QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 23:48 (GMT+7)
Xây dựng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh - một giải pháp củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn Quân khu 2
Địa bàn Quân khu 2 có trên 6,5 triệu dân, gồm 34 dân tộc, cư trú tại 18.237 thôn, bản, thuộc 1.502 xã, phường, thị trấn; trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 48%, sinh sống chủ yếu ở các xã, thôn, bản vùng cao, biên giới, nơi có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh (QP-AN). Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Quân khu vốn giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất trong kháng chiến, cần cù, sáng tạo trong lao động, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng hiện nay đang còn nhiều khó khăn. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, đến đầu năm 2006, trên địa bàn 50 đội công tác tăng cường xây dựng cơ sở của Quân khu ở 273 bản, 50 xã, thuộc 24 huyện của 5 tỉnh biên giới (chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc Mông chiếm 61,8%), thì 100% xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao, có xã chiếm 70%; tỷ lệ mù chữ 25,9%. Cơ sở hạ tầng vẫn trong tình trạng kém phát triển, nhất là giao thông nông thôn, về mùa mưa có 70-80% số xã không thể đi lại được bằng ô tô. Trình độ dân trí của nhân dân còn hạn chế. Những mâu thuẫn nội bộ quần chúng (nhất là việc tranh chấp đất đai), hiện tượng di dịch cư tự do và các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn xảy ra ở một số nơi. Hệ thống chính trị cơ sở, mặc dù đã được các địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn, năng lực và hiệu quả hoạt động được nâng lên một bước, nhưng ở không ít nơi, đội ngũ cán bộ chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tình hình đó nếu không sớm khắc phục, sẽ là mảnh đất tốt cho các lực lượng thù địch lợi dụng tuyên truyền, kích động nói xấu Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, chia rẽ Đảng với quần chúng, tìm cách vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở.

Xuất phát từ tình hình trên, Quân khu và các địa phương đã xác định: phải thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, xem đây là một giải pháp quan trọng, nhằm góp phần củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, Quân khu đã quan tâm giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tham mưu và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ sở thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng cho phù hợp với đặc điểm địa bàn và đối tượng cán bộ, đảng viên, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong điều kiện mặt bằng dân trí thấp, lại ở các cơ sở vùng sâu, vùng xa, biên giới, giao thông chưa phát triển, phương tiện đi lại khó khăn, phương tiện truyền thông còn hạn chế, nên mọi thông tin, nhất là các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thường đến với đồng bào rất chậm; sự tiếp thu của đồng bào cũng không thật đầy đủ. Vì vậy, tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức đúng đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; nhận thức rõ tính chất nguy hiểm, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch đối với nước ta nói chung và đối với địa bàn Tây Bắc nói riêng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu và các địa phương trong tình hình hiện nay. Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tham mưu và phối hợp với địa phương tích cực đổi mới, vận dụng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với các đối tượng cán bộ, đảng viên, quần chúng là người dân tộc thiểu số. Các địa phương đã  mở nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã, thôn, bản theo địa bàn xã hoặc cụm xã. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, như: thông qua hệ thống thông tin đại chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở; các đội công tác xây dựng cơ sở của LLVT, đội công tác liên ngành tuyên truyền, vận động nhân dân; các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tổ chức cho bộ đội huấn luyện hành quân dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận; phát huy vai trò và tiếng nói của các trưởng thôn, trưởng bản, già làng, người có uy tín trong họ tộc... Các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục này được LLVT Quân khu và các địa phương thực hiện tương đối tốt, đạt hiệu quả cao. Biểu hiện rõ nhất là, LLVT đã phối hợp với địa phương thực hiện có nền nếp, chất lượng các chuyên mục Quốc phòng toàn dân trên báo, đài phát thanh-truyền hình của tỉnh. Thông qua hệ thống đài truyền thanh của huyện, xã truyền tải những thông tin về nhiệm vụ kinh tế-xã hội (KT-XH) và QP-AN của địa phương, phát huy trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Các tài liệu giáo dục chính trị, giáo dục quốc phòng được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, sát với tình hình địa phương, cơ sở, phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, báo cáo viên thời sự các cấp đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố quốc QP-AN của địa phương; chú trọng đến những cơ sở vùng sâu, vùng xa-nơi phát thanh, truyền hình chưa phủ sóng để tuyên truyền, vận động nhân dân. Năm 2006, toàn Quân khu đã tổ chức 33  lượt đại đội, 28 lượt trung đội, với 4.025 lượt cán bộ, chiến sĩ, 10.889 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ xuống 49 xã vùng sâu, vùng xa tuyên truyền, vận động nhân dân; các đội công tác xây dựng cơ sở đã tổ chức tuyên truyền được 749 buổi cho 12.198 lượt người.
Tích cực củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên về mọi mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực, ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ được giao; đặc biệt là năng lực hành động, nói đi đôi với làm, lấy bản thân và gia đình mình làm tấm gương để bà con học tập, noi theo. Các đơn vị LLVT Quân khu, nhất là cơ quan quân sự địa phương các cấp, các đội công tác xây dựng cơ sở đã triển khai khảo sát tình hình địa bàn, các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, từ đó làm tham mưu, kiến nghị những biện pháp thiết thực để củng cố, kiện toàn các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội. Nội dung tham mưu giúp các cấp ủy ở cơ sở tập trung vào việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội; hướng dẫn xây dựng nghị quyết thường kỳ, nghị quyết chuyên đề, nghị quyết lãnh đạo năm; phương pháp điều hành sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, tổ chức đại hội chi bộ, đảng bộ; trình tự và cách thức tổ chức một buổi kết nạp đảng viên mới; bồi dưỡng, phát hiện đối tượng Đảng và nghiệp vụ công tác kiểm tra; bồi dưỡng năng lực điều hành sinh hoạt, hoạt động của chi bộ, đảng bộ của Bí thư, Phó Bí thư... Đối với các cấp chính quyền thôn, bản, xã, tập trung làm tham mưu, hướng dẫn cán  bộ thực hiện chế độ trực, nhất là chế độ tiếp dân; cách thể hiện các mẫu biểu thống kê, báo cáo; cách điều hành các hội nghị do chính quyền tổ chức; công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Đối với các đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, tập trung làm tham mưu, hướng dẫn xây dựng các văn kiện, chương trình hoạt động; bồi dưỡng về chức năng, nhiệm vụ, phương pháp vận động quần chúng. Năm 2006, các đội công tác của Quân khu đã giúp các cơ sở củng cố, kiện toàn 224 lượt tổ chức; cùng cấp ủy địa phương lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp được 167 đảng viên mới, 243 đối tượng kết nạp đảng... Cách làm thiết thực, cụ thể của các đội công tác của Quân khu đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.
Đẩy mạnh phát triển KT-XH, kết hợp với thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN, không để xảy ra những "điểm nóng" về an ninh, trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã triển khai nhiều chương trình, dự án, tập trung vào phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như: Chương trình 327 trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, Chương trình 135 xóa đói, giảm nghèo, các dự án nhỏ xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trạm xá..., tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH trên nhiều khu vực. Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan quân sự, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp chặt chẽ với các địa phương khảo sát thực trạng các xã, thôn, bản, nắm chắc các cơ sở khó khăn, các hộ đói nghèo để giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như thiếu lương thực, nhà ở tạm, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu; nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh quân-dân y kết hợp, nhất là trạm xá tuyến xã, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tích cực giúp các cơ sở vùng sâu, vùng xa, biên giới thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng làng, gia đình văn hóa, giữ vững thuần phong mỹ tục, chống mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục lạc hậu... Đặc biệt, các đơn vị kinh tế-quốc phòng của Quân khu đã thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, bố trí lại dân cư, nhất là ở các cơ sở vùng cao, biên giới, sử dụng hợp lý lao động, tài nguyên, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân, thực hiện định canh, định cư bền vững, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm rẫy. Các  đội công tác của Quân khu đã tham mưu và trực tiếp tham gia cùng địa phương thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khai hoang trồng lúa nước, xây dựng bản làng văn hóa mới. Bằng nhiều biện pháp như tổ chức làm thử, làm mẫu, thao diễn, tổ chức hội nghị đầu bờ phổ biến kinh nghiệm, kiên trì thực hiện “4 cùng”, các đội công tác đã tiếp cận và có điều kiện giúp đỡ đồng bào hiệu qủa, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Cùng với việc tham gia xây dựng, phát triển KT-XH, các đơn vị LLVT Quân khu, nhất là các đội công tác, đã tích cực tham mưu và trực tiếp tham gia giúp cơ sở triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN. Ngay từ khi mới xuống cơ sở, các đội công tác đã bắt tay ngay vào việc tổ chức khảo sát địa bàn, nhất là tình hình an ninh chính trị, nắm chắc các đối tượng chính trị, đối tượng hình sự, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, tình hình di dịch cư tự do, buôn lậu, tệ nạn xã hội... để làm tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền có biện pháp xử lý phù hợp. Các đội công tác còn thường xuyên phối hợp với các lực lượng, nhất là lực lượng công an làm tốt công tác tuyên truyền, vạch trần âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; âm mưu lợi dụng các vấn đề tự do tôn giáo, dân tộc để lừa mỵ, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do làm tốt công tác nắm tình hình và tham mưu đề xuất đúng, trúng cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở về nhiệm vụ QP-AN, nên mọi vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đều được xử lý kịp thời ngay từ cơ sở, không để lan rộng, kéo dài. Việc tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do từng bước được ngăn chặn. Các vụ việc tranh chấp đất đai, mất đoàn kết trong nhân dân đã giảm đáng kể. Nhân dân các dân tộc yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền kiểm soát được tình hình, quản lý, điều hành tương đối tốt các lĩnh vực, cả KT-XH và QP-AN ở cơ sở. Đây chính là cơ sở, nền tảng để đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đẩy lùi đói nghèo; là nhân tố quan trọng góp phần củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững về KT-XH ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, ở địa bàn Quân khu nói chung trong thời kỳ mới.
Thiếu tướng, ThS. Nguyễn Văn Chỉnh
Phó Chính ủy Quân khu
 
Ý kiến bạn đọc (0)