QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 22:58 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân đội thời kỳ mới

Đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược (CD,CL) là một bộ phận trọng yếu của quân đội ta; giữ trọng trách lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của Bộ, các tổng cục, các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là đội ngũ chịu trách nhiệm chính trên một hướng, một lĩnh vực, một địa bàn, một quân chủng, binh chủng; đồng thời, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng của đất nước; là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng, huấn luyện, sản xuất, công tác... của quân đội ta. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ CD,CL có số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và quân đội ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ CD,CL. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ chủ trì đơn vị cấp CD,CL có bản lĩnh chính trị vững vàng, được rèn luyện, thử thách trong chiến tranh, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu và chỉ huy, lãnh đạo đơn vị; có khả năng phân tích và xử lý đúng đắn các tình huống theo nhiệm vụ, chức trách. Cán bộ cơ quan tham mưu cấp CD,CL được đào tạo cơ bản, đa số đã qua chỉ huy, quản lý ở đơn vị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có phong cách, phương pháp công tác phù hợp, có năng lực chuyên môn, có khả năng quán triệt, nắm vững và tham mưu đề xuất các chủ trương, giải pháp ở tầm vĩ mô về quân sự, quốc phòng và hướng dẫn đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay độ tuổi trung bình của cán bộ CD,CL còn cao so với chức vụ (cán bộ dưới 50 tuổi chiếm 7%, 54 tuổi trở lên chiếm 72%), nguồn chủ trì về chính trị còn mỏng; khả năng nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu đề xuất ở tầm chiến lược của một số đồng chí còn hạn chế; số cán bộ cơ quan tham mưu cấp CD,CL có trình độ sau đại học, chuyên môn giỏi còn ít.

Yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới đặt ra những yêu cầu rất cao cả về phẩm chất, năng lực và độ tuổi đối với đội ngũ cán bộ CD,CL. Để xây dựng đội ngũ cán bộ CD,CL vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, chú trọng một số vấn đề cơ bản sau:

1. Xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự kế thừa liên tục, vững chắc trong quá trình chuyển tiếp giữa các lớp cán bộ CD,CL. Quy hoạch là khâu trung tâm có liên quan chặt chẽ đến tất cả các khâu của công tác cán bộ; làm tốt công tác quy hoạch sẽ “bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”1. Bởi vậy, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, cấp ủy phải làm tốt công tác quy hoạch; đồng thời, phải thường xuyên làm tốt việc rà soát, bổ sung theo định kỳ hằng năm và đột xuất theo sát sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt và quản lý quy hoạch cán bộ theo phân cấp; bảo đảm mỗi chức danh phải có nhiều nguồn, nhiều độ tuổi; mỗi người có thể được quy hoạch nhiều chức danh. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ CD,CL, cần tiến hành đồng bộ, hiệu quả nhiều khâu; ở đây, chúng tôi tập trung bàn về khâu tạo nguồn và tuyển chọn đào tạo cán bộ chủ trì đơn vị, cán bộ cơ quan tham mưu cấp CD,CL.

Trước hết, cần làm tốt việc phát hiện nguồn, phát hiện tài năng sớm. Căn cứ vào hệ thống thông tin quản lý nhân sự, như: quy hoạch sắp xếp cán bộ chủ trì, nhận xét, đánh giá cán bộ, phân tích chất lượng đảng viên và những kết luận về phẩm chất, đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều kiện sức khoẻ, tuổi đời, các cấp ủy lựa chọn những người có điểm nổi trội để đưa vào nguồn cán bộ CD,CL. Các cấp ủy cần tiến hành việc khảo sát, phân tích đánh giá kết quả học tập của người cán bộ ở từng cấp đào tạo và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ khi đảm nhiệm các cương vị, chức vụ khác nhau, để nhận định đúng khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn và thiên hướng phát triển của người cán bộ. Khi khảo sát kết quả học tập, cần chú ý những người đã tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, thủ khoa các khoá đào tạo để tuyển chọn, không bỏ sót những người có dấu hiệu tài năng. Đây cũng là cơ sở để làm phép so sánh, đánh giá khả năng lĩnh hội kiến thức, tư duy khoa học, tính sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo, quản lý ở cấp cao hơn của người cán bộ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu độ tuổi, lĩnh vực công tác, cần mở rộng đối tượng khảo sát, xem xét dự tuyển để phát hiện tạo nguồn sớm. Theo đó, nên khảo sát, xem xét, tuyển chọn đến các chức danh: phó sư đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh (thành phố); phó chính ủy sư đoàn, phó chính ủy BCHQS tỉnh (thành phố) và tương đương; trưởng phòng tham mưu, nghiên cứu thuộc cơ quan CD,CL; chủ nhiệm khoa chiến thuật, chiến dịch và chủ nhiệm một số khoa lý luận của các học viện.

Thứ hai, về bồi dưỡng nguồn. Sau khi đã phát hiện được nguồn, cấp ủy cần chủ động lập kế hoạch bồi dưỡng, hoàn thiện các tiêu chí của người cán bộ theo tiêu chuẩn của đối tượng đào tạo. Thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển, đảm nhiệm các chức vụ, đi thực tế trên các địa bàn chiến lược, các loại hình đơn vị, giao nghiên cứu đề tài, xây dựng đề án và bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cần thiết khác. Đây là khâu “bồi dưỡng trước” cán bộ CD,CL và cũng là quá trình kiểm nghiệm hoạt động thực tiễn để đánh giá nhân sự. Qua đó, có thể sàng lọc giúp cho khâu tiếp theo tuyển chọn được chính xác hơn.

Thứ ba, về tuyển chọn nguồn. Đây là khâu phân tích, tổng hợp kết quả của hai quá trình trước; từ đó, cấp ủy lựa chọn những người hội tụ đủ các tiêu chuẩn đầu vào đào tạo cán bộ CD,CL. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện phương thức xét tuyển đối với loại hình đào tạo cán bộ CD,CL. Trong thời gian tới, để đánh giá chất lượng đầu vào đào tạo cán bộ CD,CL, theo chúng tôi, cùng với việc xét tuyển, cần phải kiểm tra đầu vào và đối tượng dự tuyển phải bảo vệ thành công một chuyên đề có tính lý luận và thực tiễn về lĩnh vực mình hoạt động.

2. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ CD,CL đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đào tạo là khâu tiếp theo của việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn nguồn để thực hiện quy hoạch cán bộ. Đây là khâu giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng.

Chất lượng đào tạo nói chung, đào tạo cán bộ CD,CL nói riêng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: nguồn đầu vào; mục tiêu đào tạo; cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý; nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, và nhân viên; nghiên cứu khoa học và ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ; thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác… Vì thời gian đào tạo cán bộ CD,CL không dài, cho nên, để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phát huy đầy đủ vai trò của từng yếu tố; đồng thời, khắc phục có hiệu quả mọi yếu kém, bất cập của các yếu tố đó, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng và Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác giáo dục - đào tạo, cần chú ý đổi mới công tác nhà trường; chú trọng đổi mới quy trình đào tạo cán bộ CD,CL. Chương trình đào tạo cần tiếp tục thiết kế theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hoá”, gắn với sự phát triển của tình hình thế giới, trong nước cũng như thực tiễn quân đội ta, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, khoa học, kỹ thuật quân sự. Nội dung đào tạo phải sát với đối tượng tác chiến, phù hợp với khả năng và cách đánh của ta, bảo đảm sự liên thông giữa các cấp đào tạo, tránh trùng lắp; phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và bồi dưỡng năng lực tư duy ở tầm CD,CL thông qua giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước và quân đội đang đặt ra.

3. Đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ để nâng cao khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn khác nhau của cán bộ CD,CL. Đây là khâu “tiếp tục đào tạo” cán bộ CD,CL, nhưng không phải ở trường, mà là trong thực tiễn hoạt động, thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, làm công tác tham mưu của cán bộ. Thông qua công tác luân chuyển để tạo động lực mới cho cán bộ trong tu dưỡng, rèn luyện, tạo sự đoàn kết, thống nhất, chống biểu hiện cục bộ, khép kín, trì trệ trong từng đơn vị, địa bàn; tăng cường cán bộ cho những nơi có yêu cầu cấp bách, nhất là các đơn vị, địa bàn trọng điểm, khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đối với cán bộ CD,CL, do yêu cầu phải có kiến thức rộng và trải nghiệm thực tiễn nhiều lĩnh vực, nhiều vị trí (ở cơ quan, đơn vị, quân chủ lực và ở quân địa phương...) nên càng cần phải thực hiện tốt công tác luân chuyển. Thực hiện công tác luân chuyển cán bộ CD,CL còn nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, dự báo, tham mưu, đề xuất những vấn đề có tính cơ bản, chiến lược, những vấn đề phức tạp trong thực tiễn đặt ra. Bởi vậy, cần khắc phục những biểu hiện xem nhẹ công tác luân chuyển, hoặc thực hiện luân chuyển chỉ mang tính hình thức, như: luân chuyển chưa đủ thời gian cần thiết đã điều động, thay đổi vị trí, địa bàn; hoặc nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển không giao, không phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể; do vậy, cán bộ được luân chuyển không thực sự “vào cuộc”. Đồng thời, cần ngăn ngừa, khắc phục tình trạng lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ để “đẩy” cán bộ không “ăn ý” với mình đi nơi khác, làm phương hại đến lợi ích của tập thể, đến sự nghiệp xây dựng cán bộ của quân đội ta.

Xây dựng đội ngũ cán bộ CD,CL là một nội dung lớn, đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề trước mắt, mà còn là vấn đề lâu dài, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bởi vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu để có nội dung, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Đại tá NGÔ HỮU MINH

__________

1- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG, H.1997, tr. 82.

 

Ý kiến bạn đọc (0)