Thứ Hai, 25/11/2024, 13:01 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Học sinh trung học phổ thông (HS THPT) là một đối tượng đông đảo của giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQP-AN). Mục tiêu của GDQP-AN là giáo dục cho HS lòng yêu nước, yêu CNXH, niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; trang bị cho HS một số hiểu biết về quốc phòng toàn dân, kỹ năng quân sự cần thiết, tạo điều kiện để HS tham gia vào các hoạt động về công tác quốc phòng, quân sự trong nhà trường và địa phương, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao chất lượng GDQP-AN cho HS THPT đang là một yêu cầu khách quan của môn học nói riêng, sự nghiệp giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) nói chung. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng của môn học là, xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN đủ về số lượng, có chất lượng cao, vừa đáp ứng cho nhiệm vụ trước mắt, vừa cơ bản lâu dài. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập một số vấn đề về thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN trong các trường THPT hiện nay.
Những năm qua, các cơ quan chức năng, trực tiếp nhất là ngành GD-ĐT đã có những chủ trương, giải pháp, cơ chế chính sách,… nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN trong các nhà trường THPT và bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Đến nay, đội ngũ giáo viên GDQP-AN về cơ bản đã hình thành và từng bước được củng cố ở các trường THPT trong phạm vi cả nước. Một số địa phương đã chủ động, nhạy bén trong công tác đào tạo, sắp xếp, biên chế đội ngũ giáo viên và đã phần nào đáp ứng nhu cầu GDQP-AN cho HS. Đến hết năm 2007, số lượng giáo viên GDQP-AN được đào tạo ngắn hạn trong các trường THPT ở 64 tỉnh (thành phố) là 2.924 giáo viên. Một số địa phương đã tích cực triển khai việc đào tạo giáo viên, như: An Giang, Đồng Nai, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Vĩnh Long… Những nỗ lực trên là rất đáng ghi nhận. Mặc dầu vậy, so với yêu cầu thì đội ngũ giáo viên GDQP-AN tại các trường THPT hiện nay chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, chúng ta còn thiếu gần 3.000 giáo viên GDQP-AN; thậm chí, một số địa phương trọng điểm về QP-AN, như: Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình, Đà Nẵng vẫn chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên này. Đó là chưa nói đến những khó khăn, bất cập khác như tổ chức biên chế, cơ chế chính sách,… đảm bảo cho đội ngũ giáo viên GDQP-AN.
Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, nhưng tập trung ở một số điểm chủ yếu sau: nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo địa phương cũng như của các sở GD-ĐT về việc xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN cho các trường THPT còn đơn giản, thậm chí xem nhẹ; nhiều địa phương còn lúng túng trong việc sắp xếp biên chế giáo viên GDQP-AN, do chưa có quy định thống nhất giữa Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT. Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDQP-AN khá đầy đủ, tạo hành lang pháp lý về chỉ đạo, tổ chức thực hiện; song việc tổ chức thực hiện còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Thêm nữa, một số nơi khi cử giáo viên đi đào tạo ngắn hạn, nhưng tính toán không kỹ nên số này tập trung chủ yếu vào giáo viên giáo dục thể chất (trong khi đó, chính đội ngũ giáo viên này cũng đang thiếu), dẫn đến tình trạng đào tạo xong, hầu hết số giáo viên này vẫn giảng dạy môn thể chất trong nhà trường, không giảng dạy môn GDQP-AN, gây lãng phí lớn. Đây chính là một bất cập trong công tác quản lý và sử dụng giáo viên GDQP-AN của các nhà trường.
Để góp phần nâng cao chất lượng GDQP-AN cho HS THPT, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo chúng tôi, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:
- Trước hết, phải khẳng định rằng, xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN cho các trường THPT hiện nay là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng của địa phương và các trường THPT. Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới" đã nêu rõ: “GDQP-AN là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, việc phổ cập và tăng cường GDQP-AN là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội…”. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN cho các trường THPT trong tình hình hiện nay cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan. Điều quan trọng là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể ở địa phương. Hội đồng GDQP-AN tỉnh (thành phố) cần phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT, tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện, đúng thực trạng đội ngũ giáo viên GDQP-AN cho các trường THPT. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổng thể và có kế hoạch cụ thể đối với từng trường trong việc quy hoạch, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên GDQP-AN, vừa bảo đảm cho nhiệm vụ trước mắt, vừa tính toán sử dụng lâu dài. Cần thống nhất nhận thức chung rằng, việc ổn định đội ngũ giáo viên GDQP-AN không thể trông chờ ở Trung ương hay một cơ quan nào, mà khâu chính vẫn là sự nỗ lực nội tại của mỗi địa phương. Chỉ có địa phương mới có đủ căn cứ để xác định nhu cầu, lưu lượng học sinh, trường lớp, từ đó cân nhắc, lựa chọn, cử giáo viên đi đào tạo phù hợp. Cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN ở các trường THPT để công tác này ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
- Vấn đề cơ bản khác là, cần có sự phối hợp thống nhất và đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan, nhất là Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội trong việc biên chế giáo viên GDQP-AN cho các nhà trường. Đây là điểm “mấu chốt” có ý nghĩa quyết định đến cả số lượng và chất lượng giáo viên. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ là cơ sở để các địa phương chủ động trong việc đào tạo và sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên GDQP-AN và đảm bảo chất lượng môn học. Các địa phương cần căn cứ vào Thông tư Liên Bộ số 28/2004/TTLT-BGD&ĐT-BLĐTB& XH-BNV-BQP, ngày 27-8-2004 hướng dẫn về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên môn học GDQP. Thiết nghĩ, mỗi địa phương cần phân bổ giáo viên theo hình thức, hoặc là biên chế xong cử đi đào tạo, hoặc là đào tạo xong thì biên chế; xác định rõ chức danh giáo viên GDQP-AN, có như vậy mới tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hiện tại, chúng ta có mấy loại hình trường THPT, như: công lập, bán công và dân lập. Đối với các trường công lập, việc biên chế thực hiện theo quyết định của Sở Nội vụ; riêng đối với các loại hình bán công, dân lập cần có những chế tài cụ thể, để các trường chủ động trong việc lựa chọn giáo viên GDQP-AN. Được biết, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị sơ kết công tác GDQP-AN cho HS THPT và triển khai “Đề án đào tạo giáo viên GDQP-AN văn bằng 2”. Đây sẽ là cơ hội tốt để các địa phương nói lên những khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ; đồng thời, để ngành chủ quản là Bộ GD-ĐT kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành chức năng trong việc chăm lo đến công tác này, tạo hành lang pháp lý cơ bản và đồng bộ để nâng cao chất lượng GDQP-AN cho HS THPT.
- Công tác đào tạo giáo viên GDQP-AN cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Việc đào tạo ngắn hạn chỉ nên áp dụng cho nhiệm vụ trước mắt và nên chọn thêm nhiều ngành khác như giáo viên lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, không nhất thiết chỉ là giáo viên thể chất. Vì ngoài vấn đề sức khỏe, giáo viên GDQP-AN đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp. Về lâu dài, cần thống nhất phương án đào tạo giáo viên chuyên trách GDQP-AN, có mã ngành đào tạo như những ngành học khác. Tiến tới, ngoài đào tạo bậc đại học, cần tính đến khả năng phát triển đào tạo giáo viên GDQP-AN sau đại học và cao hơn, để ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới.
- Cần chú trọng quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện, vật chất đảm bảo cho nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng của mình trong việc tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Đồng thời, các nhà trường cần chủ động mua sắm, làm mới mô hình học cụ, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên có đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác giảng dạy, qua đó nâng cao chất lượng môn học. Có chính sách đãi ngộ thích đáng để đội ngũ giáo viên GDQP-AN yên tâm giảng dạy môn học. Trong đó, chú trọng việc xây dựng hệ thống thang bảng lương, phụ cấp trách nhiệm, chế độ giờ giảng, chế độ trang phục,… nhằm tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ giáo viên nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh đào tạo giáo viên ngắn hạn và dài hạn ghép môn GDQP-AN, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng đội ngũ giáo viên. Theo chúng tôi, trước mắt các trường THPT chưa có hoặc thiếu giáo viên GDQP-AN, cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, hoặc có thể mở rộng mời một số cán bộ, sĩ quan quân đội, công an nghỉ hưu, chuyển ngành làm cán bộ giảng dạy… Một số trường THPT gần các trung tâm GDQP có thể liên kết với các trung tâm này trong giảng dạy môn GDQP-AN. Hằng năm, giáo viên GDQP-AN cần được tập huấn, bồi dưỡng để thống nhất nội dung, chương trình và tài liệu; chuẩn bị cơ sở vật chất và phương tiện giảng dạy; đồng thời, qua đó giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn và tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, nhằm phục vụ tốt hơn cho quá trình giảng dạy.
Xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN trong các trường THPT có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, đây là công việc không thể giải quyết trong một sớm, một chiều; hơn nữa, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và chính các trường THPT.
Trung tá, ThS. Đinh Quốc Triệu và
Trung tá Trần Thanh Phúc
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011