QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 22:55 (GMT+7)
Xây dựng ngành Quân nhu vững mạnh, đáp ứng nhu cầu ăn, mặc cho quân đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ

Ngày 25-3-2006, ngành Quân nhu kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của mình. Ra đời ngay sau khi nước nhà mới giành được độc lập, nền kinh tế, tài chính kiệt quệ, lực lượng quân nhu chỉ có 60 người, được cấp trên giao nhiệm vụ thu mua, phân phối các loại vật phẩm phục vụ ăn, mặc cho quân đội, chủ yếu là quyên góp của nhân dân từ các phong trào "Hũ gạo nuôi quân", "Aó ấm chiến sĩ", "Tuần lễ vàng"... Trải qua 60 năm "nuôi quân đánh giặc", ngành Quân nhu luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, thực hành cần kiệm, bám sát nhiệm vụ cách mạng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân đội, của ngành Hậu cần quân đội qua các thời kỳ để tiến hành công tác quân nhu (CTQN) phù hợp với điều kiện đất nước và yêu cầu của quân đội, đơn vị. Nét nổi bật trong CTQN là biết phát huy thế trận hậu cần nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ sở kinh tế có liên quan trong và ngoài quân đội; gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương, tạo ra tiềm lực to lớn và thế trận quân nhu vững chắc, kịp thời bảo đảm cho bộ đội "ăn no, đánh thắng" các kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) và tham gia xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong thời kỳ bước vào thực hiện đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế từ kế hoạch hóa, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước thay đổi phương thức bảo đảm (PTBĐ) hậu cần cho quân đội, thực hiện tiền tệ hóa theo tiêu chuẩn, định lượng qui định về ăn, mặc cho các đối tượng. Ngành Quân nhu, trực tiếp là cục Quân nhu- cơ quan tham mưu đầu Ngành cấp chiến lược, đã chủ động làm tham mưu cho Tổng cục Hậu cần (TCHC) đệ trình Bộ Quốc phòng (BQP) đổi mới PTBĐ quân nhu theo cơ chế mới, kết hợp với phân cấp bảo đảm hợp lý, vừa đáp ứng với yêu cầu quản lý của Nhà nước, vừa phù hợp với đặc thù quốc phòng, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các cấp và thế mạnh trên từng địa bàn đóng quân trong việc khai thác, tạo nguồn bảo đảm ăn uống, mang mặc của quân đội...Ngành đã tập trung xây dựng, ban hành hệ thống văn bản tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để tiến hành CTQN; trong đó, đã đệ trình TCHC, BQP, Nhà nước tăng tiêu chuẩn, định lượng ăn của hạ sĩ quan, chiến sĩ đạt từ 3200 Kcalo/ người/ ngày trở lên, tạo thuận lợi cho công tác nuôi dưỡng bộ đội. Đồng thời, chú trọng công tác chỉ đạo, phối hợp đồng bộ trong các khâu bảo đảm, quản lý, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), tạo ra sản phẩm đưa thêm vào bữa ăn hằng ngày của bộ đội; tích cực cải tiến kỹ thuật nấu ăn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống nhà ăn, nhà bếp được qui hoạch, xây dựng tương đối khang trang; một số trang thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng được bảo đảm tương đối đồng bộ, chính qui, chất lượng cao, tiện sử dụng...Cùng với bảo đảm ăn uống, bảo đảm quân trang (BĐQT) cho bộ đội những năm gần đây có bước tiến bộ rõ nét, bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, chế độ, đúng đối tượng, theo mùa vụ, đáp ứng yêu cầu cở số, chất lượng được nâng lên tương đối đồng đều về màu sắc, kiểu dáng đẹp, phù hợp với hoạt động quân sự, sinh hoạt của bộ đội và thống nhất chính qui của quân đội... Nhờ vậy, chúng ta đã bảo đảm kịp thời, từng bước được cải thiện đời sống vật chất của bộ đội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng BVTQ, xây dựng quân đội và tham gia xây dựng đất nước.  

Vừa phục vụ, vừa xây dựng và trưởng thành, đến nay ngành Quân nhu đã có hệ thống tổ chức, biên chế tương đối hoàn chỉnh ở cả 3 cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; đã chăm lo xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, nhân viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực toàn diện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá; cơ sở vật chất, kỹ thuật và thế trận quân nhu  từng bước được tăng cường, nâng cao khả năng bảo đảm thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trong mọi tình huống...
Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành Quân nhu đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang. Đó là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, tận tụy phục vụ quân đội xây dựng và chiến đấu thắng lợi. Tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết lập công tập thể.      
Ghi nhận những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, BVTQ, xây dựng đất nước, ngày 21-12-2005, cục Quân nhu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác; 9 cá nhân tiêu biểu trong Ngành đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động. 
Thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ của quân đội đang đặt ra những đòi hỏi rất cao đối với CTQN bảo đảm ăn, mặc cho quân đội xây dựng chính qui, nâng cao sức mạnh chiến đấu BVTQ, tham gia xây dựng đất nước... Trong khi, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng vẫn trong tình trạng kém phát triển, ngân sách quốc phòng nói chung, ngân sách bảo đảm ăn, mặc cho quân đội nói riêng còn rất hạn hẹp. Tiêu chuẩn, định lượng ăn của bộ đội tuy có được cải thiện một bước, nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu của "lao động đặc biệt". Tiêu chuẩn BĐQT cho một số đối tượng không còn phù hợp và chưa được thể chế hóa đồng bộ bằng văn bản pháp lý của Nhà nước. Một số mặt hàng quân nhu dự trữ SSCĐ chưa được đổi mới tương xứng với sự phát triển nhiệm vụ và trang bị chiến đấu của  quân đội, nhất là các quân chủng, binh chủng. Nguồn hàng, giá cả các mặt hàng chưa ổn định, thời tiết có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới công tác bảo đảm đời sống của bộ đội. Tổ chức, biên chế của ngành Quân nhu đang trong quá trình hoàn thiện; PTBĐ đang bộc lộ những bất cập với đòi hỏi thực tế...
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu ăn, mặc cho quân đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới và tham gia phát triển KT-XH đất nước, ngành Quân nhu cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau.        
Vấn đề quan trọng hàng đầu là thực hiện tốt chức năng làm tham mưu cho cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo CTQN, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ quân đội, đơn vị.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị của cấp trên, nâng cao năng lực làm tham mưu với TCHC, BQP về CTQN cả trong thời bình và sẵn sàng cho thời chiến. Trước mắt, tập trung làm tham mưu với TCHC, BQP về bảo đảm kịp thời cho SSCĐ và chiến đấu trong mọi tình huống, nhất là các nhiệm vụ trung tâm, các lực lượng hoạt động trên các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo. Triển khai điều chỉnh, bổ sung đủ số lượng, bảo đảm chất lượng vật chất dự trữ SSCĐ theo quy định của BQP.  Đẩy mạnh xây dựng tiềm lực và thế trận quân nhu vững chắc, gắn kết chặt chẽ với thế trận hậu cần quốc phòng toàn dân BVTQ. Bổ sung hoàn thiện kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện dự bị động viên BĐQN khi có tình huống xẩy ra. Đi đôi với SSCĐ, nâng cao trình độ tham mưu về BĐQN thường xuyên theo phát triển nhiệm vụ và thực tế  của quân đội, đơn vị; nghiên cứu điều chỉnh tiêu chuẩn, định lượng ăn của các đối tượng, theo hướng bảo đảm cơ cấu hợp lý, tăng khẩu phần về chất đạm, chất béo, giảm tỷ lệ chất bột; ban hành tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ cấp dưỡng cho từng loại bếp; từng bước cơ khí hóa nhà ăn, nhà bếp theo hướng đồng bộ, giảm sức lao động của đội ngũ nuôi quân, nâng cao điều kiện nuôi dưỡng bộ đội. Hoàn thiện các phương án về sản xuất, bảo đảm, sử dụng các mặt hàng quân trang mới; từng bước bổ sung ngân sách bảo đảm đủ tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng quân trang của bộ đội... 
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện trong mọi hoạt động CTQN, trọng tâm là trong các khâu lập và điều hành kế hoạch BĐQN thường xuyên và SSCĐ, tạo nguồn, sản xuất, dự trữ, bảo quản, cấp phát. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh công tác TGSX, khai thác triệt các yếu tố về đất đai, ao hồ, mặt nước trên diện rộng, xác định mô hình sản xuất phù hợp, tập trung sản xuất đủ rau ăn quanh năm và một phần nhu cầu thịt, cá (đối với các đơn vị đủ quân tiến tới tự từ 80% trở lên về nhu cầu thịt, cá); trồng chè lấy lá nấu nước uống cho bộ đội; tăng cường chế biến, giết mổ lợn, xay xát thóc, cải tiến kỹ thuật chế biến, nấu ăn và các biện pháp nuôi dưỡng khác, thực hành tiết kiệm để nâng cao nhiệt lượng dinh dưỡng ăn uống hằng ngày của bộ đội trên 3200 Kcalo/ người/ ngày. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu cải tiến kiểu mẫu các mặt hàng quân trang, phân cấp tạo nguồn nguyên liệu sản xuất một cách hợp lý, nhằm từng bước nâng cao chất lượng quân trang; tiếp tục đổi mới phương thức cung ứng, phát huy trách nhiệm các doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, địa điểm, thời gian đối với đơn vị, bảo đảm đầy đủ, kịp thời tiêu chuẩn quân trang qui định cho từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu mang mặc thực hiện nền nếp chính qui của quân đội và sinh hoạt của bộ đội.
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm, truyền thống 60 năm qua, tiếp tục phấn đấu xây dựng ngành Quân nhu cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân đội trong thời kỳ mới. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế quân nhu các cấp cả về lực lượng và trang thiết bị, cơ sở vật chất, phù hợp với phát triển nhiệm vụ của các đơn vị, của Ngành, nhất là trong thực hiện quyết định của BQP về biên chế trợ lý và nhân viên TGSX trong toàn quân. Tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị quân nhu các cấp vững mạnh toàn diện, trước hết là chất lượng chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTQN có đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện quân nhu; hoàn thiện, ban hành đồng bộ hệ thống tài liệu, giáo trình huấn luyện chuyên ngành. Phối hợp với các học viện, nhà trường trong xây dựng chương trình, nội dung đào tạo về quân nhu, bảo đảm tính hệ thống, cơ bản, thiết thực... Chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, trọng tâm là nghiên cứu cải tiến kiểu mẫu và nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ ăn, mặc của quân đội; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học vào hoạt động nghiệp vụ Ngành. Đẩy mạnh thực hiện nền nếp chính qui trong các hoạt động của Ngành, nhất là trong xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm, trong công tác quản lý, thanh quyết toán,  các  chế độ, qui định trong công tác nghiệp vụ... Gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với đẩy mạnh các phong trào thi đua của Ngành như xây dựng "Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt", "Đơn vị quân trang giỏi", "Đơn vị sản xuất giỏi" và được gắn kết với  phong trào thi đua "Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy", phong trào thi đua Quyết thắng của toàn quân và các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác của các cấp, các ngành, các đơn vị..., tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong mọi hoạt động của Ngành, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả CTQN, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ăn, mặc cho quân đội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng  BVTQ, xây dựng lực lượng và tham gia phát triển KT-XH đất nước trong thời kỳ mới.
 
Đại tá Trần Bang
Cục trưởng cục Quân nhu-TCHC
 

Ý kiến bạn đọc (0)