Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:54 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Đội ngũ trí thức Việt Nam được hình thành và rèn luyện trong quá trình đấu tranh cách mạng, luôn luôn trung thành với lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc và nhân dân; một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), đội ngũ trí thức đã tỏ rõ tài năng, trí tuệ và đạo đức cách mạng, thực sự là lực lượng không thể thiếu trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc.
Thành tựu nổi bật của đội ngũ trí thức Việt Nam thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn; khoa học công nghệ; khoa học quân sự; văn hoá, nghệ thuật; v.v. Nhiều trí thức lớn có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất; sáng tạo giá trị tinh thần trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước; kế thừa và phát triển giá trị đạo đức, truyền thống của dân tộc trong xây dựng đất nước và chống ngoại xâm, v.v.
Đặc biệt, trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, đội ngũ trí thức nước ta thật sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp CNH, HĐH, lực lượng sản xuất trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với một số lĩnh vực trong phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo... Trong quân đội, đội ngũ trí thức cũng có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, với 350 giáo sư, phó giáo sư, 750 tiến sĩ, trên 2.500 thạc sĩ và hầu hết đội ngũ sĩ quan có trình độ đại học. Đây là lực lượng nòng cốt, có đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Điểm nổi bật là đội ngũ trí thức quân đội đã trực tiếp góp phần tích cực vào việc nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận về chiến lược BVTQ, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; trong phát triển khoa học - nghệ thuật quân sự; trong sử dụng, bảo quản và sản xuất các trang, thiết bị hiện đại... Sự trưởng thành đó đã đánh dấu những nỗ lực phấn đấu của đội ngũ trí thức nước ta; đồng thời, cũng khẳng định sự đúng đắn về quan điểm, chủ trương xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, so với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, việc xây dựng đội ngũ trí thức vẫn còn những hạn chế, bất cập, thể hiện trên các mặt sau:
Về chính sách của Đảng và Nhà nước, mặc dù đã có nghị quyết, chỉ thị, khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, nhưng trong thực tế chúng ta chưa có chiến lược tổng thể để xây dựng, phát huy vai trò cũng như sử dụng, đãi ngộ hợp lý đối với trí thức. Tình trạng các cơ quan quản lý chưa hiểu hết tính chất đặc thù của đội ngũ trí thức, của lao động trí tuệ, do đó, khi sắp xếp, bố trí, sử dụng nhiều trường hợp không hợp lý; vì vậy, chưa tận dụng hết tài năng, chất xám, chưa tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, sự tôn vinh, đãi ngộ cả về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ trí thức còn bình quân chủ nghĩa, còn thấp xa so với một số đối tượng khác, nhất là đối với một bộ phận làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Cho nên, chưa thể hiện rõ chính sách “trọng dụng nhân tài”.
Một vấn đề nổi lên hiện nay đối với trí thức là dân chủ, tự do tư tưởng trong nghiên cứu để phát huy tính sáng tạo còn chưa có quy chế rõ ràng. Vì vậy, sự “dè dặt” của đội ngũ trí thức còn khá phổ biến; nhiều trí thức chưa dám bộc lộ hết chính kiến của mình, thiếu sáng tạo, ít độc lập, thậm chí một bộ phận còn thờ ơ, không quan tâm, không có chính kiến trước những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội... bức xúc của đất nước.
Thực trạng trên đã dẫn đến nạn “chảy máu chất xám”, từ các cơ quan, đơn vị Nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân để mở công ty riêng, hoặc gia nhập đội quân “làm thuê” cho các công ty nước ngoài. Tình trạng một bộ phận cán bộ có năng lực tốt ở thành phố Hồ Chí Minh bỏ việc làm ở các cơ quan Nhà nước thời gian qua phần nào đã phản ánh điều đó.
Về đội ngũ trí thức, hiện còn bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, phân bố giữa các vùng, miền, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng và BVTQ trong thời kỳ mới. Đến năm 2006, đội ngũ trí thức của cả nước có khoảng 2,4 triệu người, trong đó có 14 ngàn tiến sĩ, 1.130 giáo sư, 5.250 phó giáo sư và gần 20 vạn thạc sĩ. Đó là con số khá lớn. Tuy nhiên, so với lao động cả nước, đội ngũ trí thức chỉ chiếm khoảng 5,4%; nếu so với các nước trong khu vực thì tỉ lệ trí thức nước ta còn rất thấp. Không những thế, tỉ lệ phân bố lại không đều giữa các ngành và vùng lãnh thổ. Đội ngũ trí thức chủ yếu tập trung ở các ngành: giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, các tổ chức đoàn thể; còn các ngành nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm khoảng 5%. Hơn nữa, nơi làm việc của trí thức phần lớn là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, vùng đồng bằng; còn ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ trí thức không quá 9%.
Đặc biệt là, chất lượng đội ngũ trí thức còn nhiều bất cập trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Theo thống kê, người có học hàm, học vị, tốt nghiệp đại học... chiếm số lượng khá lớn, nhưng lại thiếu cán bộ đầu đàn, thiếu các chuyên gia giỏi; một số ngành có chuyên gia giỏi thì tuổi đã cao. Chúng ta chưa có nhiều nhà trí thức lớn, có tầm cỡ khu vực và thế giới; chưa có nhiều phát minh, sáng chế, tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn mang “thương hiệu” Việt Nam. Sự hẫng hụt giữa lực lượng trí thức đầu đàn có chuyên môn cao với đội ngũ trí thức trẻ đang đặt ra hết sức nghiêm trọng. Công tác đào tạo được mở rộng với hệ thống các trường đại học, cao đẳng quốc lập và dân lập ở khắp mọi miền đất nước, nhưng chất lượng đào tạo và cơ chế quản lý còn nhiều yếu kém, v.v.
Trong điều kiện đất nước đẩy mạnh CNH,HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ đang đứng trước cả thời cơ, vận hội mới, lẫn những thách thức gay gắt. Sự đa dạng về nguồn đào tạo, nơi công tác của trí thức (ở nước ngoài, trong nước; thuộc doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…), là những yếu tố không chỉ tác động đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trí thức, mà còn tác động đến xây dựng khối liên minh công - nông - trí, v.v. Khi trí thức học tập, công tác ở nước ngoài, nhất là ở các nước tư bản, nếu không thường xuyên tu dưỡng lập trường, tư tưởng thì khó tránh khỏi những ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản, của lối sống phương Tây. Vì vậy, làm thế nào để đội ngũ trí thức vừa được học tập, trang bị những kiến thức khoa học hiện đại ở nước ngoài, vừa gắn bó với dân tộc, với CNXH là vấn đề cần tính đến.
Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN. Trong đó, cần tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với trí thức trong thời kỳ mới. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức nước ta. Hiện nay, chúng ta đang phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách phù hợp với sự vận động của thực tiễn, phù hợp với vị trí, vai trò, trách nhiệm và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức. Nghị quyết về: "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước" của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X) là cơ sở để tạo ra sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về xây dựng đội ngũ trí thức. Đồng thời, cũng là cơ sở để ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách đối với trí thức, như: chính sách trọng dụng nhân tài; chính sách tạo điều kiện và giao việc làm cho trí thức; cơ chế bảo đảm dân chủ, tự do tư tưởng, phát huy sáng tạo của trí thức; chính sách cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường và phương tiện làm việc cho trí thức; chính sách sử dụng trí thức đã nghỉ hưu nhưng còn sức khoẻ, còn khả năng cống hiến; chính sách sử dụng trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài và trí thức là người nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam... sao cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng cơ quan, tổ chức, từng lĩnh vực, ngành nghề. Trong quân đội cũng cần có chính sách “hấp dẫn” để thu hút được nhiều thanh niên giỏi vào phục vụ lâu dài. Trong nền kinh tế thị trường, nếu không có các chính sách phù hợp để thu hút trí thức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, thì tất yếu dẫn đến nạn “chảy máu chất xám”, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của đất nước.
Những chủ trương, chính sách trên phải thể hiện rõ tính chiến lược và lòng tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với đội ngũ trí thức, tạo động lực cho trí thức phát triển. Ngược lại, qua đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và hiệu quả thực tế của việc thực hiện các đường lối, chính sách đó cùng quá trình công tác sẽ tạo lòng tin của trí thức đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, làm cho họ phấn khởi, đóng góp được nhiều công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và BVTQ.
Hai là, đẩy mạnh đào tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới. Đào tạo, bồi dưỡng, phân bố và sử dụng đội ngũ trí thức cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu,… đang là vấn đề bức xúc liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong quá trình đào tạo phải tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao - nguồn vốn quan trọng bậc nhất để kiến thiết đất nước và chấn hưng dân tộc. Lực lượng nòng cốt trong đội ngũ trí thức là các nhà khoa học, nhà giáo, các văn nghệ sĩ, kỹ sư có trình độ cao, chuyên môn sâu, tay nghề chắc ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm văn hoá, văn học, nghệ thuật, v.v. Vì vậy, khi bàn đến nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ trí thức phải bắt đầu từ lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu khoa học và một số lĩnh vực khác. Do đó, cần quy hoạch tổng thể hệ thống trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề; quy hoạch đội ngũ trí thức trong tổng nguồn nhân lực hiện nay phù hợp yêu cầu đẩy mạnh CNH,HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đồng thời, phải đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo cả về chương trình, nội dung, phương thức quản lý, đánh giá chất lượng người học… bảo đảm vừa thực hiện chủ trương đẩy mạnh “xã hội học tập”, vừa đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho đào tạo nhân tài. Trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, nên chọn một số trường lớn để đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Tiếp tục chọn những học sinh giỏi gửi đi đào tạo ở nước ngoài; đẩy mạnh thuê thầy giỏi, chuyên gia giỏi về giảng dạy, tư vấn giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng nhân lực bậc cao.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, bảo đảm có một lực lượng trí thức đủ trình độ để giải quyết các vấn đề thực tiễn xây dựng và BVTQ đặt ra, thông qua mở rộng giao lưu, hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, các nhà khoa học trên thế giới. Tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các lĩnh vực trọng điểm, các ngành khoa học mũi nhọn, công nghệ cao, đào tạo tài năng trẻ. Đổi mới phương thức quản lý, nội dung nghiên cứu khoa học theo hướng thiết thực, hiệu quả, cân đối các lĩnh vực nghiên cứu, gắn nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu dự báo. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện thị trường hoá các phát minh, sáng chế, các công trình nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước.
Ba là, đội ngũ trí thức phải chủ động, tự giác rèn luyện, phấn đấu, thực sự trở thành người trí thức mới vừa "hồng" vừa "chuyên". Đặc trưng của trí thức là lao động sáng tạo, có chuyên môn sâu, học vấn cao, đóng góp nhiều cho xã hội. Điều đó đòi hỏi mỗi trí thức phải không ngừng học tập, nghiên cứu và phấn đấu không mệt mỏi. Để trở thành cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong nước và tầm cỡ quốc tế thì yêu cầu tự học tập, tự rèn luyện phải cao hơn, phải “học suốt đời” bằng nhiều phương thức, học “ở mọi lúc, mọi nơi”. Nội dung học phải toàn diện, nhưng chú trọng chuyên sâu. Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, đội ngũ trí thức phải có trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, dù làm việc ở lĩnh vực, ngành nghề nào thì trình độ ngoại ngữ, tin học không được xem nhẹ trong quá trình đào tạo và tự học tập của đội ngũ trí thức ngày nay.
Cùng với nâng cao trình độ, năng lực, đội ngũ trí thức phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh khoa học. Theo đó, người trí thức vừa phải tự giác học tập, nâng cao giác ngộ về mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH của cách mạng; vừa xây dựng lòng say mê, tâm huyết với nhiệm vụ. Bên cạnh đó, vừa phải đề cao tính khiêm tốn, cầu thị, tính chuyên nghiệp, trung thực, dám đề xuất những ý tưởng khoa học mới, nói thẳng, nói thật, bảo vệ chân lý; vừa phải chống tư tưởng chuyên môn đơn thuần. Đó cũng là những phẩm chất, nhân cách của trí thức Việt Nam hiện nay.
Trung tướng, PGS, TS. Lê Minh Vụ
Giám đốc Học viện Chính trị quân sự
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011