QPTD -Thứ Tư, 27/07/2011, 18:06 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng

 Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong lực lượng vũ trang (LLVT) là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Đối với Sóc Trăng, đó không chỉ là yêu cầu bức thiết, nhằm giải quyết sự thiết hụt, mất cân đối về cơ cấu tổ chức cán bộ, mà còn là biện pháp tích cực, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc Khơ-me rất cao, chiếm khoảng 28% dân số toàn Tỉnh. Nhiều địa phương có trên 30% số dân là đồng bào dân tộc Khơ-me, riêng huyện Vĩnh Châu, đồng bào dân tộc Khơ-me chiếm hơn 50% dân số. Nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề và căn cứ vào thực trạng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me của Tỉnh, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

Để giải quyết vấn đề cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng-an ninh của Tỉnh thời kỳ mới, Đảng uỷ, BCHQS Tỉnh đã chủ động tham mưu, lập kế hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT theo hướng: “chủ động tạo nguồn cán bộ tại chỗ, tạo nguồn ngay từ khi tuyển quân, tuyển sinh quân sự”,... “từng bước bố trí được cán bộ người dân tộc vào Ban Chỉ huy và cơ quan quân sự huyện ở những nơi có đông đồng bào dân tộc”1. Theo đó, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khơ-me ở các huyện, xã có đông đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống với cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong giai đoạn cách mạng mới. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV), dự bị động viên có tỷ lệ thích hợp, nhất là cán bộ chính trị, cán bộ làm công tác vận động quần chúng, cán bộ chỉ huy xã đội, phường đội. Chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương vùng có đông đồng bào Khơ-me sinh sống, tuyển chọn cán bộ xã (phường, thị đội), quân nhân là người dân tộc Khơ-me hết hạn nghĩa vụ quân sự, tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội, đưa đi đào tạo, sau khi tốt nghiệp ra trường, sắp xếp vào các chức vụ trợ lý cấp huyện. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng DQTV, dự bị động viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ huy và công tác chuyên môn nghiệp vụ giỏi, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bằng các biện pháp đó, đến nay, tỷ lệ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT Tỉnh đã đạt 10,29%. Cơ quan quân sự huyện, thị, xã (phường, thị trấn) có đông đồng bào Khơ-me sinh sống đều bố trí cán bộ người dân tộc theo tỷ lệ thích hợp, nhất là cán bộ chính trị, cán bộ làm công tác vận động quần chúng, cán bộ xã, phường đội trưởng (phó). Không còn tình trạng các xã (phường, thị trấn) vùng có đông đồng bào Khơ-me sinh sống bị “trắng” cán bộ người dân tộc trong LLVT. Về chất lượng, có gần 90% cán bộ người dân tộc có trình độ văn hóa cấp II, trong đó có 20% văn hóa cấp III, 50% là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT Tỉnh luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần cùng đội ngũ cán bộ các LLVT của Tỉnh giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Phấn đấu đến năm 2010, cơ sở xã (phường, thị trấn) vùng có 30-50% đồng bào Khơ-me sinh sống bố trí đủ 30% cán bộ ở Ban Chỉ huy Quân sự, ấp đội, cán bộ phân đội dân quân, cán bộ xã (phường, thị) đội trưởng (phó)... là người dân tộc; vùng có 50% đồng bào Khơ-me trở lên, bố trí đủ 50% cán bộ là người dân tộc; bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me có cơ cấu tỷ lệ 15% so với tổng số cán bộ trong LLVT tỉnh; đồng thời, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, 100% phổ cập giáo dục trung học cơ sở, có 30-40% tốt nghiệp trung học phổ thông; tích cực phát triển đảng, nâng tỷ lệ đảng viên trong cán bộ người dân tộc Khơ-me lên 70%, bảo đảm chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng-an ninh giai đoạn mới.

Nhằm tạo nguồn cán bộ vững chắc, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT. Đây là bước phát triển mới trong công tác cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me có đủ phẩm chất chính trị, năng lực công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ quân sự ở cơ sở; đồng thời, có thể phát triển thành cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền địa phương.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 7 (phần 2) khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chương trình hành động của Tỉnh uỷ về công tác dân tộc và Nghị quyết 386 của Thường vụ Đảng uỷ Quân khu 9 về việc “xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT”, Đảng uỷ, BCHQS Tỉnh đã ra Nghị quyết chuyên đề về “xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me”, chỉ đạo các cơ quan quân sự huyện và thành phố ra nghị quyết lãnh đạo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, bảo đảm cả trước mắt và lâu dài. Xác định rõ, công tác chuẩn bị nguồn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc trong LLVT là nhiệm vụ của cấp uỷ, cơ quan quân sự từ Tỉnh đến cơ sở, Tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị, trường Quân sự Tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự các huyện và thành phố Sóc Trăng lập kế hoạch tạo nguồn và quan hệ với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu đưa cán bộ đi đào tạo hằng năm. Ưu tiên chọn các thanh niên người Khơ-me có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học phổ thông, đủ tiêu chuẩn phát triển đảng đưa vào các đơn vị của Tỉnh và Quân khu để đào tạo cơ bản. Quan hệ chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị Quân khu, chọn một số quân nhân người dân tộc của địa phương theo chế độ cử tuyển vào các trường sĩ quan, chuyên môn kỹ thuật quân đội, hoặc đào tạo, bồi dưỡng để sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đảm nhiệm các cương vị cán bộ cơ sở. Tiếp tục chiêu sinh chọn các cháu người dân tộc Khơ-me đi học phân hiệu thiếu sinh quân trường Quân sự Quân khu 9; chọn nguồn học sinh là người dân tộc Khơ-me đang học các trường phổ thông tình nguyện vào các trường quân đội theo chính sách cấp học bổng quốc phòng. Kết hợp thi tuyển với cử tuyển để đào tạo sĩ quan dài hạn nguồn cán bộ dân tộc; kết hợp giữa đào tạo tại trường, bồi dưỡng tại chức với rèn luyện trong thực tế công tác, huấn luyện, tham gia lao động sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy cơ sở, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố Sóc Trăng phối hợp với Phòng Giáo dục- Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể địa phương mở các lớp bổ túc văn hóa, phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho cán bộ, xóa mù chữ trong cán bộ, chiến sĩ DQTV.

Nhờ vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT Tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mấy năm gần đây, Tỉnh đã đưa hàng chục đối tượng đi đào tạo ở các trường của Tỉnh và Quân khu, ra trường được bố trí công tác phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Phấn đấu đến năm 2010, bảo đảm chiêu sinh, tuyển sinh người dân tộc Khơ-me đủ số lượng, chất lượng cho các trường huyện, tỉnh, Trường Quân sự Quân khu và đi học các trường bổ túc, đào tạo của Bộ; tăng dần tỷ lệ đào tạo chính quy, bố trí đúng cương vị, chuyên ngành đào tạo cho đội ngũ cán bộ người dân tộc; nâng cao nhận thức chính trị, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương cả trước mắt và lâu dài.

Chủ động tiến hành công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me, vạch trần âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc, luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch là việc làm được chú trọng thường xuyên của cấp ủy, người chỉ huy các cấp. Do mối quan hệ thân tộc, số người Khơ-me trên địa bàn Sóc Trăng qua lại biên giới thăm thân nhân hằng năm khá đông, trong đó có một số đi trái phép, không báo cáo chính quyền địa phương. Lợi dụng tình hình đó, một số phần tử phản động lưu vong ở nước ngoài móc nối với bọn phản động trong nước tán phát tài liệu, băng hình phản động trên địa bàn, nhằm tuyên truyền xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động đồng bào Khơ-me tụ tập đi khiếu kiện, đòi yêu sách về ruộng đất, gây mất trật tự xã hội. Một số chức sắc tôn giáo cũng tìm cách phát triển tín đồ, truyền đạo trái phép trong đồng bào dân tộc Khơ-me, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, ven biển... Những vấn đề đó đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ người dân tộc Khơ-me trong LLVT Tỉnh, đòi hỏi cấp uỷ các cấp phải thường xuyên nắm chắc tư tưởng, chủ động đề ra biện pháp giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; đồng thời, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ người dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. 

Đảng uỷ, BCHQS Tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan quân sự địa phương, đơn vị chủ động tìm hiểu, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, kịp thời đề xuất và giải quyết những vướng mắc về tư tưởng của cán bộ theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của BCHQS Tỉnh phối hợp với cơ quan chính trị các địa phương, đơn vị thường xuyên kiểm tra, uốn nắn những lệch lạc, mơ hồ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta, đặc biệt làm rõ âm mưu kích động tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với nước ta và trên địa bàn Tỉnh. Tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho LLVT và tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trong vùng đồng bào dân tộc. Chú trọng giáo dục truyền thống của đất nước, của Đảng, của quân đội, của DQTV và truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, của tỉnh Sóc Trăng... góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc, nhất là đối với gia đình cán bộ, LLVT cơ sở. Thực hiện chính sách xã hội đối với cán bộ, chiến sĩ người dân tộc Khơ-me để họ yên tâm gắn bó với nhiệm vụ. Phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me trong LLVT có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của nhân dân, có ý thức, trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong công việc, có tinh thần đoàn kết, cùng các lực lượng, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương thời kỳ mới.

 Đại tá Lê Trung Hậu

Chính ủy BCHQS Tỉnh

______________

1- Nghị quyết số 279-NQ/ĐU ngày 22-6- 2007 của Đảng uỷ Quân khu 9 về lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ 5 năm (2006-2010).

 

Ý kiến bạn đọc (0)