QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:25 (GMT+7)
Xây dựng khu kinh tế-quốc phòng trên các địa bàn chiến lược - những khó khăn, thách thức và kết quả bước đầu
“Đề án Tổng thể quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng các khu quốc phòng- an ninh (QP-AN) trên các địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển”- gọi tắt là khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP), được Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng làm chủ quản đầu tư, dự kiến thực hiện trong 12 năm. Đây là vinh dự to lớn của quân đội ta được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó trong thời kỳ mới; đồng thời là trọng trách nặng nề, khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện dự  án. Ngoài những khó khăn gay gắt về điều kiện địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, KT-XH chậm phát triển, tình hình phức tạp về QP-AN của vùng dự án, quá trình triển khai thực hiện dự án gặp không ít những trở ngại, vướng mắc phải tháo gỡ. Đó là, dự án mang tính tổng hợp với đa ngành, thuộc nhiều lĩnh vực, triển khai trên phạm vi rộng lớn ở các địa bàn rất khó khăn, trong khi chúng ta còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Hệ thống văn bản pháp qui về xây dựng khu KT-QP và qui chế hoạt động của các Đoàn KT-QP chưa được ban hành đồng bộ; vốn đầu tư cho dự án hằng năm chỉ đạt xấp xỉ 30% so với kế hoạch; việc triển khai thực hiện giao đất, giao rừng vùng dự án của một số địa phương cho các Đoàn KT-QP gặp nhiều vướng mắc, không bảo đảm tiến độ thời gian; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương thực hiện di dời nhà cửa, bố trí lại dân cư theo kế hoạch phát triển vùng dự án là điều không đơn giản, càng không phải “một sáng, một chiều”. Đó là chưa kể đến những khó khăn của một đơn vị mới thành lập, nhất là về tổ chức nhân sự, tâm tư, tình cảm của một số cán bộ, chiến sĩ được điều chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP, thời gian chuẩn bị triển khai thực hiện ngắn, một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm trong công tác chỉ huy, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ mới... 

Nhận rõ tầm quan trọng, trách nhiệm về xây dựng khu KT-QP, các đơn vị trong toàn quân, trực tiếp là các Đoàn KT-QP (Bộ Quốc phòng thành lập 19 Đoàn KT-QP để làm lực lượng nòng cốt xây dựng 19 khu KT-QP) đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, triển khai cơ động lực lượng vào vị trí đứng chân trong các khu KT-QP. Hình ảnh người chiến sĩ "lưng mang ba lô, khẩu súng quàng vai" băng rừng, trèo đèo, lội suối trên đường hành quân ra trận thời kỳ chiến tranh lại tái hiện với cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KT-QP của những ngày đầu tiến quân vào mặt trận "khai sơn, phá thạch" trên các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới. 

Từ tổng kết kinh nghiệm mô hình khu KT-QP trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và xuất phát từ mục tiêu của dự án, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với các quân khu, binh đoàn kinh tế, các địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển các khu KT-QP theo "lộ trình", được phân kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn, khả năng vốn đầu tư. Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của các Đoàn KT-QP là tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với bố trí lại dân cư; phát triển sản xuất; đưa văn hóa, y tế về thôn bản, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ địa bàn.  
 Tuy nhiên, do tình hình một số vùng dự án rất phức tạp về an ninh chính trị, nhất là ở Tây Bắc, Tây Nguyên, nên giai đoạn đầu các Đoàn KT-QP đặt nhiệm vụ trọng tâm vào công tác dân vận. Tùy điều kiện cụ thể từng vùng dự án, các Đoàn KT-QP đã có nhiều hình thức, nội dung phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực, trước hết là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống phát thanh, truyền hình phục vụ nhân dân và bộ đội, qua đó tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực hiện các nội dung về khuyến nông, khuyến lâm cho đồng bào. Đồng thời, triển khai xây dựng các trạm xá quân- dân y kết hợp để khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân; một số bệnh viện quân y tuyến chiến lược như 108, 175; các bệnh viện tuyến chiến dịch trên từng địa bàn đã cử các đoàn “cán bộ thầy thuốc” đến các khu KT-QP hỗ trợ khám bệnh, phát thuốc, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thực hiện nếp sống vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Riêng khu KT- QP Mường Tè (nay thuộc tỉnh Điện Biên), nhiều xã vùng sâu, hẻo lánh như Mường Toong, Mường Nhé, chưa có đường giao thông, Bộ Quốc phòng đã sử dụng 41 chuyến máy bay trực thăng để chở trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, thiết bị thu sóng truyền hình, muối ăn, giúp đỡ đồng bào trong vùng dự án... Không những thế, các Đoàn KT-QP đã chủ động phối hợp, kết hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở địa phương. Các tổ, đội công tác đã trực tiếp đến các cơ sở tham gia củng cố, xây dựng được 112 đảng bộ, chi bộ xã, 44 uỷ ban nhân dân, 25 ban công an, 21 ban quân sự, 282 tổ chức đoàn thanh niên, 258 hội phụ nữ, 9 hội cựu chiến binh, 52 hội nông dân; xây dựng và duy trì hoạt động có nền nếp 2.169 tổ an ninh nhân dân, 267 tổ hoà giải…Nhờ đa dạng hoá nội dung, hình thức công tác vận quần chúng, đưa văn hoá về thôn bản, đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng dự án từng bước được nâng lên rõ nét, lòng tin của nhân dân các dân tộc vào Đảng, Nhà nước được tăng cường; mối quan hệ “cá - nước” giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương với các Đoàn KT-QP ngày càng gắn bó bền chặt; tình hình chính trị, xã hội, QP-AN trong vùng dự án tương đối ổn định.     
Khi hệ thống chính trị- xã hội được xây dựng và củng cố, “thế trận lòng dân” đã vững, các Đoàn KT-QP tiến hành đồng bộ các nội dung theo mục tiêu, kế hoạch được xác định. Mặc dù nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, nhưng Bộ Quốc phòng đã có nhiều giải pháp tích cực, huy động tối đa các nguồn vốn và cơ chế đầu tư, thực hiện thứ tự ưu tiên đối với những dự án, công trình vùng xung yếu, vùng trọng điểm. Nhờ vậy, các mục tiêu quan trọng, các hạng mục cấp thiết của dự án đã được lựa chọn để thực hiện đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được xác định ưu tiên hàng đầu, nhất là xây dựng đường giao thông, trường học, trạm xá, chợ, công trình thuỷ lợi, thủy điện, điện năng... Đến nay, các khu KT-QP đã xây dựng được 707 km đường giao thông, 32 nhà bệnh xá quân, dân y kết hợp với tổng diện 14.677 m2, 21 lớp học với diện tích 8.682 m2, 28 nhà trẻ mẫu giáo với diện tích 8.682 m2, 4 công trình thuỷ điện, 92 km đường điện, 6 trạm thủy điện, 53 công trình thủy lợi vừa và nhỏ để phục vụ sản xuất, 30 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trên 1.000m2 nhà chợ, 20 trạm, trại sản xuất cây giống, con giống phục vụ cho chương trình khuyến nông, khuyến lâm. Kết quả quan trọng đó không những tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc qui hoạch, bố trí lại dân cư địa phương và nhân dân từ nơi khác đến lập nghiệp theo kế hoạch phát triển vùng dự án, hình thành những làng, xã, thị trấn, thị tứ trên vành đai biên giới, nhất là trong  các làng, bản của đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa Tổ quốc. 
Có thể nói, phát triển sản xuất kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn chiến lược được coi là nhiệm vụ trung tâm quan trọng thường xuyên và lâu dài của khu KT-QP được triển khai tương đối đồng bộ. Các Đoàn KT-QP đã tổ chức khai hoang, khai thác tiềm năng đất đai, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước chuyển dần sang nền kinh tế hàng hóa, chủ yếu tập trung phát triển các loại cây công nghiệp, cây đặc sản, sản phẩm từ chăn nuôi và sản phẩm rừng. Riêng khu vực Tây Nguyên và những địa bàn có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, các khu KT-QP đã tập trung đầu tư vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu và cây lương thực, nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho các gia đình vùng dự án từ kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình. Tại các khu KT-QP trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, khu KT-QP Quảng Sơn- Đắc Lắc (Binh đoàn 12) đã khai hoang trồng được 26.030 ha cao su (trong đó có 20.100 ha đang thời kỳ kinh doanh, cho sản phẩm), 3.850 ha cà phê, 14.786 ha điều cao sản, 34 ha ca cao, 32 ha hồ tiêu, gần 200 ha lúa nước... Lợi nhuận thu được hằng năm tại khu vực này đạt hơn 15 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 17.000 lao động, trong đó có khoảng 5.500 lao động là người dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên. Đi đôi với phát triển sản xuất, các Đoàn KT-QP thường xuyên chăm lo xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân theo phương án, nhiệm vụ bảo vệ vùng dự án, góp phần bảo vệ vững chắc khu vực biên giới trên các địa bàn chiến lược xung yếu của Tổ quốc. Các khu KT-QP không trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung đã góp phần tích cực vào phát triển sản xuất trong khu vực dự án bằng nhiều hình thức phù hợp. Đã giúp đỡ nhân dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, xây dựng ruộng lúa nước, gây dựng đồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm... Thông qua đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có những kiến thức mới về phát triển  sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, đưa lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện.
Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là qui hoạch ổn định dân cư được triển khai thực hiện theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31-7-1998 của Chính phủ: “Quân đội đỡ đầu, đón nhận 100.000 hộ dân tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa”. Đến nay, tại các khu KT-QP và 3 khu lấn biển đã đỡ đầu, đón nhận 81.342 hộ dân đến sinh cơ, lập nghiệp; trong đó, sắp xếp ổn định giúp dân xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho 42.686 hộ dân trong vùng dự án (có 7.150 hộ đồng bào dân tộc địa phương); đón nhận 38.656 hộ vào lập nghiệp trong các khu KT-QP. Tuy nhiên, do điều kiện cụ thể của vùng dự án, nên hình thức và qui mô tổ chức thực hiện không giống nhau. Tại các khu KT-QP của Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Binh đoàn 12 trên địa bàn Tây Nguyên và Nam Đắc Lắc-Bình Phước, đã đón nhận 31.781 hộ đồng bào dân tộc địa phương vào nhận khoán sản xuất hoặc sắp xếp ổn định dân cư trong các khu KT-QP. Đồng thời, tổ chức đón nhận, tạo việc làm cho hơn 10.000 hộ dân và hàng ngàn lực lượng lao động từ các địa phương Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Tây, Thanh Hóa, Bến Tre đến làm ăn, sinh sống trong các khu KT-QP. Các khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược phía Bắc thực hiện lồng ghép giữa kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng với tổ chức lại dân cư, hình thành những cụm làng bản trong vùng dự án. Một số khu KT-QP trên những địa bàn trọng điểm về QP-AN như Mường Chà (Điện Biên) đã xây dựng được 13 cụm bản điểm tại các xã đặc biệt khó khăn như Chà Nưa, Chà Cang, Nà Hỳ, Mường Toong, Mường Nhé, sắp xếp bố trí lại dân cư, vận động định canh, định cư để ổn định cuộc sống. Khu Bình Liêu- Quảng Hà- Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) ngoài việc bố trí lại dân cư địa phương đã đón nhận 350 hộ dân từ các tỉnh trong địa bàn Quân khu 3 lên lập nghiệp trong vùng Dự án...                 
Sau gần 8 năm triển khai xây dựng khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược biên giới, ven biển, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương, các địa phương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng được 19 khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược trên cả nước, tại những vị trí then chốt dọc tuyến biên giới đất liền, triển khai 3 dự án lấn biển để tạo điều kiện dãn dân vùng đồng bằng Bắc bộ kết hợp với tăng cường thế trận phòng thủ trên hướng biển. Các khu KT-QP và dự án lấn biển đã và đang phát huy hiệu quả toàn diện, trước hết là hiệu quả về KT-XH, QP-AN, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, dư luận xã hội đánh giá rất cao. Khu KT-QP đã thực sự là chỗ dựa tin cậy cho nhân dân yên tâm làm ăn sinh sống trên vùng biên cương, vùng sâu, vùng xa đất nước. Thông qua các mục tiêu dự án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được động lực mới trên các vùng kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm mạnh hằng năm; sắp xếp, bố trí lại cơ cấu dân cư, hình thành những thôn, bản, làng, xã, thị tứ, thị trấn và ngày càng khởi sắc trong các khu KT-QP trên vành đai biên giới; văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển vượt bậc; cơ sở chính trị được củng cố, lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân nơi “phên dậu” ngày càng được củng cố vững chắc...
Bên cạnh những kết quả quan trọng bước đầu, trong triển khai xây dựng khu KT-QP còn những vấn đề tồn tại, hạn chế, nhất là trong giải quyết vốn đầu tư và thực hiện các thủ tục về đầu tư, mô hình tổ chức khu KT-QP và qui chế hoạt động của các Đoàn KT-QP, vấn đề đất đai trong vùng dự án, tổ chức ổn định cuộc sống cho nhân dân và đồng bào dân tộc tại chỗ... Quan tâm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trên sẽ tạo thêm động lực mới đẩy mạnh xây dựng khu KT-QP trong thời gian tới.
 
Đại tá Hồ Quốc Toản  
 
(Kỳ sau: Một số giải pháp cơ bản đẩy mạnh xây dựng khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược xung yếu).
 
 

Ý kiến bạn đọc (0)