QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 22:56 (GMT+7)
Xây dựng ngành Xe - máy quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Ngành Xe - máy quân đội có vị trí, vai trò khá to lớn và quan trọng trong hoạt động quân sự, quốc phòng; là một bộ phận không thể thiếu trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm mươi lăm năm qua (28/3/1951 - 28/3/2006), cùng với sự phát triển của quân đội, ngành Xe - máy quân đội cũng từng bước phát triển cả về qui mô, tổ chức lực lượng, nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động chiến đấu, huấn luyện, công tác của quân đội trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đòi hỏi ngành Xe - máy quân đội phải có sự phát triển hơn nữa. Trong thời bình, quân đội rất cần có một lượng lớn xe (ôtô) bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, công tác thường xuyên; đặc biệt là trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, bão lũ và một số nhiệm vụ quân sự đột xuất khác. Thời chiến, nhất là trong chiến tranh công nghệ cao, ngoài vai trò, chức năng như một phương tiện vận tải, cơ động thông thường, xe còn là một phương tiện trực tiếp tham gia các hoạt động tác chiến (xe chỉ huy, thông tin, kéo vũ khí, vận chuyển trang bị, đạn dược, xe điều khiển tên lửa...), góp phần nâng cao sức mạnh và khả năng chiến đấu của quân đội. Vì vậy, quân đội cần phải có một hệ xe riêng theo đặc thù khai thác trong quân sự. Các loại xe này vừa cần có đủ độ tin cậy cao trong điều kiện hoạt động đặc thù quân sự trong thời bình lẫn thời chiến; ngoài tính năng, tác dụng như của xe dân sự, chúng còn được chế tạo theo yêu cầu chiến thuật, kỹ thuật của quân đội. Đây là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chủng loại xe quân sự, ngành Xe - máy quân đội thời kỳ mới. 

Hiện nay, quân đội ta đang quản lý, khai thác nhiều chủng loại xe - máy. Điều đáng lưu tâm là, không kể một số loại xe mới được trang bị gần đây thì đa số xe - máy này đều có được từ nguồn viện trợ trong thời kỳ chiến tranh, trong đó đa phần vẫn là các loại được sản xuất ở Liên Xô. Phải khẳng định rằng các loại xe đó vẫn đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về chiến thuật, kỹ thuật và đang phát huy tốt tác dụng, bảo đảm các hoạt động của quân đội. Tuy nhiên, theo thời gian, dù được bảo đảm kỹ thuật thường xuyên nhưng số xe - máy đó vẫn ngày một hư hao, xuống cấp, mất đồng bộ. Khả năng hiện tại của đất nước ta, quân đội ta cũng chưa cho phép trong một thời gian ngắn có thể đổi mới một cách toàn diện số xe - máy trên nên ngành Xe - máy quân đội phải cố gắng hơn nữa, tập trung vào những nội dung, mục tiêu quan trọng, xây dựng và phát triển Ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới.
1- Triệt để khai thác có hiệu quả các loại xe - máy đang được trang bị, bảo đảm tốt cho quân đội sẵn sàng chiến đấu cao, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất trong thời bình. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, vì số xe - máy đang quản lý có giá trị rất lớn và còn phải sử dụng lâu dài. Mục tiêu này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị mà còn là một trong những nhân tố bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ huấn luyện, công tác và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác của quân đội trong mọi tình huống. Để làm tốt vấn đề này, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quan tâm và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm của bộ đội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngành Xe - máy, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, tiếp tục nghiên cứu tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả trong niêm cất, bảo quản, sửa chữa nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của xe - máy, tiết kiệm trong khai thác.
Thực hiện quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng và tính đồng bộ cho các loại xe - máy trong toàn quân, đặc biệt là các loại xe - máy làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đề xuất với cấp trên tiếp tục bổ sung hoàn thiện biên chế trang bị xe - máy cho các đơn vị. Nghiên cứu điều chỉnh, sử dụng hợp lý, tập trung bảo đảm kỹ thuật xe - máy theo mục đích sử dụng, cho từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực, từng thời gian theo yêu cầu của thực tế. Đối với các loại xe - máy làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phải luôn bảo đảm hệ số kỹ thuật bằng 1. Với xe - máy sử dụng thường xuyên bảo đảm và quản lý theo hạn mức giờ máy, ki-lô-mét xe. Với các loại xe - máy dự trữ chiến lược, tập trung duy trì tốt tình trạng kỹ thuật hiện có, bảo đảm tính đồng bộ, khả năng hoạt động nhanh… Thực hiện niêm cất, bảo dưỡng các loại xe - máy đúng qui trình kỹ thuật.
Với chức năng được giao, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tham mưu cho Bộ, Tổng cục về chủ trương, phương hướng, các biện pháp bảo đảm xe - máy phù hợp với khả năng, tình hình thực tế của đất nước, quân đội, của Ngành trong tình hình mới; ban hành các văn bản pháp qui thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với xe - máy quân sự. Trên cơ sở hoạch định chiến lược phát triển, xác định được biên chế xe - máy cho quân đội, tiếp tục hoàn thiện công tác kỹ thuật xe máy thời kỳ mới; từng bước hoàn thiện quy hoạch chủng loại xe - máy theo hướng rút gọn nhãn xe, tăng tính đồng hoá (lắp lẫn) đa chức năng, tiết kiệm nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khai thác, công tác bảo đảm kỹ thuật.
An toàn giao thông đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trong quân đội, những năm qua tuy công tác bảo đảm an toàn giao thông đã có chuyển biến tốt, tỷ lệ các vụ việc mất an toàn giao thông giảm hằng năm nhưng chưa vững chắc. Những năm tới, do yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, số lượng xe của quân đội cũng như môtô do quân nhân, công nhân viên quốc phòng, công chức quốc phòng điều khiển sẽ tăng lên. Do đó, Ngành phải tham mưu cho Bộ Quốc phòng, chỉ huy các đơn vị về công tác An toàn giao thông đường bộ; chỉ đạo các đơn vị và  nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 22/CT-TƯ của Ban Bí thư và các chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng về công tác bảo đảm an toàn giao thông. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, tạo động lực góp phần nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật xe - máy trong toàn quân, đặc biệt trong bảo đảm an toàn giao thông, giảm thấp nhất các vụ tai nạn giao thông.
2- Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ngành phải nhanh chóng phát triển theo hướng hiện đại nhằm tiếp cận kịp với sự phát triển của khoa học - công nghệ trong lĩnh vực xe - máy của thế giới và khu vực, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật xe - máy. Ngành cần chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các dự án đầu tư chiều sâu, phát triển công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, hợp lý để nâng cao khả năng công nghệ, chất lượng sửa chữa cho hệ thống trạm, xưởng các cấp bảo đảm sửa chữa đồng bộ các loại xe - máy phục vụ chiến đấu, các loại xe - máy chuyên dùng; tự sản xuất một số trang bị, vật tư kỹ thuật góp phần phục hồi, cải tiến, hiện đại hóa các loại xe - máy hiện có và sản xuất, lắp ráp một số loại theo yêu cầu tác chiến mới.
Để tổ chức sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe - máy quân sự, sản xuất vật tư, phụ tùng thiết yếu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho xe - máy quân sự, tạo một bước đột phá trong công tác bảo đảm trang bị ngành Xe - máy quân đội, chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt. Các dự án phải xác định rõ hiệu quả kinh tế, quốc phòng trước mắt cũng như lâu dài; khả năng và thời điểm triển khai thực hiện; nội dung, tỷ lệ nội địa hoá; xác định dây chuyền công nghệ tiên tiến, phù hợp... Các cơ sở sản xuất, lắp ráp cần nghiên cứu đầu tư, xây dựng theo hướng chuyên sâu, chuyên dụng, theo thế mạnh công nghệ nhằm sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, cơ sở hoạt động hết công suất, khai thác triệt để tiềm năng nội lực của đất nước mà cụ thể là các cơ sở kỹ thuật xe - máy của quân sự lẫn dân sự.
3- Từng bước xây dựng một đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật được đào tạo cơ bản ở trình độ cao, đủ mạnh để khai thác các loại trang bị mới, tiếp cận nhanh xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ, làm chủ công nghệ mới và có thể sáng tạo công nghệ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Ngành có mặt chưa cân đối, thiếu tính kế thừa. Nguồn bổ sung lại rất ít, một số lĩnh vực hầu như không có; trình độ chuyên môn kỹ thuật không đồng đều. Ngành cần tham mưu cho Bộ, cho Tổng cục nhanh chóng đổi mới công tác đào tạo và huấn luyện kỹ thuật, tạo nguồn nhân lực phù hợp với phương hướng tổ chức lực lượng quân đội thời bình. Trên cơ sở tổ chức quân đội thời kỳ mới, Ngành đề xuất các giải pháp bổ sung, hoàn thiện tổ chức biên chế cơ quan, cơ sở bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong toàn quân theo hướng tinh, gọn, đủ năng lực thực hiện chức năng tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai thực hiện. Đồng thời nghiên cứu đề xuất chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.
Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương đổi mới chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật nói chung và ngành Xe - máy nói riêng. Đây là thời cơ tốt để từng bước bổ sung đội ngũ kỹ thuật cho Ngành. Vấn đề cần quan tâm là phải giải quyết sự liên thông giữa bậc học, phấn đấu thực hiện tốt phương châm “nhà trường đi trước một bước” để học viên được tiếp cận những thành tựu phát triển mới nhất về kỹ thuật xe - máy, thực hiện mở rộng diện và đối tượng tuyển sinh để góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật cả về chuyên môn kỹ thuật và năng lực chỉ huy, quản lý. Ngành cần tiếp tục tiến hành đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ và nhân viên kỹ thuật theo nhiều hướng, nhiều phương thức khác nhau, như cử đi đào tạo cơ bản, tổ chức bổ túc chuyên môn tại chỗ... Khai thác mọi nguồn lực để tập trung đầu tư củng cố cơ sở vật chất ở trường, hoàn thiện nội dung, chương trình, hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập cho các đối tượng, đẩy mạnh bổ túc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên cả về chuyên môn và trình độ sư phạm, không ngừng nâng cao hiệu quả đào tạo tại các trường chuyên môn do Ngành quản lý.
Phát huy truyền thống qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xe - máy quân đội tiếp tục quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, kết hợp có hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng, gắn chặt với sự phát triển chung của đất nước trong tiến trình CNH, HĐH, khai thác hết tiềm năng nội lực của đất nước, phát triển toàn diện, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng quân đội thời kỳ mới.
 
Đại tá, TS. Lê Hữu Thục
Cục trưởng cục Quản lý xe - máy - TCKT
 

Ý kiến bạn đọc (0)