QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 00:19 (GMT+7)
Xây dựng, hoạt động của dân quân, tự vệ biển - thực trạng và giải pháp
LTS: Những năm vừa qua, công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của lực lượng dân quân, tự vệ biển được triển khai toàn diện và đã đạt được kết quả nhất định, nhưng cũng còn không ít khó khăn, bất cập, nhiều vấn đề bức xúc đặt ra cần giải quyết. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quan trọng này, Tạp chí Quốc phòng toàn dân giới thiệu bài "Xây dựng, hoạt động của dân quân, tự vệ biển - thực trạng và giải pháp" trong số 9 và số 10-2007, cùng bạn đọc nghiên cứu, trao đổi.

Nước ta có bờ biển dài hơn 3.260km, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2 với gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biển nước ta chứa đựng nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú với trữ lượng lớn, nguồn lợi hải sản đa dạng. Đó còn là nơi hội tụ nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Với tính chất, đặc điểm đó, vùng biển nước ta có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng-an ninh (QP-AN). Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vấn đề nổi lên đáng quan tâm là, Biển Đông hiện đang tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định; cuộc đấu tranh trên biển không ngừng diễn ra trên nhiều lĩnh vực với mức độ ngày càng gia tăng, nhất là sự tranh chấp chủ quyền vùng biển, đảo và hiện tượng tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển nước ta với những mục đích khác nhau như: đánh bắt hải sản, thăm dò địa chất, trinh sát quân sự... Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kết hợp với bảo đảm QP-AN trên biển là chủ trương đúng đắn mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) vững mạnh, trong đó có lực lượng dân quân, tự vệ biển (DQTVB) để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc vừa là yêu cầu cơ bản, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết hiện nay.

DQTVB là thành phần quan trọng của lực lượng DQTV, là một lực lượng nòng cốt của thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương ven biển và các bộ, ngành liên quan, công tác xây dựng lực lượng DQTVB đã đạt được kết quả nhất định. Nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Nước ta có 28/64 tỉnh (thành phố) ven biển; theo thống kê, hiện nay tổng số lao động trên biển ở độ tuổi từ 18 đến 46 là hơn 423.500 người, hoạt động theo 3 ngành nghề cơ bản là: nuôi, trồng thủy, hải sản; hoạt động khai thác, đánh bắt và vận tải biển. Tổng số phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên biển khoảng trên 66.800 chiếc, trong đó tàu, thuyền của ngư dân có tổ chức lực lượng DQTVB chiếm tỷ lệ khoảng 3,3%. Có 27 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trên biển (chưa kể các doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành Trung ương); 706 doanh nghiệp ngoài quốc doanh; 113 hợp tác xã; 80.897 hộ gia đình, dòng họ. Đối với thành phần kinh tế tư nhân, việc tổ chức khai thác, đánh bắt hải sản chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, lấy hộ gia đình là cơ bản; khi hoạt động trên biển, các hộ thường liên kết tổ chức đội tàu từ 2 đến 4 chiếc để tiện hỗ trợ nhau. Đáng chú ý là, hiện tượng mua, bán tàu, đổi chủ diễn ra thường xuyên, theo đó, số DQTVB trên tàu cũng tự động giải tán, nhưng cơ quan quân sự các cấp không nắm được hoặc nắm không kịp thời. Ví dụ: trên địa bàn tỉnh Nam Định trong năm 2005, 2006 có 38 tàu được chuyển nhượng. Khối doanh nghiệp Nhà nước cũng có sự biến động mạnh, do quá trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp.
Tổ chức của Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn ven biển thường xuyên được kiện toàn theo quy định của Pháp lệnh DQTV, nhưng việc tổ chức xây dựng lực lượng DQTVB ở một số địa phương chưa tốt, còn mang tính hình thức. Qua khảo sát, lực lượng DQTVB đạt tỷ lệ khoảng 2,7% so với số lao động hoạt động trên biển (nếu so với dân số thì tỷ lệ chưa đạt 1%); tỷ lệ đảng viên chiếm khoảng 9,1%, đoàn viên 40,5%. Điều cần quan tâm là, tỷ lệ đảng viên trong DQTVB có sự chênh lệch, không đồng đều giữa các địa phương. Một số đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre... có tỷ lệ đảng viên rất thấp hoặc không có đảng viên. Tỷ lệ phương tiện tàu, thuyền có tổ chức DQTVB so với tổng số phương tiện hoạt động trên biển mới đạt khoảng 3,04%. Do điều kiện kinh tế nên hiện nay, số tàu, thuyền tổ chức đánh bắt hải sản giữa các tuyến có sự chênh lệch, số tàu đánh bắt ở tuyến xa bờ còn ít. Việc tổ chức biên chế, sử dụng vũ khí, trang bị, được các đơn vị chấp hành theo quy định chung. Đáng lưu ý là, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu, thuyền còn lạc hậu và thiếu đồng bộ.
Công tác bảo đảm quân số huấn luyện cũng gặp không ít khó khăn, do thời gian đi biển giữa các tuyến có sự khác nhau. Thông thường ngư dân khi đánh bắt ở tuyến bờ, có thời gian hoạt động trên biển từ 2 đến 3 ngày; tuyến lộng từ 15 đến 25 ngày; tuyến khơi thường từ 2 đến 3 tháng, thậm chí đến 6 tháng mới trở về đất liền. Nhiều địa phương đã nghiên cứu, sắp xếp thời gian tổ chức huấn luyện lệch với mùa vụ đánh bắt hải sản, nhưng việc bảo đảm quân số hằng năm vẫn chưa đạt quy định; nhất là đối với các đơn vị DQTVB trong các tổ chức kinh tế tư nhân.
Trong công tác giáo dục chính trị-pháp luật và huấn luyện quân sự, các địa phương đã tập trung trước hết vào công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ. Vì vậy, chất lượng cán bộ không ngừng được nâng cao. Hầu hết cán bộ đều hiểu và nắm được nội dung cơ bản về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; phương châm, nguyên tắc xây dựng lực lượng DQTVB; có trình độ kỹ thuật, chiến thuật, phương pháp tổ chức, huấn luyện, chỉ huy đáp ứng yêu cầu. Những năm gần đây, kết quả kiểm tra cán bộ 100% đạt yêu cầu, trong đó từ 70% đến 85% khá, giỏi.
Trong huấn luyện phân đội, các địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện đủ nội dung, chương trình, thời gian theo quy định. Đã tập trung giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức cho DQTVB về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên hướng biển và cách phòng, chống; Luật Hàng hải Việt Nam và Luật Biển quốc tế; luyện tập các bài bắn mục tiêu trên không và mặt nước; tổ chức hoạt động chiến đấu trị an trên biển... Phương pháp huấn luyện bước đầu có sự đổi mới, nhiều địa phương đã phối hợp với bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, đơn vị Hải quân trên địa bàn, tổ chức huấn luyện, diễn tập theo cụm xã tuyến biển. Trong huấn luyện đã đi sâu vào thực hành, sát với nhiệm vụ, chức năng và đặc điểm địa bàn.
Do đặc điểm hoạt động trên biển nên công tác huấn luyện đối với lực lượng DQTVB tốn kém và phức tạp, nhất là với những nội dung thực hành, có sử dụng đến tàu, thuyền, đòi hỏi kinh phí bảo đảm và lượng xăng dầu không nhỏ... Vì vậy, không ít đơn vị chỉ tổ chức lên lớp trong hội trường và huấn luyện thực hành ở ven mép nước; số đơn vị huấn luyện, diễn tập xa bờ, trong điều kiện thời tiết phức tạp thường phải có sự hỗ trợ của cấp trên; số DQTVB được tham gia bắn đạn thật mới đạt khoảng 5,4%. Công tác bảo đảm vật chất huấn luyện theo Quyết định 3306/ QĐ-BQP ngày 16-12-2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định “Danh mục định mức vật chất bảo đảm huấn luyện" còn thiếu chủng loại, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Ví dụ: theo quy định đối với lớp học (trung đội) được trang bị 01 chiếc bảng đen; 10 quả lựu đạn gang; 01 chiếc mỏ neo; 350kg dầu máy/năm..., nhưng qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị chưa bảo đảm đủ.
Trong hoạt động sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trị an, nhiều đơn vị DQTVB đã thực hiện có hiệu quả trên cả 3 tuyến: tuyến bờ, tuyến lộng, tuyến khơi. Lực lượng tự vệ biển trong các doanh nghiệp Nhà nước đã thực sự phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia ngăn chặn, bắt giữ nhiều tàu, thuyền nước ngoài hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản trái phép, bảo vệ trật tự, trị an và chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. DQTVB còn tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ, cứu nạn, cứu hộ... Tuy nhiên, công tác phối hợp, hiệp đồng trong quá trình hoạt động giữa DQTVB với các lực lượng chức năng như: Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân,... chưa chặt chẽ. Theo quy định, những tàu, thuyền khi phát hiện các vấn đề về QP-AN trên biển sẽ thông báo cho Ban Chỉ huy Quân sự hoặc đồn biên phòng gần nhất. Hệ thống đài canh của bộ đội Hải quân, Biên phòng đã hỗ trợ đắc lực việc thu, nhận, xử lý thông tin của DQTVB. Mặc dù vậy, việc duy trì thông tin, liên lạc, phối hợp nắm tin, xử lý thông tin với DQTVB khi có tình huống vẫn còn khó khăn, bất cập; nhiều tàu, thuyền chưa báo cáo kịp thời. Thường là Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn phải nắm tình hình sau khi tàu, thuyền của ngư dân đã trở về đất liền.
Hiện nay, kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huấn luyện và hoạt động của DQTVB hằng năm bao gồm ngân sách do Nhà nước cấp và nguồn ngân sách do địa phương, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế bảo đảm. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì còn hạn hẹp, chủ yếu dành chi trả ngày công huấn luyện và trực chiến; hơn nữa, chế độ bảo đảm còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Chẳng hạn, mức chi trả ngày công huấn luyện, trực chiến cho DQTVB ở Thanh Hóa là 15.000đ; Nam Định: 14.000đ, trong khi đó, ở Quảng Ngãi là 28.500đ, Khánh Hòa: 36.000đ, Huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh): 25.000đ, Trà Vinh: 29.000đ, Bạc Liêu: 28.500đ... Việc bảo đảm chế độ, chính sách cho hoạt động của ngư dân khi tham gia bảo vệ trật tự, trị an trên biển cũng còn bất cập; chưa có chính sách, chế tài quy định gắn trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như khuyến khích, động viên ngư dân tham gia bảo vệ trật tự, trị an, chủ quyền biển, đảo. Ví dụ: chưa thống nhất việc đền bù xăng, dầu cho ngư dân và DQTVB khi tham gia ngăn chặn, xua đuổi tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền của Tổ quốc...
Thực trạng trên cho thấy công tác xây dựng lực lượng, tổ chức hoạt động của DQTVB đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Nổi lên là, một bộ phận cán bộ các cấp, các ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của biển và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng DQTVB trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Do đó, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng DQTVB. Công tác xây dựng lực lượng ở các địa phương chưa đều, chưa rộng khắp, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân. Công tác phối hợp hoạt động giữa DQTVB với các lực lượng chức năng hoạt động trên biển chưa chặt chẽ; trang bị chưa đồng bộ, hiện đại. Trong khi đó, chế độ, chính sách hiện nay cũng có điểm còn chưa phù hợp. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với những hiện tượng không thực hiện tốt các quy định về tổ chức, xây dựng lực lượng DQTVB còn nhẹ, vận dụng đạt hiệu quả chưa cao.
Đại tá, ThS. Nguyễn Mạnh Dũng
 

Ý kiến bạn đọc (0)