QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 22:21 (GMT+7)
Xây dựng, hoạt động của dân quân, tự vệ biển - thực trạng và giải pháp (tiếp theo số tháng 9)

Thực trạng và những vấn đề đặt ra đòi hỏi: để nâng cao hiệu quả xây dựng và hoạt động của DQTVB cần có sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp với một hệ thống giải pháp đồng bộ. Theo chúng tôi, trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, cơ sở đối với công tác xây dựng lực lượng DQTVB. Thực tiễn đã khẳng định, đây là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng và hoạt động của DQTV nói chung và DQTVB nói riêng. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 16 /CT-TW ngày 05-12-2002 của Ban chấp hành Trung ương (khoá IX) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới". Đây là dịp tốt để rút kinh nghiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng DQTVB. Về nguyên tắc, lực lượng DQTVB đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương và sự chỉ đạo về quân sự của cơ quan quân sự cấp trên. Do vậy, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng là vấn đề vừa có tính nguyên tắc, vừa là đòi hỏi thực tiễn của công tác tổ chức xây dựng và hoạt động của lực lượng DQTVB. Muốn thế, trước hết phải tập trung nâng cao chất lượng chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn. Đối với các địa phương có tỷ lệ đảng viên trong DQTVB thấp, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển đảng. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với DQTVB, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành theo pháp luật, các cơ quan ban, ngành làm tham mưu theo chức năng, cơ quan quân sự, công an làm trung tâm hiệp đồng...”. Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành cơ quan quân sự, tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động của DQTVB, chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, nhất là sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức kinh tế trên địa bàn; gắn xây dựng DQTVB với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Quá trình tuyển chọn DQTVB phải chú trọng phát triển lực lượng ở các tổ (đội) đoàn kết, dòng họ, hộ cá thể hoạt động trên biển; nên chọn những tàu, thuyền có ít nhất 1/2 số lao động đủ tiêu chuẩn về chính trị, ưu tiên những tàu, thuyền có đảng viên, đoàn viên, quân nhân phục viên, xuất ngũ. Các bộ, ngành Trung ương như Bộ Thủy sản, Bộ Giao thông- Vận tải, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... cần tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng công tác xây dựng lực lượng tự vệ biển (TVB), từ đó xác định phương hướng, xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể, sát hợp với từng ngành, nhằm củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp của TVB; trước hết là xây dựng, củng cố lực lượng ở những doanh nghiệp hiện có tổ chức DQTV; đồng thời, tiếp tục phát triển ở những doanh nghiệp đủ điều kiện.
 Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp, các ngành cần tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" và Chỉ thị số 04/CT-BQP, ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Bộ Quốc phòng "Về việc tăng cường chỉ đạo xây dựng lực lượng DQTV hoạt động trên biển". Trong đó, tập trung giáo dục cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ những kiến thức về biển và ý thức bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền đối với vùng biển của Tổ quốc. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng DQTVB trong tình hình hiện nay; thấy rõ lực lượng DQTVB là nền tảng, cơ sở để thực hiện chiến tranh nhân dân trên biển, đảo; trong thời bình thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ trật tự trị an vùng ven bờ và biển gần bờ, nhất là nhiệm vụ phát hiện, báo cáo tình hình trên biển.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn và Ban chỉ huy Quân sự bộ, ngành.
Cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn ven biển và Ban chỉ huy Quân sự của các bộ, ngành có lực lượng hoạt động trên biển giữ vai trò quan trọng trong tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động của DQTVB. Trên cơ sở quy định của Pháp lệnh DQTV, cơ quan quân sự phải cụ thể hóa nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 34/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng "Về đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn", phấn đấu 100% Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn được đào tạo theo chương trình chuẩn quốc gia. Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ huy Quân sự bộ, ngành và xã, phường, thị trấn, đủ về số lượng, có chất lượng ngày càng cao, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Từng bước nâng cao tỷ lệ xã đội trưởng là thành viên cấp uỷ ở cơ sở. Cơ quan quân sự phải chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về chủ trương, biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, trực tiếp tổ chức, thực hiện các biện pháp xây dựng lực lượng DQTVB. Thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình quân số, phương tiện tàu, thuyền; rà soát, đăng ký, quản lý công dân đủ tiêu chuẩn để tuyển chọn và sẵn sàng mở rộng lực lượng khi cần thiết. Xây dựng lực lượng DQTVB phù hợp với đặc điểm địa bàn, điều kiện kinh tế và yêu cầu về QP-AN ở địa phương. Đối với các xã đảo, tổ chức lực lượng DQTVB không theo tỷ lệ dân số; có thể huy động tối đa lực lượng theo hướng mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ đảo. Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nếu có đủ điều kiện phải triển khai thành lập lực lượng TVB theo quy định của Pháp lệnh. Những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thì chủ doanh nghiệp phải tạo thuận lợi để công dân trong độ tuổi quy định tham gia trong các đơn vị DQTVB ở địa phương, cơ sở, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh, ngư trường đánh bắt.
Ba là, đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục chính trị, pháp luật huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu.
Theo quy định, thời gian tập trung lên lớp giáo dục chính trị, pháp luật cho DQTVB là 2 ngày (14 giờ). Do vậy, ngoài thời gian giáo dục tập trung, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, giáo dục định kỳ thông qua các đợt sinh hoạt chính trị. Nội dung giáo dục cần được đổi mới theo hướng tập trung nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, kiến thức về luật pháp, chủ quyền pháp lý vùng biển Việt Nam, Luật biển Quốc tế; về sự kết hợp giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN trên biển... Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn phải gắn với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở địa phương, cơ sở, nhất là những tác động của nền kinh tế thị trường đến tư tưởng, tình cảm, ý thức chính trị của mỗi cán bộ, chiến sĩ DQTVB. Qua đó, xây dựng niềm tin, trách nhiệm của mỗi người đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tiếp tục đổi mới công tác huấn luyện, thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”; lấy đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ là khâu then chốt. Các trường Quân sự tỉnh nên tổ chức lớp bồi dưỡng riêng cho cán bộ DQTVB. Huấn luyện phân đội phải bảo đảm đủ thời gian (10 ngày) theo quy định; tập trung nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu và phương pháp hoạt động bảo đảm trật tự, trị an trên biển. Mặt khác, cần hoàn chỉnh việc biên soạn tài liệu huấn luyện DQTVB; trong đó, chú trọng bổ sung nội dung huấn luyện cứu nạn, cứu hộ. Trước khó khăn về giáo viên chuyên ngành, các địa phương cần chủ động phối hợp với các đơn vị Hải quân, bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đứng chân trên địa bàn giúp đỡ huấn luyện quân sự, phổ biến kiến thức về biển, luật biển. Để bảo đảm quân số tập trung huấn luyện đầy đủ, đúng kế hoạch, cơ quan quân sự phải chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện và thông báo thời gian từ đầu năm; đồng thời, vận dụng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo. Thời điểm tập trung huấn luyện cần phải tính toán lệch với mùa vụ đánh bắt hải sản, hoặc tranh thủ khi tàu cập bến sửa chữa, bảo dưỡng... Cùng với đó, cần coi trọng các biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện như: tổ chức hội thao, hội thi, thanh tra, kiểm tra,... Mỗi bộ, ngành Trung ương có lực lượng TVB và mỗi quân khu, tỉnh, huyện ven biển nên chọn một đơn vị DQTVB để tổ chức xây dựng điểm, rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng. Thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DQTVB phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng ý thức chính trị, tinh thần tự giác, tính chủ động, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ với việc áp dụng các quy định của pháp luật, pháp lệnh, các biện pháp hành chính buộc mọi người phải chấp hành.
Bốn là, thực hiện tốt công tác bảo đảm chế độ, chính sách đối với DQTVB. Trước tình hình vùng biển, đảo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động của các lực lượng QP-AN trên biển liên quan đến nhiều vấn đề và rất nhạy cảm, việc biên chế vũ khí, trang bị cho DQTVB cần phải cân nhắc kỹ. Trước mắt, các địa phương, đơn vị cần thống nhất nhận thức, thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 636/TM, ngày 25 tháng 6 năm 2001 của Tổng Tham mưu trưởng "Về thực hiện quy định hoạt động của lực lượng DQTV trên biển".
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách ưu tiên hợp lý đối với doanh nghiệp, ngư dân tham gia DQTVB, như: giảm thuế tài nguyên, cho vay vốn dài hạn với lãi suất hợp lý để đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu, thuyền. Quy định kinh phí bảo đảm cho hoạt động của DQTVB trong các doanh nghiệp hoạt động trên biển, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Có chế tài quy định tàu, thuyền tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền vùng biển và các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường... Trước thực trạng máy thông tin liên lạc trên các tàu, thuyền (do chủ tàu mua sắm), gồm nhiều chủng loại, không đồng bộ, lạc hậu, cần đẩy nhanh việc xây dựng đề án bảo đảm thông tin liên lạc giữa các lực lượng chức năng hoạt động trên biển. Trong đó, coi trọng việc trang bị máy thông tin cho cơ quan quân sự huyện ven biển, đồn biên phòng, xây dựng các trạm thông tin trung gian... đáp ứng yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc khi có tình huống xảy ra về QP-AN cũng như thiên tai trên biển.
Về chiến lược, Nhà nước cần có đề án với chính sách ưu đãi đưa dân ra đảo, nhất là các đảo lớn, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời, tạo cơ sở vững chắc cho việc tổ chức DQTVB trên các đảo. Trên cơ sở kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ của từng quân khu, tỉnh, cần triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần ven biển, hải đảo, đáp ứng yêu cầu bảo đảm sẵn sàng chiến đấu của DQTVB và các lực lượng khác hoạt động trên biển, đảo.
DQTVB có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng DQTVB vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài, vừa là vấn đề cấp thiết hiện nay. Thực tiễn luôn có sự phát triển, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương; đặc biệt là cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn, Ban Chỉ huy Quân sự bộ, ngành phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng DQTVB, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" với định hướng “mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển”, tạo ra sự phát triển mới, tương xứng với tiềm năng biển của Tổ quốc.
.Đại tá, ThS. Nguyễn Mạnh Dũng
 

Ý kiến bạn đọc (0)