QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 02:56 (GMT+7)
Xây dựng lực lượng dự bị động viên đáp ứng yêu cầu chiến tranh cục bộ hiện đại của một số nước
Những thập kỷ gần đây, trong điều chỉnh chiến lược quân sự, các nước đều có xu hướng tinh giảm số quân thường trực đi đôi với hiện đại hoá vũ khí, trang bị, nâng cao chất lượng huấn luyện và sức mạnh chiến đấu của quân đội; đồng thời, đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV), đặt công tác này lên tầm chiến lược. Hơn nữa, trong bối cảnh: hoà bình, hợp tác và phát triển đang là xu thế lớn của thế giới, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ công nghệ cao vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp, thì vấn đề xây dựng LLDBĐV lại càng được đề cao. Giới quân sự của nhiều nước cho rằng, chiến tranh tương lai sẽ là chiến tranh giữa các lực lượng dự bị.

Nhìn tổng quát có thể nêu một số xu hướng chủ yếu xây dựng LLDBĐV của một số nước như sau:

1-Hoàn thiện cơ chế quản lý động viên, nhấn mạnh đến vai trò  điều hành vĩ mô của Nhà nước, hiệu lực quản lý, chỉ huy của các cơ quan chức năng, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng động viên nhanh LL DBĐV.
Theo các chuyên gia quân sự, chiến tranh cục bộ hiện đại có đặc điểm nổi bật là tính bất ngờ cao, thời gian chiến tranh ngắn, tiêu hao lớn về lực lượng và phương tiện chiến tranh; do vậy, việc động viên lực lượng dự bị đảm bảo về thời gian, số lượng, chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ tác chiến là một yêu cầu chiến lược, quyết định đến sự thành bại của chiến tranh. Điều đó đòi hỏi phải làm tốt công tác chuẩn bị LLDBĐV từ trước, ngay trong thời bình. Trong đó, khâu quan trọng hàng đầu là cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế quản lý LL DBĐV. Nhiều nước chú trọng nghiên cứu, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, nhằm tăng cường vai trò, hiệu lực quản lý, điều hành vĩ mô của nhà nước trong xây dựng LLDBĐV; hoạch định chiến lược động viên, phân bố nguồn nhân lực, vật lực đất nước theo yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ quốc gia, xây dựng quân đội. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý, chỉ huy động viên từ cấp Chính phủ cho tới các bộ, ban, ngành, địa phương trong cả nước, chú trọng điều chỉnh hợp lý về biên chế tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý LLDBĐV, nhất là của cơ quan quân sự, chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành, địa phương, tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới, sự phối hợp giữa quân đội với các tổ chức, địa phương để quản lý chặt chẽ LLDBĐV. Cải tiến phương pháp quản lý quân dự bị bằng nhiều hình thức và biện pháp thiết thực, như tập trung huấn luyện thường kỳ hoặc đột xuất, nhằm quản lý và nâng cao trình độ quân sự cho quân dự bị; phối hợp giữa cơ quan quản lý quân dự bị của địa phương với các đơn vị quân đội thường xuyên thẩm tra, điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách quân DBĐV, kiểm tra tình hình thực tế các đơn vị dự bị và chất lượng quân nhân dự bị, nhất là hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, khả năng thực hiện nhiệm vụ động viên của họ. Tăng cường các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân DBĐV; duy trì nghiêm việc thực hiện các chế độ, quy định giao ban, báo cáo, thanh tra, kiểm tra theo phân cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý quân DBĐV.
Trong cải cách quốc phòng, Pháp coi xây dựng LLDBĐV là nhiệm vụ chiến lược và thành lập Uỷ ban động viên quốc gia, do Thư ký Hội đồng Quốc phòng làm Chủ tịch; các Uỷ viên là một số quan chức cấp cao của Chính phủ, một số bộ quan trọng và Hội đồng Tham mưu liên quân. Đây là cơ quan nhà nước cao nhất chịu trách nhiệm trước Tổng thống về việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách động viên quốc gia. Dưới quyền Uỷ ban này là các cơ quan động viên của các bộ, ngành, địa phương, do quan chức cấp cao nhất ở đó phụ trách. Hệ thống động viên này thống nhất về mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ, phối hợp hoạt động chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong cả nước. Cơ quan động viên của Bộ Quốc phòng làm nòng cốt, tham mưu, giúp đỡ các cơ quan động viên dân sự trong xây dựng LLDBĐV. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường XHCN với nhiều thành phần kinh tế, để quản lý tốt quân DBĐV, cùng với việc xây dựng các luật định, kiện toàn hệ thống cơ quan chuyên trách, cũng chú trọng cải tiến công tác quản lý LLDBĐV, gắn việc đăng ký ngạch dự bị với quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và thực hiện chế độ phân cấp quản lý quân dự bị. Sĩ quan ngạch dự bị cấp đại đội trở lên phải làm thẻ đăng ký do cơ quan quân sự địa phương và đơn vị quân đội cùng quản lý; cán bộ ngạch dự bị cấp trung đội, tiểu đội, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và chiến sĩ do các tiểu đoàn dự bị và cơ quan quân sự của huyện, xã trực tiếp quản lý; thực hiện chế độ đăng ký kiểm tra, báo cáo định kỳ, đảm bảo khả năng động viên được ngay khi có lệnh. Chính phủ Xin-ga-po có chủ trương lập “thẻ điện tử” để quản lý quân dự bị trong phạm vi cả nước.
2- Điều chỉnh tổ chức biên chế LLDBĐV theo hướng thống nhất với tổ chức biên chế lực lượng thường trực.    
Mỹ và một số nước phương Tây cho rằng, tổ chức quân đội phải thành một chỉnh thể thống nhất giữa lực lượng thường trực và LLDBĐV. Theo quan niệm đó, các nước này tổ chức biên chế quân DBĐV tương tự như biên chế tổ chức của quân thường trực, đảm bảo tính hợp thành hoá, chuyên môn hoá, tinh, gọn, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh cục bộ công nghệ cao. Hợp thành hoá nhằm hợp nhất nhanh các đơn vị DBĐV với các đơn vị chiến đấu binh chủng hợp thành của quân thường trực; hoặc, biên chế thành các đơn vị hợp thành độc lập, tham gia các loại hình tác chiến liên hợp, nhất thể hoá. Chuyên môn hoá nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại, lấy khoa học- công nghệ làm nguồn lực chính để nâng cao sức mạnh của quân đội, nhất là việc sắp xếp đúng chuyên môn nghiệp vụ và hình thành các binh chủng kỹ thuật mới, như hàng không vũ trụ, tác chiến điện tử, chiến tranh thông tin. Hơn nữa, chiến tranh phát triển theo hướng đối kháng công nghệ cao là chủ yếu, nên LLDBĐV có xu hướng giảm số dự bị phổ thông, tăng số dự bị có chuyên môn kỹ thuật. Các nước này tổ chức LLDBĐV theo hai cách: 1-Biên chế LLDBĐV theo biên chế của quân thường trực, để khi cần dễ dàng điều động phục vụ quân thường trực. 2- Biên chế hỗn hợp lực lượng thường trực và lực lượng dự bị để quản lý, huấn luyện trong thời bình và hợp nhất nhanh khi có lệnh động viên. Nhiều nước lấy cấp lữ đoàn làm đơn vị dự bị cơ bản, phù hợp với biên chế tác chiến của quân thường trực.
ấn Độ và một số nước ASEAN (như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a) điều chỉnh tổ chức LLDBĐV từ số lượng lớn sang số lượng hợp lý, lấy chất lượng làm trọng tâm. Biên chế các đơn vị khung DBĐV tương tự như của bộ đội thường trực, cán bộ chủ chốt do sĩ quan thường trực đảm nhiệm, các vị trí chỉ huy khác lựa chọn kết hợp giữa sĩ quan dự bị và sĩ quan thường trực. Tổ chức LLDBĐV theo hai loại: dự bị loại 1, căn cứ vào độ tuổi luật quy định và trình độ quân sự, chuyên môn kỹ thuật, là lực lượng động viên nhanh khi có lệnh; dự bị loại 2, gồm những đối tượng ngoài tuổi quy định của dự bị loại 1, nhưng vẫn trong độ tuổi quy định, quân nhân xuất ngũ, thanh niên, là lực lượng dự bị thông thường. Các nước này chú trọng hoàn chỉnh chế độ tuyển chọn, đăng ký, quản lý chất lượng quân DBĐV. Sĩ quan dự bị được tuyển dụng và đào tạo chủ yếu từ 3 nguồn chính: 1- Từ số sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ hoặc hết hạn phục vụ tại ngũ. 2- Đào tạo từ số sinh viên các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp. 3- Đào tạo từ số cán bộ, nhân viên chuyên môn các ngành dân sự. Trung Quốc điều chỉnh phương châm tổ chức LLDBĐV từ hình thức “liên kết gần” sang hình thức “lớn phân tán, nhỏ tập trung”. Cấp trung đoàn dự bị có thể biên chế vượt phạm vi cấp huyện; cấp đại đội biên chế ở 1 hoặc 2 xã; cấp trung đội trong phạm vi xã; cấp tiểu đội trong phạm vi thôn. Đối với các thành phố, khu công nghiệp, lấy chính quyền các cấp, các xí nghiệp quốc doanh, tập thể làm nòng cốt, từ đó vươn ra các xí nghiệp ngoài quốc doanh. Để động viên nhanh, LLDBĐV có thể được tập trung vượt cấp: đại đội dự bị là đơn vị dự bị cơ sở, sau khi động viên đủ quân có thể tập hợp thẳng lên cấp trung đoàn, lữ đoàn.
3- Hiện đại hoá vũ khí, trang bị (VKTB), nâng cao chất lượng huấn luyện LL DBĐV từng bước tiếp cận trình độ lực lượng thường trực.
Nhiều nước cho rằng, hiện đại hoá VKTB cho LLDBĐV đồng bộ với VKTB của quân thường trực là một yêu cầu quan trọng trong xây dựng lực lượng dự bị hiện đại. Một số nước có trình độ khoa học-công nghệ tiên tiến đã đưa kế hoạch trang bị của LLDBĐV vào kế hoạch trang bị của quân đội. Trong mua sắm vũ khí, khí tài mới cho quân thường trực cũng đồng thời cải tiến, nâng cấp và trang bị mới cho quân DBĐV, tuy không hiện đại bằng, nhưng đảm bảo đồng bộ với quân thường trực. Mỹ, Anh chủ trương trang bị cho quân dự bị các loại vũ khí chủ yếu, về cơ bản đồng bộ với vũ khí của quân thường trực, số còn lại đều là bộ phận trong hệ thống trang bị thống nhất của quân đội. LLDBĐV của các nước này được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, như máy bay ném bom chiến lược B.52, B.1, tầu ngầm, xe tăng, tên lửa hành trình, v.v. Trung Quốc và một số nước ASEAN chú trọng cải tiến, nâng cấp VKTB hiện có và trang bị một số vũ khí mới cho LLDBĐV, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ với vũ khí của quân thường trực. Đối với một số đơn vị DBĐV quan trọng thì trang bị đầy đủ cho huấn luyện, sau đó trang bị đủ theo yêu cầu chiến đấu. Quân dự bị của Trung Quốc được trang bị các vũ khí hạng nặng, như pháo 130mm, pháo 155mm, tên lửa phòng không, xe tăng T.79...
Cùng với hiện đại hoá VKTB, các nước chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện quân DBĐV đáp ứng yêu cầu chiến tranh cục bộ hiện đại. Nhật Bản thực hiện 3 biện pháp trong huấn luyện LLDBĐV:1- Huấn luyện sát thực môi trường chiến tranh để rèn luyện tố chất tinh thần, tâm lý, thể lực, trình độ kỹ-chiến thuật. 2- Huấn luyện theo tiêu chuẩn quân thường trực; đối với sĩ quan dự bị, bắt buộc phải học chuyên ngành quân sự và các kiến thức cơ bản về kinh tế, văn hoá, xã hội. 3- Huấn luyện mô phỏng nhằm nâng cao trình độ quân sự và tiết kiệm kinh phí. Một số nước ASEAN thực hiện chế độ huấn luyện định kỳ và huấn luyện thường xuyên cho quân dự bị. Huấn luyện định kỳ do các đơn vị thường trực đảm nhiệm, tại các nhà trường, các trung tâm huấn luyện của quân đội, tập trung nâng cao trình độ kỹ-chiến thuật, nghiệp vụ chuyên môn, nhất là trình độ tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng. Huấn luyện thường xuyên do quân đội và địa phương phối hợp thực hiện, với nhiều hình thức và nội dung phong phú, như thông qua hệ thống truyền thông đại chúng, gắn kết với các hoạt động truyền thống lịch sử, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao quốc phòng..., nhằm giáo dục nâng cao kiến thức quân sự, ý thức quốc phòng cho quân DBĐV. Trong giai đoạn huấn luyện, coi trọng duy trì kỷ luật, các chế độ, chính sách ưu tiên, ưu đãi và thưởng, phạt để động viên quân dự bị yên tâm làm nhiệm vụ.
Đồng Đức
 

Ý kiến bạn đọc (0)