QPTD -Thứ Hai, 31/10/2011, 21:26 (GMT+7)
Xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng (CNQP), trong năm 2006, với chức năng được giao, Tổng cục đã tham mưu có hiệu quả cho Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển CNQP, quản lý nhà nước về CNQP; hoàn thành việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về CNQP và Quy hoạch xây dựng, phát triển CNQP đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020; Kế hoạch phát triển CNQP 5 năm tới. Công việc trên có ý nghĩa rất lớn đối với tiến trình xây dựng và phát triển CNQP trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời, để tiếp tục pháp chế hoá hoạt động của CNQP, đưa ngành CNQP hoà nhập vào nền công nghiệp đất nước, từng bước phù hợp với yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong xu thế đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tổng cục cũng đã khẩn trương triển khai việc biên soạn các pháp lệnh, các quy chế và một số các văn bản pháp quy khác về quản lý CNQP, như Pháp lệnh CNQP, Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các Bộ, ngành, địa phương về triển khai Luật Quốc phòng (lĩnh vực CNQP)...

Tích cực thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, Tổng cục đã khắc phục khó khăn, tháo gỡ nhiều vướng mắc, triển khai đều các dự án theo kế hoạch đã đề ra, trong đó có gần 50% là các dự án lớn, tạo được sự chuyển biến mạnh trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng và phát triển CNQP. Đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Việc quản lý các dự án, nhất là các dự án mới, có nền nếp hơn và đúng quy định hiện hành. Một số dự án quan trọng như dự án nghiên cứu, sản xuất một số loại vật tư kỹ thuật thiết yếu, dự án đầu tư chiều sâu công nghệ các nhà máy đóng tàu... được thực hiện khá tốt, đạt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã định.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tập trung cao độ cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng. Toàn bộ kế hoạch nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các nhà máy, công ty thuộc Tổng cục cũng đã cơ bản hoàn thành. 100% sản phẩm được sản xuất theo kế hoạch đã được nghiệm thu. Đáng chú ý là trên cơ sở đầu tư phát triển công nghệ có hiệu quả từ nhiều năm trước, năm 2006, ngành đóng tàu quân sự đã có những bước phát triển mới rất đáng tự hào. Ngành đã đóng thành công tàu cứu hộ tải trọng lớn và đang triển khai đóng tàu xuất khẩu.

Trong hoạt động kinh tế, năm qua, dù có nhiều khó khăn, như thị trường luôn biến động, hàng hoá cạnh tranh mạnh... nhưng Tổng cục vẫn kiên trì quan điểm đẩy mạnh kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế, chủ động đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế với thế mạnh truyền thống, tạo thêm việc làm, bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Các nhà máy, công ty đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước, quân đội trong hoạt động sản xuất hàng kinh tế. Các sản phẩm chủ yếu, truyền thống của Ngành, như thuốc nổ công nghiệp, các sản phẩm cơ khí chính xác, cao su kỹ thuật cao, quạt điện, xi măng chịu mặn... đều có giá trị sản xuất cao, có uy tín trong thị trường và đã tham gia xuất khẩu. Tổng kết năm 2006, các chỉ tiêu chủ yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn Tổng cục đều vượt kế hoạch và có sự tăng trưởng khá. So với năm 2005, giá trị sản xuất tăng gần 10%, doanh thu tăng trên 8%, nộp ngân sách tăng gần 12%, giá trị xuất khẩu tăng trên 20%... Đóng tầu xuất khẩu có bước phát triển mạnh.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổng cục cũng luôn quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, mệnh lệnh của cấp trên, gắn việc xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Tổng cục đã triển khai toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng và trong năm đã tạo được sự chuyển biến quan trọng về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Tình hình chính trị, tư tưởng trong Tổng cục nhìn chung ổn định. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng không ngừng được đổi mới. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh kinh tế đối ngoại được bảo đảm. Việc cải cách hành chính ở các cấp có chuyển biến. Nhiều quy chế làm việc, quy trình, thủ tục giải quyết công việc đã được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu mới và chương trình cải cách hành chính của Đảng, Chính phủ, quân đội. Trong năm, Tổng cục cũng đã cơ bản hoàn thành thủ tục cổ phần hoá nhà máy Xi măng X18, chi nhánh phía Nam của Công ty Tây Hồ và xử lý việc bán Công ty 89 theo đúng chỉ thị, quy định của Nhà nước, quân đội. Việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2006 đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành CNQP thời kỳ mới. Có 84% đơn vị đạt chỉ tiêu an toàn, 76% đơn vị đạt chỉ tiêu an toàn tuyệt đối.

Năm 2007 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành CNQP. Có thể coi đây là năm tạo chuyển biến mạnh việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII, Nghị quyết 51-NQ/TƯ, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, tạo sự phát triển chiến lược, đưa ngành CNQP theo kịp với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu đề ra trong năm là Tổng cục phải tập trung cao độ, triển khai thực hiện thắng lợi Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP đến 2010, tầm nhìn 2020 cùng các dự án đầu tư trọng điểm theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị. Đồng thời với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành kế hoạch sản xuất quốc phòng, tham gia đồng bộ vũ khí cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, Ngành cần chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh tế, tạo thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao.

Để thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, trước hết, Tổng cục, cơ quan đầu ngành CNQP, cần đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về CNQP trong điều kiện mới. Triển khai các đề án về công tác tổ chức và quản lý theo Nghị định về CNQP và Quy hoạch phát triển CNQP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với cấp trên ban hành một số quy chế, quy định, như Quy chế phối hợp thực hiện Luật Quốc phòng (về CNQP), Pháp lệnh về CNQP, Quy chế quản lý vốn, quản lý các dự án đầu tư, quản lý công nghệ sản xuất quốc phòng,... để dần đưa công tác sản xuất quốc phòng đi vào nền nếp. Hoàn thiện cơ chế quản lý của Tổng cục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sản xuất quốc phòng-kinh tế và các dự án đầu tư trong điều kiện mới. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại các các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và Quy hoạch phát triển CNQP; đổi mới cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý của các loại hình đơn vị cho phù hợp với thực tế.  

Tổng cục cần phối hợp với các cơ quan Bộ Quốc phòng thực hiện tốt các dự án theo kế hoạch đã đề ra. Quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư trọng điểm theo quy hoạch đã được phê duyệt, từ khâu xây dựng thẩm định đến quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, trước hết là quy chế đấu thầu đối với các dự án sẽ tiếp tục triển khai. Đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án.

Theo chỉ đạo của cấp trên, sắp tới, Tổng cục sẽ tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP và xác định kế hoạch tiếp tục tổ chức thực hiện trong những năm tới. Đây là một việc lớn, có tầm chiến lược lâu dài, thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, quân đội đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển CNQP. Mặt khác, do việc triển khai các dự án vừa qua cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, tuy đã có nhiều cố gắng, song tiến độ triển khai vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra nên rất cần có sự nhìn lại một cách tổng quát, để từ đó hoạch định kế hoạch tiếp theo, đẩy nhanh việc triển khai các dự án. Vì vậy, các bộ phận chuyên ngành cần phối hợp tốt với các cơ quan Bộ Quốc phòng chuẩn bị nội dung sơ kết. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Ngành cần quán triệt và đề cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các nội dung yêu cầu đề ra, đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn, những vướng mắc, từ đó đề xuất được nhiều biện pháp thiết thực, tăng cường sự phối hợp đồng bộ,... để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án tốt hơn.

Trong sản xuất quốc phòng, như chỉ lệnh giao, năm 2007 số sản phẩm quốc phòng tăng nhiều, cả về quy mô lẫn số lượng, trong đó có những loại sản phẩm lần đầu triển khai. Ngành cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, giữa cơ quan với đơn vị, nắm chắc tình hình cơ sở, đề xuất các biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tập trung cao độ, bảo đảm đồng bộ các yếu tố để các nhà máy, công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất quốc phòng đúng tiến độ và an toàn tuyệt đối. Các cấp phải quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy chế, quy định, quy trình công nghệ trong sản xuất, hạn chế thấp nhất những sự cố kỹ thuật và những vụ việc mất an toàn. Một số sản phẩm phải được quan tâm giữ vững sản lượng, chất lượng và tiến độ, không để xảy ra sự cố kỹ thuật làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất quốc phòng.

Đối với nhiệm vụ sản xuất kinh tế, các nhà máy, công ty cần tận dụng năng lực các thiết bị để sản xuất các sản phẩm kinh tế, trên nguyên tắc bảo toàn vốn, tích cực tái đầu tư phát triển. Trong điều kiện, hoàn cảnh mới, chắc chắn sẽ có nhiều thách thức mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn. Điều đó không chỉ tác động đến sản xuất quốc phòng mà còn tác động rất mạnh trong sản xuất hàng kinh tế. Không loại trừ khả năng không ít nhà máy, công ty sẽ không thể duy trì được hoạt động kinh tế của mình. Vì vậy, các nhà máy, công ty  cần tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng chiến lược sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm CNQP, trong đó cần chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu và chủ động các yếu tố không để bị động khi hội nhập. Tiếp tục đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết giữa các đơn vị trong và ngoài quân đội để đưa hoạt động kinh tế ngày một hiệu quả hơn. Có biện pháp tích cực giúp các doanh nghiệp có khó khăn nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là đối với các đơn vị cơ khí, bảo đảm việc làm, cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Phấn đấu các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng trưởng từ 10% trở lên. 

Tổng cục cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức Đảng các cấp trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong đó, cần đổi mới phương pháp, hình thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng đơn vị, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo chuyển biến sâu sắc trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và triển khai các dự án đầu tư.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ an ninh trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng gian, giữ bí mật, an ninh kinh tế đối ngoại, kịp thời ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch, phấn đấu 100% đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp trên  ban hành các chế độ, chính sách phù hợp với đặc thù ngành CNQP. Tập trung xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Tổng cục, đẩy mạnh việc rèn luyện tác phong, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đưa hoạt động của Tổng cục vào nền nếp chính quy.   

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2007 của Đảng uỷ Tổng cục, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, với tinh thần trách nhiệm cao, sự nỗ lực vượt bậc, cán bộ, nhân viên, công nhân ngành CNQP sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đưa ngành CNQP theo kịp với yêu cầu đổi mới, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Trung tướng Phạm Tuân

Chủ nhiệm Tổng cục CNQP

 

Ý kiến bạn đọc (0)