QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:22 (GMT+7)
Xây dựng môi trường văn hóa ở các đơn vị hải quân trên quần đảo Trường Sa - mấy vấn đề cần quan tâm
Xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) là một nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động của quân đội nói chung, của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị nói riêng. Thực hiện tốt việc xây dựng MTVH là bảo đảm hết sức cần thiết cho việc xây dựng, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức cách mạng và những giá trị nhân cách đối với cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD), hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội  giao cho. Xây dựng MTVH còn tạo ra “màng lọc” ngăn cản, loại trừ những loại văn hóa độc hại xâm nhập vào quân đội. Vì vậy, ngay sau khi Tổng cục Chính trị ban hành Chỉ thị 143/CT về việc thực hiện Cuộc vận động(CVĐ) xây dựng MTVH trong các đơn vị quân đội, các đơn vị Hải quân đóng quân trên quần đảo Trường Sa đã quán triệt nghiêm túc, đồng thời triển khai chặt chẽ các nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của các đơn vị.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện CVĐ, tùy vào điều kiện cụ thể mà mỗi đơn vị có những thuận lợi, khó khăn khác nhau. Đối với các đơn vị Hải quân trên quần đảo Truờng Sa, CVĐ xây dựng MTVH là một nhu cầu bức thiết cần phải giải quyết, nhưng để triển khai thực hiện tốt CVĐ cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, Trường Sa là quần đảo nằm xa đất liền nhất trong số các đảo trên biển Việt Nam. Là một bộ phận lãnh thổ của nước ta, song Trường Sa vốn là nơi nhạy cảm về chính trị, kinh tế và văn hóa, luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Chính vì lẽ đó, cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo luôn luôn là một yêu cầu thiêng liêng, một trách nhiệm lớn lao mà cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn phải duy trì, thực hiện bằng được. ở Trường Sa, thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt, là trung tâm của các cơn bão lớn, môi trường biển mặn làm cho vũ khí, trang bị và các tiện nghi sinh hoạt xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu và sinh hoạt của bộ đội. Do ở xa đất liền, nên công tác bảo đảm, chi viện cho đảo gặp rất nhiều khó khăn; mọi hoạt động chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu(SSCĐ), huấn luyện và các hoạt động khác của bộ đội mang tính độc lập cao. Điều đáng lưu tâm là, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo mang tính biệt lập, tách rời đời sống thường nhật trong đất liền; các mối liên hệ với xã hội và gia đình chủ yếu gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông; điều kiện xây dựng MTVH theo các tiêu chí của trên còn nhiều bất cập. Trước sự phát triển mạnh mẽ của đời sống xã hội thì những băn khoăn, trăn trở về bản thân, gia đình, cuộc sống, xã hội, chi phối đến tâm tư, tình cảm của bộ đội là điều khó tránh khỏi... Đặc điểm đó đã và đang làm cho CVĐ xây dựng MTVH của các đơn vị Hải quân đóng quân trên quần đảo Truờng Sa đứng trước những khó khăn, thử thách mới, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện có hiệu quả cao những nội dung chính của CVĐ cũng như những tiêu chuẩn của một đơn vị có MTVH tốt theo qui định của trên; xây dựng các đơn vị Hải quân trên quần đảo Trường Sa trở thành những đơn vị vững về bản lĩnh chính trị, mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan.

Trước hết, phải làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về vai trò, vị trí MTVH trong quá trình xây dựng đơn vị, nêu cao ý thức trách nhiệm triển khai thực hiện CVĐ đạt hiệu quả cao.  Xây dựng MTVH chính là xây dựng con người, xây dựng tổ chức vững mạnh và là vấn đề chiến lược của toàn xã hội nói chung và đối với cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên quần đảo Trường Sa nói riêng. Vì vậy, cần phải làm tốt công tác giáo dục, quán triệt để mọi cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng, đủ về vấn đề này và nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện có nền nếp CVĐ. Thể hiện trước hết là, cấp uỷ các cấp phải có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, triển khai thực hiện CVĐ một cách nghiêm túc, chặt chẽ; thường xuyên coi xây dựng MTVH là một nội dung lãnh đạo của cấp uỷ, một mặt công tác của người chỉ huy, của cơ quan chức năng và là quyền lợi và trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ. ở đâu có bộ đội, ở đó phải triển khai thực hiện đầy đủ CVĐ này. Thông qua giáo dục làm cho mọi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CVĐ; thấy được thực chất mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố văn hoá với yếu tố quân sự; giữa nhiệm vụ xây dựng MTVH với các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Cần làm cho mọi người thấy rõ mục đích của xây dựng MTVH chính là xây dựng con người mới trong lực lượng vũ trang- nhân tố quyết định nhất đến chất lượng, hiệu quả xây dựng đơn vị, nâng cao sức mạnh chiến đấu và khả năng SSCĐ. Đối với người chiến sĩ sống trong môi trường xa đất liền, xa các mối quan hệ xã hội, thì xây dựng MTVH là điều kiện để tiếp thu những kiến thức và kĩ năng sống, học tập, rèn luyện và chiến đấu, tình đồng chí, đồng đội, thế giới quan, nhân sinh quan; sự hiểu biết về cuộc sống, xã hội, mối quan hệ giữa người với người, về trách nhiệm, nghĩa vụ, danh dự, tình yêu và cuộc sống… Sau khi rời quân ngũ, trong lòng mỗi người còn in đậm những dấu ấn tốt đẹp của môi trường, nếp sống văn hoá trong quân đội và phát huy nó trong điều kiện mới. Nhờ xây dựng MTVH sẽ khắc phục được nhận thức đơn giản của một số cán bộ, chiến sĩ cho rằng, sống ở Trường Sa chỉ là tạm bợ, hết hạn  nghĩa vụ là về; ở đó xa gia đình, bạn bè, biệt lập với xã hội thì cần gì phải xây dựng MTVH; hoặc cho rằng, xây dựng MTVH chỉ là các hoạt động bề nổi như văn hoá, văn nghệ hoặc chỉ là yếu tố cảnh quan… Trên cơ sở giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy được xây dựng MTVH thực chất là tạo ra môi trường cụ thể với những giá trị thiết chế, điều kiện văn hoá tốt đẹp, lành mạnh và phong phú, để người quân nhân có điều kiện phát triển toàn diện; càng ở những nơi khó khăn, gian khổ càng cần phải quan tâm xây dựng MTVH tốt đẹp hơn. Từ đó, nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc triển khai tổ chức thực hiện theo từng cương vị, chức trách, quyết tâm biến CVĐ trở thành phong trào hành động sôi nổi, rộng khắp trong các đơn vị trên quần đảo Trường Sa.
Quá trình triển khai xây dựng MTVH của các đơn vị trên quần đảo Trường Sa cần phải kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền nếp chính qui, xây dựng đơn vị VMTD. Yêu cầu này chỉ ra rằng, cùng với triển khai thực hiện các tiêu chí của CVĐ xây dựng MTVH như giáo dục bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu, lòng yêu nước, yêu biển, đảo, coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, xây dựng tình cảm đồng chí, đồng đội, tình quân dân gắn bó, xây dựng cảnh quan môi trường và các thiết chế văn hoá trên đảo… cần xây dựng các đơn vị trên đảo thành các tập thể VMTD theo tiêu chuẩn mà Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đã xác định. Trong đó cần duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ qui định, đẩy mạnh rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính qui, xây dựng lối sống có văn hoá, vệ sinh, khoa học, khắc phục tư tưởng tạm bợ, xuôi chiều trong lời nói và hành động. Để tăng cường sức mạnh của đảo, cần phải nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ SSCĐ sát với từng tình huống cụ thể, bảo đảm cho mỗi chiến sĩ trên đảo có thể đảm nhiệm chiến đấu ở nhiều vị trí, sử dụng được nhiều loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật khác nhau, vững tin vào khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các thời điểm có ý nghĩa lịch sử với nội dung thiết thực; tuyên truyền sâu rộng những giá trị truyền thống của dân tộc, của Đảng, quân đội và của Bộ đội Hải quân; nêu gương người tốt, việc tốt của đời sống hiện thực. Cần tổ chức mở rộng và đổi mới các hoạt động văn hóa phù hợp với đặc điểm của tuổi trẻ và tình hình cụ thể của đơn vị như: sinh hoạt văn hoá - văn nghệ, diễn đàn thanh niên, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề về tình bạn, tình yêu, tình đồng đội, nhằm tạo dựng tình đoàn kết, thân ái, dân chủ rộng rãi, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của bộ đội. Tổ chức có hiệu quả chế độ đọc báo, nghe đài, xem ti vi; chuyển phát kịp thời thư, quà từ gia đình, bạn bè tới chiến sĩ... đó là một yêu cầu bình thường song có ý nghĩa rất lớn về văn hóa đối với bộ đội. Trên cơ sở đó củng cố, bồi dưỡng lòng yêu nước, những giá trị cốt cách của con người Việt Nam, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo nên bầu không khí tốt đẹp, lành mạnh, quan hệ hài hoà giữa cán bộ và chiến sĩ, góp phần thúc đẩy đơn vị khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn vai trò của CVĐ xây dựng MTVH của các đơn vị Hải quân trên quần đảo Trường Sa, khâu có ý nghĩa quyết định nhất để CVĐ được duy trì thành nền nếp là phải phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong việc tổ chức, triển khai thực hiện CVĐ. Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là người đóng vai trò quyết định công việc đó thành công hay thất bại. Thực tiễn tổ chức các hoạt động trong quân đội đã khẳng định rằng “cán bộ nào thì phong trào ấy”; cung cách làm việc của chỉ huy các cấp sẽ quyết định đến chất lượng hoạt động của đơn vị. Nhận định đó là hoàn toàn đúng với thực tiễn hoạt động của bộ đội ở Trường Sa; ở đó mọi cán bộ, chiến sĩ đều sống xa gia đình, nên người cán bộ ngoài việc là chỉ huy theo chức trách, họ còn được xem như là người cha, người mẹ, người anh, người chị của chiến sĩ. Do vậy, mọi lời nói và hành động của họ có tác động rất mạnh đến nhận thức, tình cảm, đến việc thực thi nhiệm vụ của cấp dưới. Để phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, Đảng uỷ và chỉ huy các cấp phải có kế hoạch bồi dưỡng, từng bước nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực tổ chức điều hành, quản lý đơn vị, quản lý bộ đội của đội ngũ cán bộ các cấp. Các đơn vị cần chú trọng rèn luyện cho đội ngũ cán bộ từ cơ quan đến đơn vị tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, công khai, gần gũi cấp dưới, gần gũi cơ sở. Chỉ huy các cấp làm việc phải có kế hoạch, có chỉ tiêu cụ thể về nội dung và thời gian thực hiện từng phần công việc. Qúa trình tổ chức thực hiện xây dựng MTVH đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chỉ huy phải nhiệt tình, trách nhiệm, gắn bó với phong trào, kết hợp tính quyết đoán cao, dám làm dám chịu trách nhiệm; tác phong dân chủ, lắng nghe ý kiến của quần chúng, thương yêu, quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ; hết lòng chăm lo đời sống mọi mặt của đơn vị; giữ gìn và giải quyết tốt các mối quan hệ và phải là trung tâm đoàn kết, giáo dục, thuyết phục quần chúng, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của quần chúng. Cần chống những biểu hiện gia trưởng, độc đoán, coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, thiếu quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm trong công việc. Cũng cần phê phán nhận thức cho rằng, xây dựng MTVH là trách nhiệm riêng của cán bộ, chiến sĩ trẻ, của Đoàn thanh niên, của cơ quan chính trị ,cơ quan tuyên huấn…, dẫn đến không toàn tâm, toàn ý với phong trào.
Một nội dung khác không kém phần quan trọng là phải kết hợp chặt chẽ giữa sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của trên với tính năng động, sáng tạo của đơn vị cơ sở. Đây là một yêu cầu hoàn toàn sát đúng với đặc điểm hoạt động của bộ đội Trường Sa. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài quân đội nên cuộc sống sinh hoạt của bộ đội Trường Sa những năm gần đây có nhiều thay đổi trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, sự hướng dẫn và giúp đỡ của trên dù có sát và đầy đủ đến đâu cũng không thể đi vào từng khía cạnh, chi tiết hoạt động của đơn vị; vả lại, sự đầu tư của trên cũng chỉ trong chừng mực nhất định. Do đó, mỗi đơn vị phải chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp lãnh đạo, chỉ huy; đề cao trí tuệ, sáng kiến, sự đóng góp công sức và tinh thần của từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thì chất lượng, hiệu quả của phong trào mới được nâng lên. Cùng với tranh thủ sự giúp đỡ của trên và phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hoá, các đơn vị phải chủ động quan tâm chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần cho bộ đội bằng việc đẩy mạnh các hoạt động văn hoá - văn nghệ ở cơ sở nhân các ngày nghỉ, ngày lễ, tết; tổ chức các buổi liên hoan, hội diễn, hội thao ở các cấp; giao lưu với các đoàn đại biểu, đoàn văn công ở đất liền ra, làm cho đời sống tinh thần của bộ đội luôn luôn đầy đủ và phong phú. Đó là điều kiện hết sức quí báu để giáo dục tình cảm, trách nhiệm gắn bó của cán bộ, chiến sĩ với đất liền. Coi trọng xây dựng cảnh quan, “xanh, sạch, đẹp” hoá môi trường sống của bộ đội, nhất là ở các đảo nhỏ, các đơn vị lẻ. Chú trọng giáo dục cho bộ đội ý thức bảo quản, giữ gìn các trang thiết bị và các thiết chế văn hoá, bảo đảm giữ tốt, dùng bền trong môi trường khắc nghiệt của biển. Thực hiện đúng yêu cầu này sẽ làm cho hoạt động xây dựng MTVH ở các đơn vị trên quần đảo Trường Sa mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay yêu cầu bảo vệ vùng biển của Tổ quốc có sự phát triển. Vì vậy, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị Hải quân trên quần đảo Trường Sa ngày càng nặng nề, phức tạp. CVĐ xây dựng MTVH trên quần đảo Trường Sa cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành, làm cho văn hoá của Đảng ngày càng thấm sâu vào đời sống của cán bộ, chiến sỹ nơi đây, trở thành động lực tinh thần bền vững, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao cho.
  
Đại tá, ThS. Lê Văn Tân
 

Ý kiến bạn đọc (0)