Thứ Sáu, 22/11/2024, 06:30 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Các nhà trường quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Lục quân 2 nói riêng với đặc thù hoạt động quân sự, đội ngũ giảng viên vừa là người truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho người học; vừa là người thầy, người đồng chí đối với học viên. Vì vậy, đội ngũ giảng viên các nhà trường trong quân đội có vai trò hết sức quan trọng; là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, trực tiếp đào tạo ra các thế hệ cán bộ chính trị, quân sự cho toàn quân, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, những năm qua, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ phấn đấu cho đội ngũ giảng viên; gắn kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên với kiện toàn cấp ủy; gắn việc điều động, bổ nhiệm với điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn đi đào tạo và bồi dưỡng nguồn kế cận, kế tiếp; tập trung lựa chọn, bồi dưỡng, quy hoạch, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, bảo đảm đủ về số lượng, có chất lượng cao, cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hiện tại, trong đội ngũ giảng viên Nhà trường có 98,3% đạt trình độ đại học và sau đại học; trong đó có 31 tiến sĩ, 166 thạc sĩ, 2 phó giáo sư, 1 Nhà giáo ưu tú, hàng trăm đồng chí đang theo học chương trình sau đại học tại các nhà trường trong và ngoài quân đội.
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành cấp phân đội bậc đại học cho các đơn vị quân đội ở phía Nam và chuẩn bị các yếu tố để đào tạo sau đại học từ năm học 2011 - 2012, đội ngũ giảng viên của Nhà trường vẫn còn những bất cập. Đó là, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, có chức danh khoa học và qua thực tế ở đơn vị cơ sở còn mỏng; năng lực sư phạm một số giảng viên hạn chế, hiệu quả công tác của họ chưa tương xứng với trình độ học vấn, chất lượng giảng dạy có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng khai thác, sử dụng trang thiết bị dạy-học hiện đại, cập nhật thông tin, phương pháp dạy-học tiên tiến còn hạn chế. Về cơ cấu độ tuổi, kinh nghiệm và cương vị công tác của đội ngũ giảng viên cũng còn có những bất cập; số lượng giảng viên qua chiến đấu ngày càng giảm.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực toàn diện; có trình độ học vấn tương xứng bậc giảng dạy; có khả năng sư phạm, kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tâm huyết với nghề nghiệp, có sức khỏe và độ tuổi phù hợp.
Giải pháp quan trọng hàng đầu của Nhà trường là tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng ngày càng cao, số lượng và cơ cấu phù hợp với mục tiêu yêu cầu đào tạo, phù hợp với nhiệm vụ của từng khoa, từng chuyên ngành. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giảng viên, Nhà trường từng bước kiện toàn đủ số lượng giảng viên, bảo đảm lượng dự trữ 20% theo quy định của Bộ; tiến hành điều chỉnh, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, kết hợp với bổ sung đội ngũ giảng viên từ các nguồn khác nhau. Trong đó, Nhà trường xác định nguồn bổ sung chính là lựa chọn số học viên tốt nghiệp loại giỏi để giữ lại trường và cán bộ ở các đơn vị quản lý học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, có năng khiếu sư phạm. Ngoài ra, chú trọng tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài quân đội có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ và sức khỏe…để bồi dưỡng, đào tạo trở thành giảng viên.
Về cơ cấu, Nhà trường có nhiều biện pháp khắc phục tình trạng mất cân đối về tuổi đời, tuổi quân, tuổi nghề trong đội ngũ giảng viên; đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa đội ngũ giảng viên đã qua chiến đấu, có kinh nghiệm và đội ngũ giảng viên trẻ được đào tạo cơ bản, có trình độ học vấn cao. Từ đó, làm cho đội ngũ giảng viên phát triển đồng đều, phát huy được thế mạnh của mỗi người và cả đội ngũ, hình thành trong đội ngũ giảng viên các lớp kế tiếp nhau một cách vững chắc.
Trên cơ sở sắp xếp đội ngũ giảng viên một cách phù hợp, Nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một cách cơ bản; gắn quá trình đào tạo cơ bản với việc đào tạo thông qua hoạt động thực tiễn và tự học tập của mỗi giảng viên. Nhà trường đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng các chuyên gia đầu ngành, phấn đấu cán bộ khoa, bộ môn phải có trình độ tiến sĩ, qua thực tế chỉ huy tại đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên, có phương pháp giảng dạy tiên tiến, khoa học, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực đảm nhiệm. Những năm qua, Nhà trường đã chủ động tạo nguồn, kết hợp giữa gửi đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, đào tạo ở nước ngoài và đào tạo tại chỗ để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bậc học cho đội ngũ giảng viên. Mục tiêu Nhà trường phấn đấu đến năm 2015: 100% giảng viên có trình độ đại học; 50%-60% có trình độ sau đại học, trong đó có 12%-15% tiến sĩ; 4 đến 5 Nhà giáo ưu tú; 5 đến 7 phó giáo sư.
Công tác bồi dưỡng kỹ năng dạy-học cho đội ngũ giảng viên được Nhà trường tiến hành theo một quy trình nghiêm túc, khoa học, bao gồm các bước: xác định mục tiêu đào tạo; xây dựng mô hình nhân cách người giáo viên; xây dựng hệ thống kỹ năng dạy-học; xác định các biện pháp bồi dưỡng kỹ năng dạy-học; xây dựng phẩm chất, nhân cách, tình yêu nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên; kỹ năng nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học viên học tập, nghiên cứu khoa học và vận dụng vào giảng dạy; kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm... Đồng thời, duy trì chặt chẽ quy chế giáo dục-đào tạo, chống tiêu cực trong thi cử và “bệnh thành tích” trong giáo dục, thực hiện học thực chất, đánh giá kết quả thực chất; tăng cường bình giảng, thông qua bài, dự giờ, hội thảo khoa học về phương pháp dạy-học; thường xuyên tổ chức tốt các hội thi, hội thao về phương pháp giảng dạy, hội thi giảng viên giỏi và mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học để nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên. Trong đó, Nhà trường chú trọng bồi dưỡng cho giảng viên thực hiện tốt phương pháp dạy-học tích cực theo hướng: ít độc thoại, dành nhiều thời gian đối thoại; tăng thời gian thực hành, thực tập xử trí các tình huống; gợi mở, khuyến khích, phát huy tính tích cực, tư duy độc lập, sáng tạo của người học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Với phương châm “nhà trường gắn với đơn vị cơ sở”, “đào tạo để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh tương lai", Nhà trường đã tăng cường cử cán bộ, giảng viên đi thực tế theo chức danh ở các quân khu, quân đoàn và thành lập các đoàn đi nghiên cứu theo chuyên đề; kết hợp tổ chức đi thực tế với tham quan, học tập phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy ở các nhà trường trong và ngoài quân đội. Đồng thời, chủ động thành lập các đoàn cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu, khảo sát chất lượng sĩ quan do Nhà trường đào tạo và những vấn đề đặt ra ở đơn vị cơ sở để kịp thời nắm bắt, tổng kết thực tiễn, phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, bổ sung vào chương trình giảng dạy những nội dung mới, phù hợp, nhằm đáp ứng kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra ở đơn vị cơ sở.
Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Nhà trường còn đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp trong sáng. Nhà trường đã có nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng, đạo đức lối sống, đảm bảo cho đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn tin tưởng và nhất trí cao với đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị. Đồng thời, Nhà trường rất coi trọng việc quản lý, rèn luyện mọi mặt cả về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và lối sống; bảo đảm cho đội ngũ giảng viên luôn tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với công việc, có ý thức trách nhiệm cao trong “dạy chữ, dạy nghề và dạy người”; bảo đảm, mỗi giảng viên thực sự là những tấm gương sáng, mẫu mực cả về tri thức, đạo đức và lối sống để học viên noi theo.
Nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường đã và đang tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong quy trình thực hiện, Nhà trường đầu tư có trọng điểm, theo yêu cầu nhiệm vụ của từng môn học, từng khoa chuyên ngành, tạo sự đột phá theo hướng hỗ trợ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong đó, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống giảng đường, thao trường, bảo đảm đạt chuẩn quy định; xây dựng các phòng học chuyên dùng, đầu tư các thiết bị hỗ trợ phục vụ giảng dạy, như: máy chiếu, phương tiện nghe nhìn, sơ đồ, tranh vẽ... Cùng với đó, Nhà trường còn gắn việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại với đẩy mạnh các phong trào thi đua ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy sáng kiến cải tiến mô hình, học cụ; khuyến khích giảng viên khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số vào phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Nhà trường tích cực triển khai đề án thư viện số, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nâng cấp, cải tiến hệ thống thông tin tư liệu, tài liệu; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, biên soạn, in ấn giáo trình, tài liệu bảo đảm phục vụ tốt nhất công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên.
Một trong những vấn đề thiết thực, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên gắn bó với nghề nghiệp là, Nhà trường luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và chính sách đối với cán bộ, giảng viên, bảo đảm cho đội ngũ giảng viên yên tâm công tác. Sự quan tâm đến đời sống vật, chất tinh thần của đội ngũ giảng viên không chỉ dừng lại ở nhu cầu vật chất đơn thuần, mà cao hơn là nhu cầu cho sự phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ. Vì vậy, cùng với việc bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, Nhà trường luôn chú trọng xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên có môi trường công tác tốt, có điều kiện để giảng dạy và nghiên cứu khoa học, công tác chính sách đối với gia đình, khu gia đình của giảng viên cũng được Nhà trường quan tâm thỏa đáng. Việc đầu tư phát triển điện, đường, trường, trạm và các chính sách an sinh xã hội khác để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Nhà trường.
Một số giải pháp cơ bản nói trên đã được Trường Sĩ quan Lục quân 2 thực hiện trong thời gian qua và tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần xây dựng được đội ngũ giảng viên của Nhà trường ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp giáo dục-đào tạo, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong tình hình mới.
Thiếu tướng, PGS,TS. VŨ ĐỨC HINH
Hiệu trưởng Nhà trường
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011