QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:15 (GMT+7)
Xây dựng Lạng Sơn thành khu vực phòng thủ vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) vững chắc là một chủ trương chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương đó đã được Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Lạng Sơn quán triệt và nhất trí cao về nhận thức, quan điểm, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của địa phương trong thời kỳ mới. Đến nay, sau 16 năm triển khai thực hiện chủ trương này, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch luôn đẩy mạnh các hoạt động chống phá, Đảng bộ, nhân dân và LLVT Lạng Sơn đã từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi, biên giới, tích cực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng. Tiềm lực chính trị của KVPT Tỉnh được củng cố vững chắc. Quan điểm kinh tế kết hợp với quốc phòng-an ninh được quán triệt tốt và ngày càng đi vào chiều sâu. Nội dung xây dựng KVPT được triển khai xây dựng tương đối đồng bộ và vận dụng sáng tạo ở nhiều địa phương, cơ sở. Các LLVT địa phương được quan tâm xây dựng đã có bước trưởng thành. Kết quả đạt được trong xây dựng KVPT đã góp phần tích cực vào giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để Lạng Sơn thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... trong công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng KVPT ở Lạng Sơn cũng đã bộc lộ một số mặt tồn tại, hạn chế, cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Để phát huy kết quả đã đạt được và sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng KVPT đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới-thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ( CNH,HĐH) đất nước, đòi hỏi Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và LLVT Lạng Sơn cần tiếp tục quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về quốc phòng-an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời đề ra những giải pháp hữu hiệu để thực hiện chủ trương chiến lược quan trọng này một cách hiệu quả hơn.

Một là, phải bằng nhiều hình thức và biện pháp, phát huy mọi khả năng của các phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, hệ thống giáo dục các cấp, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, toàn dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong Tỉnh quán triệt sâu sắc ý nghĩa, vai trò, nội dung xây dựng KVPT để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tập trung xây dựng KVPT vững mạnh toàn diện, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh... trong đó, lấy xây dựng chính trị làm then chốt, xây dựng kinh tế làm trung tâm, văn hóa-xã hội là nền tảng và xây dựng quốc phòng-an ninh vững mạnh, bảo đảm cho KVPT đủ khả năng làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng đánh thắng các hành động xâm lược, bảo vệ vững chắc địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hai là, phải tập trung xây dựng hệ thống chính trị các cấp từ Tỉnh đến cơ sở xã, phường thực sự trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực, trí tuệ, bản lĩnh lãnh đạo, quán triệt và triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh đi vào cuộc sống của người dân. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở vững mạnh toàn diện đủ sức chỉ đạo, quản lý, điều hành có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ địa phương trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ xây dựng KVPT ở địa phương. Đổi mới  nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể chính trị và các tổ chức quần chúng, nhất là Mặt trận Tổ quốc các cấp. Chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong Tỉnh, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; tích cực chống quan liêu, tham nhũng và những biểu hiện mất dân chủ làm tổn hại đến uy tín của Đảng và chính quyền. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Thực hiện tốt các thiết chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước và chính sách hậu phương quân đội, tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên từng địa bàn, địa phương.
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng KVPT, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế là một bước củng cố KVPT địa phương ngày càng vững chắc. Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế còn nghèo, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh, Tỉnh luôn xác định việc đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng KVPT là một nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành quy hoạch chi tiết các khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và thị trấn Đồng Đăng để làm cơ sở cho việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, thương mại, củng cố thế trận quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Triển khai xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội 21 xã, thị trấn biên giới; quy hoạch khu kinh tế đô thị Đồng Đăng-Lạng Sơn; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông liên huyện, liên xã, đường tuần tra biên giới phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và cơ động LLVT thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Những năm tới, để phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng KVPT, Tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; coi trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của từng sản phẩm hàng hoá. Phát triển thế mạnh của khu vực kinh tế cửa khẩu, có chính sách bảo đảm môi trường đầu tư, lưu thông hàng hoá thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế của cả nước tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh. Thực hiện tốt các dự án xây dựng các điểm dân cư, cụm dân cư trên các địa bàn trọng điểm về kinh tế, quốc phòng và an ninh; đẩy nhanh tiến độ làm đường vành đai biên giới và cắm mốc biên giới quốc gia. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với kế hoạch xây dựng các công trình quốc phòng, quân sự, tạo nguồn và dự trữ vật chất cho KVPT. Coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; ưu tiên đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hoá, xã hội, giúp nhân dân tái định cư ở vùng biên giới có đủ điều kiện bám trụ lâu dài để phát triển sản xuất, tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới.
Bốn là, xây dựng các LLVT trong KVPT vững mạnh, đủ sức tự giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn và làm nòng cốt mở rộng lực lượng trong thời chiến. Tập trung xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ có số lượng hợp lý, chất lượng cao theo quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ, chú trọng chất lượng chính trị. Phát huy dân chủ trong xây dựng lực lượng này, tạo điều kiện cho “dân bàn, dân cử, dân chăm lo”, bảo đảm tổ chức vững mạnh, rộng khắp, gọn, tinh. Quan tâm phát triển lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tiếp tục rà soát ổn định tổ chức, biên chế, hoạt động của lực lượng dân quân tập trung tại 21 xã, thị trấn biên giới. Tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, diễn tập chiến đấu trị an, nâng cao hiệu quả dân quân làm công tác dân vận, tuần tra giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đối với lực lượng dự bị động viên, thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý nguồn. Hằng năm tuyển quân bảo đảm chỉ tiêu, coi trọng chất lượng, nhất là chất lượng chính trị, văn hoá và sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu kế hoạch động viên và mở rộng lực lượng khi có tình huống chiến tranh.Tổ chức biên chế, huấn luyện và xây dựng đơn vị dự bị động viên có chất lượng toàn diện, chú trọng nâng cao tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự, nhất là các đơn vị binh chủng kỹ thuật. Hằng năm tổ chức phúc tra, rà soát số lượng, chất lượng, tổ chức huấn luyện, diễn tập đạt kết quả tốt. Các cơ quan, đơn vị bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng xây dựng theo hướng cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là trình độ tham mưu của các cơ quan quân sự, cơ quan và đồn biên phòng giúp cấp uỷ, chính quyền về công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu của các đơn vị bộ đội địa phương. Hằng năm thực hiện tốt chương trình công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự và chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện tốt công tác quản lý vũ khí, trang bị, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật..., bảo đảm LLVT luôn trong sạch, là lực lượng chính trị tin cậy của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân.
Năm là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của cấp uỷ các cấp đối với nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng KVPT. Trên cơ sở quán triệt các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các luật, pháp lệnh, nghị định của Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, về xây dựng KVPT, cấp uỷ chủ động đề ra chủ trương, nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của địa phương, cơ sở. Chính quyền các cấp cụ thể hoá nghị quyết về công tác quốc phòng, xây dựng KVPT thành các quyết định, quy định, kế hoạch và có biện pháp cụ thể để điều hành, tổ chức thực hiện. Cơ quan quân sự địa phương thực hiện tốt chức năng giúp chính quyền quản lý nhà nước về xây dựng KVPT; chủ trì phối hợp cùng các ban, ngành chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền ban hành các văn bản xây dựng, hoạt động của KVPT và hướng dẫn chỉ đạo các huyện, thành phố, cơ sở thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng KVPT, đề nghị Nhà nước quan tâm tăng cường đầu tư ngân sách để xây dựng một số công trình quốc phòng trọng điểm cho các tỉnh miền núi, biên giới, trong đó có Lạng Sơn; có văn bản chỉ đạo các địa phương trong qui hoạch cần dành quỹ đất cho quốc phòng để từng bước xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, thao trường huấn luyện LLVT... Đề nghị Bộ Quốc phòng có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành ở Trung ương về nội dung cụ thể, trách nhiệm và các bước triển khai việc xây dựng KVPT, để các cơ quan này chỉ đạo, hướng dẫn theo ngành dọc, tạo sự thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.
 
Đại tá  Dương Hiền
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)