QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:25 (GMT+7)
Xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nông thôn và nông nghiệp Việt Nam hiện nay là khu vực chiếm hơn 70% dân số, và chiếm tỷ lệ lao động cao trong xã hội, đóng góp 20% GDP của đất nước. Giai cấp nông dân (GCND) nước ta vốn giàu lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, chịu đựng gian khổ, hy sinh, lao động cần cù, sáng tạo, luôn là đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, GCND cả nước đã đoàn kết chặt chẽ, đẩy mạnh sản xuất, có đóng góp to lớn về sức người, sức của, vật chất và tinh thần cho kháng chiến. Hàng chục triệu nông dân đã tham gia quân đội, du kích, thanh niên xung phong, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, bám trụ, giữ vững vùng giải phóng, “một tấc không đi, một ly không rời”... góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, GCND tiếp tục có sự đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Mặc dù phải thường xuyên đối phó với thiên tai và chịu ảnh hưởng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng trưởng và phát triển một cách toàn diện. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi, nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện ở hầu khắp các địa phương. Sản xuất lương thực có bước tiến lớn, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực triền miên, trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Nhiều mặt hàng nông sản được các bạn hàng trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao về chất lượng và xuất khẩu luôn đứng ở thứ hạng cao. Tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ với hiệu quả ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển lớn, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Hiện nay, có 98,4% số xã, 92,4% thôn, bản và 94,2% số hộ có điện; 96,9% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 88,3% số xã có trường mẫu giáo, mầm non, 99,3% số xã có trường tiểu học, 90,8% số xã có trường trung học cơ sở và 10,8% số xã có trường trung học phổ thông; 85,5% số xã vùng nông thôn có điểm bưu điện-văn hoá xã, trong đó nối mạng in-tơ-nét là 17,7% và 16% số hộ nông thôn ở nhà kiên cố, 57,6% ở nhà bán kiên cố, 26,4% ở các nhà khác… Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân các vùng, miền được cải thiện rõ rệt. Đó là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất, củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN) vững chắc.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh nhiều thuận lợi, nông nghiệp, nông thôn và GCND nước ta đang đối diện với không ít thách thức: nền nông nghiệp cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ, phát triển chưa đồng đều, tỷ suất hàng hóa, kỹ thuật sản xuất, sức cạnh tranh và thương hiệu hàng hóa còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quy hoạch sản xuất chưa gắn với thị trường, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Vì vậy, một bộ phận nông dân không yên tâm sản xuất, thiếu gắn bó với đồng ruộng; một bộ phận khác đang thiếu hoặc không có đất sản xuất, do quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ cao, cùng với chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất chưa được quan tâm thoả đáng. Trong quá trình thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới, ở một số nơi, do mức đền bù không thoả đáng, thiếu dân chủ, công khai, dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng chống phá. Mặt khác, do tỷ lệ nông dân đã qua học nghề còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hoá trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, lao động thiếu việc làm ở nông thôn tăng cao, khoảng cách giàu nghèo còn lớn. Theo thống kê, nhiều nơi nông dân chỉ sử dụng khoảng 50-65% thời gian lao động trong năm; thời gian còn lại, họ phải tìm kiếm những việc làm xa nhà. Hằng năm, có tới hàng chục vạn người kéo ra các thành thị tìm việc, gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở những nơi này. Vấn đề vệ sinh môi trường cũng đã và đang trở nên đáng lo ngại gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người.

Trong thời kỳ mới của đất nước, GCND vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với GCND và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Quan điểm, chủ trương của Đảng và thực trạng GCND nước ta hiện nay đòi hỏi các cấp, các ngành phải có các chủ trương và giải pháp đồng bộ, tích cực hơn nữa để xây dựng GCND vững mạnh ngang tầm đòi hỏi của đất nước đang đặt ra. Việc xây dựng GCND không tách rời với đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và tích cực xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tổ chức thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn với nhịp độ nhanh, cân đối, hài hòa giữa trồng trọt với chăn nuôi, giữa ngành nghề truyền thống với xây dựng các cụm công nghiệp; hình thành các vùng kinh tế sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp, có năng lực cạnh tranh và xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tạo ra sự tăng trưởng và tích luỹ từ nông nghiệp, nông thôn, góp phần ổn định chính trị, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp; đồng thời, giải quyết tốt lực lượng lao động dư thừa lớn ở nông thôn, nhằm xây dựng và phát triển nền sản xuất hàng hóa với hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm để thu hút lao động, chuyển đổi lao động từ thuần nông sang sản xuất, kinh doanh tổng hợp, công nghiệp, dịch vụ.

2. Phát huy tính tích cực, cần cù, sáng tạo của nông dân; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa nông sản; xây dựng nông nghiệp, nông thôn trở thành thị trường rộng lớn và là nguồn cung cấp nhân lực cho CNH,HĐH. Thị trường nước ta hiện nay tuy lớn, nhưng chủ yếu tập trung ở các trung tâm và đô thị; sức mua của nhân dân, nhất là của nông dân, còn rất hạn chế. Vì vậy, muốn phát triển toàn diện và bền vững, phải mở rộng cả thị trường đô thị và nông thôn, chú ý tăng sức mua của nông dân. Một trong những biện pháp quan trọng là phát triển sản xuất hàng hoá; đầu tư thiết bị, máy móc để hàng hóa nông sản được chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, kích thích sản xuất phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập của người nông dân. Khi sức mua của nông dân tăng sẽ tạo ra thị trường mới, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm cho xã hội.

3. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong GCND, nhằm xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; xây dựng gia đình văn hóa mới, tham gia xây dựng làng, xã văn hóa; đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia củng cố QP-AN. Tuyên truyền, vận động bà con nông dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập. Phát triển ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Từ đó, thu hút lao động nhàn rỗi, giải quyết việc làm tại chỗ theo phương châm “rời ruộng không rời làng”, thúc đẩy nhanh quá trình phân công lại lao động nông nghiệp. Đẩy mạnh liên kết “bốn nhà” (nhà nông-nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp) để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh giỏi.

Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, các ngành tham gia chuyển dịch lao động sang khu vực phi nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo dạy nghề, tạo điều kiện cho các hộ nông dân không còn đất sản xuất có điều kiện chuyển sang ngành nghề khác. Cần có các hình thức thích hợp để bồi dưỡng, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất tại chỗ cho nông dân, phù hợp với đặc điểm, tập quán, trình độ ở từng nơi. Tiếp tục vận động nông dân xây dựng các tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp. Xây dựng và củng cố các trung tâm dịch vụ hỗ trợ việc làm, dạy nghề, trung tâm hỗ trợ nông dân.

Tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh về kỹ thuật, tín dụng, thương mại... Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn có vốn để sản xuất... Tham gia xây dựng, thực hiện các dự án kinh tế-xã hội trong nước và nước ngoài để tạo vốn hỗ trợ cho nông dân. Tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, doanh nghiệp chế biến nông-lâm, thủy sản, các tổ chức tín dụng... để các doanh nghiệp này thu mua sản phẩm, cung ứng vật tư cho nông dân theo phương thức trả chậm. Vận động nông dân tham gia thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước, các chương trình phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương và địa phương.

 Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động nông dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm, trước hết trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác dân số - gia đình và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình nông dân phát triển bền vững theo chuẩn mực: no ấm, mạnh khỏe, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Bằng nhiều hình thức và phương pháp tổ chức, vận động nông dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, chống xâm canh, xâm cư, buôn lậu qua biên giới, chủ động phòng ngừa, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội cải tạo tiến bộ tại gia đình và cộng đồng dân cư; hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nông dân; xây dựng và nhân rộng các “điểm sáng” về QP-AN trên biên giới. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và có các chính sách phù hợp để nông dân tích cực đóng góp sức người, sức của cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

4. Các cấp ủy tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng GCND gắn với chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ: đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân; chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; đào tạo nguồn để phát triển đảng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường liên minh giai cấp công nhân với GCND và đội ngũ trí thức, thực sự là khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo thực hiện tốt các chính sách, pháp luật đã ban hành để xây dựng GCND lớn mạnh; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của nông dân, không để bùng phát thành những vấn đề phức tạp mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để chống phá.

    Các cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của nông dân để nhanh chóng giải quyết có hiệu quả những vướng mắc đặt ra.

 Tập trung củng cố, xây dựng các tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, thực sự là tổ chức tin cậy của nông dân trong giải quyết các vấn đề về lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nông dân, nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của hội viên, nông dân; tổ chức chặt chẽ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, làm giầu chính đáng và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở - những tổ chức tin cậy, có sức thu hút đông đảo thanh niên nông thôn và nông dân tham gia sinh hoạt,v.v.

Thực hiện tốt những nội dung trên đây sẽ góp phần tích cực đẩy nhanh tiến trình CNH,HĐH đất nước, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân cả nước nói chung và bà con nông dân nói riêng, tạo nền tảng để đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nguyễn Quốc Cường

Ủy viên BCHTƯ Đảng,

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

____________

1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội Đại viểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG.

 

Ý kiến bạn đọc (0)