Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:18 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
LTS: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có vai trò rất to lớn, không chỉ trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây, mà còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay. Trong những năm đổi mới vừa qua, nông nghiệp nước ta đã đạt thành tựu to lớn, đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Song, so với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn tồn tại một số hạn chế, cần sớm được khắc phục. Nhằm góp phần làm rõ một khía cạnh của vấn đề đó, các tác giả Nguyễn Học Từ, Nguyễn Văn Bảy có bài viết: “Xây dựng nông thôn Việt Nam trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc XHCN” (đăng trong 2 số liên tiếp); xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
I.
Nông thôn Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới -
thành tựu, hạn chế dưới góc nhìn quốc phòng
Nông thôn nước ta là một vùng rộng lớn, chiếm 72,6% dân số cả nước và 75% lực lượng lao động xã hội, trong đó có 55,7% lao động làm nông nghiệp (nông, lâm, ngư, diêm nghiệp); mật độ dân số thấp và phân bố không đều; kết cấu hạ tầng kém phát triển; trình độ văn hoá, khoa học - kỹ thuật, trình độ sản xuất hàng hoá chưa cao; đặc biệt, thu nhập, mức sống của dân cư nông thôn nhìn chung thấp kém so với mặt bằng chung của toàn xã hội. Nông thôn Việt Nam không chỉ có vai trò to lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, mà còn là một nhân tố vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN ngày nay.
Trong giai đoạn mới của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm xây dựng nông thôn mới, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện. Từ việc xác định ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, tại Đại hội VI, đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ (khoá VII), lần đầu tiên Đảng ta đưa ra khái niệm CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn và coi đó là nhiệm vụ chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu. Tiếp theo, tại Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX), Đảng ta ra nghị quyết chuyên đề về CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn và gần đây, Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) của Đảng đã ra nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, v.v. Thông qua thực hiện một cách tích cực các chủ trương, chính sách đó, những năm qua, nông thôn nước ta đã phát triển “khá toàn diện và to lớn”; kinh tế, văn hoá, xã hội có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hằng năm, nước ta sản xuất trên 40 triệu tấn lúa và ngô, đạt 475 kg lương thực/ người/ năm; đảm bảo nhu cầu lương thực của cả nước, tăng dự trữ và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân. Những thành tựu đó đã thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước, trong đó có tiềm lực quân sự, quốc phòng.
Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, cơ cấu kinh tế nói chung, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn nước ta nói riêng, đang có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tăng tỉ lệ công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ lệ nông nghiệp (năm 2007, công nghiệp và dịch vụ khu vực nông thôn đã chiếm 60%). Đáng chú ý, nhiều địa phương đã hình thành và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ, cụm làng nghề truyền thống. Ngành nghề ở nông thôn cũng phát triển đa dạng và phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất. Ngành chế biến nông, lâm, thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 14,8%/năm, giai đoạn 2001 - 2006; riêng về chế biến thuỷ sản (từ 2001 - 2006) đã có 386 cơ sở đạt tiêu chuẩn ngành và 269 nhà máy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp vào thị trường EU. Sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và phát triển ngành nghề ở nông thôn, một mặt, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; mặt khác, tạo nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng một phần nhu cầu quân sự, quốc phòng của các địa phương.
Ở khía cạnh khác, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề còn có ý nghĩa bảo đảm tốt hơn nhu cầu về nguồn nhân lực, vật lực của khu vực phòng thủ (KVPT). Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các cơ sở sản xuất, chế biến, các loại phương tiện cơ giới thuộc các thành phần kinh tế ở nông thôn đều có thể chuyển sang phục vụ mục đích quân sự một cách tương đối thuận tiện; các loại sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là các nguyên liệu, lương thực, thực phẩm đã qua chế biến tinh, gọn, bảo quản được lâu dài, sử dụng dễ dàng, sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu hậu cần tại chỗ. Hơn nữa, đội ngũ lao động đông đảo của các khu công nghiệp, dịch vụ... sẽ là nguồn nhân lực ổn định, sẵn sàng huy động kịp thời thực hiện nhiệm vụ BVTQ khi cần thiết.
Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội (KT-XH) nông thôn nước ta cũng không ngừng được củng cố, tăng cường. Hệ thống thủy lợi nhìn chung đã được bê tông hoá; hệ thống đê sông, đê biển được tập trung gia cố, nhiều nơi được cứng hoá, kết hợp với phát triển giao thông vận tải (hiện nay, nước ta có 2.761 km đê biển và 2.406 km đê sông). Hầu hết các xã đã có đường ô tô, 96,9% số xã có đường ô tô đến được trung tâm xã, trong đó 93,55% số xã đảm bảo xe đi lại được quanh năm và trên 70% số đường giao thông được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, v.v. Những thành quả đó không chỉ có ý nghĩa góp phần phát triển KT-XH, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, mà còn có tác dụng tích cực về mặt quân sự, quốc phòng. Nếu chiến tranh xảy ra, hệ thống kênh, mương thuỷ lợi, đê sông, đê biển có thể dùng làm vật che chắn hoặc trở thành công sự, chiến hào tác chiến; hệ thống giao thông cho phép các lực lượng cơ động, chi viện, giúp đỡ lẫn nhau trong KVPT và giữa các KVPT với nhau. Ngoài ra, hệ thống trụ sở của các cơ quan dân, chính, đảng, trường học, bệnh xá, điểm bưu điện - văn hoá xã và kết cấu hạ tầng nông thôn khác, như: điện, nước sạch, hệ thống thông tin và mạng in-tơ-nét (nước ta đã có 99,3% số xã có trạm y tế trong đó có 46% đạt chuẩn quốc gia về y tế; 98,4% số xã, 92,4% số thôn, bản và 94,2% số hộ có điện; 85,5% số xã vùng nông thôn có điểm bưu điện - văn hoá xã, trong đó nối mạng in-tơ-nét là 17,7%),... là những yếu tố rất quan trọng, cho phép lưỡng dụng hoá, sử dụng vào mục đích quốc phòng, BVTQ khi cần thiết. Đặc biệt, sự phát triển của hệ thống truyền thông đại chúng đã và đang phát huy tác dụng to lớn vào việc nâng cao tri thức toàn diện cho nhân dân, trong đó có những tri thức về chính trị - xã hội, trực tiếp góp phần bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của cư dân nông thôn đối với yêu cầu quốc phòng - an ninh (QP-AN) trong thời kỳ mới.
Thành tựu trong sản xuất nông nghiệp và công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn nước ta là cơ sở để giữ vững ổn định chính trị - xã hội và động viên nguồn lực cho sự nghiệp BVTQ. Nhờ sản xuất nông nghiệp liên tục phát triển, nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến nay, chúng ta không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn tăng dự trữ và xuất khẩu; là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Đặc biệt, công cuộc xoá đói, giảm nghèo đạt được bước tiến to lớn. Việt Nam đã về đích trước 10 năm trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ, năm 1993 tỉ lệ nghèo đói ở nông thôn là 66,3% thì đến năm 2006 chỉ còn 17%). Đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện, nâng cao là cơ sở để củng cố lòng tin của tuyệt đại đa số nông dân đối với đường lối đổi mới của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; hình thành ý thức tự giác, tích cực tham gia nghĩa vụ BVTQ XHCN của mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Cũng trong những năm đổi mới vừa qua, hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng được củng cố (hiện nay, trên phạm vi cả nước, 100% số xã, 89% số thôn, bản có tổ chức cơ sở đảng; hầu hết cán bộ chủ chốt xã, thị trấn có trình độ học vấn trung học phổ thông trở lên và trung cấp lý luận chính trị; 56% cán bộ, công chức xã được đào tạo nghề chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý). Điểm quan trọng là, hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ở nông thôn ngày càng được nâng cao; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng được phát huy; Quy chế Dân chủ ở cơ sở được bảo đảm, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường; pháp luật, kỷ cương ngày càng được duy trì thành nền nếp và được tôn trọng. Việc triển khai thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực; hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng của các địa phương được nâng cao; năng lực tham mưu của cơ quan quân sự các cấp được phát huy; chủ trương xây dựng KVPT vững chắc kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN về cơ bản được bảo đảm. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên đã phát triển rộng khắp và hoạt động có hiệu quả (hầu hết các huyện, thị xã đều có trung đội dân quân tập trung; nhiều nơi đã hình thành chi bộ quân sự đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền địa phương). Đó là những nhân tố vô cùng quan trọng, bảo đảm cho việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu KT-XH và QP-AN ở từng địa phương, cơ sở.
Bên cạnh những thành tựu trên, hiện nay nông thôn nước ta còn bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước và sự nghiệp BVTQ XHCN.
Công nghiệp, dịch vụ nông thôn mặc dù phát triển với tốc độ khá, nhưng quy mô nhỏ, làm cho cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu lớn về bảo đảm hậu cần, kỹ thuật tại chỗ cho tác chiến của KVPT. Trong tương lai, yêu cầu đối phó có hiệu quả với tình huống chiến tranh nếu xảy ra (sẽ là chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao), tất yếu đòi hỏi đất nước phải huy động được các nguồn lực lớn, trong thời gian ngắn, với một không gian rất rộng. Điều đó đặt ra nhu cầu bức thiết phải đẩy nhanh CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất lớn, hiện đại. Trong khi đó hiện nay, tình hình công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn nước ta mặc dù đã có sự chuyển dịch khá, nhưng so với yêu cầu sản xuất lớn và đáp ứng nhu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật tại chỗ cho chiến tranh BVTQ trong điều kiện mới cũng còn khoảng cách khá xa. Mặt khác, cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn cũng chưa đáp ứng kịp yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao để sẵn sàng huy động, đối phó có hiệu quả với cuộc chiến tranh như vậy.
Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, vừa ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, vừa ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng; kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, dẫn đến hạn chế khả năng cơ động lực lượng để đối phó mau lẹ với các tình huống. Những năm qua, mặc dù các cấp chính quyền đã có sự quan tâm đáng kể đến quy hoạch phát triển kinh tế vùng, ngành...; song trên thực tế, sự phát triển của nông thôn còn manh mún, thiếu đồng bộ; nhiều nơi nông dân vẫn lúng túng trong việc lựa chọn vật nuôi, cây trồng, ngành nghề, vừa gây lãng phí tiền bạc của nhân dân, vừa ảnh hưởng đến sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Quá trình đô thị hoá, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, nhiều nơi thiếu thận trọng, làm cho diện tích đất sản xuất cây lương thực có nguy cơ giảm nghiêm trọng. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp, phát triển nông thôn đến năm 2010 bình quân đất nông nghiệp/1nhân khẩu ở nước ta chỉ còn 0,108 ha (so với 10 năm trước giảm 0,005 ha), trong khi mức bình quân đất nông nghiệp của thế giới hiện nay là 0,23 ha/người. Trong vòng 5 năm (2001 -2005) việc thu hồi đất đã tác động tới đời sống của 627.495 hộ dân với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người bị ảnh hưởng. Trung bình cứ 1 ha đất bị thu hồi, có 10 người bị mất việc1. Tình hình trên, vừa ảnh hưởng đến an ninh lương thực của vùng và của quốc gia, vừa là nguyên nhân gây nên mất ổn định về xã hội ở không ít nơi. Điều đó còn gây khó khăn cho việc bảo vệ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, xâm hại các nhu cầu thiết yếu về phòng thủ bảo vệ đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí còn có thể dẫn đến phá vỡ thế trận quốc phòng trong sự nghiệp BVTQ.
Kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông, tuy cơ bản được cứng hoá, nhưng các đường liên thôn, liên xã do phần lớn thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên nhìn chung còn nhỏ, không chịu được tải trọng lớn, khó đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật quân sự theo yêu cầu BVTQ. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập, một số địa phương, ngành, lĩnh vực, khi xây dựng quy hoạch phát triển chưa thực sự quan tâm gắn kết mục tiêu kinh tế với QP-AN, xem nhẹ tính lưỡng dụng của các công trình, dự án, còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt.
Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn nhìn chung còn thấp; chênh lệch giầu, nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng còn lớn, tỉ lệ nghèo còn cao; nhiều vấn đề xã hội bức xúc nảy sinh, làm cho sự ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn chưa thật vững chắc. Trong những năm đổi mới, mức thu nhập của cư dân nông thôn mặc dù đã được cải thiện, nhưng còn tăng chậm so với nhóm có thu nhập khá và giàu. Theo khảo sát, năm 2006, thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở khu vực nông thôn nước ta mới bằng gần nửa khu vực thành thị (506.000đ/1.058.000đ); ngay trong vùng nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn (ở Đông Nam Bộ: 1.065.000đ/người/năm; khu vực Tây Bắc: 372.000đ/ người/năm). Thu nhập thấp đi liền với tỉ lệ nghèo còn cao; nguy cơ tái nghèo vẫn còn hiện hữu. Nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đời sống vật chất, tinh thần của cư dân còn thấp, dân trí chưa được cải thiện; tình trạng du canh, du cư còn tồn tại... Trong tiến trình đô thị hoá ngày càng tăng, nông dân ở nhiều vùng ven đô rơi vào tình trạng mất đất sản xuất, không có việc làm, gây bức xúc về nhiều vấn đề xã hội ở các đô thị (năm 1997, số người từ nông thôn ra thành phố tìm việc làm mới có khoảng 600.000 người, đến năm 2007 đã là 1,1 triệu người); đồng thời, gây khó khăn rất lớn đối với việc tổ chức, xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân và dự bị động viên. Cùng với đó, mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến đời sống văn hoá, đạo đức của người dân, làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội, ảnh hưởng tới thuần phong, mỹ tục, tập quán tốt đẹp và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng nông thôn. Một hạn chế khác là, chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở ở các địa phương chưa đồng đều. Nổi lên hiện nay là, hiệu lực lãnh đạo, quản lý của cấp uỷ, chính quyền, hiệu quả hoạt động của tổ chức quần chúng ở một số địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo còn thấp. ở một số địa phương, cấp uỷ, chính quyền (nhất là cấp cơ sở) chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm đối với công tác quốc phòng; còn lúng túng, bị động trong việc đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH đi đôi với củng cố QP-AN. Đội ngũ cán bộ cơ sở ở nhiều nơi còn hạn chế về trình độ nhận thức, năng lực thực tiễn; cá biệt còn rơi vào tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, dẫn đến kỷ cương bị buông lỏng, dân chủ bị vi phạm, gây ảnh hưởng đến tâm trạng xã hội. Đây là vấn đề không thể xem thường trong việc hình thành, củng cố ý thức BVTQ XHCN cho nhân dân trong điều kiện mới.
Từ những thành tựu và hạn chế trên đây, có thể thấy, việc xây dựng nông thôn Việt Nam đáp ứng yêu cầu BVTQ XHCN đang đặt ra nhiều vấn đề không chỉ mang ý nghĩa cơ bản, lâu dài, mà còn là đòi hỏi cấp bách, trước mắt của sự nghiệp cách mạng nước ta. Để giải quyết tốt những vấn đề đó, chúng ta cần có sự nhìn nhận một cách biện chứng, lịch sử, cụ thể và phát triển; đồng thời, có giải pháp tác động một cách toàn diện và đồng bộ. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thường xuyên và trực tiếp là của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp và của mỗi cư dân nông thôn nước ta với tính cách là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới2.
(Kỳ sau: II. Tiêu chí và giải pháp xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hiện nay).
Nguyễn Học Từ - Nguyễn Văn Bảy
___________
1- Bản tin C.47 Trung tâm Thông tin khoa học - Công nghệ- Môi trường, BQP, ngày 28-5-2008
2- Trong bài có sử dụng số liệu trong Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy, khoá X (dành cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb CTQG, H.2008, tr. 110 - 167.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011