QPTD -Chủ Nhật, 18/09/2011, 00:14 (GMT+7)
Xây dựng nông thôn Việt Nam trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (Phần II)

(Tiếp theo) *

II.

Tiêu chí và giải pháp xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hiện nay

   

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH,HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”1; đồng thời, nhấn mạnh: “Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ gắn với quá trình CNH,HĐH đất nước”2. Theo đó, yêu cầu xây dựng nông thôn mới cần nắm vững phương châm: bảo đảm để mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nông thôn là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh (QP-AN), xây dựng thế trận QP-AN trên từng địa bàn vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Từ sự phân tích những thành tựu, hạn chế của việc xây dựng nông thôn trong những năm đổi mới dưới góc nhìn quốc phòng (đã đề cập ở phần I bài viết này), có thể thấy rằng, để xây dựng nông thôn mới đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) XHCN, Đảng, Nhà nước cần có một chiến lược tổng thể, vừa giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trước mắt, vừa đáp ứng những đòi hỏi lâu dài của sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Xây dựng nông thôn mới hiện nay, phải thoả mãn nhiều tiêu chí; trong đó, nổi lên một số vấn đề sau:

Nông thôn phải có nền sản xuất phát triển, vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, vừa khai thác có hiệu quả, hợp lý các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Đó phải là một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; phát huy đầy đủ các lợi thế, tiềm năng về đất đai, điều kiện địa lý, sinh thái, du lịch, nghề truyền thống..., theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực của từng khu vực và cả nước. Đó còn là một nền nông nghiệp có cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng CNH,HĐH, đủ sức hội nhập vùng, cả nước và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

Kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn phải vừa đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH, vừa sẵn sàng phục vụ cho mục đích quân sự, quốc phòng khi cần thiết. Yêu cầu này phản ánh đường lối nhất quán kết hợp giữa xây dựng và BVTQ XHCN của Đảng, Nhà nước ta; đòi hỏi ngay từ trong quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn phải tính đến mục tiêu “kép”; nhất là các công trình trọng điểm có tính lưỡng dụng cao.

Hệ thống chính trị (HTCT) ở nông thôn phải vững mạnh toàn diện, đủ sức lãnh đạo và điều hành thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ XHCN trong giai đoạn mới. Sự vững mạnh đó phải được thể hiện tập trung ở năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng đảng bộ xã (thị trấn) và từng chi bộ; ở năng lực điều hành, quản lý của các cấp chính quyền cơ sở; ở vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng...; bảo đảm dân chủ ở nông thôn; kỷ cương xã hội được tôn trọng và vai trò tự quản của cư dân nông thôn được phát huy; tạo sự đồng thuận cao của nhân dân với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho xã hội nông thôn ổn định, tình hình chính trị được giữ vững.

Văn hoá ở nông thôn phải thể hiện đậm nét bản sắc, truyền thống của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại, góp phần bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước, yêu CNXH và bồi đắp ý thức BVTQ XHCN đối với các tầng lớp nhân dân. Biểu hiện cụ thể là, mặt bằng dân trí phải được nâng lên; sức lao động được giải phóng; nhiệt tình cách mạng được phát huy. Nông thôn mới có đời sống văn minh, hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá Việt Nam; truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng...”, “tắt lửa tối đèn có nhau”... vẫn được giữ vững và phát huy; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia tích cực mọi hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội, QP-AN, đối ngoại... góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giầu đẹp.

QP-AN ở nông thôn được củng cố, tăng cường vững chắc, tạo tiền đề cho phát triển KT-XH ở mỗi địa phương. Sự vững chắc của QP-AN ở nông thôn được biểu hiện cụ thể ở sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; ở sự vững chắc của khu vực phòng thủ và sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang địa phương, trực tiếp là lực lượng dân quân, tự vệ. Nổi lên hiện nay là, phải nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về QP-AN của cấp ủy, chính quyền và năng lực tham mưu của cơ quan quân sự các cấp đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương.

Mỗi tiêu chí trên có vị trí, vai trò riêng, nhưng đều phản ánh bộ mặt của nông thôn mới đáp ứng yêu cầu BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Để xây dựng nông thôn như thế, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại gắn với giải quyết việc làm cho người dân. Đây là giải pháp cơ bản, tạo nền tảng để ổn định xã hội nông thôn; đồng thời, tạo cơ sở vật chất cần thiết cho công cuộc BVTQ. Theo đó, Nhà nước, trực tiếp là chính quyền các địa phương cần có chính sách điều chỉnh cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật - công nghệ hiện đại vào từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên trong nước; đồng thời, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chú ý đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, cụm công nghiệp, cụm làng nghề, kinh tế trang trại, cụm dịch vụ, khu du lịch sinh thái,.... Các địa phương cần có chính sách phù hợp phát huy sức mạnh, lợi thế của mình, nhằm thu hút đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo đảm nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho mục đích quốc phòng và tăng nguồn thu cho ngân sách các địa phương. Hiện nay, việc đề ra các chính sách đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút nhân tài về nông thôn và đẩy mạnh đào tạo nghề, đào tạo công nhân cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề,... là một hướng đi đúng, cần tiếp tục nhân rộng, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Cùng với đó, cần coi trọng trang bị công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại cho nông nghiệp, nông thôn phù hợp với trình độ sản xuất, nhằm khai thác có hiệu quả tính lưỡng dụng, tạo ra kỹ thuật tại chỗ đáp ứng yêu cầu của khu vực phòng thủ; đồng thời, quan tâm xây dựng các thị trấn, thị tứ, các đô thị ở nông thôn, tạo các “đầu tầu” của mỗi khu vực, vùng, miền nông thôn.

 Hai là, quy hoạch cư dân và xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn phù hợp với yêu cầu củng cố quốc phòng, BVTQ XHCN. Cần thấy rằng, việc quy hoạch, bố trí dân cư nông thôn và xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn trước hết nhằm mục đích phục vụ cho quốc kế dân sinh; là cơ sở để đẩy nhanh CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại,... Song, việc bố trí dân cư và xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH ở khu vực này phải tính đến khả năng bảo vệ các mục tiêu khi có tình huống chiến tranh xâm lược, không gây khó khăn và làm xáo trộn thế trận quốc phòng. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương, khi hoạch định chính sách phải luôn quan tâm đến hệ quả và tính lưỡng dụng của nền kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trụ sở hành chính, trường học, bệnh viện, v.v. Tiếp tục thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhưng cần thay đổi cách đầu tư của Nhà nước và nhất thiết phải có quy chuẩn về kỹ thuật, chất lượng các công trình, nhất là hệ thống trục đường giao thông chính phải đáp ứng được yêu cầu cơ động của các loại xe, pháo, phương tiện quân sự theo yêu cầu BVTQ. Cùng với đó, khi quy hoạch, xây dựng, thẩm định các đề án, thiết kế khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm làng nghề, khu du lịch..., các cấp chính quyền cần đặt ra những yêu cầu có tính pháp lý với các chủ đầu tư và chủ dự án về khả năng bảo vệ, di chuyển, chuyển mục đích sử dụng khi có tình huống xảy ra, v.v.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc “xoá đói, giảm nghèo”; giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh từ cơ sở, tạo môi trường nông thôn ổn định và phát triển. Theo đó, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có nhiều chính sách để điều chỉnh mức thu nhập đối với cư dân nông thôn, thông qua các công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô và các chính sách xã hội, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn (nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) với thành thị. Đối với nông dân bị thu hồi đất phục vụ cho đô thị hóa, công nghiệp hóa, kế hoạch giải quyết việc làm cần đi trước một bước, nhằm thu hút người lao động tại chỗ vào làm việc tại các khu công nghiệp, cụm làng nghề... tại địa phương; tránh để xảy ra tình trạng người lao động bị thu hồi đất không có việc làm tăng nhanh, làm nảy sinh nhiều tiêu cực, tệ nạn xã hội tại địa phương và gia tăng dòng nhân lực ra thành phố tìm việc làm. Cần có giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người vượt cấp... và các nhân tố tác động xấu tới sự ổn định chính trị - xã hội, an ninh nông thôn. Chính quyền và các tổ chức quần chúng cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Xóa đói, giảm nghèo”, động viên toàn xã hội thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp đỡ các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, neo đơn vượt lên khó khăn, đảm bảo đời sống ngang với mặt bằng chung của địa phương.

Bốn là, tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTCT ở nông thôn trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là, phải tập trung nâng cao chất lượng chính trị của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng ở nông thôn; khắc phục tình trạng quan liêu, cửa quyền, xa rời quần chúng, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ ở cơ sở. Công tác dân vận cần quán triệt sâu sắc tư tưởng “lấy dân làm gốc”; phát huy vai trò tập hợp quần chúng và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, tạo sự đồng thuận xã hội rộng rãi của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo, cần coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ địa phương có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước mắt, tiếp tục mở các lớp đào tạo tại chức, bồi dưỡng tại chỗ, phổ biến những kinh nghiệm hay giữa các địa phương để tham khảo, vận dụng và nhân rộng điển hình. Về lâu dài, cần có kế hoạch đào tạo cán bộ xã, thị trấn với nội dung, chương trình sát với chức trách, nhiệm vụ của họ. Công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng là cán bộ địa phương và quần chúng nhân dân cần được duy trì thành nền nếp; tập trung đi sâu vào việc nâng cao nhận thức về hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng; thấu triệt tư duy mới về BVTQ của Đảng; nhận rõ thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; nhận thức đúng đắn về đối tượng, đối tác, v.v. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhất là thế hệ trẻ ở nông thôn. Qua đó, hình thành, củng cố lòng yêu nước XHCN, ý thức công dân, trách nhiệm, nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân ở nông thôn đối với nhiệm vụ xây dựng và BVTQ.

Năm là, coi trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc và xây dựng đời sống văn hoá mới ở nông thôn gắn với phát triển du lịch văn hoá, du lịch làng nghề. Cần khai thác triệt để khả năng lưu giữ lâu dài các giá trị văn hóa truyền thống của nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới; bởi vì, giữ gìn được truyền thống văn hóa thì sức sống của dân tộc sẽ trường tồn. Theo đó, Nhà nước và chính quyền các cấp cần có kế hoạch, chính sách nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền của vùng, miền và của từng dân tộc trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại. Truyền thống văn hóa còn gắn chặt với hoạt động sản xuất của mỗi địa phương; bởi thế, cần có chính sách hỗ trợ, giúp người làm nghề truyền thống có thể sống ổn định bằng nghề của mình và góp phần giữ gìn được những nét văn hóa độc đáo chứa đựng trong mỗi sản phẩm; đồng thời, kiên quyết bài trừ hủ tục, lạc hậu ở các vùng nông thôn; xây dựng tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, chăm chỉ, sống có kỷ luật, kỷ cương, yêu nước, thương người... cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Sáu là, phát huy vai trò của quân đội trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới trước yêu cầu BVTQ. Xuất phát từ bản chất, truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ”; với đặc điểm là lực lượng làm nhiệm vụ ở nhiều vùng, miền của đất nước, thường xuyên gắn bó với nông dân, nông thôn, đặc biệt là, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - những nơi còn nhiều khó khăn của đất nước - nên quân đội có điều kiện thuận lợi trong việc góp phần xây dựng nông thôn mới. Để tham gia xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là ở cơ sở, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nghĩa vụ, trách nhiệm của quân đội đối với nhân dân. Dù đóng quân ở đâu, làm nhiệm vụ gì, các đơn vị phải luôn giữ mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương tham gia tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn và đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, BVTQ XHCN; tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, điều hành thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương, triển khai xây dựng các công trình, dự án phù hợp với thế trận QP-AN; tham gia giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng. Cùng với đó, cần tích cực giúp dân đẩy mạnh phát triển KT-XH, “xoá đói, giảm nghèo”; phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư, phân bón phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển ngành nghề mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giúp dân phòng chống, khắc phục thiên tai, v.v. Các đơn vị dân quân, tự vệ cần tranh thủ ưu thế là lực lượng thường trực ở cơ sở, tích cực tiến hành công tác vận động quần chúng, phối hợp với công an, Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn. Các đơn vị quân đội, nhất là Bộ đội Biên phòng, cần chủ động trong việc xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, chống xâm canh, xâm cư, buôn lậu qua biên giới; chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội; vận động người dân tích cực đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp củng cố quốc phòng; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; xây dựng “gia đình văn hoá”; xây dựng thôn, ấp, bản, làng văn hoá; bài trừ hủ tục, tập quán sinh hoạt lạc hậu; thực hiện nếp sống văn minh, v.v.

Xây dựng nông thôn Việt Nam trước yêu cầu BVTQ XHCN là vấn đề rộng lớn, đòi hỏi có sự đồng tâm, hiệp lực của tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Những tiêu chí và giải pháp trên đây cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và kiên trì.

Nguyễn Học Từ - Nguyễn Văn Bảy

__________

* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 11-2008.

1, 2 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá X. Nxb CTQG, H. 2008, tr. 123 -124.

  

 

Ý kiến bạn đọc (0)