QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 00:03 (GMT+7)
Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ ở Thanh Hóa - kết quả và một số kinh nghiệm
Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, những năm qua, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng DQTV và đã tạo được bước chuyển biến quan trọng.

Thực hiện phương châm "vững mạnh, rộng khắp", Thanh Hóa vừa tiến hành xây dựng lực lượng DQTV rộng rãi, vừa tập trung xây dựng lực lượng DQTV nòng cốt trên các địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, Tỉnh luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ DQTV có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Thực hiện Chỉ thị 34/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã hoàn thành 3 khóa đào tạo cho 634 đồng chí, với thời gian 14 tháng. Đến nay, 100% chỉ huy trưởng và phó chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn đã qua đào tạo; các Ban chỉ huy Quân sự cấp xã đều được kiện toàn đủ ba chức danh theo cơ cấu. Lực lượng DQTV được huấn luyện đảm bảo nội dung, chương trình và thời gian quy định, quân số đạt trên 90%, chất lượng từng bước được nâng cao; kết quả kiểm tra hằng năm đều đạt 100% yêu cầu, tỷ lệ khá, giỏi đạt từ 56 đến 67%; trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của DQTV được nâng lên một bước. DQTV đã phối hợp với các lực lượng trên các địa bàn chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời các tình huống, không để phát sinh các điểm "nóng" trên địa bàn. DQTV biển thường xuyên tham gia đấu tranh ngăn chặn tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải và các hoạt động tội phạm, vi phạm luật pháp. Trên tuyến biên giới, DQTV phối hợp với bộ đội Biên phòng, Hải quan và lực lượng của bạn, tăng cường xây dựng tuyến biên giới an toàn, hữu nghị với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào..., Những năm qua, DQTV Thanh Hóa đã thực sự trở thành lực lượng tin cậy, trung thành của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tích cực tham gia phòng, chống thiên tai ở địa phương, cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) ngày càng vững chắc trên các địa bàn của Tỉnh.

 Qua thực tế xây dựng lực lượng DQTV, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng ở cơ sở, đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng về công tác DQTV. Đây vừa là nguyên tắc vừa là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn ở Thanh Hóa. Kinh nghiệm cho thấy, địa phương, cơ sở, doanh nghiệp... dù có khó khăn đến đâu, nhưng nếu cấp ủy, chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng, thì ở đó lực lượng DQTV được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện chu đáo và hoạt động có hiệu quả; ngược lại, dù có điều kiện thuận lợi nhưng chất lượng, hiệu quả công tác DQTV cũng sẽ thấp, thậm chí còn mang tính hình thức.
Trước tình hình thế giới, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch đã và đang tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình" với những âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc, trong đó Thanh Hóa cũng là một trọng điểm. Vì vậy, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với DQTV, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng ở cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là Chỉ thị số 16/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV, dự bị động viên trong tình hình mới"; thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-BCT của Bộ Chính trị (khóa VI) và Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII); đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho các đối tượng, tập trung đối với cán bộ, đảng viên và các chủ doanh nghiệp. Trọng tâm là giáo dục các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Pháp lệnh DQTV,... Công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) cho các đối tượng được Tỉnh thực hiện đạt hiệu quả. Năm 2006, đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 44.096 người từ đối tượng 3 đến đối tượng 5, mở 8 lớp bồi dưỡng cho 294 chức sắc, chức việc các tôn giáo; hiện nay 118/118 trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trường đại học trong Tỉnh đã thực hiện chương trình GDQP cho học sinh, sinh viên. Cùng với GDQP cho các đối tượng, Tỉnh còn thực hiện tốt công tác GDQP cho lực lượng DQTV. Qua giáo dục, các đối tượng đã nhận thức sâu hơn về nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới, về vai trò quan trọng của DQTV trong khu vực phòng thủ địa phương. Đồng thời, qua hoạt động thực tiễn đã khẳng định DQTV thực sự là lực lượng chiến đấu tại chỗ, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và đồng bào các dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống hòa bình cho nhân dân trên địa bàn. 
Hai là, tập trung xây dựng DQTV có số lượng và tỷ lệ hợp lý, chất lượng tổng hợp cao, nhất là chất lượng chính trị, chú trọng xây dựng ở địa bàn trọng điểm. Thanh Hóa có vị trí quan trọng cả về kinh tế-xã hội và QP-AN đối với Quân khu 4 và cả nước; là một trong những tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, địa hình đa dạng, gồm cả đồng bằng, trung du và miền núi, có biển và có biên giới, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Vì vậy, trên cơ sở quy định của Pháp lệnh DQTV và xuất phát từ điều kiện thực tế của mình, Tỉnh chủ trương tập trung nâng cao chất lượng DQTV; đồng thời, bảo đảm có số lượng và tỷ lệ hợp lý, ưu tiên xây dựng lực lượng DQTV trên các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là trên tuyến biên giới, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn và DQTV biển. Hiện nay, tỷ lệ DQTV của Tỉnh đạt gần 1,8% so với dân số, trong đó dân quân là 85%, tự vệ là 15%; chất lượng chính trị của lực lượng DQTV ngày càng được nâng lên, tỷ lệ đảng viên đạt trên 18%, đoàn viên đạt 59%, có gần 35% đã qua quân ngũ; riêng lực lượng DQTV cơ động, tỷ lệ đảng viên đạt trên 20%. Lực lượng DQTV của Tỉnh được tổ chức chặt chẽ, gồm cả lực lượng cơ động, lực lượng tại chỗ, lực lượng phòng không, pháo binh, thông tin, đặc công, lực lượng bảo đảm và DQTV biển.
Trên cơ sở duy trì, củng cố các đơn vị DQTV hiện có, Thanh Hóa tập trung xây dựng mỗi huyện, thị xã có 1 trung đội dân quân cơ động, có từ 1 trung đội súng máy phòng không 12,7 ly trở lên; ở huyện trọng điểm, xây dựng từ 2 trung đội cơ động trở lên, 2 trung đội súng máy phòng không 12,7 ly, 1 trung đội cối 82. Đối với cấp xã, xây dựng 1 trung đội cơ động, những xã trọng điểm xây dựng 1 trung đội súng máy phòng không 12,7 ly, 1 khẩu đội cối 60, các tổ dân quân binh chủng; các thôn, bản, khối phố xây dựng các tổ, tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ.
Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Tỉnh thực hiện từng bước đi vững chắc, khảo sát kỹ tình hình thực tế, lập đề án xây dựng, làm điểm rút kinh nghiệm và nhân rộng theo mô hình. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tỉnh đã xây dựng điểm một trung đội dân quân biển ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, trên cơ sở các hộ gia đình và dòng họ. Trung đội dân quân biển gồm 3 tiểu đội trên 9 tàu đánh bắt xa bờ, có công suất 400CV, được Tỉnh đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện thông tin liên lạc. Đây là điều kiện thuận lợi để Tỉnh rút kinh nghiệm xây dựng tiếp 4 trung đội dân quân biển tại các địa phương có đủ điều kiện. Tháng 8-2006, Tỉnh xây dựng điểm tiểu đội dân quân thường trực xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (nơi có cửa khẩu quốc tế Na Mèo), qua đó sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Ba là, tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ - yếu tố quan trọng quyết định chất lượng huấn luyện, SSCĐ của lực lượng DQTV. Thanh Hóa đặc biệt coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ DQTV các cấp. Hằng năm, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, Tỉnh và các địa phương đều duy trì tốt nền nếp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ DQTV các cấp, trước hết là cán bộ chuyên trách về DQTV của các cơ quan quân sự. Trong 5 năm, Tỉnh đã tổ chức trên 70 lớp, bồi dưỡng cho hơn 5.000 lượt cán bộ; cấp huyện tổ chức được 250 lớp, bồi dưỡng cho gần 16 ngàn lượt cán bộ DQTV. Nội dung tập trung vào những vấn đề mới, những mặt yếu, như xây dựng kế hoạch huấn luyện, kế hoạch tác chiến trị an, soạn giáo án, bài giảng, tổ chức, phương pháp huấn luyện DQTV,... Tỉnh thực hiện chặt chẽ việc phân cấp tập huấn: cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho trợ lý DQTV cấp huyện; cấp huyện tổ chức bồi dưỡng cho Ban CHQS cấp xã, Ban CHQS cơ quan, tổ chức, trung đội trưởng dân quân cơ động; cấp xã cụm xã bồi dưỡng cho cán bộ tiểu đội. Cách làm này vừa phát huy được vai trò tích cực, chủ động của cán bộ các cấp, nhất là cơ sở, vừa huy động được cơ sở vật chất, kinh phí; đồng thời, còn nắm chắc thực trạng để có biện pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ DQTV.
Đến nay, 100% chính trị viên DQTV đảm nhiệm được nội dung giáo dục chính trị-pháp luật theo chức trách; có gần 80% cán bộ DQTV đảm nhiệm được nhiệm vụ huấn luyện theo phân cấp, nhất là các đồng chí đã qua đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn. Để nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, Tỉnh luôn chú trọng duy trì nền nếp tổ chức hội thao, hội thi, tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2001, đội tuyển DQTV của Tỉnh tham gia Hội thi Quân khu đạt giải nhì toàn đoàn; năm 2006, tại Hội thi Chính trị viên cấp xã giỏi do Quân khu tổ chức, một đồng chí đạt giải nhì, bốn đồng chí đạt giải khuyến khích.
Do điều kiện thời gian huấn luyện phân đội ngắn, cơ sở vật chất, kinh phí còn hạn hẹp, để đảm bảo chất lượng, Tỉnh tập trung huấn luyện cho các chiến sĩ DQTV mới được kết nạp, các đơn vị DQTV cơ động, thường trực, binh chủng và DQTV biển; nghiên cứu vận dụng hình thức huấn luyện sát với đặc điểm từng khu vực, từng cơ sở. Đối với các đơn vị ở vùng trung du, đồng bằng, ven biển, Tỉnh tổ chức huấn luyện theo xã và cụm xã; các đơn vị miền núi, vùng sâu, vùng xa, do địa bàn rộng, giao thông khó khăn, các địa phương tập trung huấn luyện theo xã và tổ chức ăn trưa cho cán bộ, chiến sĩ. Đối với lực lượng DQTV biển, Tỉnh phối hợp với các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển và bộ đội Biên phòng trong khu vực trực tiếp huấn luyện theo chuyên ngành để đảm bảo chất lượng. Trong huấn luyện, Tỉnh chú trọng xây dựng bản lĩnh, ý chí cho cán bộ, chiến sĩ, rèn luyện khả năng phán đoán, xử lý các tình huống sát với thực tế chiến đấu.
Từ năm 2001 đến nay, Thanh Hóa luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu của Quân khu và toàn quân về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân khu nhiều lần khen thưởng. Có được thành tích đó, một phần quan trọng là do Tỉnh đã thực hiện tốt công tác DQTV. Phát huy truyền thống Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thanh Hóa đang tập trung xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ 16.
Đại tá Đặng Văn Tùng
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)