QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:58 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở miền Tây Nam Bộ – mấy vấn đề cần quan tâm
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, đặc biệt là sau hơn 20 năm đổi mới, cùng với đà đi lên của cả nước, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Kinh tế tăng trưởng nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng-an ninh được giữ vững;... Đóng góp vào thành tựu đó, phải kể đến vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có những cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Xuất phát từ điều kiện lịch sử và địa lý, từ lâu đời các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã hình thành sự xen kẽ của cộng đồng dân cư các dân tộc (chủ yếu là người Kinh, Khơ-me và Hoa). Tuy mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, nhưng đều mang một điểm chung là giàu lòng yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động; kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều thanh niên, phụ nữ người Khơ-me, người Hoa đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia kháng chiến, kề vai sát cánh cùng đồng bào Kinh chịu đựng gian khổ, hy sinh, xả thân vì độc lập dân tộc và CNXH. Trong số đó, nhiều người đã trở thành cốt cán trong phong trào đấu tranh của quần chúng; những cán bộ nằm vùng kiên trung, đi đầu; những chỉ huy mưu trí, dũng cảm trong lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi giang sơn thu về một mối, cả nước cùng đi lên CNXH, nhiều đồng chí tham gia lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quê hương, đất nước, đóng góp quan trọng vào tiến trình đổi mới, đưa các địa phương phát triển đến ngày nay. Một số đồng chí được đào tạo, phát triển trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước... Có được như vậy, một phần quan trọng là cấp ủy, chính quyền các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua các thời kỳ luôn nắm vững đường lối, quan điểm công tác cán bộ của Đảng; tích cực, chủ động, có nhiều biện pháp kiện toàn, phát triển đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng, phù hợp với sự phát triển của cách mạng.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở miền Tây Nam Bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Kết quả một số nghiên cứu cuối năm 2006 ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ cho thấy, tỉ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong cơ cấu cán bộ của hệ thống chính trị địa phương còn thấp. Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào Khơ-me và Hoa nhất, nhưng cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 6,04%; ở Bạc Liêu, khối hành chính: 1,5%; khối sự nghiệp: 3,7%; ở Trà Vinh, cấp tỉnh, huyện: 8%; cấp xã, phường: 15,87%... Điều đáng quan tâm là, chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn chưa đồng đều; trình độ lý luận chính trị, nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của một bộ phận còn hạn chế; việc nắm quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, văn hóa vùng và vấn đề bình đẳng giới ở một số cán bộ chưa đầy đủ; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn còn có khoảng cách so với yêu cầu; một số đồng chí nhiệt tình, trách nhiệm chưa cao... Những hạn chế đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các địa phương, nhất là hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những năm qua, miền Tây Nam Bộ đã có những khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, đời sống của một bộ phận nhân dân chưa được cải thiện đáng kể; cung cách làm ăn của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, manh mún. Nạn buôn lậu qua biên giới, tệ nạn xã hội tiếp tục gia tăng. Lợi dụng khó khăn, các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra sức cấu kết, mưu toan phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn. Một bộ phận quần chúng, do thiếu hiểu biết, lại bị chúng kích động, dẫn đến có những hành vi không đúng, gây mất ổn định chính trị ở cơ sở. Tình hình đó đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền các cấp phải coi trọng hơn nữa việc nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở; trong đó, vấn đề có ý nghĩa then chốt là phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đủ về số lượng và có chất lượng ngày càng cao. Đây được xem là một yêu cầu vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa là đòi hỏi bức thiết, trước mắt của địa bàn quan trọng này.   
Trước hết, cấp uỷ các địa phương cần sớm kiện toàn về số lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng của địa phương mình. Từ kinh nghiệm ở nhiều nơi khác trên cả nước, chúng tôi cho rằng, việc kiện toàn đội ngũ cán bộ về số lượng, ngoài các yêu cầu về độ tuổi, trình độ, năng lực, cần tính đến cơ cấu dân cư, sao cho tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số so với tổng số cán bộ các cấp dần tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số so với tổng dân số dân cư trên địa bàn. Để đạt được tỉ lệ đó, cần tích cực tạo nguồn cán bộ từ người dân tộc thiểu số; chủ động phát hiện, lựa chọn, cất nhắc, đề bạt những đồng chí tiêu biểu về lập trường, bản lĩnh, phẩm chất chính trị-đạo đức, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới; có năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và được nhân dân tín nhiệm; mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào cương vị lãnh đạo, chủ trì các cấp. Đồng thời, có kế hoạch đưa đi đào tạo ở các trường chính trị, trường dân tộc nội trú những học sinh, sinh viên (nhất là người Khơ-me) có hoài bão cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước; sau này ra trường, kịp thời bổ sung vào nguồn cán bộ xây dựng địa phương. Theo chúng tôi, do điều kiện còn khó khăn, con em đồng bào dân tộc Khơ-me ít có điều kiện học hành, nên không nhất thiết cứ phải căn cứ vào trình độ học vấn để lựa chọn người đi đào tạo. Có thể châm chước (lớp 10, 11 hoặc 12), rồi trong quá trình đào tạo, sẽ có kế hoạch bổ sung kiến thức văn hóa cho đối tượng này trước khi bước vào học chính khoá.
Lãnh đạo các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu (những tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất miền Tây Nam Bộ) đều cho rằng, hiện nay việc nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết. Gần đây, các tỉnh đã tích cực mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số, song số cán bộ chủ chốt, cán bộ quy hoạch dự nguồn cấp xã, phường, thị trấn chưa qua đào tạo trung cấp chính trị còn khá nhiều. Để phát triển trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ quy hoạch dự nguồn cấp huyện, thị xã và sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, nhất thiết họ phải qua một chương trình đào tạo cao cấp lý luận. Hiện nay, nhu cầu đào tạo đối tượng này đang rất lớn (thí dụ, riêng tỉnh Trà Vinh khoảng 600 đồng chí), nhưng chưa được đáp ứng. Do đó, để tạo điều kiện cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số, Trung ương cần nghiên cứu, sớm có biện pháp, hình thức phù hợp, giúp các tỉnh tự mở các lớp cao cấp lý luận chính trị dành cho người dân tộc thiểu số.
Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm, đó là chương trình đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số ở miền Tây Nam Bộ trong các trường chính trị hiện nay khá lạc hậu so với nhu cầu phát triển của bản thân họ. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu xây dựng khung chương trình đào tạo lý luận chính trị riêng cho cán bộ các dân tộc thiểu số của cả nước, trong đó có khu vực miền Tây Nam Bộ. Ngoài chương trình chung bồi dưỡng các môn lý luận Mác-Lê-nin, cần dành quỹ thời gian thích đáng để mở rộng hiểu biết cho người học về các vấn đề dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hóa; vấn đề bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ; những kiến thức về chính trị học; về quốc phòng, an ninh;... trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Các trường chính trị làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cần có kế hoạch tổ chức học tập, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ giảng viên, cán bộ nhà trường. Bởi lẽ, biết tiếng dân tộc thiểu số sẽ là một thế mạnh để công tác giáo dục, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn.
Làm tốt công tác tư tưởng, kết hợp đổi mới chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số là một yêu cầu thường xuyên đối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có thể nói rằng, đời sống kinh tế khó khăn; một số chế độ, chính sách đối với cán bộ còn thiếu nhất quán; thêm vào đó là sự tuyên truyền, kích động gây mâu thuẫn trong nhân dân của các thế lực thù địch;... phần nào ảnh hưởng đến nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở địa phương, cơ sở. Do đó, đồng thời với yêu cầu nâng cao giác ngộ chính trị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên tư tưởng để đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nhận thức sâu sắc hơn đường lối đổi mới, chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng; nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Từ đó đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cùng với đó, cần chủ động nghiên cứu, có chính sách phù hợp đối với những cán bộ người dân tộc thiểu số là lãnh đạo chủ chốt, tiêu biểu đã tham gia công tác lâu năm và những cán bộ được điều động, bổ nhiệm mới hoặc luân chuyển theo yêu cầu phát triển của nhiệm vụ; tạo điều kiện để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, luôn yên tâm về hậu phương, gia đình, dù phải công tác xa nhà.
Tăng cường công tác quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng là một nội dung rất quan trọng đối với các địa phương miền Tây Nam Bộ. Trong điều kiện giao lưu kinh tế ngày càng rộng mở với nước bạn, nhiều vấn đề tiêu cực tác động, nếu không có sự quản lý một cách thường xuyên, sâu sát, rất dễ dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của cán bộ. Do đó, các cấp ủy cần tăng cường công tác kiểm tra; thực hiện có nền nếp việc phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên, nhận xét cán bộ; thường xuyên phát huy dân chủ, lắng nghe sự phản ánh của quần chúng; phát hiện kịp thời những biểu hiện vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, trên cơ sở đó có hình thức quản lý, giáo dục, thi hành kỷ luật thích hợp.
Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở miền Tây Nam Bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn chủ động, sáng tạo, tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phát triển một cách đồng bộ, vững chắc. Mặt khác, Đảng, Nhà nước cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về mọi mặt, giúp các tỉnh miền Tây Nam Bộ vượt qua khó khăn, xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới.
TS. Nguyễn Thị Ngân
Phó Viện trưởng Viện CNXH khoa học
Học viện CTHCQG Hồ Chí Minh
 

Ý kiến bạn đọc (0)