QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 21:35 (GMT+7)
Xây dựng hậu cần nhân dân-địa phương trong khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trên địa bàn Quân khu 3
Hậu cần nhân dân - địa phương (HCND-ĐP) là một loại hình tổ chức bảo đảm hậu cần tại chỗ, được hình thành từ thực tiễn phục vụ xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân ta; nó phản ánh sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành kinh tế địa phương và phong trào quần chúng tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân của Đảng ta. ở Quân khu 3, HCND-ĐP đã và đang phát triển mạnh mẽ, phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất khác trong thời bình; đồng thời, chủ động xây dựng tiềm lực và thế trận HCND-ĐP tại chỗ, sẵn sàng bảo đảm cho LLVT và các lực lượng khác trong khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) chiến đấu thắng lợi khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

Dựa vào HCND-ĐP, các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu đã tổ chức bảo đảm được một phần quan trọng về vật chất và kinh phí cho LLVT địa phương, đặc biệt là cho lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) và dự bị động viên (DBĐV) xây dựng, huấn luyện, thường trực sẵn sàng chiến đấu. Riêng việc bảo đảm huấn huyện cho lực lượng DQTV và DBĐV, hằng năm mỗi tỉnh, thành phố đã phải chi hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, nguồn vật chất HCND-ĐP còn giữ vai trò chủ yếu trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm và kinh phí bảo đảm cho các cuộc diễn tập KVPT, diễn tập chiến đấu trị an từ cấp tỉnh đến xã và các sở, ngành của tỉnh. Trên thực tế, diễn tập ở cấp tỉnh, mỗi địa phương thường phải chi từ 500-700 triệu đồng; cấp huyện chi từ 50-60 triệu đồng; cấp xã chi từ 7-10 triệu đồng; cấp sở, ngành của tỉnh, thành phố chi từ 10-15 triệu đồng. Trong công tác tuyển quân, HCND-ĐP kết hợp với hậu cần quân sự thực hiện việc bảo đảm từ khâu tổ chức khám sức khỏe đến khi giao quân; trong đó, Ban HCND-ĐP các cấp đã tích cực vận động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội quyên góp tiền, tặng quà lưu niệm cho chiến sĩ mới, giá trị bình quân từ 100-200 nghìn đồng/người; một số địa phương bảo đảm từ 300-350 nghìn đồng/người. HCND-ĐP cũng giữ vai trò chủ yếu trong việc bảo đảm nguồn vật chất, kinh phí cho các lực lượng quốc phòng-an ninh làm nhiệm vụ thường trực bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn (cấp tỉnh, huyện chủ yếu do ngân sách Nhà nước đảm bảo); hằng năm mỗi tỉnh, thành phố phải chi cho các hoạt động này hàng tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng ở địa phương được quy vào một mối bảo đảm, tổ chức thực hiện là Ban HCND-ĐP các cấp. Trong 5 năm gần đây, HCND-ĐP các địa phương đã vận động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội nhận đỡ đầu phụng dưỡng và tặng sổ tiết kiệm cho 1.364 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; tặng 35.777 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách (mỗi sổ từ 100-300 ngàn đồng); xây dựng mới 3.907 ngôi nhà tình nghĩa và sửa chữa nâng cấp 90.470 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, trị giá trên 106,3 tỷ đồng; xây dựng mới và tu bổ 860 nghĩa trang và bia tưởng niệm liệt sĩ, trị giá trên 130 tỷ đồng...

Cùng với việc huy động nguồn lực vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng trong thời bình, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và xác định rõ những nội dung bảo đảm, phương thức huy động nguồn HCND-ĐP trên cơ sở phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng. Rõ nét nhất là trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, hằng năm các địa phương đã có kế hoạch dự trữ một lượng lương thực cần thiết, có chiều sâu ở 3 cấp, trong đó cấp tỉnh, thành phố dự trữ từ 2.000-5.000 tấn thóc, cấp huyện từ 300-500 tấn thóc, cấp xã từ 30-40 tấn thóc; khi cần, có thể huy động từ 30-50% số lương thực này phục vụ cho LLVT địa phương và có thể cả lực lượng chủ lực tác chiến trong KVPT, thời gian từ 1-3 tháng. Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trên cơ sở quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa phương đã có phương án sẵn sàng chuyển một phần hoặc chuyển đổi toàn bộ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, nhà máy sang sản xuất theo yêu cầu quốc phòng; sẵn sàng bảo đảm các loại vật tư xây dựng công trình phòng thủ, đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ, sản xuất và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, chế biến lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu quốc phòng, hoạt động tác chiến của LLVT. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ động lực lượng, phương tiện kỹ thuật và vận chuyển hàng hóa phục vụ các lực lượng tác chiến trong KVPT. Các phương tiện bảo đảm vận chuyển hàng hóa phục vụ dân sinh và quốc phòng thường xuyên được phúc tra, đăng ký; khi có tình huống chiến tranh, có thể huy động từ 40-50% lực lượng này phục vụ quốc phòng. Hệ thống y tế từ cấp tỉnh đến xã được củng cố, tăng cường cả về trang thiết bị và cơ sở vật chất; 100% các trạm y tế xã thuộc các tỉnh, thành phố đồng bằng có bác sĩ; các trạm y tế ở một số xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình và các trạm y tế xã biên giới, hải đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh được Quân khu tăng cường lực lượng bác sĩ, y sĩ. Nhiều cơ sở y tế đã thực hiện có hiệu quả chủ trương kết hợp quân-dân y, thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân và LLVT. Theo chỉ đạo của Quân khu, các cơ quan quân sự địa phương đã phối hợp với Sở Y tế xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch huy động lực lượng DBĐV về y tế, biên chế đủ cho các bệnh viện dã chiến và tiểu đoàn Quân y. Trên tuyến biên giới, ven biển, các đơn vị kinh tế-quốc phòng của Quân khu và một số cơ quan quân sự địa phương đã nhận trách nhiệm triển khai nhiều dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng; đến nay, hầu hết các dự án đã mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo tiềm lực, thế trận hậu cần ngày càng vững chắc trong KVPT.
Từ thực tiễn nêu trên có thể khẳng định rằng, việc xây dựng và phát triển HCND-ĐP luôn là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong công cuộc củng cố quốc phòng, xây dựng tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc. Với tiềm năng ngày càng được tích lũy, HCND-ĐP không những phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ quốc phòng và các hoạt động của LLVT địa phương, mà còn có thể góp phần phục vụ kịp thời trên một phạm vi nhất định cho lực lượng chủ lực tham gia tác chiến trong KVPT. Khi cần thiết, HCND-ĐP còn được sử dụng một phần vào việc khắc phục thảm họa thiên tai, duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống của nhân dân địa phương trong những thời điểm gay gắt nhất.
Để phát huy hơn nữa tác dụng và hiệu lực của HCND-ĐP phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng, huấn luyện, chiến đấu của LLVT địa phương trong thời bình và thời chiến, Quân khu đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác này trong những năm qua, nhất là 5 năm gần đây, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, xác định phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cần tập trung thực hiện đến năm 2010 và một số năm tiếp theo, trong đó tập trung thực hiện tốt mấy vấn đề sau:
1- Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo tiềm lực và thế trận HCND-ĐP vững chắc, rộng khắp, có chiều sâu. HCND-ĐP là thành phần không nằm trong cơ cấu hệ thống tổ chức hậu cần của quân đội, nên việc tạo nguồn cung cấp, chuẩn bị lực lượng, xây dựng thế trận chủ yếu gắn với khả năng, trình độ phát triển kinh tế của địa phương. Những năm qua, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, nên việc huy động và dự trữ nguồn vật chất phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLVT địa phương tương đối thuận lợi. Trong thời gian tới, Quân khu cũng như các địa phương trên địa bàn đều xác định phải duy trì và thực hiện tốt chủ trương này. Tiếp tục phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, sức mạnh tổng hợp của các ngành kinh tế và toàn dân trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, để tạo tiềm lực và thế trận HCND-ĐP ngày càng vững chắc, rộng khắp, có chiều sâu ở từng địa phương và toàn Quân khu. Điều cần lưu ý là, trong tình hình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, việc dự trữ, tạo nguồn, điều chỉnh, điều động vật chất và lực lượng của HCND-ĐP cần được tính toán, xem xét kỹ cả trước mắt và lâu dài, mặt lợi và không lợi, quốc phòng và kinh tế; nhất là đối với các loại vật chất khó bảo quản thường phải tổ chức thay mới, dùng cũ (lương thực, thực phẩm...) để luôn bảo đảm chất lượng và có thể chi viện được cho các nhu cầu về kinh tế, đời sống của nhân dân trong những trường hợp cấp bách do thiên tai, mất mùa sau đó sẽ bổ sung lại. Kiên quyết khắc phục những biểu hiện vì yêu cầu quốc phòng mà chấp nhận những hiện tượng phi kinh tế không đáng có; ngược lại, chỉ thấy lợi ích kinh tế mà không duy trì lượng dự trữ chiến đấu cần thiết, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và các hoạt động xây dựng, huấn luyện, chiến đấu của LLVT.
2- Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban HCND-ĐP các cấp. Để huy động được các lực lượng, các ngành kinh tế của địa phương vào xây dựng tiềm lực và thế trận HCND-ĐP, cần phải có cơ quan chỉ đạo thống nhất. Cơ quan này có tính chất liên hiệp các ngành kinh tế, quân sự, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương. ở Quân khu 3, cơ quan này đã được hình thành từ sau Hội nghị lần thứ nhất (ngày 11 và 12-9-1978) bàn chuyên đề về xây dựng công tác HCND-ĐP giữa Bộ Tư lệnh Quân khu với ủy ban nhân dân và ngành kinh tế của các tỉnh, thành phố. Đó là Ban HCND-ĐP ở tỉnh (thành phố), huyện (quận, thị xã), xã (phường, thị trấn), do phó chủ tịch ủy ban nhân dân làm trưởng ban; trưởng hoặc phó các ngành kinh tế, quân sự làm ủy viên. Trong những năm qua, Ban HCND-ĐP 3 cấp ở các tỉnh, thành phố, nhất là Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình đã đi vào hoạt động có nền nếp, phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, Ban HCND-ĐP ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở, chưa phát huy tốt vai trò làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác HCND-ĐP; duy trì hoạt động chưa đều; chất lượng hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình tình mới. Điều đó đòi hỏi Quân khu cũng như các địa phương phải tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban HCND-ĐP các cấp. Trước mắt, cần tập trung rà soát, kiện toàn đủ các thành phần trong Ban HCND-ĐP theo quy định. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Ban HCND-ĐP các cấp. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng cán bộ, nhằm nâng cao trình độ, năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế địa phương kết hợp với củng cố quốc phòng; xây dựng tiềm lực và thế trận HCND-ĐP đáp ứng yêu cầu tác chiến của KVPT. Nắm chắc tình hình phát triển kinh tế của địa phương, từ đó đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền quyết định phương thức và phương án tạo nguồn, huy động vật chất và dự trữ vật chất phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng, huấn luyện, chiến đấu của LLVT. Bố trí thế trận hậu cần thích hợp, bảo đảm mạng lưới liên hoàn vừa có tại chỗ đều khắp, vừa có trọng điểm từ cấp cơ sở xã, phường đến huyện, tỉnh. Xây dựng các phân đội bảo đảm hậu cần phù hợp với chức năng của các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Những vấn đề này cần được bàn bạc kỹ, được cơ quan kế hoạch cùng cấp tổng hợp, xây dựng thành kế hoạch và sau khi chủ tịch ủy ban nhân dân phê duyệt sẽ trở thành văn bản pháp lệnh của địa phương, do chính quyền địa phương điều hành, tổ chức thực hiện.
Xây dựng HCND-ĐP trong KVPT tỉnh (thành phố) là một nhiệm vụ vừa có ý nghĩa cơ bản thường xuyên, vừa cấp thiết trước mắt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc kết hợp với xây dựng đất nước của nhân dân ta. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các địa phương và ngành Hậu cần Quân sự thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, nhất là về phương thức hoạt động, cơ chế đầu tư xây dựng, chính sách huy động lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất hậu cần trong thời bình và thời chiến..., làm cơ sở pháp lý để các địa phương trong cả nước tổ chức thực hiện.
Đại tá Phan Bá Dân
Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)