QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 22:57 (GMT+7)
Xây dựng khu kinh tế-quốc phòng – chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, một nhiệm vụ quan trọng của quân đội
Xây dựng khu kinh tế-quốc phòng trên các địa bàn chiến lược biên giới đất liền, biển đảo là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quân đội đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương liên quan triển khai thực hiện chủ trương trên từ năm 1998. Đến nay đã xây dựng được 19 khu kinh tế-quốc phòng với các quy mô khác nhau tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu là các địa bàn dọc biên giới đất liền; đồng thời cũng đang triển khai 3 dự án lấn biển thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mục tiêu cơ bản của việc xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng là nhằm phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa bàn chiến lược biên giới đất liền, biển đảo, trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch sản xuất, hình thành các làng xã biên giới, tạo vành đai biên giới vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Từ cơ sở lý luận, thực tiễn và nhất là những kết quả đạt được và ý nghĩa nhiều mặt, to lớn qua 8 năm thực hiện xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng càng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Thực chất của xây dựng khu kinh tế-quốc phòng là sự cụ thể hóa, quán triệt và vận dụng tư tưởng, quan điểm cơ bản của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế ở địa bàn chiến lược biên giới, biển đảo trong thời kỳ mới; đồng thời nó còn xuất phát từ tình hình thực tiễn của các địa bàn chiến lược này. Nước ta có khoảng 3000 km đường biên giới quốc gia và 3260 km chiều dài bờ biển. Phần lớn khu vực biên giới kinh tế, văn hóa, xã hội chậm phát triển, mật độ dân cư thưa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn và là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (khoảng 25%, có nơi tới 90% theo chuẩn mới quốc gia)...; nhưng đây lại là vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. ở một số khu vực trọng điểm, tình hình hiện đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc do sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Do đó, xây dựng địa bàn chiến lược biên giới, biển đảo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh tương xứng với tầm quan trọng của nó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài và cũng là yêu cầu khách quan trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Khẳng định tính đúng đắn của chủ trương trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu: “Tiếp tục phát triển các khu kinh tế-quốc phòng, xây dựng các khu quốc phòng-kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng-an ninh là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và các khu vực nhạy cảm trên tuyến biên giới đất liền, biển đảo". Đó cũng là định hướng chỉ đạo của Đảng về xây dựng khu kinh tế-quốc phòng, quốc phòng-kinh tế trong giai đoạn 2006 – 2010 và những năm tiếp theo.
Trong 8 năm thực hiện vừa qua, các khu kinh tế-quốc phòng được triển khai bằng nguồn vốn bảo đảm của Nhà nước thông qua các dự án kinh tế-quốc phòng, có sự gắn kết với một số chương trình quốc gia, trực tiếp là chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa theo Quyết định 135/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998, của Thủ tướng Chính phủ. Cũng tại Quyết định này, Chính phủ “giao Bộ Quốc phòng xây dựng các vùng kinh tế mới ở những nơi có điều kiện, đỡ đầu, đón nhận khoảng 100 nghìn hộ dân đến lập nghiệp ở những vùng đất còn hoang hóa, biên giới, hải đảo".
Đối với quân đội, đây là nhiệm vụ mới, quan trọng, nặng nề và khó khăn, nhưng đồng thời cũng là niềm vinh dự, tự hào mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Tiến quân vào “mặt trận mới” - xây dựng khu kinh tế-quốc phòng- một lần nữa, quân đội với chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất lại tiếp tục khẳng định, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của một quân đội của dân, do dân, vì dân trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước; tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, kết hợp bảo đảm quốc phòng-an ninh, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn chiến lược biên giới đất liền, biển đảo.
Để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo quân đội triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này đúng quan điểm, chủ trương, định hướng, đạt hiệu quả cao, Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra Nghị quyết 150/ ĐUQSTƯ (năm 1998) và Nghị quyết 71/ ĐUQSTƯ (năm 2002); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị 24/2004/CT-BQP “về việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng trong tình hình mới”. Quán triệt, chấp hành các nghị quyết, chỉ thị trên, quân đội đã triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, theo hướng: cơ bản, từng bước vững chắc, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn và khả năng thực tế của quân đội (trong đó có việc bảo đảm vốn đầu tư của Nhà nước). Quân đội một mặt khẩn trương tiến hành khảo sát, đánh giá địa bàn biên giới đất liền, biển đảo, xác định những khu vực trọng điểm, nhạy cảm về quốc phòng-an ninh, khó khăn về kinh tế-xã hội, trên cơ sở đó phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể các khu kinh tế-quốc phòng để trình Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, không thụ động chờ có vốn đầu tư của Nhà nước cho các dự án mới triển khai, Bộ Quốc phòng đã chủ động chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho một số binh đoàn và quân khu có khả năng triển khai lực lượng ở những địa bàn trọng điểm, trống dân, thưa dân, nhạy cảm về vấn đề dân tộc, tôn giáo, khó khăn, phức tạp về quốc phòng-an ninh như khu vực Mo Ray (Kon Tum), IGrai (Gia Lai), Đắc Lắc, Bình Phước, huyện Mường Tè (Lai Châu), Khe Sanh (Quảng Trị), Bắc Hải Sơn (Quảng Ninh), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Alưới (Thừa Thiên-Huế). Cùng với đó, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập những Đoàn kinh tế-quốc phòng với quy mô phù hợp để thực hiện các dự án khu kinh tế-quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 3 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 227/2000/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể gồm 12 khu kinh tế-quốc phòng và đầu tháng 3 năm 2002, ban hành tiếp Quyết định  43/2002/ QĐ-TTg bổ sung thêm một số khu kinh tế-quốc phòng và mở rộng 2 khu kinh tế-quốc phòng đã có. Ngoài ra, cũng bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Quân đội còn triển khai 3 dự án lấn biển: Bình Minh 3, Cồn Vành, Cồn Xanh (Quân khu 3) nhằm mục tiêu dãn dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và kết hợp tăng cường thế trận phòng thủ bờ biển.
Triển khai nhiệm vụ trên, Bộ Quốc phòng giao cho cơ quan đầu mối trực thuộc: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Cục Kinh tế chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế, chính sách..., đối với các Đoàn kinh tế-quốc phòng. Qua đó, nhằm bảo đảm cho các Đoàn kinh tế-quốc phòng đủ sức thực hiện dự án kinh tế- quốc phòng, đạt được mục tiêu kinh tế-xã hội đã xác định, từng bước chuyển sang hạch toán, tránh để Nhà nước phải bao cấp kéo dài, đồng thời đạt được mục tiêu về quốc phòng-an ninh, mà trực tiếp là tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, có lực lượng cơ động xử trí tình huống trong thời bình và sẵn sàng mở rộng lực lượng theo tổ chức biên chế thời chiến khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một đơn vị quân đội khi đất nước có chiến tranh xâm lược. Như vậy có thể thấy, Đoàn kinh tế-quốc phòng là mô hình tổ chức đặc thù của quân đội, cùng lúc thực hiện ba chức năng: chiến đấu, công tác và lao động sản xuất. Ba chức năng này đều là cơ bản và quan trọng đối với các Đoàn kinh tế-quốc phòng, không thể xem nhẹ chức năng nào, nó luôn hòa quyện vào nhau, hỗ trợ cho nhau để đạt mục tiêu kinh tế và quốc phòng. Đương nhiên, tùy tình hình cụ thể, thời điểm cụ thể và đặc điểm, tính chất địa bàn hoạt động mà việc thực hiện theo từng  chức năng của các Đoàn kinh tế-quốc phòng được thể hiện với mức độ khác nhau, nhưng xét ở phạm vi chung thì chức năng công tác và lao động sản xuất nổi lên thường xuyên và phổ biến hơn. Tương tự như vậy là mục tiêu. Mục tiêu cơ bản đối với các khu kinh tế-quốc phòng là phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn, trực tiếp là trong vùng dự án. Hai mục tiêu này luôn hòa quyện vào nhau trong quá trình triển khai dự án, nhưng cũng tùy tình hình cụ thể, thời điểm và đặc điểm địa bàn mà xác định mục tiêu nào là chủ yếu, mục tiêu nào là kết hợp. Quan điểm chung là, các khu kinh tế-quốc phòng thuộc địa bàn từ Quân khu 5 trở vào phía Nam thông qua việc trực tiếp tổ chức sản xuất để xoá đói giảm nghèo và xây dựng thế trận QPTD; các địa bàn từ Quân khu 4 trở ra phía Bắc lấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với tổ chức lại dân cư, giúp dân phát triển sản xuất, từ đó xây dựng thế trận quốc phòng.
Dự án kinh tế-quốc phòng là dự án tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, triển khai trên phạm vi rộng, trong điều kiện có nhiều khó khăn về địa hình, dân cư, đất đai, cơ sở hạ tầng..., tình hình an ninh, chính trị phức tạp. Do đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cho các binh đoàn, quân khu, đoàn kinh tế- quốc phòng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải chú trọng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nắm chắc tình hình địa bàn, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành mục tiêu đã xác định. Trong đó, vấn đề quan trọng là có giải pháp phù hợp, tập trung thực hiện đồng bộ các nội dung chủ yếu sau: xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với bố trí lại dân cư; tổ chức khuyến nông, khuyến lâm và tổ chức sản xuất ở những nơi có điều kiện để từng bước tạo nên nền sản xuất hàng hóa; đưa văn hóa, y tế về thôn bản, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn biên giới, biển đảo.
Trải qua 8 năm xây dựng khu kinh tế-quốc phòng trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, nhất là vốn đầu tư quá thấp so với nhu cầu (nhu cầu khoảng 400 tỷ đồng/năm, trong khi Nhà nước chỉ bố trí được 160-170 tỷ đồng/năm), nhưng quân đội, trực tiếp là các đoàn kinh tế-quốc phòng đã phát huy cao độ bản chất, truyền thống của một quân đội anh hùng, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp nên đã đạt được những thành tựu đáng mừng, có ý nghĩa cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược biên giới, đất liền, biển đảo của Tổ quốc.
 
Đại tá, ThS. Nguyễn Mạnh Hùng
 

Ý kiến bạn đọc (0)