QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:38 (GMT+7)
Xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài - vấn đề và giải pháp
Trong những năm vừa qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, có chính sách thu hút đầu tư hợp lý, nên các thành phần kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, tính chất ngành nghề và qui mô, trong đó bao gồm cả thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, việc triển khai xây dựng lực lượng tự vệ (LLTV) theo quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nói chung và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài nói riêng có sự chuyển biến một bước theo hướng tích cực. Nhưng so với tiềm năng của các doanh nghiệp và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thì chưa tương xứng; bộc lộ những khó khăn, bất cập cả về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.

Qua khảo sát, nghiên cứu công tác xây dựng LLTV trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài ở một số vùng, miền trong cả nước, cho thấy số lượng các doanh nghiệp đã thành lập đơn vị tự vệ còn quá ít so với tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động. Cụ thể là: thành phố Hồ Chí Minh có 10/713 doanh nghiệp, bằng 1,4%; Đồng Nai 7/337 bằng 2,1%; Bà Rịa-Vũng Tàu 3/80 doanh nghiệp bằng 4,4%, Tây Ninh 2/45 bằng 4,4%; thành phố Hải Phòng có 07 doanh nghiệp liên doanh tổ chức được đơn vị tự tệ, Quảng Ninh 2, Vĩnh Phúc 1,... Ngay trong số các doanh nghiệp thành lập được LLTV nêu trên, thì việc hoạt động cũng như tổ chức, biên chế, trang bị, chính sách, chế độ bảo đảm đối với tự vệ cũng còn những hạn chế, bất cập. Vậy nguyên nhân của thực trạng trên là gì? liệu có khắc phục được không, và giải pháp khắc phục ra sao? triển vọng thế nào? Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số ý kiến bước đầu có tính nghiên cứu, tham khảo về vấn đề này.

Về nguyên nhân. Có nhiều, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng nhất. Một là, luật pháp Nhà nước liên quan đến các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hiện chưa có điều khoản qui định trách nhiệm, nghĩa vụ phải thành lập đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp; trong khi chủ các doanh nghiệp (giám đốc, hội đồng quản trị) không thiết tha với việc này. Cũng vì thiếu cơ sở pháp lý, chưa có chế tài đủ mạnh buộc các công ty liên doanh với nước ngoài phải thực hiện nên có tình trạng doanh nghiệp nào nhận thức được lợi ích của việc tổ chức LLTV (chủ yếu do thuyết phục, vận động) thì tổ chức được, còn khi chưa nhận thức được thì họ không tổ chức. Thực tế cho thấy, các chủ doanh nghiệp luôn nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật của Nhà nước ta và họ có thái độ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Việc họ không nhất trí tổ chức các đơn vị tự vệ cũng như các tổ chức khác cũng là điều bình thường, vì Luật Đầu tư và Luật Lao động không có qui định bắt buộc. Hơn nữa, mục tiêu cao nhất của các doanh nghiệp là lợi nhuận; vì lợi nhuận họ luôn tìm cách hạn chế tới mức thấp nhất các chi phí hoạt động phi sản xuất. Hai là, cơ quan quân sự của nhiều địa phương chưa chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nắm chắc tình hình các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài để xây dựng các đơn vị tự vệ. ở các doanh nghiệp đã thành lập được đơn vị tự vệ, trước hết là do sự thỏa thuận, hay đúng hơn là sự kiên trì thuyết phục của cơ quan quân sự địa phương đối với chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, số doanh nghiệp này không nhiều. Không ít doanh nghiệp do Tổng giám đốc không nhất trí nên không thành lập được đơn vị tự vệ; thậm chí có doanh nghiệp không hợp tác bàn bạc với cơ quan quân sự địa phương. Một khó khăn khác là thường sau 3 đến 5 năm công ty lại thay đổi Tổng giám đốc, khi có Tổng giám đốc mới là người nước ngoài thì lại phải tiếp tục vận động, thuyết phục.
Về tổ chức các đơn vị tự vệ, hiện nay phổ biến là cấp trung đội, chỉ một số ít công ty tổ chức đến cấp đại đội, như Công ty liên doanh Hoàng Gia (Quảng Ninh), Công ty xi măng ChinFon-Hải Phòng với 63 cán bộ, chiến sĩ tự vệ đang đề nghị từ cấp trung đội xây dựng thành đại đội. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, chất lượng chính trị của cán bộ, chiến sĩ tự vệ trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài đã được lựa chọn, bảo đảm; được cơ quan Quân sự huyện (quận) xét duyệt, quyết định. Các đơn vị luôn ưu tiên tuyển chọn đảng viên, đoàn viên, bộ đội phục viên, xuất ngũ. Hiện nay, 100% các đơn vị tự vệ đều có đảng viên tham gia. ở trung đội tự vệ của Công ty liên doanh ChinFon-Hải Phòng, tỷ lệ đảng viên là 6,6%, ở Công ty Thép Việt-úc là 5%, Công ty Thép Việt-Hàn là 17,4%, Công ty Hoàng Gia là 7,01%... 
Mô hình tổ chức chung hiện nay là LLTV được thành lập trên cơ sở tổ chức bảo vệ; khi phát triển thì mở rộng đến một số bộ phận khác trong doanh nghiệp; đội trưởng bảo vệ đồng thời là trung đội trưởng (đại đội trưởng) tự vệ. Điều đó có thể phù hợp và tiện lợi đối với doanh nghiệp, nhưng sẽ khó cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của LLTV đầy đủ theo Pháp lệnh về Dân quân tự vệ. Đa số các đơn vị tự vệ mới chỉ dừng lại ở chức năng bảo vệ công ty, coi “tự vệ” như “bảo vệ” mà chưa làm tốt chức năng “là một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân” với nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng cơ sở chính trị xã hội vững mạnh; sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tự vệ. Một trong số đó là trung đội tự vệ của Công ty xi măng ChinFon-Hải Phòng. Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan Quân sự huyện Thủy Nguyên, ngay sau khi thành lập, Công ty đã tham gia và thực hiện tốt Qui chế phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự và Qui chế hoạt động cụm địa bàn an toàn, đơn vị an toàn, do địa phương tổ chức trên địa bàn thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên).
Về tổ chức huấn luyện, các đơn vị tự vệ đều thực hiện được chế độ qui định huấn luyện cả về thời gian và nội dung, chương trình. Trong đó, chú trọng công tác giáo dục, xây dựng ý thức, bản lĩnh chính trị. Điển hình như Công ty Hoàng Gia, hằng năm đều bảo đảm 100% quân số huấn luyện; kết quả kiểm tra tỷ lệ đạt khá, giỏi từ 80-90%. Trung đội tự vệ của Công ty xi măng ChinFon-Hải Phòng tỷ lệ khá, giỏi đạt từ 70-80%; Công ty có chế độ khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị đạt thành tích tốt trong huấn luyện.
Hiện tại, công tác bảo đảm cho hoạt động, huấn luyện của tự vệ ở các doanh nghiệp rất khác nhau, một số nhận được sự hỗ trợ kinh phí của doanh nghiệp, song cũng không ít nơi không có sự hỗ trợ mọi chi phí cho hoạt động của tự vệ chỉ dựa vào nguồn thu từ một phần quĩ quốc phòng theo qui định. Do đó, công tác bảo đảm vật chất cho huấn luyện nhìn chung gặp khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu. Mô hình học cụ huấn luyện còn đơn giản, thiếu chủng loại, chất lượng chưa cao.
Trước thực trạng và vấn đề đặt ra đã nêu trên, theo chúng tôi, để đẩy mạnh công tác xây dựng LLTV trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề quan trọng hàng đầu là trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng, cần kịp thời thời bổ sung, sửa đổi văn bản qui phạm pháp luật với những chế tài qui định những doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hoặc chủ doanh nghiệp nước ngoài phải thành lập tổ chức chính trị-xã hội và tạo điều kiện cho những tổ chức đó hoạt động theo đúng luật pháp của Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam trong đó có LLTV. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định, cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách trong tình hình hiện nay. Nó không chỉ giải quyết được vấn đề từ “gốc” mà còn bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong Pháp lệnh Dân quân tự vệ và một số thông tư, hướng dẫn đã xác định mọi tổ chức kinh tế đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh. Điều 2 của Pháp lệnh Dân quân tự vệ qui định "Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, nam từ đủ 18 tuổi đến 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến 40 tuổi, đủ sức khỏe, có nghĩa vụ tham gia dân quân, tự vệ". Điều 3 của Nghị định số 184/2004/NĐ-CP của Chính phủ “Qui định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ” qui định: doanh nghiệp có tổ chức Đảng phải tổ chức LLTV; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức LLTV phải có sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc đề nghị của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền đồng ý. Những doanh nghiệp chưa tổ chức LLTV, người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện cho công dân trong độ tuổi đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia dân quân ở địa phương nơi cư trú.
Theo đó, cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài nói riêng cũng phải tuân thủ các qui định trên. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ những điều khoản đó của Pháp lệnh cũng chưa đủ mạnh. Thực tế đã có một số chủ doanh nghiệp thắc mắc tại sao doanh nghiệp  của họ đã thành lập tự vệ mà ở doanh nghiệp khác thì không?... Thiết nghĩ, việc tổ chức LLTV của doanh nghiệp trước hết là nhằm bảo vệ tài sản, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong doanh nghiệp và trên địa bàn doanh nghiệp đứng chân để phát triển sản xuất. Và khi có chiến sự xảy ra thì lực lượng này góp phần tham gia vào thế trận chiến tranh nhân dân, chống các thế lực thù địch bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ địa bàn... Như vậy, việc tổ chức LLTV trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trước hết là nhằm phục vụ lợi ích cho các doanh nghiệp đó, đồng thời góp phần vào thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp. Quá trình tổ chức LLTV, một nguyên tắc hết sức quan trọng, cơ bản là chỉ tổ chức LLTV trong các doanh nghiệp đã có tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam đang hoạt động. Theo đó, tổ chức Đảng phải thường xuyên quan tâm, thực hiện sự lãnh đạo đối với LLTV. Cùng với đó, phải phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ…trong việc hỗ trợ công tác xây dựng, tổ chức hoạt động của LLTV.
Cần khẳng định rằng, giải pháp có ý nghĩa quyết định, cơ bản, lâu dài là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Song, trong điều kiện chưa có văn bản pháp luật, chế tài cụ thể bắt buộc thành lập đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, thì giải pháp quan trọng, trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Nghị định 184 của Chính phủ để chủ doanh nghiệp hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm và cả lợi ích của việc thành lập LLTV. Làm cho họ hiểu rằng việc thành lập tổ chức Đảng, tổ chức tự vệ luôn tác động tích cực, đúng hướng để các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn. Trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, hầu hết Tổng giám đốc là người nước ngoài. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp do chưa tuyên truyền, vận động được chủ doanh nghiệp đồng ý nên không thể thành lập được đơn vị tự vệ; thậm chí có công ty đã thành lập được tổ chức Đảng, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn không nhất trí tổ chức LLTV, như Công ty VINAPIPE ở Hải Phòng. Có chủ doanh nghiệp lúc đầu rất “sợ” phải thành lập LLTV trong công ty, nhưng khi đã thành lập và đi vào hoạt động, họ thấy rõ hiệu quả, lợi ích của LLTV nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của lực lượng này.
Về tổ chức xây dựng lực lượng, trong thời gian tới các quân khu, tỉnh(thành phố), huyện(quận) cần rà soát nắm chắc số lượng, qui mô, ngành nghề hoạt động của từng doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài trên địa bàn. Trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc xây dựng các đơn vị tự vệ. Theo chúng tôi, trong tình hình hiện nay duy trì quân số của LLTV khoảng 10% tổng số cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp là phù hợp. Đối với các doanh nghiệp đã thành lập đơn vị tự vệ cần tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng tổng hợp mà trước hết là chất lượng về chính trị. Cùng với việc thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, phải coi trọng việc bảo đảm chế độ, chính sách cho tự vệ; tổ chức các hoạt động bổ trợ như kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, của quân đội, ngày truyền thống của lực lượng Dân quân, tự vệ, gặp mặt nhân ngày thương binh, liệt sĩ, tham gia các cuộc thi tìm hiểu truyền thống quê hương, truyền thống quân đội và ngành Dân quân, tự vệ… Qua đó, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng bản chất cách mạng, tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ chiến sĩ tự vệ.
Mặt khác, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị sát với đối tượng, phù hợp với điều kiện cụ thể và địa bàn hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch huấn luyện, bảo đảm không để xáo trộn sản xuất và phải được cơ quan Quân sự huyện (quận) phê chuẩn. Kế hoạch huấn luyện phải chi tiết, cụ thể, qui định rõ số người tham gia, thời gian huấn luyện từng đợt. Mặt khác, cơ quan Quân sự huyện (quận) phải quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ từng đơn vị về giáo viên và tổ chức huấn luyện, diễn tập chiến đấu... Chú trọng huấn luyện cơ bản, từ đơn giản đến phức tạp, đồng thời tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục chính trị như kiểm tra đánh giá kết quả, thực hiện chế độ qui định về khen thưởng, kỷ luật...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của LLTV trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, cơ quan quân sự địa phương phải chủ động xây dựng qui chế phối hợp có sự tham gia của lực lượng dân quân, tự vệ và công an trên địa bàn. Trong đó qui định rõ việc tổ chức trao đổi, xử lý thông tin; công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh, xây dựng cơ sở vững mạnh; phối hợp trong huấn luyện, diễn tập trên địa bàn... Đặc biệt là phối hợp xử lý tình huống gây rối, khủng bố, bạo loạn có vũ trang.
 
Hùng - Dũng
 

Ý kiến bạn đọc (0)