QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:02 (GMT+7)
Xây dựng ngành Quân y trong tiến trình hội nhập

Thực hiện đường lối đổi mới, mở rộng quan hệ hợp tác, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, ngành Quân y đã có những bước tiếp cận, mở rộng quan hệ hợp tác với quân y nhiều nước trên thế giới. Đến nay, Quân y Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với gần hai chục nước, trong đó có nhiều nước tiên tiến, có nhiều tiềm năng về y học và y học quân sự. Với mối quan hệ hợp tác đó, chúng ta đã có những dự án hợp tác song phương với quân y Mỹ, Nga, Pháp, Úc... trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, nghiên cứu phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, HIV/AIDS. Đặc biệt, năm 2005, quân y Việt Nam đã cùng với quân y Hoa Kỳ đồng tổ chức Hội nghị Quân y Châu á - Thái Bình Dương lần thứ 15 tại Hà Nội với chủ đề “Quân y hoà bình, hợp tác và hữu nghị”. Đây là hội nghị được các nước tham dự đánh giá có quy mô lớn nhất, cả về số nước, số đại biểu tham dự và số lượng báo cáo khoa học từ trước đến nay. Hội nghị này được xem như một thành tựu bước đầu về sự hội nhập của ngành Quân y Việt Nam với quân y thế giới.

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh dấu bước phát triển quan trọng của Việt Nam ở thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và điều đó tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành Y tế Việt Nam nói chung, cũng như ngành Quân y Việt Nam nói riêng. Xét về mặt tích cực, đó là yếu tố thuận lợi để ngành Quân y có điều kiện vươn ra thế giới, tiếp tục phát huy truyền thống phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội hiệu quả hơn. Đó cũng là cơ hội để Ngành tiếp cận nhanh hơn, toàn diện hơn với quân y nói riêng, với hệ thống y tế của các nước có nền y tế hiện đại, tiên tiến trên thế giới nói chung, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị người bệnh và quản lý kinh tế trong y tế… Tuy nhiên, để từng bước hội nhập và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, chúng ta cũng còn có những khó khăn nhất định. Đó là cơ sở vật chất kỹ thuật của toàn Ngành còn nhiều mặt hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng của các bệnh viện chưa được quy hoạch mang tính ổn định cho sự phát triển lâu dài; chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chưa thật toàn diện, đặc biệt là còn yếu về ngoại ngữ...
Với mục tiêu xây dựng ngành Quân y “Mạnh về tổ chức và khả năng cơ động, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về chính trị tư tưởng và y đức”, để hội nhập và phát triển, vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Ngành là tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn quân y theo phương châm “hồng thắm-chuyên sâu”, có đủ khả năng tiếp cận, khai thác tri thức hiện đại của y học và khoa học quân sự thế giới. Đây là yêu cầu rất quan trọng, bởi nhân tố con người, nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành công của tiến trình hội nhập và xây dựng Ngành vững mạnh.
Hiện nay, số cán bộ, nhân viên chuyên môn của toàn Ngành khá lớn, trong đó có hơn 4.000 cán bộ có trình độ đại học, hơn 60% trong số đó đã được đào tạo sau đại học. Với số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y như vậy, cơ bản đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bộ đội cũng như tham gia vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong thời bình, sẵn sàng phát triển khi có tình huống xảy ra. Nhưng để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển ở thời kỳ hội nhập, ngành Quân y còn phải phấn đấu hơn nữa. Chúng ta cần rà soát lại quy trình đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y theo các cấp bậc đào tạo cho phù hợp với xu thế chung, với phương thức tiên tiến của thế giới, với điều kiện và đặc điểm của Việt Nam. Theo đó, bác sĩ phải được đào tạo chính quy, dài hạn là cơ bản (có thể từ 80% trở lên). Nội dung, chương trình đào tạo bác sĩ phải tiếp tục đổi mới theo tinh thần lấy mặt bằng đào tạo bác sĩ của Trường Đại học y Hà Nội, Đại học y-dược thành phố Hồ Chí Minh về khoa học cơ bản, y học cơ sở, y học lâm sàng,... cộng với các nội dung, chương trình kiến thức của quân sự và y học quân sự, đồng thời có tham khảo chương trình đào tạo của quân y một số nước trên thế giới. Song song với việc đào tạo bác sĩ phải chú ý hơn nữa đến đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành như Tổ chức chỉ huy quân y, Chấn thương, Truyền nhiễm, Ngoại khoa dã chiến, Nội khoa dã chiến, Dịch tễ học quân sự, Vệ sinh học quân sự, Y học phóng xạ, Độc học quân sự, Y học quân binh chủng... để đội ngũ bác sĩ quân y có đủ khả năng phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân trong thời bình, sẵn sàng cho thời chiến, kể cả bảo đảm quân y trong chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Mặt khác, cần quan tâm đến việc đào tạo ngoại ngữ để sau khi tốt nghiệp, bác sĩ quân y có thể giao tiếp chuyên môn bằng một trong 5 ngoại ngữ thông dụng (Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc).
Bên cạnh đó cũng phải chuẩn hoá chương trình và nội dung đào tạo cho đội ngũ nhân viên quân y cấp trung học và sơ học, nhất là cho đội ngũ y tá tuyến quân y đơn vị và đội ngũ điều dưỡng ở hệ thống bệnh viện. Xây dựng và đào tạo đồng bộ giữa y và dược, giữa bác sĩ và điều dưỡng, giữa các chuyên ngành, giữa đội ngũ kĩ sư và nhân viên trang thiết bị y tế với các loại trang thiết bị y tế được đầu tư.
Với đặc thù là bác sĩ-chiến sĩ, vì thế, đồng thời với việc nâng cao chất lượng chuyên môn kỹ thuật, phải đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng, để mỗi cán bộ, nhân viên quân y công tác ở bất kỳ đâu, thuộc lĩnh vực nào, đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao y đức, không ngừng rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội với chất lượng tốt nhất. Mặt khác, cần nghiên cứu để có chính sách đào tạo, sử dụng phù hợp với chuyên ngành mang tính đặc thù, như Nghị quyết 46, ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.
Hai là, cần sớm quy hoạch lại hệ thống tổ chức ngành Quân y từ cấp chiến lược đến cấp chiến dịch, chiến thuật. Việc quy hoạch cần được thực hiện trên cơ sở kế thừa truyền thống xây dựng và trưởng thành trong 6 thập kỷ qua và kết hợp với nghiên cứu, vận dụng có chọn lọc những kinh nghiệm về mặt tổ chức, quản lý của quân y các nước tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Đây là đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập, phù hợp với quy luật vận động, phát triển của cuộc sống. Hiện tại, tổ chức ngành Quân y của ta rất khác so với các nước trên thế giới. Đó là thế mạnh và cũng nhấn mạnh tính đặc thù của ngành Quân y, vì vậy, muốn hội nhập, chúng ta cần phải đổi mới tư duy, có cách xem xét khoa học hơn về hệ thống tổ chức Quân y của ta. Trước mắt, phải sớm quy hoạch lại hệ thống điều trị, vì đây là hệ thống có số lượng cán bộ, nhân viên quân y lớn nhất, sử dụng nhiều trang thiết bị nhất và phần ngân sách hằng năm bảo đảm cho hệ thống này hoạt động chiếm một tỷ trọng rất lớn. Để phục vụ tốt cho bộ đội, nhân dân trong thời bình, bảo đảm yêu cầu tác chiến của chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao, nên nghiên cứu chỉ giữ lại đại đội quân y các trung đoàn bộ binh đủ quân, tiểu đoàn quân y của sư đoàn bộ binh đủ quân và các bệnh xá ở một số khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Giải thể các bệnh xá có quy mô quá nhỏ; tổ chức các bệnh xá khu vực có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhiều lực lượng trong cùng một địa bàn.
Với các bệnh viện, có thể giảm bớt về số lượng, song tăng quy mô giường bệnh và tăng tỷ lệ phục vụ để có đủ khả năng đầu tư mạnh hơn về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại. Cho phép các bệnh viện quân đội được mở rộng liên doanh, liên kết lắp đặt các trang thiết bị y tế hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, cấp cứu, điều trị. Sớm có kế hoạch đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý Ngành, quản lý bệnh viện... và đưa ra các tiêu chí xếp loại bệnh viện để các bệnh viện tự phấn đấu.
Bên cạnh quy hoạch lại hệ thống điều trị, cần quy hoạch lại hệ thống y học dự phòng, vì hệ thống này hiện tại còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, một số tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới nên cũng cần chú ý khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị y tế đó. Cần sớm đào tạo nhân lực phục vụ cho việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị của toàn Ngành. Bên cạnh việc liên doanh, liên kết với các cơ sở bảo đảm y tế dân sự, Quân đội có thể phải nghiên cứu tổ chức hai trung tâm sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị y tế cho Ngành ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Có như vậy, các thiết bị y tế mới được khai thác, sử dụng có hiệu quả, chủ động và đỡ tốn kém trong lúc khả năng ngân sách của Ngành còn hạn chế.
Ba là, cần tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với quân y các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo động lực thúc đẩy ngành Quân y Việt Nam sớm tiến lên chính quy, hiện đại. Thực tế, chỉ trong hơn 10 năm qua do mở rộng quan hệ hợp tác với quân y các nước tiên tiến trên thế giới, Quân y đã có những bước phát triển khá vững chắc và rất cơ bản. Chúng ta đã cử nhiều bác sĩ, dược sĩ quân y theo học bổ túc ngắn ngày nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật tại Pháp, Đức, úc bằng sự hỗ trợ kinh phí của các nước trên; đã triển khai ứng dụng kĩ thuật ghép tạng tại Học viện Quân y mà mở đầu là việc ghép thận và tiến tới ghép gan thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trong vài năm gần đây, nhiều cán bộ trẻ của Ngành đã được đào tạo rất cơ bản, toàn diện, đủ khả năng tiếp thu kiến thức y học hiện đại của thế giới, ứng dụng và triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật hiện đại cứu chữa các căn bệnh hiểm nghèo. Đó là những tiền đề quan trọng để ngành Quân y tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác, hội nhập với thế giới. Sắp tới, Ngành cần hướng vào mục tiêu mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu y học và y học quân sự ở những lĩnh vực mà Quân y Việt Nam cũng như quân y các nước cùng quan tâm, như phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống khủng bố; cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả của thảm hoạ thiên tai... Tiếp tục thực hiện các dự án đã ký kết với các nước về đào tạo nhân lực, đăng cai tổ chức các hội nghị khoa học song phương và đa phương với quân y các nước. Trong điều kiện cho phép, có thể cử chuyên gia đến công tác ở một số nước khi có yêu cầu; chuẩn bị tốt lực lượng quân y, sẵn sàng tham gia cứu trợ nhân đạo, tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình theo kế hoạch của Nhà nước; đề xuất với Bộ vay vốn của một số tổ chức quốc tế để đầu tư nâng cấp một số cơ sở quân y tuyến chiến lược cả về trang thiết bị và cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu thủ tục xin phép Bộ Quốc phòng, Nhà nước cho ngành Quân y tham gia vào Tổ chức quân y thế giới, nhằm có điều kiện thường xuyên tiếp xúc, mở rộng hơn hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học quân sự.
Trên quan điểm xây dựng và phát huy tốt tiềm năng hiện có, đẩy mạnh hội nhập để phát triển, với những biện pháp cụ thể, bước đi hợp lý, sát với điều kiện thực tế, ngành Quân y Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng Ngành ngày một hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Thiếu tướng, TS. Chu Tiến Cường
Cục trưởng cục Quân y-Tổng cục Hậu cần
 

Ý kiến bạn đọc (0)