các cấp. Công tác giáo dục, bồi dưỡng mục tiêu lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên gắn với các phong trào xung kích và bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú để phát triển đảng được các cấp bộ đoàn tiến hành có nền nếp, hiệu quả. Hoạt động của Hội Phụ nữ đã tập trung vào CVĐ “Phụ nữ Quân đội học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Phụ nữ Quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tổ chức tốt hội thi “Giáo viên mầm non dạy giỏi”, “Cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở giỏi”; các hoạt động nhân tháng “Hành động vì trẻ em”, “Ngày gia đình Việt Nam” ngày càng đi vào nền nếp, có chất lượng. Các hội thi đã thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng của đơn vị, các đơn vị kết nghĩa, nhân dân trên địa bàn hưởng ứng, tham gia; góp phần giáo dục, động viên mọi người phấn đấu rèn luyện, làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Cùng với việc chú trọng giáo dục, rèn luyện qua thực tiễn, quá trình xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn đã được gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD) và tăng cường công tác dân vận. Trên cơ sở triển khai đồng bộ các nội dung về xây dựng đơn vị VMTD, Binh đoàn tập trung tạo chuyển biến tích cực về đoàn kết, dân chủ, kỷ luật và nâng cao chất lượng các tổ chức, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Dù phải đóng quân phân tán, trải dài ra 130 thôn, làng thuộc 28 xã, phường, 7 huyện của 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, song mọi hoạt động của các đơn vị trong Binh đoàn vẫn thực hiện theo nền nếp. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 259 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị; kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất; phương án khoán sản phẩm, định mức lao động; các quy chế về lãnh đạo công tác tài chính; quy chế trả lương, tiền thưởng; quy chế hoạt động của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể; các chế độ chính sách đều được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phổ biến, quán triệt kịp thời đến từng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và người lao động. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và người lao động được tạo điều kiện trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, nhiệm vụ của đơn vị và các quyền lợi liên quan trực tiếp đến bản thân mình... Dân chủ trong cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị được mở rộng, tạo bước chuyển biến mới về phong cách làm việc theo hướng bám sát cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khâu yếu, mặt yếu của đơn vị. Các biểu hiện mất dân chủ; đơn thư tố cáo, khiếu nại vượt cấp và thư nặc danh sai sự thật; số quân nhân, công nhân vi phạm kỷ luật... giảm nhiều so với trước. Mối quan hệ đoàn kết thống nhất nội bộ, giữa cấp trên  và cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ và người lao động; quan hệ đoàn kết quân dân ngày càng được củng cố. Điều đó đã thiết thực góp phần tăng cường đoàn kết, kỷ luật, tạo môi trường thuận lợi đối với yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng của mọi thành viên trong Binh đoàn.

Thực hiện tốt công tác dân vận (CTDV) là một truyền thống, đồng thời còn là một yêu cầu thuộc về nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn. Việc làm này chẳng những đã tác động thiết thực tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, mà còn là một phương thức quan trọng để giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Trong những năm gần đây, CTDV của Binh đoàn đã được tăng cường với sự đổi mới về nội dung, phương thức tiến hành. Binh đoàn đã tổ chức 85 Đội sản xuất kết nghĩa với 130 thôn, làng trên địa bàn; tổ chức các tổ công tác tham gia xây dựng cơ sở chính trị-xã hội địa phương. Từ năm 2006 đến nay, các đơn vị đã triển khai gắn kết được 1.661 hộ gia đình công nhân người Kinh với 1.661 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Phương châm: “đội sản xuất gắn với buôn làng; công ty gắn với huyện, xã; Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện” đã được tổ chức thực hiện, vận hành thành nền nếp, có hiệu quả tốt. Quá trình làm CTDV đồng thời cũng là quá trình gắn với giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, giữ nghiêm kỷ luật quan hệ quân dân. Trong tiến hành CTDV, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã thực hiện tốt 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc); đồng thời: “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm để dân tin”. Quá trình lăn lộn, gắn bó với địa bàn, đồng cam, cộng khổ với đồng bào các dân tộc, giúp đỡ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của các đơn vị đã góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết quân dân, bồi đắp thêm những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với mọi thành viên trong Binh đoàn.

Tích cực xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng chính trị của Binh đoàn 15. Đánh giá đầy đủ ưu điểm cũng như khuyết điểm, hạn chế trong thời gian qua, để trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả việc làm này là vấn đề tiếp tục được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn chú trọng. Một trong những khâu đột phá để thực hiện yêu cầu đó là: tăng cường việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội và các quy định của đơn vị; tập trung quản lý tốt về con người, trang bị, cơ sở vật chất, tài sản; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu tướng NGUYỄN DUY NGỌ

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh đoàn 15

 

Ý kiến bạn đọc (0)