QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:29 (GMT+7)
Xây dựng Hà Nội xứng tầm Thủ đô nghìn năm văn hiến

Kinh đô Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, là nơi hội tụ Hồn thiêng sông núi, nơi “Có cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi nam, bắc, đông, tây lại tiện thế nhìn sông, tựa núi...”1, như Vua Lý Công Uẩn đã viết trong Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La cách đây 999 năm. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Hà Nội không ngừng phát triển trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc.

Tháng 10 năm 2010, Thủ đô Hà Nội và cả nước sẽ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đây là sự kiện trọng đại của dân tộc, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân cả nước, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô Hà Nội.

Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Hà Nội đã cùng cả nước vừa xây dựng, sản xuất, vừa chiến đấu và trưởng thành. Sau khi đất nước thống nhất, Quốc hội khóa VI tiếp tục chọn Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của “Đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”, Thành phố đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Quán triệt và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội X (1986) Đảng bộ Thành phố đã xác định: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng đảng là then chốt; quản lý đô thị là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường, củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) và hoạt động đối ngoại... xây dựng Hà Nội xứng đáng với vị thế của Thủ đô - trái tim của cả nước. Với phương hướng đó, Thành phố đã có sự phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; đã hình thành rõ nét các yếu tố của kinh tế tri thức. Không gian kinh tế của Hà Nội được mở rộng, phát triển với cả nước và quốc tế. Chất lượng các sản phẩm dịch vụ có sự đa dạng hóa, tập trung vào các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống xã hội, như: khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, thông tin, tài chính, ngân hàng... Hiện nay, Hà Nội thực sự là một trong những trung tâm thương mại, tài chính-tiền tệ, du lịch của cả nước. Công nghiệp được sắp xếp lại và có bước phát triển mạnh theo hướng ưu tiên các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung; bước đầu hình thành nền nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp sinh thái. Trước tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Thành phố đã thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ và chủ động thực hiện nhiều giải pháp chống suy giảm kinh tế, kích cầu và bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt 10,58%; tổng mức đầu tư xã hội tăng 19,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.500 USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 300 dự án, số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD; thu ngân sách xấp xỉ 67,5 nghìn tỷ đồng.

Một sự kiện quan trọng là, ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh liên quan”. Theo đó, Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên trên 3.340 km2, gồm 29 quận, huyện, thị xã trực thuộc, 577 xã, phường, thị trấn, với dân số trên 6,4 triệu người. Sau khi hợp nhất, Đảng bộ Hà Nội với 57 đơn vị trực thuộc, gần 3 nghìn đảng bộ cơ sở và hơn 31 vạn đảng viên, là đảng bộ có số đơn vị trực thuộc và đảng viên lớn và đông nhất cả nước. Đây là điều kiện mới để đẩy mạnh xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế với tầm nhìn đến năm 2030- 2050 và tương lai xa hơn; mở ra thế và lực mới để xây dựng Hà Nội xứng tầm Thủ đô 1.000 năm văn hiến.

Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, chỉ trong một thời gian ngắn, Thành phố đã khẩn trương sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ, nhanh chóng bắt tay vào công việc, khắc phục có hiệu quả những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Thành ủy và chính quyền Thành phố đã tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh cải cách hành chính; chấn chỉnh trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị; đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa; tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, thực hiện tốt hai khâu đột phá về công tác cán bộ và cải cách hành chính.

Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa- xã hội để xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến và vị trí là Trung tâm văn hóa của cả nước. Thành phố đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa, thông tin, tuyên truyền; chỉ đạo xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử... Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt, Hà Nội coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện chính sách ưu việt của chế độ, của Nhà nước, của Thành phố đối với các tầng lớp nhân dân. Chương trình “Xóa đói, giảm nghèo” được triển khai tích cực, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời từ cơ sở. Năm 2008, Thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động; chi 350 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai... Công tác giáo dục-đào tạo có sự phát triển toàn diện, đã đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình giáo dục-đào tạo. Hà Nội thực sự trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Công tác y tế có bước phát triển vững chắc, 100% các trạm y tế cơ sở có bác sĩ; y tế dự phòng đã chủ động ngăn ngừa và xử lý kịp thời các dịch bệnh phát sinh trên địa bàn...

Với vị trí đặc biệt quan trọng, lịch sử của Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc, đặc biệt là lịch sử chống ngoại xâm. Những chiến công oanh liệt (Đông Bộ Đầu, Chương Dương-Hàm Tử, Ngọc Hồi-Đống Đa, Điện Biên Phủ trên không...) đã hun đúc nên hào khí Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch luôn coi Hà Nội là một mục tiêu chống phá trọng điểm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Mặt khác, trong quá trình phát triển KT-XH, bên cạnh mặt thuận lợi, tích cực, còn xuất hiện những khó khăn, thách thức; những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, những mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng... cũng là yếu tố dễ phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự xã hội. Nhận thức rõ tình hình đó, Thành ủy, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác QP-AN; tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức QP-AN được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực; trong đó, đã chú trọng xây dựng ý thức trách nhiệm, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. LLVT Thành phố được quan tâm xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cao, thực hiện tốt chức năng làm nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Những thành tựu trên đã tạo ra thế và lực mới cho Thủ đô thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi các ngành, các cấp phải tập trung giải quyết, như: sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô chưa cao; những yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn chậm được khắc phục; việc huy động các nguồn lực vốn có chưa tương xứng với khả năng, yêu cầu phát triển KT-XH và vị thế của Thủ đô; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn hạn chế; việc kết hợp kinh tế với QP-AN trên địa bàn, có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, còn biểu hiện chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần...

Hà Nội là Thủ đô của cả nước; xây dựng Hà Nội xứng với tầm vóc lịch sử 1.000 năm văn hiến là nguyện vọng, mục tiêu và nhiệm vụ của cả nước, nhưng trước hết là trách nhiệm, vinh dự của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT Thủ đô Hà Nội; sự phát triển đó đòi hỏi phải toàn diện về: kinh tế, văn hóa, QP-AN, khoa học, giáo dục... Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó, thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 14 của Đảng bộ Thành phố.

Trong lĩnh vực kinh tế, tập trung đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: dịch vụ- công nghiệp-nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Thực hiện tốt Nghị quyết số 30/2008/ NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng 4 nhóm giải pháp chủ yếu đã được Hội đồng nhân dân Thành phố xác định là: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng; thực hiện chính sách tài chính-tiền tệ; tăng cường chính sách hỗ trợ và bảo đảm an sinh xã hội. Trong quy hoạch, phát triển và công tác quản lý đô thị, cần chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách. Trong điều kiện địa giới hành chính được mở rộng, việc xây dựng quy hoạch phải chú trọng bảo đảm sự phù hợp, hài hòa giữa không gian đô thị và không gian xanh; đô thị được cải tạo và xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; hết sức coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông phải đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH bền vững.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, cần tập trung phát huy sức mạnh, truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô và đất nước để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, với những phẩm chất đặc trưng: yêu nước, yêu Thủ đô, trung thực, trọng nghĩa, trọng tình, có lối sống, nếp sống lành mạnh, có tri thức cao, năng động, sáng tạo, tiêu biểu cho phong cách học tập, lao động mới, với lẽ sống cao đẹp “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Các cấp, các ngành cần thực hiện tốt 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được Thành ủy thống nhất trong Chương trình số 08-CTr/TU ngày 04-8-2006; trong đó, chú trọng tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động về văn hóa; hoàn chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở; bảo tồn, tôn tạo xây dựng mới và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thủ đô... Xây dựng nếp sống văn hóa từ gia đình đến xã hội; tăng cường các hoạt động văn hóa- xã hội mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Từng cơ quan, đơn vị đề ra những chỉ tiêu cụ thể trong việc cải cách hành chính, trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Cấp ủy, chính quyền các cấp (nhất là cấp cơ sở) cần thường xuyên duy trì, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cộng đồng dân cư đối với các hoạt động KT-XH; mở rộng công khai, dân chủ, đảm bảo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Trong lĩnh vực QP-AN, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố vững mạnh cả về chính trị- tinh thần, kinh tế, QP-AN, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ..., có khả năng độc lập, tự lực, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Kết hợp chặt chẽ giữa KT-XH với QP-AN trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH trên từng địa bàn.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Công an Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Trong đó, tập trung thực hiện tốt phương án, kế hoạch bảo vệ các mục tiêu trọng yếu về chính trị, quân sự và kinh tế trên địa bàn, bảo vệ vững chắc hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống của nhân dân. Coi trọng việc đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách, nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Năm 2010 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Thủ đô Hà Nội: đó là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ Thành phố và là thời gian phấn đấu quyết liệt trên tất cả các mặt để tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 04-5-1998 của Bộ Chính trị, Quyết định số 795/TTg ngày 10-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trên từng địa bàn, cần làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu và giáo dục truyền thống lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội... bằng nhiều hình thức, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu Thủ đô, lòng tự hào dân tộc, niềm vinh dự, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Phát động các phong trào thi đua bằng những hoạt động thiết thực hướng tới Lễ kỷ niệm, gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; làm cho Cuộc vận động có sức lan tỏa rộng, có chiều sâu, trở thành nội dung sinh hoạt chính trị thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố. Đặc biệt, cần tập trung cao độ đối với công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng của các công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đã đạt được, với tầm vóc, thế và lực mới, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và các tầng lớp nhân dân Thủ đô quyết tâm phấn đấu, xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vị trí trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước, với danh hiệu Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình và lịch sử 1.000 năm văn hiến.

PHẠM QUANG NGHỊ

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

_________

1- Trích trong Chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn.

 
Ý kiến bạn đọc (0)